Trang chủ PGVN Nhân vật Thiền sư Tuệ Sỹ – “Cọng lau nằm xuống mà đại ngàn...

Thiền sư Tuệ Sỹ – “Cọng lau nằm xuống mà đại ngàn rung chuyển”

638

Tôi chưa đọc cuốn nào của Thầy. Nhưng nói về việc tôi biết Thiền sư thì tôi ngắm Ông nhiều. Khi Ông xuất hiện ở đâu trên mạng, hay có ảnh gì đó, tự dưng tôi cứ muốn ngắm Ông. Con người nó khiến cho mình phải ngắm. Rồi mấy ngày hôm nay, mới đọc được rất nhiều thơ của Ông. Bạn bè trích, bạn bè đưa gần như toàn bộ cuộc đời lận đận của Ông. Thì mình mới không ngạc nhiên là, thứ nhất là cuộc đời như vậy, thứ hai là thơ hay như vậy, và một cái tuổi già ở ẩn tư thế như vậy, cho nên đúng như bạn bè nhận định là một ”cọng lau nằm xuống mà rung chuyển đại ngàn’’. Không có gì diễn tả hay hơn, mấy câu đó của ai thì mình không nhớ.

‘‘Rung chuyển đại ngàn’’ tức là Rung chuyển cảm xúc. Mình cảm nhận được cái rung chuyển cảm xúc của toàn cõi mạng Việt Nam cơ. Mình có 4.900 bạn bè thôi, nhưng chưa bao giờ mình thấy là chưa bao giờ là ai cũng tìm cách nói về Ông, về cảm xúc mấy dòng, hoặc là trích mấy câu thơ của Ông. Có những người hiểu biết nhiều từ lâu rồi, họ viết những bài chia sẻ. Bài nào cũng hay, được chia sẻ rộng rãi. Mình nghĩ là không ai bảo ai, mà tại sao có một nghĩa cử văn hóa như vậy. Hóa ra là Ông nổi tiếng từ rất sớm, những người bạn của mình như là chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, cựu giáo chức Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, hay là chị Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Mình đọc mình mới biết là các chị từng được học Đại học Vạn Hạnh. Những lời của những người đó hay quá, cứ nâng cái cảm xúc của mọi người lên, bằng rất, rất, rất nhiều bài viết hay về Ông. Mình chưa bao giờ được cảm nhận trên mạng toàn những bài viết hay như thế. Mình cùng với mọi người như được bay, được có cánh bay theo Ông. Và mình luôn khóc, không biết sao… Mình nghĩ mọi người cũng vậy. Những nước mắt này không phải là tiếc thương, không phải là buồn, mà như là một sự trải nghiệm, trải nghiệm là như được lắng nghe Ông, được nghe Ông nói, và làm theo cách sống của Ông. Nghĩa là sống tối giản, sống cho tri thức, trải nghiệm hành vi, thu mình lại, biết mình là ai, cùng liên kết, lan tỏa với nhau, làm thành một sự lương thiện cho xã hội, đang rất cần lúc này.

Mọi người như được nghe Ông truyền giảng, bằng những bài thơ, bằng những bức ảnh của Ông, bằng những câu chuyện về Ông. Mọi người như được hành hương đến với một vị chân tu – những vị chân tu, đến với đạo Phật, đã từng tốt đẹp của nước mình, được gột rửa khỏi những điều mình nghĩ chưa được tốt, ở trong lòng mình, trong tâm hồn, trong ham muốn của mình.

Bây giờ đọc thơ Ông nhiều cảm thấy những bài thơ khác, kiểu thơ khác mình không đọc được. Mình thấy thơ Ông sao nó hay đến như thế, mà tại sao không được phổ biến mấy, mọi người không biết, không biết mấy. Chữ ”hay” này, nhiều người định nghĩa nào là ‘‘tuyệt tác’’, nào là ‘‘trác việt’’, nào là ‘‘siêu việt’’… mình cảm thấy nó làm một cái thứ rất là cao siêu, cao cả dành cho người. Đọc thơ Ông có thể làm thay đổi rất nhiều. Không chỉ đọc những bài, những cuốn sách Ông viết hay Ông dịch, mà chỉ riêng thơ là có thể thay đổi được.

Có lẽ mình là người yêu thơ, bây giờ thỉnh thoảng đọc thơ Tô Thùy Yên, không thấy hận thù trong ông ấy, dù những câu thơ của ông ấy, sự trải nghiệm của ông ấy kinh khủng, nhưng không thấy uất hận. Rồi bây giờ bên Phật giáo Trời cho mọi người được một vị này, để đọc đi đọc lại. Riêng phần đọc đi đọc lại thơ Ông là đáng lắm rồi.

Sự ra đi của Ông, người ta nhìn lại, người ta thấy : ồ, đây là một món quà của Trời, chứ không chỉ là của Phật. Trong lúc này, giữa lúc đổ nát, và nhiều cái việc làm cho lòng người hoang mang thế này, thì là như được ngồi bên nhau lại, để nghe, để nghĩ, và để xem mình hành xử như thế nào với cuộc đời của chính mình, và từ đó mà nó lan tỏa những điều vi diệu cho xung quanh. Cái chết của Ông như là sự Trời cho Việt Nam, cho một nhân vật này, để thử xem lòng người lúc này có tan hoang như mọi người, như chính mình không. Thì mình thấy là mọi người khi cần, chỉ cần một dấu hiệu thực sự tốt lành, thì mọi người lại tập họp chung quanh nhau, bất kể có đi đạo Phật hay không, bất kể học ít hay học nhiều. Có những người chưa từng biết Ông, chưa từng đọc, người ta nói trên Facebook như thế, thậm chí những người đang hoang mang về đạo Phật, thì người ta nghĩ : Ôi bây giờ còn có một số người, một con người này, thì như vậy thì mình nên tin vào một sự thay đổi chứ. Bây giờ mình mới nhận ra cái công lao vĩ đại của Thầy, bằng cả cuộc đời, bằng trí tuệ siêu việt của Thầy, bằng tình yêu, tình bao la của Bồ Tát của Thầy – người ta dùng chữ ”Bồ Tát” cho Thầy nhiều lắm. Gần như là Thầy đang dần phục hưng lại cái đạo Phật ở trong lòng của dân tộc Việt Nam, như nó đã từng vững mạnh và tốt đẹp.

Nhà văn Dạ Ngân, từ Thành phố Hồ Chí Minh