Trang chủ Thời đại Xã hội Thiền Vipassana tuyên chiến với ma túy

Thiền Vipassana tuyên chiến với ma túy

145

Lần đầu tiên nghe nói về Thiền Vipassana, phản ứng của tôi cũng giống đa số thanh niên trẻ tuổi khác, "Thiền định! Điều đó chỉ dành cho người già cả." Nhưng không hiểu sao nó lại ẩn chứa mãi trong đầu óc của tôi. Với tánh hiếu kỳ ham hiểu biết, tôi tìm cách thu thập nhiều thông tin hơn và quyết định thực hành thử xem. Một vài người khuyên cản tôi, nhưng hạt giống thiền lại được gieo vào tâm tôi.

Tôi đến trung tâm Thiền "Dhamma Giri" tham dự một khóa thiền Vipassana và đã thực hành "trọn vẹn" mãn khóa. Tôi muốn nhấn mạnh từ "trọn vẹn" vì người bịnh nghiện sống một cuộc đời lãng phí như khối thịt vô dụng, không đem lại lợi ích cho người khác cũng như với chính mình. Chẳng hạn như, bây giờ tôi đã bắt đầu có nhiều suy tư hướng thiện nhưng do bịnh nghiện khiến tôi không hoàn thành ước nguyện nào cả. Sớm hay muộn tôi dễ bị chán nản, buông xuôi và bỏ cuộc những gì tôi muốn thực hiện, rồi gây ra biết bao điều căng thẳng cho mọi người xung quanh tôi. Vì thế, ý nghĩa "trọn vẹn" trong khóa thiền đầu tiên giống như một sự tái sanh mới, "niềm tự tin – chính mình" trong tâm tôi.

Trong suốt khóa thiền, tôi đã nhiều lần phản tỉnh, quán chiếu về quá khứ; nhưng quan trọng nhất là phải tỉnh giác trong phương pháp thiền quán. Tự tánh sẽ hiện khởi dễ dàng nếu tôi thực sự tỉnh giác hành thiền. (Dĩ nhiên điều này không đơn giản) mà phải nỗ lực hành trì miên mật. Thiền đã khai sáng nội tâm tôi hiểu về những sự thật như tham ái, sân giận và tự ngã đều mang lại đau khổ (dukkha). Tôi cảm thấy pháp thiền này đặc biệt giảng dạy dành cho tôi, trong lúc tôi đang đau khổ với những thói quen tật xấu mà tôi chẳng hề nhận biết.

Vấn đề bị bịnh "xì ke ma túy" của tôi, nếu phân tích kỹ sẽ thấy kết quả từ nguyên nhân chính là tâm đam mê (khao khát), rồi sau đó dẫn đến thân xác ham muốn. Thật ra, tâm thèm muốn vẫn còn kéo dài sau khi đã trải qua thời gian cai nghiện ma túy. Hiện nay, thiền Vipassana đã đến tận nơi hướng dẫn người cai nghiện phương cách điều trị khi chứng bịnh lên cơn. Hơn nữa, các bài pháp thoại buổi tối thường trợ duyên làm sáng tỏ bất cứ nghi ngờ nào. Nói chung, sau khi mãn khóa thiền tôi thực sự cảm thấy giờ đây mình có "năng lực" gì đó, không những điều trị được cơn nghiện mà còn tạo nên cho mình nếp sống hằng ngày bao quanh trong bầu không khí thân mật hơn.

Trở về nhà một thời gian mọi thứ đều thật sự an lành. Tôi nhận thấy tự mình sống thảnh thơi hơn và đó là trạng thái tâm vô ngã. Nhưng tôi vẫn chưa thể bỏ hẳn bịnh nghiện của tôi. Bây giờ tôi không dùng (á phiện) hằng ngày, nhưng thỉnh thoảng lại phải dùng nó. Tâm đam mê vẫn chưa trừ dứt và đôi khi tôi không thể chống nổi cơn nghiện. Vào thời điểm đó, tôi biết mình còn yếu đuối và không giải quyết được điều gì cả (tức là bước thứ hai của ‘Chương trình cai nghiện ma túy cho người ẩn danh – Narcotics Anonymous Programme’).

Tôi trở lại tham dự khóa thiền khác và xin đăng ký cư trú một thời gian dài trong phạm vi trung tâm thiền "Dhamma Giri." Sống nơi đây, tôi được tăng trưởng trong chánh pháp, tham dự các khóa thiền và nhận chân được thực tại sự sống. Hãy tin tôi, chánh pháp thật tuyệt diệu (nhưng đây cũng là điều tham muốn). Vì tôi bắt đầu am hiểu về chánh pháp nhiều hơn và biết áp dụng thiền trong mọi sinh hoạt đời sống hằng ngày. Nhưng mục tiêu "hoàn toàn" cai nghiện ma túy vẫn còn xa vợi. Suốt thời gian dài ở trung tâm tu thiền, thỉnh thoảng tôi muốn trở về nhà nghĩ ngơi nhưng khi về đến nhà thì "chứng nào lại tật nấy."

Bản chất ‘thương – ghét’ hay ‘tham ái’ chính là cố tật tiềm ẩn sâu bên trong nội tâm tạo nên bịnh nghiện ngập. Ngay khi giải thoát khỏi điều này, con người sẽ được hạnh phúc hơn. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể nói rằng ranh giới giữa người nghiện và không nghiện khoảng cách chẳng bao xa giống như ‘đường tơ kẽ tóc,’ và giờ đây tôi hiểu rõ cốt tủy vấn đề ‘nghiện hay không’ hoàn toàn tùy thuộc chính nơi tôi. Hiện nay tôi sống an trú tại thành phố Bombay, tôi có nghề nghiệp và làm việc sáu ngày trong một tuần. Một cuộc sống mà trước đây tôi chưa hề nghĩ tới, nhưng tôi thật sự vui thích. Tôi sống trong ý niệm thoải mái, với một ý thức thành tựu và thoát khỏi ngõ cụt của cuộc đời nhờ trở về nội tâm và suy nghĩ chính chắn.

Tóm lại, tôi có thể nói rằng thiền Vipassana đã truyền dạy chúng ta một phương châm sống, "Hãy tự chiến thắng chính mình." Phương tiện hành trì duy nhất và thực hành điều gì là hai vũ khí thiền (Anapana) "Tỉnh giác hơi thở" và thiền (Vipassana) "Tỉnh giác thân cảm thọ". Phần còn lại tùy thuộc vào khả năng chiến đấu (nội tâm) của chính mình. Không được phép bào chữa (với bất cứ lý do nào), vì vũ khí luôn sẵn có bên trong tự thân mỗi người. Và nếu hành trì chánh pháp với sự nhiệt tâm và tinh cần không ai có thể thất bại, vì thiền Vipassana thật sự chính là "Nghệ thuật sống.”