Thực ra, cúng dàng là một pháp môn tu tập được bàn bạc trong nhiều kinh điển Phật giáo và được giới Phật tử thực thi hành trì một cách tinh tấn. Danh từ cúng dàng đã được các cao tăng giải thích, cắt nghĩa tại nước ta từ thời Phật giáo du nhập, khi mà Trung tâm Phật giáo Luy Lâu đi vào hoạt động dịch thuật, chú giải các bản kinh như Lục độ tập kinh, Tứ thập nhị chương…
Cúng dàng (Pùjana) là danh từ kép phiên âm từ chữ Trung Hoa “cung dưỡng” mà trong quá trình tiếp biến ngôn ngữ và văn hóa được Phật tử miền Nam nước ta đọc trại là cúng dường, miền Bắc đọc là cúng dàng. Cung có nghĩa là cúng thí, cung cấp, hiến dâng, phụng sự, hy sinh. Dưỡng là nuôi dưỡng, vun trồng. Cung dưỡng là dâng cúng những phẩm vật và phẩm chất cao quý của mình đến với người khác trong ý nghĩa bồi dưỡng, thăng tiến các giá trị phẩm hạnh cao quý cho tự thân và tha nhân đồng được lợi lạc.
Trong ý nghĩa đó, các kinh điển Phật giáo đã diễn giải nhiều phương thức cúng dàng để Phật tử thực thi công hạnh cúng dàng tùy theo nhân duyên và hạnh nguyện của mỗi cá nhân. Theo Di giáo sớ luận thì cúng dàng có hai cách: Thân cúng dàng và tâm cúng dàng. Cúng dàng thức ăn, y phục, thuốc men… thuộc thân cúng dàng. Còn bất cộng tâm, vô yểm túc tâm, đẳng phần tâm cúng dàng thuộc tâm cúng dàng.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Phật học còn dựa vào các bản kinh, luận khác nhau về ý nghĩa cúng dàng mà phân loại phương thức cúng dàng. Thập trụ Tỳ bà sa ghi rằng: Có hai loại cúng dàng, nhờ nghe hiểu Chính pháp Đại thừa gọi là pháp cúng dàng, còn dâng tứ sự cúng dàng gọi là tài cúng dàng. Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm sớ thì phân thành ba loại cúng dàng: Tài cúng dàng là cúng dàng của cải, vật báu hương hoa; Pháp cúng dàng là phát tâm Bồ đề, thực hành tự lợi và lợi tha; Quán hạnh cúng dàng là thực hành những quán hạnh cúng dàng theo kinh Hoa Nghiêm như Châu biến hàm dung quán, Sự sự vô ngại quán.
Pháp Hoa văn cú nói có ba nghiệp cúng dàng: Thân nghiệp cúng dàng là thân chí thành lễ kính chư Phật và Bồ tát; Khẩu nghiệp cúng dàng là miệng nói lời ngợi ca công đức chư Phật và Bồ tát; Ý nghiệp cúng dàng là giữ tâm thanh tịnh, quán tưởng tướng hảo trang nghiêm chư Phật và Bồ tát. Suy cho cùng việc hành giả tu tập hạnh cúng dàng là thực thi lộ trình tu tập thân và tâm qua thân khẩu ý nghiệp thanh tịnh trong ý nghĩa hóa hiện hạnh nguyện Bồ tát với mục đích tự lợi và lợi tha tại cuộc đời này.
Xem ra công hạnh cúng dàng và bố thí có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc thực hành đời sống hướng nội, thăng tiến tâm linh và sau cùng là chứng ngộ giải thoát. Các bản kinh Nikaya, A hàm, Đại thừa đều ghi nhận về việc cúng dàng Phật Pháp Tăng và bố thí cho chúng sinh đều đem lại công đức lớn, lợi ích lớn, được sinh Thiên hay chứng ngộ Niết bàn. Bản kinh Tứ Thập Nhị Chương, được dịch và phổ biến tại nước ta vào thời Phật giáo du nhập đã được các cao tăng thời đó thuyết giảng, đề cao việc cúng dàng, bố thí.
Kinh Vu Lan, Phật trình bày về lợi lạc cúng dàng Tam bảo, cha mẹ nhiều đời thoát khỏi tam đồ. Kinh Pháp Hoa là bản kinh trở thành pháp môn tu căn bản của Phật tử Việt Nam và khu vực Đông Á đều chú trọng việc diễn giải pháp cúng dàng và bố thí qua thân và tâm với quả báo phước trí vô lậu mà mỗi hành giả có thể đạt được trên con đường hướng tâm đến Niết bàn an lạc. Còn bản kinh Đại Phương Quảng Như Lai Bất Khả Tư Nghị Cảnh Giới thì khẳng định một cách dứt khoát “Hễ người nào thành tâm hoan hỷ cúng dàng Phật Pháp Tăng và bố thí chúng sinh thì nhất định được an vui, phước đức vô lượng v.v… và mau chóng thành tựu quả vị Vô thượng Chính đẳng giác”.
Thế nên, ngay từ khi Phật còn tại thế, pháp cúng dàng và bố thí đã được Ngài tán thán và khéo léo tạo thiện duyên cho hàng Phật tử thực hành như là nếp sống đạo cần phải nỗ lực hành trì trong lộ trình tu tập. Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì về những hình ảnh Đức Phật và chư Tăng hứa khả về thụ trai tại các gia đình Phật tử được ghi lại trong kinh điển khá chi tiết và cụ thể. Đáng chú ý nhất, có hai lần Phật đã đặc biệt tán thán. Lần thứ nhất là bữa ăn đầu tiên gồm có sữa và mật ong do nàng Sujata cúng dàng Đức Thế Tôn trước khi Ngài chứng Vô thượng Chính đẳng giác, thành tựu quả vị Phật dưới gốc Bồ đề. Lần thứ hai là bữa ăn cuối cùng gồm có mộc nhĩ do người thợ rèn Cunda cúng dàng trước khi Đức Như Lai nhập diệt. Hai bữa ăn mà Phật khả chứng đã đem lại, đồng một dị thục quả, được phước báo lớn hơn, lợi ích lớn hơn các sự cúng dàng khác.
Rõ ràng, công hạnh cúng dàng mà hàng Phật tử thường xuyên nỗ lực hành trì trong đời sống hiện tại sẽ tác động vào sự chuyển hóa tâm thức của mỗi cá nhân trong xã hội. Việc mỗi người phát nguyện dâng cúng các phẩm vật tứ sự, tịnh tài cho đến các việc làm công đức cho Tam bảo chính là đang làm cho các hạt giống Phật tâm hóa hiện, tự tính như thật các pháp hiện khởi, bản tính thanh tịnh hòa hợp hiện hành ngay trong đời này.
Tại đây, hình ảnh Đức Phật trong tâm thức của bạn sẽ hóa hiện vào dòng đời qua việc góp phần xây dựng hay trùng tu các ngôi già lam để tạo ra môi trường tu tập cho mọi người. Nhờ vậy mà Chính pháp được hành trì, phổ biến rộng khắp và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong ý nghĩa đó, cuộc sống con người sẽ được hạnh phúc khi mà mỗi cá nhân được an trú trong tinh thần bình đẳng, hòa hợp, đoàn kết chung lòng để làm các việc lợi mình, lợi người và lợi cả hai.
Huống chi Phật từng khuyến khích hàng Phật tử “Phụng sự chúng sinh là cúng dàng chư Phật”, nó trở thành mục đích tối hậu trong việc thực thi đời sống tâm linh và đời sống sinh hoạt thực tiễn của mỗi cá thể, thành viên của cộng đồng. Trên hết nó là nhân tố, nguồn lực để thúc đẩy xã hội phát triển và hoằng dương Chính pháp tồn tại mãi ở cuộc đời.
Biện pháp để hiện thực hóa nếp sống đạo này là hành trì Lục độ. Sự bố thí, chia sẻ vật chất từ những sản phẩm làm ra sẽ là nguồn động lực kích thích cho mỗi cá thể phát huy khả năng sáng tạo làm giàu đúng pháp trong một nền kinh tế thị trường đầy năng động, đáp ứng nhu cầu giữa cung và cầu. Việc trì giới nghiêm túc mang tính tự giác sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách và tạo ra trật tự yên ổn theo luật pháp hiện hành. Sự nhẫn nại, kiên định, vượt khó sẽ tạo ra sự hiệu quả cao trong mọi định hướng và cụ thể hóa các kế hoạch, việc làm cụ thể. Tinh tấn để thăng tiến và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao là điều cần thiết để góp phần cống hiến cho xã hội ngày càng tươi sáng, phồn thịnh.
Với tâm định tĩnh, tỉnh thức sẽ tạo ra sự ổn định trong vấn đề duy trì và phát triển kinh tế của cá nhân, gia đình và xã hội. Cuối cùng là phát huy khả năng sáng tạo không cùng của mỗi cá thể với trí tuệ minh mẫn, nhất định sẽ đưa đến viễn cảnh đời sống ngày càng giàu có về vật chất và an lạc trong đời sống tinh thần. Đây chính là cơ sở để mọi người con Phật phụng sự chúng sinh, phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội trong tinh thần tương thân, tương ái. Làm được như thế là chúng ta đang cúng dàng Tam bảo với một ý nghĩa thiêng liêng nhưng cũng rất hiện thực trên con đường hướng tâm tu tập và chứng ngộ ngay giữa cuộc đời này.
Và như thế, sự cúng dàng Tam bảo không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là một pháp môn tu tập mà còn là nếp sống đạo đem lại sự hưng thịnh cho đạo pháp và góp phần cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.