GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH
THÔNG ĐIỆP
CỦA ĐỨC PHÁP CHỦ HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM GỬI TĂNG NI, PHẬT TỬ
NHÂN DỊP ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LIÊN HỢP QUỐC NĂM 2008 (VESAK)
PHẬT LỊCH 2552 – DƯƠNG LỊCH 2008
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính gửi: Chư Tôn túc Hoà thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư,
Đại đức Tăng Ni, Quý Cư sĩ Phật tử Việt Nam và Quốc tế
Hôm nay, trong không khí đại hoan hỷ và hoà hợp của người con Phật đại diện cho các tổ chức hệ phái Phật giáo trên thế giới vân tập về đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi, để cùng nhau tổ chức ngày Vesak (gọi tắt là Đại Lễ Phật Đản), Phật lịch 2552, dương lịch 2008, thay mặt Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và nhân danh cá nhân, Tôi có lời cầu chúc đến Chư tôn đức Giáo phẩm, cùng toàn thể Quý vị Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử và Quý vị Khách quý thân tâm thường an lạc, thành tựu mọi Phật sự.
Cách đây hơn 2500 năm trước, Đức Giáo chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời tại đất nước Ấn Độ, cội nguồn của nền văn minh sông Hằng. Trải qua quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh, Đức Giáo chủ đã để lại cho nhân loại một hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, tình thương, hoà bình, hoà hợp và phát triển. Với ý nghĩa thiết thực đó, năm 1999 Đại hội đồng Liên hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết công nhận ngày Vesak (Lễ Tam hợp: Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn) là lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới vì hoà bình của nhân loại.
Hưởng ứng các hoạt động chung của Liên hợp Quốc, Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định đăng cai tổ chức Đại lễ Tam hợp lần thứ V năm 2008 và được Uỷ ban Quốc tế (IOC) chính thức bàn giao tại Đại lễ lần thứ IV năm 2007 tổ chức tại Băngkok – Thái Lan.
Chúng tôi xác định đây là vinh dự to lớn và là thuận duyên đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam để góp phần cùng với cộng đồng Phật giáo Quốc tế trong việc phát huy tư tưởng giáo lý của Đức Phật trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh và bảo vệ hoà bình cho nhân loại trong phạm vi toàn cầu.
Trải qua hơn 2000 năm lịch sử hiện diện và đồng hành với dân tộc, Đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc Việt Nam. Với chủ đề xuyên suốt: “Sự đóng góp của Phật Giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, chúng tôi tin tưởng rằng Đại lễ Tam hợp lần thứ V Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ duyên để chia sẻ những kinh nghiệp và học thuật uyên thâm của các học giả đến từ khắp các châu lục.
Bên cạnh đó, Quý vị cũng sẽ tham gia các hoạt động nằm trong khuôn khổ của Đại lễ như tham quan di sản Văn hoá Phật giáo xưa và nay, nghi lễ cầu nguyện hoà bình thế giới, biểu diễn văn hoá nghệ thuật mang đậm nét truyền thống Phật giáo và văn hoá dân tộc Việt Nam. Đó là những Phật sự có ý nghĩa của Tăng Ni, Phật tử hội tụ tại đây để thành tâm kính dâng lên Đức Từ Phụ nhân ngày sinh của Người.
Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tôi có lời tán thán công đức của Quý liệt vị và cầu nguyện Đức Từ Phụ gia hộ cho thế giới được hoà bình, an lạc hạnh phúc đến với mọi người và tất cả các hoạt động Phật sự của chúng ta được thành tựu viên mãn.
Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.
TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
PHÁP CHỦ
(Đã ấn ký)
HOÀ THƯỢNG THÍCH PHỔ TUỆ