Mỗi tôn giáo đều có những lễ nghi hành trì đặc biệt của tôn giáo đó và Phật giáo cũng thế. Đây là nghi thức mà chỉ có trong các chùa thuộc hệ phái Bắc Tông (Đại Thừa) còn Phật giáo Nam Tông (Tiểu Thừa) thì không có thực hành nghi thức giống như thế này.
Vì lẽ, Phật giáo Bắc Tông chịu ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo Trung Hoa mà Phật giáo Trung Hoa rất chú trọng đến phần lễ nghi hình thức. Đây cũng là một sắc thái văn hóa đặc thù của họ.
Quá Đường, còn gọi là Thượng Đường hay Phó Đường, nơi Tăng chúng đến thọ thực mà tâm không tham trước (theo từ điển Phật Học Huệ Quang, trang 5752). Quá Đường, nghĩa đen: Đường là nhà, Quá là đi qua, nghĩa là chư Tăng đi từ Tăng đường, Khách đường, Tây đường, Đông đường… đến Trai đường để thọ thực nên gọi là Quá Đường hoặc Phó Đường.
Theo sự nghiên cứu của Hòa thượng Thích Huyền Tôn, Ngài đã đọc trong Vạn Tục Tạng, Thiền Lâm Bị Dụng Thanh Quy, quyển 6, theo tài liệu này cho rằng: nghi thức cúng Quá Đường xuất xứ tại chùa Từ Ân ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam thuộc triều đại nhà Đường (618 – 907) Trung Quốc, chứ trước đó chưa có danh từ Quá Đường.
Dâng bát cơm cúng dường này đã gói gọn ý nghĩa từ bi và trí tuệ. Là hai yếu tố quyết định quan trọng trong đời mình, hạnh phúc hay đau khổ cũng chính từ đây mà có – Ảnh: Đức Hiếu |
Thời Phật còn tại thế ở Ấn Độ cũng như các quốc gia theo Phật Giáo Nam truyền không có nghi thức cúng Quá Đường mà chỉ theo phương thức “ nhật trung nhất thực, thọ hạ nhất túc”. Nghĩa là “giữa ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây một lần”. Buổi sáng đắp trì bát vào thành khất thực, sau đó về tịnh xá thọ thực và tọa thiền dưới gốc cây.
Cho đến khi Phật Giáo truyền đến Trung Hoa, rồi sau đó truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam… thì chư Tổ Đức mới tạo ra nghi thức cúng Quá Đường này như một pháp tu tập. Trước để dâng cúng mười phương Tam Bảo, sau đó hành giả mới dùng cơm. Đây là nghi cách đặc biệt trong việc tri ơn và báo ơn ngay trong bữa ăn của mình.
Trước khi ăn phải cúng dường, phải tưởng niệm và sau đó giữ chánh niệm trong lúc ăn. Nếu hành giả nghiêm trì và cẩn thận trong bữa ăn như vậy, phước và đức phát sinh và tăng trưởng từ đây.
Tuy nhiên, hình thức lễ nghi, theo Phật giáo, chúng chỉ có tác dụng là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Phật giáo chủ trương: “Sự, Lý phải viên dung” (nương sự để hiển lý hay tức lý để hiển sự – PV). Vì vậy, mọi nghi thức trong thiền môn, đều có một ý nghĩa tiêu biểu đặc thù của nó.
Hình ảnh ba ngón tay (ngón cái, trỏ và út – PV) dựng đứng lên giữ một tư thế rất vững vàng, giống như hình ba trái núi đứng sừng sững. Đó là biểu trưng cho Tam vô lậu học (Giới học, Định học và Huệ học – PV) là ba môn học rất quan trọng trong Phật giáo.
Còn tay mặt bắt ấn, đó là ấn Cam lồ. Cam là ngọt. Lồ là sương mốc. Cam lồ là những hạt sương ngọt dịu tươi mát. Cam lồ là tượng trưng cho từ bi. Trong đạo Phật trí huệ và từ bi luôn luôn đi đôi với nhau. Chúng hỗ tương nhau không thể tách rời ra được.
Nếu chỉ có trí huệ mà không có từ bi, thì đó là loại trí huệ khô, không làm lợi ích cho chúng sanh. Ngược lại, chỉ có từ bi mà thiếu trí huệ kèm theo, thì đó là thứ từ bi mù quáng.
Tại sao phải đưa lên ngang trán? Thật ra là đưa lên ngang chân mày, gọi là “cử án tề mi”. Đưa lên ngang chân mày là tiêu biểu cho lòng tôn kính. Như vậy, đưa lên ngang mày là để tỏ lòng kính trọng dâng cơm lên cúng dường Tam Bảo vậy.
Như vậy, nghi thức thọ trai Quá Đường trong thiền môn, được xem là nghi thức dùng cơm trong chánh niệm áp dụng cho tất cả các bữa ăn khác. Hành giả cần phải phải thuộc lòng các bài kệ chú để áp dụng trong bữa ăn để giúp mình giữ gìn chánh niệm, không tạp tưởng, mơ màng trong lúc ăn là mục đích chính.
Truyền thống tuyệt vời này hiện nay vẫn còn áp dụng một cách sống động ở các quốc gia như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và miền Tây Việt Nam.
(Bài viết có sử dụng tài liệu của Thư viện Hoa sen)
Bùi Hiền
Theo kienthuc.net.vn/channel/5423/201205/Tho-trai-Qua-duong-trong-Thien-mon-1836882/