Nó xuất hiện từ bao giờ ? Tuy có nhiều ý kiến bất đồng, nhưng đa số chọn thời điểm từ sau thế chiến thứ hai.
Có người còn cho nó một ngày chào đời rất rõ ràng: “Hiện đại kết thúc và Hậu hiện đại bắt đầu ở Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945.” , theo như Mark Taylor (Modernity ended and post moderrnity began in Hiroshima on 6 August 1945.)
Cách nói giống như đùa cợt ấy có thể là nhấn mạnh đến cảm thức về một thế giới hỗn mang, về một một kỉ nguyên hư vô do tiếng nổ đầu tiên của bom nguyên tử gây nên . Cho dù sự khủng hoảng ý thức ở Phương Tây đã được tiên báo từ thế kỉ mười chín (với Nietzsche chẳng hạn).
Nhưng cũng có người cho rằng không cần thiết phải đóng Hậu hiện đại vào một khung lịch đại nào, như Umberto Eco: “Thật ra, tôi tin rằng chủ nghĩa Hậu hiện đại không phải là một khuynh hướng cần định rõ niên đại mà đúng hơn là một phạm trù tư tưởng – hoặc, hơn nữa, một Kunstwollen, một đường lối vận hành. Có thể nói, mỗi thời đại đều có chủ nghĩa Hậu hiện đại của riêng mình …” (Actually, I believe that postmordenism is not a trend to be chronologically defined, but, rather, an ideal category – or, better still, a Kunstwollen, a way of operating. We could say that every period has its own postmodernis….)
2. Chủ nghĩa Hậu hiện đại, như tên gọi của nó, có thể được hiểu là kế thừa, phát triển hoặc vượt qua chủ nghĩa hiện đại.
Nó là một diễn trình “viết lại những phương diện của hiện đại” (a rewriting of aspects of modernity).
Nó khác, tất nhiên, với chủ nghĩa hiện đại.
Nó là một phản ứng đối với triết học ánh sáng, nền triết học đề cao những giá trị như: Tinh thần duy lý, tiến bộ khoa học, chinh phục thiên nhiên, khả năng nhận
thức vô tận, trật tự và ổn định, mãn nguyện và lạc quan, toàn thể và hài hoà- đề cao con người lý tính, duy ngã đứng làm trung tâm vũ trụ, làm thước đo cho vạn vật, trong một thế giới tĩnh theo kiểu Kant và Descartes, theo kiểu “Nhân loại trung tâm luận” (anthropocentrism).
Cái nhìn Hậu hiện đại lại bám sát cái biến chuyển, cái ngẫu nhiên và sự vô thường của thế giới. Và theo họ, cái ngã của con người chập chờn đâu đó ngoại biên thế giới, chứ nào phải chiếm lĩnh trung tâm như ảo tưởng của mình? Trong thế giới tương đối và bất định, làm gì có chân lý phổ quát và vĩnh cửu cho con người khám phá? Do bị điều kiện hoá, nhận thức của con người làm cách nào tránh khỏi manh mún, bất toàn? Thượng đế đã chết, còn giá trị nào xuyên lịch sử? Tất cả đều đáng hoài nghi, nhất là ngôn ngữ, trung tâm của siêu hình học. Vì vậy, Hậu hiện đại phủ nhận luôn “ Ngôn từ trung tâm luận” (logocentrism).
Cái nhìn Hậu hiện đại hướng về “cái phi trung tâm” (decenteredness).
Nó khác gì với chủ nghĩa hiện đại (Modernism), một trào lưu văn học nghệ thuật tiên phong nở rộ giữa hai cuộc thế chiến với những trường phái như Dada, Hiện sinh, Biểu hiện, Tương lai, Tượng trưng….
Hiện đại và Hậu hiện đại đều nhấn mạnh đến tính ấn tượng và chủ quan, làm nhoè thể loại, tự sự bằng nhiều điểm nhìn, chuộng hình thức phân mảnh…
Từ những tác giả hiện đại như Kafka, Joyce, Faulkner, Eliot…
Đến những tên tuổi Hậu hiện đại như Jorge, Borges, Donald Barthelme, Thomas Pynchon, Marquez, Salman Rushdie, Umberto Eco, Italo Calvino…
Có nhiều điểm tương đồng như đã kể. Nhưng khi chủ nghĩa hiện đại tin vào sự cứu rỗi của nghệ thuật thì Hậu hiện đại xem nghệ thuật như một trò chơi và chơi cả với vô nghĩa, với trò chơi đường phố, với những chuyện nhỏ (tiểu tự sự: little narratives).
Chơi ấy là xa lánh những đại tự sự (Grand narratives) của thế gian, những đại tự sự như những cấu trúc khép kín, những huyền thoại mà mỗi xã hội đều thích rao truyền.
3. Những trò chơi ấy lạ thay, lại song hành với những lý thuyết hàn lâm của Hậu cấu trúc (poststructuralism) với những tên tuổi Derrida, Barthes, Kristeva, Foucault…)
Họ là những người đã : “mang chủ nghĩa Hậu hiện đại từ đường phố và từ tiểu thuyết vào viện hàn lâm.” (brought postmodernism from the steets and from the novel into academy), theo như cách nói của John Mcgowan.
Hậu cấu trúc và hậu hiện đại ban đầu cũng chưa có mối quan hệ gì với nhau.
Nhưng rồi, sau khi Lyotard tung ra cuốn sách Điều kiện hậu hiện đại vào năm 1979 (Post mordern condition), hai khái niệm ấy dần dần hầu như trở nên đồng nghĩa.
Đặc biệt là với tư tưởng giải cấu trúc (deconstruction) của Jacques Derrida, người triết lý bằng linh hồn của trò chơi: trò chơi của ngôn từ, trò chơi của vết tích.
Theo Derrida, cấu trúc luôn luôn giả định một trung tâm của ý nghĩa. Trung tâm này trị vì cấu trúc nhưng bản thân nó không là đối tượng cho bất kỳ một sự phân tích cấu trúc nào. Vì tìm thấy cấu trúc của trung tâm có nghĩa là tìm ra một trung tâm khác.
Người ta khao khát một trung tâm (a center ) bởi vì nó đảm bảo cho một hữu thể được hiện hữu (being as presence).
Chẳng hạn như, ta nghĩ rằng đời sống tinh thần và thể lý của mình tập trung vào một cái (tôi); cái ngã này là một nguyên lý hợp nhất ẩn dưới cấu trúc của mọi điều đang diễn ra trong không gian này.
Từ đó, tư tưởng Tây phương phát triển vô số thuật ngữ, vận hành như những nguyên lý trung tâm (centering primciples) : Thượng đế, cứu cánh, ý thức, hữu thể, thể tính, chân lý, tự do…
Nhưng Derrida không đòi hỏi phải tư duy bên ngoài những thuật ngữ ấy, Vì phủ nhận những cái ấy sẽ dẫn đến những đối điểm: Ý thức/ Vô thức, Hữu thể/ Vô thể,… đưa đến nguy cơ sẽ tạo ra một trung tâm mới.
Chỉ còn một cách là đừng để một cực nào trong một hệ thống trở thành một trung tâm cũng như kẻ bảo lãnh cho sự hiện hữu (guarantor of presence).
Chính cái khao khát trung tâm này được Derrida gọi là “ngôn từ trung tâm luận” (logocentrism). “Logos” (có nghĩa là lời trong tiếng Hi Lạp) là từ được Tân Ước mang đến sự tập trung tối thượng của hiện hữu: Khởi thuỷ là Lời.
Lời trở thành nguồn gốc của vạn sự. (Phần giới thiệu tư tưởng của Derrida như trên dựa theo Raman Selden).
Derrida đã giải cấu trúc về trung tâm như sau: “Trung tâm thì nằm ở trung tâm của tổng thể. Thế nhưng, bởi vì trung tâm không tuỳ thuộc vào tổng thể (không phải là thành phần của tổng thể), tổng thể có trung tâm của mình ở nơi khác. Trung tâm không còn là trung tâm.” (the center is not the center)
Như vậy, Derrida thông báo sự thiếu vắng của một trung tâm thường trực, một trung tâm do ai đó tưởng tượng và gán ghép.
Từ giải cấu trúc về trung tâm tất nhiên sẽ đến giải cấu trúc về bản ngã (deconstruction of the self).
Theo Lyotard, không có bản ngã nào cô lập. Mỗi bản ngã tồn tại trong một mạng lưới tương quan ngày càng phức tạp và linh hoạt hơn trước. (Điều kiện hậu hiện đại) và với Taylor, “ cái ngã tương liên, tương thuộc, phi trung tâm này chỉ là hình ảnh của hình ảnh, thiếu bản sắc và có thể xem là hư không .” (this corelative, codependent, decentered self, a mere image of an image, lacks identity and can be defined as emp.)
Nhưng điều đó dường như cũng chưa đủ để “giải trung tâm bản ngã” (decenter the self).
Thượng đế là một trung tâm kiên định trong tư tưởng về ngã của phương Tây truyền thống. Đó là ngã siêu nghiệm, tuyệt đối được xem là bản ngã của con người.
Cùng với cái chết của thượng đế do Nietzsche loan báo, ngã cũng biến mất. Tiếp đến là cuộc giải giá của những giá trị cao nhất.
Cái ngã được tái lập lại theo cảm thức hậu hiện đại như là một ngã ngoại biên, tan biến, phi trung tâm. Đó là một nhãn hiệu, một hình thức của dấu vết biểu thị cái chết của một ngã bản nguyên mà giờ đây chỉ còn là một cái gì đó tương cận, có mặt tạm thời mà thôi. Chỉ là một dấu vết, cái ngã bất định này vừa có mặt vừa thiếu vắng. Cái ngã dấu vết này không bao giờ chỉ là nó mà nó luôn luôn là cái khác hơn chính nó và không bao giờ đạt đến cứu cánh nào (the trace/ self is never merely itseff because it is always also other than itseff, and it can never reach any point of finality.)
Hơn nữa, do hạn hẹp, cái ngã dấu vết đó bị ra rìa, lấm bẩn và thương tích. “Cái bẩn không thể lau sạch và vết thương không thể chữa lành.” (This stain cannot be cleansed and this wound cannot be healed.).
Cái ngã dấu vết ấy là một hữu thể không mặt mày, trở nên lệch lạc và lầm lẫn, cuối cùng thành ra một tên lừa đảo và kẻ cắp (a trickster and a thief).
Như vậy, theo Carl Olson, Taylor diễn dịch sự giải trung tâm và cái chết của ngã như hoàn tất chủ nghĩa hư vô.
Trong thế giới bất dịnh, cái ngã bất định, không có trung tâm của xã hội, văn hoá hay lịch sử, nhà văn hậu hiện đại làm gì?
Tác giả Hậu hiện đại lừng danh Donald Barthelme cho rằng: “nhà văn là người bắt tay vào một công việc, mà không biết làm gì. Số phận của bụi hoa đỗ quyên, nở rộ hay chết rụi trong sương mù tàn sát, làm sao tôi biết.” (the Writer is one Who, embarkingupon a task, does not know what to do… the fate of the azalea bush, whether it will bloom or strangle in a killing frost, is unknow to me.)
Đó là cái mà D.Barthelme gọi là Not – Knowing (Bất thức), tiêu đề một bài viết của ông.
Chính cái bất thức đó là một cánh đồng chân không của tưởng tượng. Cái đã biết là cái quy ước. Cái bất thức mở đường cho sáng tạo.
Barthlme nói: “Phúc cho chúng ta là có thể tưởng tượng những thực tại khác, những khả tính khác.” (It’s aur good fortune to be ableto imagine alternative realities, other possibilities.”
Cái đã biết là “một nơi chốn” cố định, không thể phiêu lưu. Vì vậy “ nghệ thuật không thể nào ở một nơi chốn. Một loạt vận động lên, xuống hay vượt ngang, thậm chí phi nước đại về quá khứ là một điều kiện tiên quyết.” (A centain amount of movement up, down, across, even agallop to ward the past, is a necessary precondition).
Nghệ thuật hậu hiện đại phi vào những nơi chốn của những thực tại khác nhau, nơi mà tác giả và người đọc cũng phiêu lưu. Nơi tác giả cũng là người đọc mà người đọc cũng là tác giả.
Đó là nghệ thuật của cái trào tiếu. Trào tiếu điều gì? Trào tiếu đời sống đương thời đã trở nên một hiện thực giả mạo, một hiện thực quá thặng (hyper reality) bởi vì hiện thực đó đầy ứ những bản sao mà không có bản chính, những simulacra (cái nguỵ tạo), một hiện thực của những thông tin quảng cáo, của những rêu rao rậm rịt.
4. Có thể tương chiếu tư tưởng Thiền và Hậu hiện đại?
Những nỗ lực của Derrida trong Giải cấu trúc, của Taylor trong Giải trung tâm về bản ngã, những trò chơi ngôn ngữ và phản ứng của hậu hiện đại đối với các đại tự sự… đôi khi nghe như những âm vang từ Thiền.
Những đề tài như ngôn ngữ, bản ngã, thời gian, cái chết, hư không, hoài nghi… đều được quan tâm. Tư tưởng đôi bên có khi chạm phớt nhau, lướt qua nhau và sau đó mỗi bên lại đi con đường của mình, bay đi : con đường của trò chơi dấu vết ở hậu hiện đại và con đường vô ngấn tích ở Thiền.
Hậu hiện đại vốn chối từ những đại tự sự nhưng rồi cũng trở thành một hệ hình mới của triết lý. Cũng giống như hiện sinh, ban đầu cũng muốn ưu tiên cho hiện hữu nhưng rồi cũng vướng vào lý thuyết trừu tượng, siêu hình. Đây là một nghịch lý, một trò chơi của dấu vết, của vắng mặt và có mặt.
Thiền bất lập văn tự, chỉ xem ngôn ngữ là upaya (phương tiện). Và phương tiện đó trở thành một nền văn chương mênh mông, vượt xa mọi tông phái khác.
Nhưng trò chơi là trò chơi. Và phương tiện là phương tiện. Thế giới là một văn bản vô tận cho Hậu hiện đại. Và sơn hà đại địa là kinh văn cho Thiền.
Với Derrida, không có gì tồn tại bên ngoài văn bản. Một cá nhân thế tất phải “ở bên trong văn bản”, nghĩa là trong khuôn khổ một ý thức văn hoá, một ý thức lịch sử.
Với thiền sư Dogen, trong Sơn thuỷ kinh (Sansuikyo), thế giới là kinh điển nhưng đó là kinh điển ôm trọn thời gian. Kinh và người đọc kinh là một, không có ý thức riêng biệt (bất nhị).
Dogen là thiền sư Nhật Bản thế kỉ mười ba. Khi đọc công án “Nam Tuyền trảm miêu” trong Bích nham lục, ông cống hiến một lời đáp siêu việt cho Hoà thượng Nam Tuyền. Hoà thượng nắm lấy con mèo mà đệ tử lưỡng đường đang tranh giành và bảo:
– Nếu các người nói được, ta sẽ không giết nó.
– Không ai trả lời. Nham Tuyền chém đứt con mèo làm đôi.
Dogen cho rằng lời đáp sẽ như sau:
– Thầy một gươm chém đứt đôi con mèo, nhưng thầy không biết cách chém con mèo thành một.
Ngôn ngữ bất nhị của Dogen trong Sơn thuỷ kinh như sau: < Một vị cổ phật nói: Núi là núi…
Những lời này không có nghĩa núi là núi;
Chúng có nghĩa núi là núi.>
Nếu Derrida đọc Sơn thuỷ kinh, hẳn ông còn tìm ra nhiều “khác biệt” (differance) khác, nhiều “vết tích” (trace) khác.
Cách đọc núi là núi là xẻ đôi núi làm một.
5. Hậu hiện đại, theo như Umberto Eco đã nói ở trên , là một hiện tượng phi thời, nghĩa là có mặt suốt chiều dài lịch sử, nảy sinh trong văn chương nghệ thuật trong những giai đoạn khủng hoảng tinh thần. Không phải chỉ mình Eco nghĩ như vậy. Mà nhiều nhà tư tưởng hậu hiện đại khác như Jameson , Hassan, Lodge… cùng đồng một ý.
Vậy, Hậu hiện đại sinh ra trong những thời kỳ đặc biệt, nhằm lật đổ hay giải thể những giá trị giả tạo, những trung tâm của ý nghĩa, những câu chuyện đại sự thêu dêt của quốc gia, lý tưởng, văn minh, anh hùng, da trắng, đàn ông, trí thức, nhân quyền, chân lý…
Hậu hiện đại, theo đó tái hiện theo từng thời kỳ. Trong khi đó Thiền là dòng mạch liên tục trôi từ quá khứ đến nay qua bao nhiêu văn bản của đời sống.
Thiền ẩn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, trong tư tưởng con người. Trong sóng nước và trong cỏ.
Thiền là một cái tên. Hậu hiện đại cũng là một cái tên. Nhưng một con ếch cũng thiền, khi con ếch là như nó là.
Thiền sư Shunryu Suzuki nói: “Khi một con ếch trở nên một con ếch, Thiền trở nên Thiền” (When a frog becomes a frog, Zen becomes Zen).
Thiền ôm trọn thế gian, điều mà Hậu hiện đại không thể.
6. Tư tưởng Hậu hiện đại không cho phép một cực nào trong một hệ thống trở thành trung tâm. Vì trung tâm không phải là trung tâm. Tâm điểm là phi tâm điểm (The center is not the center).
Với Thiền, ngoại vi và tâm điểm là một, không cần phải giải cấu trúc về trung tâm, không cần phải nghĩ bàn làm chi cho nhọc.
Thiền sư Shunryu Suzuki (không phải Daisetz Suzuki) đơn giản nói rằng: “Chúng ta không nhấn mạnh điều gì. Tất cả điều chúng ta muốn làm là nhận biết sự vật như chúng là. Nếu ta biết sự vật như chúng là, chẳng có gì phải chỉ ra; không có phương pháp để nắm bắt bất kỳ điều gì; không có vật để nắm bắt. Ta, không cần nhấn mạnh điểm nào… Bởi vì ta nhấn mạnh vào đặc điểm đặc biệt nào đó, nên ta luôn có phiền muộn. Ta hãy chấp nhận sự vật y như chúng là”
(We do not emphasize anything. All we want to do is to know things just as they are. If we know things as they are, there is no thing to point at; there is no way to grasp. We can not put emphasis on any point… because we put emphasis on some particular point, we always have trouble. We should accept things just as they are)
Nói như Thiền sư Dôgen: cho dù ta yêu hoa, hoa vẫn rơi; và cho dù ta ghét sậy, sậy vẫn mọc.
Trong cái tâm bao la, không có cái yêu hay ghét, không có trung tâm.
7. Tuy sự phân tích về ngã của Taylor mang màu sắc hư vô chủ nghĩa nhưng cũng soi chiếu một ánh sáng bất ngờ lên ngã trong thế giới phương Tây. Cái ngã đó tồn tại trong tương liên tương thuộc, là ảnh của ảnh, có thể xem là hư không.
Với cái nhìn thiền, Nishitani đồng hóa ngã với tính không (Sunyata). Ông giải thích:
“Tính không là ngã, nghĩa là ở tận đáy và trong nền nhà của nó, ngã có sự hiện hữu của mình như một cánh đồng” (‘Emptiness ia self’ means that, at bottom and in its own home – ground, the self has its being as such a field).
Cánh đồng chân không tạo dựng một nền tảng cho ngã, ngã như là ngã, một ngã từ nguyên sơ. Ngã an nhiên tự tại ở giữa chân không vốn là sân nhà của mình.
Trong khi đó cái ngã mà Taylor phân tích chỉ là một cái bóng, một bản sao. Và như Deleuze nhận định “chúng ta đã trở nên simulacra” (we have becom simulacra), tức là những bản sao, những bản thế vì không có bản gốc, ngụy tạo và trá hình, một thứ thực tại ảo.
Cho dù Taylor đã nhìn ngã gần như trong sự tương duyên với thế giới, vẫn còn khoảng cách kỳ lạ của cái nhìn đó với Thiền.
Trong khi đó dù cách trình bày khác nhau, Nishitani và Thiền sư Nhất Hạnh cùng nhìn tính không như nền tảng của sự sống.
Theo Nhất Hạnh: “Tính không có nghĩa là không có tự ngã riêng biệt. Là đầy muôn vật. Nhờ có tính không, vạn vật là có”. Hoặc là : “Hiện hữu là tương duyên. Bạn không thể tự hiện hữu một cách đơn độc. Bạn phải tương duyên với mỗi mỗi thứ khác. Tờ giấy này có vì các thứ khác có”.
Chính là như vậy mà Thiền sư Shunryu Suzuki kêu gọi ta hãy tin vào tính không: “Tôi nhận thấy rằng phải nhất thiết, tuyệt đối nhất thiết, tin vào tính không. Nghĩa là chúng ta phải tin vào cái không có hình tướng và màu sắc. Cái hiện hữu trước mọi hình tướng và màu sắc… có thể gọi đấy là Phật tính.
Trong đời sống hằng ngày, tư tưởng chúng ta hết chín mươi chín phần trăm là tự kỷ trung tâm.
Tôi muốn nói giác ngộ là tin vào tính không”
8. Có thể thâu tóm và giản lược tư tưởng Hậu hiện đại của J. F. Lyotard bằng chính lời của ông như sau: “Tôi xem xét hậu hiện đại như là sự không tin tưởng đối với những đại tự sự “
(I define postmodern as incredulity toward metanarratives)
Trong khi đó, thiền sư Shunryu Suzuki kêu gọi ta tin vào Tính Không (Sunyata)
9. (………………………………)