Trong lịch sử, với tư tưởng từ bi và cứu độ, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã sớm thể hiện ở việc Phật giáo quan tâm và tham gia giải quyết các vấn đề của cuộc đời. Ở Việt Nam, tinh thần Hòa quang đồng trần, nhập thế, hòa cùng thế tục để dẫn dắt nhân tâm và giải quyết các vấn đề xã hội và con người đã là dòng lớn từ Phật giáo thời Trần cho tới các thời kỳ khác về sau, góp phần tạo nên diện mạo Phật giáo Việt Nam thấm đẫm tính chất nhân văn và đồng hành cùng dân tộc.
Bước vào thời hiện đại, Phật giáo nhập thế đã thực sự trở thành một khuynh hướng và ngày càng mang tính phổ quát. Thực tế cho thấy, trên thế giới, mặc dù hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng xã hội loài người vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn, tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Với Việt Nam, quá trình đổi mới đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, nhưng nhiều vấn đề xã hội cũng đã xuất hiện và đang diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh như vậy, khuynh hướng nhập thế của Phật giáo và việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội vừa thể hiện sự chủ động thích ứng, tinh thần trách nhiệm của Phật giáo trong thế giới đang biến đổi, vừa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của xã hội.
Tuy nhiên, khuynh hướng nhập thế của Phật giáo cũng như việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội cũng đã gây ra nhiều tranh luận. Đang có những khác biệt lớn về nhận thức xoay quanh các vấn đề như: Phật giáo nhập thế thực chất là gì? Nhập thế là khuynh hướng tự nhiên, bắt nguồn từ bản chất của Phật giáo, hay trái lại, đang là một biến thái và tổn hại đến những giá trị chân chính của Phật giáo? Nếu sự nhập thế của Phật giáo là chính đáng, thì cách thức tham gia giải quyết các vấn đề xã hội của Phật giáo nên như thế nào và có hay không giới hạn cho sự tham gia này? Sự nhập thế giải quyết các vấn đề xã hội của Phật giáo liệu có dẫn đến những xung đột, tranh chấp với các lực lượng xã hội khác hay không và hệ quả của nó là gì? Nhà nước, dù là nhà nước tôn giáo hay nhà nước thế tục, nên ứng xử thế nào với khuynh hướng nhập thế của Phật giáo? Nhận thức và hành xử trên thực tế, ở Việt Nam và các nước, của bản thân Phật giáo và xã hội trước khuynh hướng nhập thế và việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội đương đại là như thế nào? v.v.. Nhận diện và giải quyết các vấn đề có liên quan đến Phật giáo nhập thế một cách khách quan, khoa học, là hết sức cần thiết và sẽ có tác động tích cực đến cả Phật giáo và xã hội.
Nghiên cứu Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại là một trong những định hướng nghiên cứu trọng điểm của Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiếp cận nghiên cứu vấn đề Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại từ góc độ khoa học, không chỉ để nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về Phật giáo, nhất là Phật giáo đương đại, mà còn để cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định chính sách và điều chỉnh hành vi, cả về nhận thức và thực tiễn, cả với Phật giáo cũng như với xã hội, trước khuynh hướng nhập thế của Phật giáo và việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội đương đại, qua đó phát huy những giá trị tư tưởng – văn hóa Phật giáo chính tông, làm cho Phật giáo và xã hội cùng phát triển tốt đẹp.
2. Mục đích của Hội thảo
Thứ nhất, huy động trí tuệ, tâm huyết của giới khoa học để thảo luận, làm rõ trên các phương diện lý luận, nhận thức, khuynh hướng và những nội dung của Phật giáo nhập thế cũng như việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và con người đương đại. Thứ hai, phát huy các giá trị tinh hoa, tốt đẹp của Phật giáo cho đời sống hòa bình, ổn định, phát triển của con người và xã hội đương đại. Thứ ba, tạo cơ hội thúc đẩy sự đối thoại và quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước về Phật học.
Hội thảo sẽ là cơ hội để tiến hành đi sâu nghiên cứu, nhận thức và trao đổi, đối thoại về xu thế nhập thế của Phật giáo và việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội đương đại, cả trên bình diện tư tưởng, nhận thức, lẫn trên bình diện thực tiễn Việt Nam, khu vực và thế giới. Hội thảo dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều học giả nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, v.v., cùng nhiều nhà khoa học trong nước quan tâm nghiên cứu về Phật học, qua đó góp phần thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các giá trị tư tưởng – văn hóa của Phật giáo phục vụ xã hội và nhân sinh. Hội nghị dự kiến có 100 học giả và khách mời tham dự.
3. Các chủ đề và ngôn ngữ sử dụng trong Hội thảo
Các chủ đề chính dự kiến (nhưng không giới hạn) của Hội thảo:
– Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại – những vấn đề tư tưởng và nhận thức.
– Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại trong khu vực và trên thế giới.
– Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại ở Việt Nam.
Ngôn ngữ được sử dụng trong Hội thảo: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung.
4. Thời gian, địa điểm (dự kiến):
– Thời gian: Từ ngày 8 đến ngày 9 tháng 12 năm 2017.
– Địa điểm: Chùa Bái Đính, Ninh Bình.
5. Thông tin liên hệ:
– Email: [email protected]
– Điện thoại: 024.37675840. BAN TỔ CHỨC
Họ và tên | |
Học hàm, học vị | |
Đơn vị công tác | |
Địa chỉ | |
Số CMND/Hộ chiếu | |
Điện thoại | |
Fax | |
Tiêu đề bài viết: |
|
Tóm tắt bài viết (không quá 250 chữ): |
|
Cho phép Ban tổ chức biên tập và xuất bản toàn văn bài viết sau Hội thảo: o Có o Không |
|
Yêu cầu bữa ăn: o Ăn chay o Không ăn chay |