Trang chủ PGVN Cửa thiền Thiền viện Phước Sơn – Địa chỉ tu tập lí tưởng

Thiền viện Phước Sơn – Địa chỉ tu tập lí tưởng

1090

Dưới chân đồi là một cổng tam quan được xây dựng vào năm 1970 ghi tên: “Thiền viện Phước Sơn”. Biển hiệu này do cố Hoà thượng Giới Nghiêm – vị khai sơn đặt với mong muốn Thiền viện đước phước cao như núi.


Trải qua 2 đời truyền thừa, thiền viện Phước Sơn từ mái tranh vách đất đã được trùng tu vào năm 1985 hiện còn như ngày nay.


Nói đến thiền viện Phước Sơn là nói đến một quần thể kiến trúc đơn lẻ với những mái nhà khiêm nhường ẩn trong khung cảnh rừng cây xanh rợp bao gồm: Chính điện, trai đường, Phật học viện, thiền đường, thất tịnh cư cho hành giả tu thiền được bố trí đan xen với những dãy cốc cho chư tăng ở.


Mỗi kiến trúc đơn lẻ ở đây được xây dựng theo những kiểu khác nhau. Đó là những căn nhà được khai thác triệt để từ những đường nét kiến trúc cổ của những ngôi chùa xưa ở Việt Nam, ấn Độ và Thái Lan. Chính điện, trai đường, Phật học viện và hai thiền đường đều được xây dựng theo kiến trúc Phật giáo nguyên thuỷ: Nhà dài 4 mái, nóc nhọn phỏng theo kiến trúc các chùa tháp ở Thái Lan và Campuchia. Trên bờ nóc và bờ diềm mái đều được trang trí lá cây Bồ Đề – tượng chưng cho sự giác ngộ…


Trong chính điện, một khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát với lối xây dựng cột ẩn tường, thờ độc tôn Đức Phật Thích Ca với bộ hoàng y thếp vàng lộng lẫy. ánh sáng tự nhiên, lung linh, huyền ảo được xuyên từ khoảng cách hai từng mái chồng nhau hoà cùng đèn nến khói hương tạo cho nội thất chính điện vừa trang nghiêm lại vừa linh thiêng đã toát lên nét rất riêng trong cách bài trí tượng thờ của thiền viện.


Khác với chính điện, những dãy cốc dành cho chư tăng ở được xây dựng theo lối kiến trúc nhà tứ trụ, nhà trồng diêm với quy mô nhỏ. Có thể nói, mỗi công trình dù lớn hay nhỏ ở Phước Sơn đều là cầu nối giữa quá khứ và tương lai.


Chư tăng trong chùa gồm 200 vị tu tập theo tư tưởng Phật giáo Nam tông. Chư tăng trong thiền viện an cư tại chỗ, Lễ nhập hạ vào ngày 16 tháng 6 âm lịch, lễ ra hạ vào ngày 15 tháng 9. Đặc biệt, thiền viện có đại lễ dâng Y Kathina vào ngày 12 tháng 4 âm lịch hàng năm. Mỗi tháng có 2 khoá tu thiền (từ ngày 2 tháng 8 âm lịch và từ 16 đến 22 âm lịch) do thượng toạ Thích Bửu Chánh giảng dạy.


Trụ trì thiền viện là Thượng toạ Tiến sĩ Thích Bửu Chánh hiện đang là: Phó đoàn giảng sư Ban hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó tổng thư ký học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó ban trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai, giảng sư của 4 học viện Phật giáo Việt Nam trên cả nước.


Với những tâm huyết nhiệt tình cho công tác Hoằng pháp và giáo dục, Thượng toạ đã và đang mở các khoá tu tập thiền truyền thống như: Tứ niệm xứ – quán hơi thở cho đông đảo Tăng ni Phật tử gần xa về tu tập tại thiền viện. Đây là pháp môn thiền rất khoa học, phù hợp với lớp trẻ thời hiện đại. Để nâng cao kiến thức tu tập, Thượng toạ thường cung thỉnh chư Tăng tại các quốc gia Phật giáo bạn như: Thái Lan, Miến Điện v.v… về hướng dẫn thiền tập thiền sinh tại bản viện.


Với những hoài bão: “Kế thừa chư tổ gia phong, chấn chỉnh thiền lâm hưng thịnh”, Thượng toạ trụ trì sẽ quy hoạch xây dựng tổng thể toàn thiền viện. Tương lai gần sẽ dự kiến xây dựng chính điện, thiền đường để tạo cơ sở tốt cho tăng ni Phật tử gần xa về tu tập. Bên cạnh đó, các lớp học tiếng Anh đang được học tại chùa do Thượng toạ tổ chức để đào tạo người đi du học tại các quốc gia ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện v.v… để phục vụ Giáo hội, hoằng dương Phật pháp lợi lạc quần sinh.


Quý vị hãy thử một lần đến thiền viện Phước Sơn, “đến để mà thấy” Phật pháp của Đức Thế Tôn đang được hoằng truyền ở ngay tại thế gian này.





Chính điện





Tháp mộ Hòa thượng Giới Nghiêm

















Thượng tọa Bửu Chánh tại Học viện PGVN tại Hà Nội