Trang chủ Bài nổi bật Thông cáo báo chí của Chùa Cực Lạc, thành phố Đài Nam,...

Thông cáo báo chí của Chùa Cực Lạc, thành phố Đài Nam, Đài Loan

1366
PTVN – Vị thầy tôn kính Tịnh độ Tông thượng Tịnh hạ Không đã an tường viên tịch tại chùa Cực Lạc vào lúc 2 giờ sáng ngày 26/7/2022, trụ thế 96 tuổi.

 
CHÙA CỰC LẠC – TỊNH TÔNG HỌC HỘI, TP.ĐÀI NAM, ĐÀI LOAN
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
 
Vị thầy tôn kính Tịnh độ Tông thượng Tịnh hạ Không đã an tường viên tịch tại chùa Cực Lạc vào lúc 2 giờ sáng ngày 26/7/2022, trụ thế 96 tuổi.
Hòa thượng Tịnh Không tục danh là Từ Nghiệp Hồng, sinh năm 1927 tại thị trấn Kim Ngưu, huyện Lư Giang, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Thời niên thiếu gặp lúc Trung Quốc chiến tranh kháng Nhật, chiến tranh loạn lạc, ngài cầu học tại Trường trung học cơ sở số 3 quốc lập, Quý Châu, Trung Quốc và Trường Trung học cơ sở số 1 quốc lập Nam Kinh.
Năm 1949, ngài định cư tại Đài Loan. Từ năm 1952, ngài đã theo học mật tông với Đại sư Chương Gia, học Phật học với cư sĩ Lý Bỉnh Nam, hơn 13 năm liền ngài chuyên tâm tu học Phật pháp, triết học và văn hóa truyền thống.
Năm 1959, ngài xuất gia tại chùa Lâm Tế, Đài Bắc, Đài Loan, pháp danh là Tịnh Giác, pháp tự là Tịnh Không. Từ đó bắt đầu cuộc đời giảng kinh thuyết pháp, miệt mài bao năm chưa từng gián đoạn. Tính đến năm 2018 cũng được 60 năm.
Hòa thượng Tịnh Không đề xướng “Phật giáo” chính danh là “Giáo dục Phật Đà”. Ngài thâm nhập kinh tạng, thông qua những ngôn ngữ gần gũi, giản đơn để hoằng dương những lời giáo huấn của Phật đà và Thánh hiền tới chúng sanh. Ngài đã giảng thuyết nhiều bộ kinh lớn như kinh Hoa Nghiêm, kinh Lăng Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, kinh Nguyên Giác, kinh Địa Tạng, kinh Phạm Võng và Tịnh độ Ngũ kinh, cùng điển tích các tôn giáo như Thiên Đài, Hiền Thủ, Duy Thức, Thiền Tông; Ngài đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu về kinh Vô Lượng Thọ, vào những năm cuối đời ngài chuyên tu và truyền bá bộ kinh này.
Ngài đã cho in tặng miễn phí lượng lớn Kinh luận và đĩa CD, truyền bá khắp thế giới, trong đó bao gồm gần 1 vạn bộ Càn Long Đại Tạng Kinh, gần 112 bộ Tứ Khố toàn thư và 330 bộ Tứ khố Hội yếu, … Ngài đã tiên phong trong việc vận dụng mạng Internet để dạy học, đồng thời thông qua truyền hình vệ tinh để hoằng dương Phật Pháp, đưa pháp âm truyền bá đến toàn thế giới.
Hòa thượng Tịnh Không từng được mời làm giảng viên cho Học viện Tam Tạng, Chùa Thập Phổ Đài Bắc, Giáo sư Khoa Triết học, Đại học Văn hóa Trung Quốc (Đài Bắc) và Viện trưởng Học viện Nội Trung Quốc… Đồng thời, kiêm giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Phật Đà, Viện trưởng Học viện Tịnh tông Châu Âu, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Giáo dục Phật Đà Hồng Kông. Ngài đã sáng lập ra Thư viện Phật giáo Hoa Tạng, Quỹ Giáo dục Phật Đà, Hội Phật giáo Dallas tại Mỹ, Học viện Tịnh Tông Châu Úc…
Từ năm 1995 đến năm 2000, ngài đã chỉ đạo Tịnh Tông Học Hội tại Singapore sáng lập thành công “Lớp bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp”. Ngài đã liên tiếp được trao bằng tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Griffith ở Úc, Đại học Nam Queensland, Đại học Hồi giáo quốc gia Shasahida ở Indonesia, Đại học Wales ở Vương quốc Anh và Đại học Trinity Saint David ở Wales. Đồng thời, ngài cũng được trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự của Trường Đại học Griffith, Đại học Queensland và Đại học Trinity St. David ở Wales, Vương quốc Anh. Ngài cũng từng đảm nhiệm vai trò giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ngài cũng vinh dự được Nữ hoàng Anh trao giải AM. Ngài cũng liên tiếp được trao tặng danh hiệu công dân danh dự của Texas, công dân danh dự của Dallas và công dân danh dự của Toowoomba, Úc.
Ngoài thời gian dạy học, Hòa thượng Tịnh Không cũng dành nhiều tâm huyết cho hoạt động từ thiện xã hội, phục hưng văn hóa truyền thống, chấn hưng giáo dục Tôn giáo, đẩy mạnh tinh thần đoàn kết tôn giáo, thúc đẩy hòa bình thế giới.
Năm 1977, ngài đề xướng xây dựng “Dân tộc Trung Hoa bách tính Tông tự”, năm 2002 xây dựng “Trung Hoa Dân tộc vạn tính tổ tiên kỷ niệm đường”, nhằm thể hiện sự chính trực, trung thành và tôn trọng, giữ gìn đạo hiếu, tôn trọng nhân gian, thuần phong mỹ tục, xây dựng đất nước thịnh vượng, thái bình. Ngài cũng đề xướng lấy “Đệ tử Quy”, “Thái thượng Cảm ứng Biên” và “Thập thiện nghiệp đạo Kinh” làm gốc để phục hưng văn hóa truyền thống. Đề xướng ngôn ngữ chung toàn thế giới, phát huy văn hóa truyền thống ưu tú nhân loại, đoàn kết toàn thế giới. Ngài nhiều lần tham dự Hội nghị Hòa bình Quốc tế do tổ chức Unesco tổ chức, đề xướng đẩy mạnh thực hành luân lý, đạo đức, nhân quả, giáo dục tôn giáo để giải cứu thế đạo nhân tâm, thông qua đoàn kết tôn giáo để đoàn kết các tổ chức, đoàn thể, chính đảng và quốc gia.
Năm 2005, Hòa thượng Tịnh Không đã sáng lập Trung tâm giáo dục văn hóa Trung Hoa Lư Giang tại thị trấn Thang Trì, huyện Lư Giang, tỉnh An Huy, Trung Quốc, triển khai giáo dục “Đệ tử Quy”, từ đó phong tục dân gian dần thay đổi tích cực, xã hội hài hòa.
Năm 2006, ngài đã đưa thành quả xây dựng ở thị trấn Thang Trì giới thiệu với Trụ sở của Tổ chức Unesco, cảm động đến Đại sứ các quốc gia.
Năm 2017, thành lập “Hội Tịnh Không” tại Trụ sở Unesco ở Paris, Pháp, thường xuyên giao lưu chia sẻ với Đại sứ các quốc gia về chủ đề hòa hợp tôn giáo và hòa bình thế giới.
Từ năm 1998, Pháp sư Tịnh Không đề xướng đoàn kết 9 đại tôn giáo Singapore, đẩy mạnh đoàn kết tôn giáo Malaysia, Indonesia, Châu Úc và đã được thành quả vượt trội.
Năm 2002, ngài di dân sang Châu Úc, thành lập Học viện Tịnh Tông Châu Úc tại Toowoomba, Queensland, hoằng dương Phật Pháp, phát huy tinh thần đoàn kết tôn giáo với các quần thể sở tại. Từ đó cảm hóa các thị dân nơi đây phát tâm, mong muốn xây dựng Toowoomba trở thành “Thành phố thí điểm về hài hòa tôn giáo đa văn hóa”.
Năm 2012, tiến hành động thổ xây dựng Học viện Hán học Malaysia, sau đó hoàn công và đưa vào sử dụng năm 2016, với mục tiêu đào tạo nhân tài giáo dục trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, hoằng dương giáo dục phổ thế, tạo phúc xã hội.
Năm 2013, tài trợ xây dựng Đại học Quốc tế Nagananda, Srilanka.
Từ năm 2012, mỗi năm ngài đều tổ chức Lễ giỗ tổ tiên các dân tộc Trung Hoa và Thế giới để giữ gìn và phát huy tinh thần hiếu đạo.
Từ năm 2016, hàng năm đều tổ chức Đại lễ Giỗ tổ tiên các dân tộc thế gới tại Lôn Đôn và xứ Wales.
Tháng 9 năm 2017, tổ chức Đại lễ giỗ Tổ tại Trụ sở Unesco ở Paris, Pháp. Đại lễ sau đó cũng lần lượt được tổ chức tại Châu Úc, Đức và một số quốc gia trên thế giới.
Tháng 7 năm 2016, Hòa thượng Tịnh Không phối hợp với Đại học Trinity St. David ở Wales, Vương quốc Anh thành lập Học viện Hán học Anh quốc, đào tạo nhân tài Hán học, có năng lực đọc hiểu, biên phiên dịch và thực hành “Tứ Khố toàn thư”, với xứ mệnh chấn hưng ngôn ngữ Hán cổ, truyền thừa văn hóa truyền thống và là cầu nối văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Những năm cuối đời, ngài đề xướng thành lập Trường Đại học Văn hóa Truyền thống phương Đông với mục đích giáo dục căn cơ, tạo tri thức thánh hiền ngay từ nhỏ.
Hòa thượng với tâm lượng rộng mở, nhìn xa trông rộng, trí tuệ minh mẫn và ý chí hành trình kiên định, lấy việc hoằng dương Phật Pháp để truyền bá rộng rãi giáo nghĩa các tôn giáo, lấy đoàn kết tôn giáo để gắn kết nhân loại toàn thế giới, có thể nói ngài đã dùng tâm yêu thương truyền khắp thế giới, thiện ý rải khắp quần sinh.
Ngài với tâm thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, luôn dùng tâm chân thành đối đãi với tất cả chúng sinh, bất kể đó là lãnh tụ chính trị hay tín chúng thông thường.
Ngài hiểu rõ và thực hành buông xả, tâm luôn tự tại tùy duyên, tuy danh tiếng lẫy lừng nhưng cuộc sống hết sức giản đơn, ngài luôn khắc ghi sứ mệnh kế thừa và phát huy truyền thống, phổ độ chúng sinh. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng ngài vẫn miệt mài giảng Kinh thuyết Pháp không hề ngơi nghỉ, là bậc trưởng giả từ bi trí tuệ, là tấm gương về giáo dục đa văn hóa.

Minh Đức biên dịch/ PTVN