Nhánh lan rừng sống vắt vẻo trên một mộc già hình như đang muốn cười nụ với bao du khách. Hiếm ai tinh mắt phát hiện ra lan, một khi ai cũng vội vàng qua suối, vội vàng leo lên cáp treo, khấp khểnh bước vào chùa Hương.
Họ chí chóe kể chuyện dọc đường, kèm thêm đôi câu phiếm để chọc cười cả nhóm. Cười nói thoải mái và nếu mệt thì ngồi bệt giữa đất để nghỉ ngơi. Cái chân chàng trai đá xoáy nghịch ngợm vào người đi cạnh, cặp kính đen trên khuôn mặt lạnh, cách tạo dáng để chụp hình…đủ làm cho một góc kịch trường của người trẻ vui nhộn trước khi bước vào chùa.
Vào chùa, mâm lễ đội lên đầu. Chen lấn để kiễng chân đặt được lễ lên bàn thờ Phật. Có tiếng người quát nhau chỉ vì…cái mặt chạm phải cái mặt, tay huých phải tay, hơi thở hổn hển dính nhau trong mấy mét vuông.
Mấy ai yên ổn cúi đầu để tĩnh tâm cầu nguyện điều hay, điều tốt cho gia đình, bản thân. Mải mê và chân tâm với Phật, phút chốc ví và điện thoại đã nằm trong món hời của đám đạo chích len lẻn trong đây và quanh đây.
Bước cao bước thấp vào Động Hương Tích, bà già tay mân mê chuỗi tràng hạt đứng nép một bên để nhường chỗ cho sức trẻ hết sờ vào nhũ đá lại chen lên phía trước, ngửa mặt và giơ đôi bàn tay hứng nước. Tí tách giọt nước rơi kéo theo những pha nhảy cẫng lên để cầu may với nước. Y như trò chơi hỗn tạp, trong đó người tham gia đánh mất ít nhất là thái độ nghiêm túc và thời gian trải nghiệm tâm tín ở chốn thờ tự, bái vọng.
Chứng kiến đoàn người hết vào rồi lại ra, họ đi như xả sức trong tiết thanh minh. Còn đâu phong thái thong dong, nhởn nha vừa đi vừa ngắm cảnh, vừa suy tâm lắng lòng với giang sơn, với thơ phú.
Hành hương là dịp trở về với nguồn cội, là câu chào " A Di Đà Phật" nhẹ thênh khi ta gặp người, là đi để nghiệm sinh sự sống và tương lai, là hướng thiện và tiêu tan bao buồn phiền, bất trắc…
Xưa, Nguyễn Nhược Pháp tìm được cái đẹp trong trẻo và đầy xuân sắc, xuân tình cũng chính trong một mùa hành hương: "Tay em cầm chiếc non quai thao/ Chân em đi đôi guốc cao cao...". Bây giờ hình ảnh cô gái nhí nhảnh, e ấp ấy chỉ có trong nỗi khát khao hoài niệm. Và bao giờ cho đến ngày xưa?
Con chim ở núi Yên Tử vẫn hót tự nhiên giữa một tự nhiên xanh có cây tùng, cây đại hàng trăm tuổi. Chùa Đồng là đỉnh thiêng mà mỗi người muốn đến.
Từ dưới chân núi, hành trình lên đến non cao, thu vào tầm mắt trời mây sông nước là một chuỗi nỗi niềm mà nhân gian trải lòng. Nóng sốt nhất vẫn là câu chuyện tỷ giá, là giá đồng đô la, là vàng, là gas, điện…tăng chóng mặt.
Mấy ai thảnh thơi tuyệt đối để lắng nghe tiếng gió ngang qua tai? Mấy ai thản nhiên hướng Phật được khi bụng trỗng rỗng mà các mặt hàng đem bày bán tiêu dùng chốn này đắt lên rõ là…10 lần ngày thường?
Buôn bán chặt chém, chụp giật của người sở tại luôn là ám ảnh của du khách. Chưa kịp thành tâm trước Phật thì tâm trí đã bị đè nặng bởi cách tính toán, chi tiêu sao cho khỏi vụng về cái ví. Người ta cũng không thoát ra được vòng tròn tục lụy để có chút say mê, tiêu dao như chim trời, như cây cỏ.
Một chuyến đi khám phá chính mình trong mối tương quan với không gian nơi đến là dịp để thể hiện một nét đẹp trong lối sống. Hướng đạo, hướng thiện để tâm tĩnh, trí sáng để có một năm lao động hiệu quả và sáng tạo. Nhiều người mong là như thế. Nhưng, khi nhập vào đám đông du xuân thì bẵng đâu mất những cảm nhận thi vị, những quan sát văn hóa trong trẻo.
Bỗng thèm bước chân an lạc trong một chiều mùa xuân tĩnh tại ở một ngôi chùa có trật tự điều khiển được số đông. Và chợt thấy dưới chân ta và người một con đường hành hương nhiều xô bồ, lắm nhí nhố và cả ham hố tầm thường. Thiếu một mùa hành hương đúng nghĩa.