Trang chủ Đời sống Thờ tự – Sự nối kết giữa các thế hệ

Thờ tự – Sự nối kết giữa các thế hệ

78

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng: “Nhà Việt luôn ưu tiên đáng kể cho không gian tâm linh, thậm chí đến mức ‘mất dân chủ’ giữa người sống và người chết”. Trong một ngôi nhà ba gian hai chái, gian giữa thường là gian dành riêng cho việc thờ cúng. Trước bàn thờ có thể là một bộ bàn ghế, một sập gụ dùng để tiếp khách. Trong ngôi nhà Việt hiện đại, không gian tâm linh thường đặt để linh hoạt hơn, có thể trong thư phòng, trong gian sinh hoạt hay trên lầu. Vấn đề sắp đặt gian thờ tùy thuộc vào đời sống tâm linh của gia chủ, nhưng điều rất dễ nhận thấy là hầu hết người Việt đều quan tâm đến vấn đề này. Đó như là một nguồn mạch tâm linh tiếp nối giữa các thế hệ.


Trong một gia đình “tam đại đồng đường”, các bậc trưởng thượng thường là những người coi sóc đời sống tâm linh của đại gia đình, họ kịp thời nhắc nhở con cháu khi thế hệ trẻ lơ là vấn đề hương khói. Nhưng cấu trúc gia đình truyền thống của người Việt đang dần bị phá vỡ. Những người trẻ thường thích sớm được “ra riêng”, thích có một lối sống không bị ràng buộc hay thường xuyên bị “nhắc nhở” bởi những người lớn tuổi. Cái họ được chính là sự tự do, nhưng rõ ràng họ đang đánh mất đi truyền thống gia đình, đánh mất nền nếp gia phong vốn được truyền thừa từ nhiều thế hệ. Họ sống một cuộc sống táo bạo hơn, song cũng dễ mắc sai lầm hơn. Gia phong chính là một sợi dây vô hình nối kết giữa các thế hệ, làm nên nếp sống đạo đức của những thành viên trong gia đình. Mà gia phong, trên góc độ nào đó, không thể không bao gồm vấn đề thờ tự tổ tiên, ông bà.


Thờ tự là sự tưởng nhớ đến những người đã khuất. Sự tưởng nhớ bao hàm sự biết ơn, và hơn hết, là sự học tập, noi theo gương hạnh của những người đi trước. Trong ký ức của những người còn sống, hình ảnh của tổ tông, ông bà bao giờ cũng là những hình ảnh đẹp – hoặc chỉ đọng lại trong họ những hình ảnh đẹp. Mỗi ngày, thắp hương hay cúi đầu trước bàn thờ ông bà, chúng ta ý thức rõ rằng chúng ta đang mang dòng máu, đang mang những tế bào của tổ tông, chúng ta phải sống sao cho xứng với sự hy sinh cao cả đó và làm rạng rỡ thêm cho gia tộc. Vì vậy, chính việc thờ tự sẽ phần nào giúp cho người ta sống thuần thiện hơn, hướng thượng hơn.


Trở lại việc thờ cúng trong gia đình, hiện nay vẫn có không ít người quan niệm đây là vấn đề chỉ dành riêng cho những người lớn tuổi. Người trẻ thường được xem là chưa hội đủ những yếu tố tâm linh và sự nghiêm cẩn cần thiết cho công việc này. Vì vậy, có trường hợp khi con cái ra riêng, các bậc cha mẹ vẫn không khuyến khích, thậm chí còn ngăn cản việc thờ tự của con cái. Ngay bản thân những người trẻ, không ít người cũng mặc nhiên chấp nhận quan niệm này. Người ta không nghĩ rằng thờ tự cũng là một cách giáo dục, mà hơn ai hết, chính những người trẻ tuổi phải quan tâm nhằm xây dựng một đời sống tâm linh thuần thiện.


Trong ngôi nhà Việt hiện đại, gian thờ thường có xu hướng được đặt tại những nơi cao khuất nhất. Gia chủ cho rằng thờ tự tại những nơi cao khuất là để tỏ lòng cung kính đối với tổ tiên, ông bà và thể hiện sự trang nghiêm nơi thờ cúng. Cách thờ tự như thế tuy phổ biến song không phải là lối suy nghĩ chung của mọi người. Trong một bài viết, KTS Lê Thúy Hà cho biết: “Cá nhân tôi rất thích bàn thờ đặt trong phòng sinh hoạt chung hoặc thư phòng. Cảm giác như nhiều thế hệ đang quây quần đầm ấm, âm dương không cách trở. Đó không phải là mê tín mà đã thuộc về đời sống tâm linh, làm nên cái hồn của không gian ở”. Nếu mục đích của việc thờ cúng là để tưởng nhớ những người đã khuất, thì rõ ràng nơi thờ cúng không nên đặt chỗ quá cao khuất. Xét về yếu tố tâm linh và cả phương diện giáo dục, bàn thờ tổ tiên, ông bà phải được đặt những nơi con cháu có thể dễ dàng nhìn thấy nhất. Ông bà như vẫn còn hiện diện bên con cháu và con cháu luôn ý thức về nguồn gốc của mình. Đặc biệt, trong những ngày giỗ hay lễ Tết, khi cha mẹ, con cái cùng quây quần trước bàn thờ gia tiên, cùng thắp hương và cùng tưởng niệm, giữa các thế hệ như có một sự nối kết, một sợi dây vô hình ràng buộc, họ sẽ ý thức rõ hơn bổn phận và trách nhiệm của mình đối với những người đã khuất. Theo kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi nhận thấy rằng, những người quan tâm đến yếu tố tâm linh, cảm nhận về sự hiện diện của ông bà cha mẹ trong ngôi nhà của mình thường có một lối sống thuần thiện và ít bị sa ngã.


Ngày nay, nhiều người thường ta thán về những vấn nạn như phong hóa suy đồi, con người chuộng vật chất hơn tinh thần, thì vấn đề thờ tự càng phải được quan tâm hơn bao giờ hết.


Giáo dục trong thờ tự là một trong những vấn đề ít được đề cập đến, mặc dù điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách của con người. Đối với những gia đình theo Phật, ngoài bàn thờ tổ tiên ra còn có bàn thờ Phật. Thờ Phật cũng là một cách tưởng nhớ đến Phật, đến hạnh nguyện, lời dạy và tấm lòng từ bi cao cả của Ngài. Cho nên một khi bàn thờ Phật được đặt ở những nơi cao khuất, xa cách với đời sống thường nhật, thì hẳn nhiên ý thức về sự hiện diện của Đức Phật đối với các thành viên trong gia đình thường bị hạn chế. Điều này dẫn đến việc cha mẹ đi chùa, nhưng con cháu lại không ý thức rằng mình cũng là một người Phật tử. Nhiều gia đình, bàn thờ Phật được đặt trên lầu ba, lầu bốn, xa cách hẳn với không gian sinh hoạt của gia đình, việc hương khói, kinh kệ trở thành công việc của những người lớn tuổi. Người trẻ thường ngại đến những chỗ quá tôn nghiêm, nên nhiều khi mỗi năm họ chỉ được nhìn thấy Phật đôi ba lần. Hình ảnh Đức Phật hẳn nhiên sẽ không hiện diện trong lòng họ, và lời kinh tiếng kệ không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Bởi lẽ Đức Phật là dành riêng cho những bậc trưởng thượng chứ không phải của lớp con cháu. Đây là một điều thiệt thòi cho người trẻ một khi các bậc ông bà, cha mẹ có tư tưởng cổ hủ về cách thờ tự.


Theo quan niệm của Phật giáo, việc giáo dục không chỉ bằng lời, mà còn bằng thân, bằng ý. Những người làm cha mẹ chỉ biết la rầy, trách mắng con cái mà tự thân họ không thể hiện nếp sống hướng thượng thường bị phản tác dụng. Cung cách, hành vi, cử chỉ của cha mẹ thường ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của con cái. Người trẻ thường không chăm chỉ trong việc hương khói, trong việc tụng kinh, niệm Phật; thế nhưng tiếng chuông, tiếng mõ, lời kinh và mùi hương trầm thanh khiết thường để lại trong tâm thức họ những dấu ấn rất khó phai nhạt. Cho nên thờ tự tuy là yếu tố tâm linh song lại là cách giáo dục gián tiếp và rất có hiệu quả. Những ai quan tâm đến việc giáo dục con cái, trước hết hãy nên quan tâm đến việc thờ tự. Một khi con cái nhìn thấy ông bà, cha mẹ thể hiện sự cung kính trước những bậc tiền nhân hoặc thánh nhân, thì tự nhiên họ sẽ thể hiện lòng kính trọng của mình đối với cha mẹ, đặc biệt là những bậc mà cha mẹ hằng kính trọng.


Thờ Phật hay thờ ông bà, cha mẹ tại những nơi gần gũi, con cháu dễ tiếp xúc nhất hẳn nhiên sẽ có đôi chút bất tiện. Tuy nhiên, sự kính trọng đối với những bậc được thờ tự không đơn thuần chỉ là cách thể hiện, mà là chính ở tấm lòng. Tự sâu thẳm lòng mình, con cháu cũng sẽ nhận được những thông điệp được gửi đến từ cha mẹ; và cao hơn, là chính từ những đối tượng được thờ tự. Lối giáo dục như thế tuy đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thật sâu sắc và hiệu quả.