Trang chủ PGVN Nhân vật Thiền sư Thích Nhất Hạnh về miền mây trắng

Thiền sư Thích Nhất Hạnh về miền mây trắng

Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ là một nhà tu hành nổi tiếng trên toàn thế giới mà ông còn là một nhà cách mạng thực sự đã luôn đem đến những cái mới mẻ cho cuộc đời tu hành và cho việc xiển dương (sáng danh) Phật pháp.

484

Ðất mẹ Việt Nam

Thầy Thích Nhất Hạnh xuất thân tu tập ở chùa Từ Hiếu, TP Huế. Những năm 2000, lúc đó nhà sư chưa về Việt Nam, tôi đã thường ghé qua ngôi chùa thanh tịnh, cổ kính rêu phong này. Các vị sư trẻ chiều chiều ngoài luyện võ còn chơi đá bóng rất hay. Họ thường nói với tôi về một bậc đại sư đang tu tập thuyết pháp ở nước ngoài, vốn là người của chùa Từ Hiếu, đó là sư Thích Nhất Hạnh. Các sư trẻ nói: “Chùa chúng tôi là tổ đình của thầy Thích Nhất Hạnh, chúng tôi đều tự hào và muốn noi gương thầy”.

Nguyên do tôi hay ghé chùa, dạo đó tôi muốn về Huế sinh sống nên có mua một mảnh đất gần chùa Từ Hiếu. Mọi người nói với tôi: “Đất này trước là ruộng của chùa Từ Hiếu đó. Ngày xưa, thời phong kiến, các sư rất giỏi làm ruộng, biết cày cấy, tự tay mưu sinh, không cần nhờ vả ai hết. Đó chính là lối sống lối tu của chùa Từ Hiếu”.

Cái tên chùa Từ Hiếu, gắn với vị cao tăng Hòa thượng Nhất Định. Vị hòa thượng này vì thương mẹ bị bệnh đã đi mua thịt cá cho mẹ ăn, mặc người đời chê cười, nên được vua Tự Đức ban phong cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Bia trong chùa có ghi rằng: “Từ là đức lớn của Phật, nếu không từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại. Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”. Việc gắn tu tập với chữ hiếu là một nét đặc sắc của Phật giáo Việt Nam mà có lẽ tiêu biểu là ngôi chùa Từ Hiếu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia tu ở chùa Từ Hiếu, nổi tiếng hiếu học, mộ đạo và cực kỳ thông minh. Tính ra nhà sư đã viết khoảng 120 cuốn sách, tác phẩm để đời.

Người ta mấy ai không biết tới bài thơ “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết về người mẹ: “Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền/ Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên/ Là bóng mát trên cao/ Là mắt sáng trăng sao/ Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối”.

Suối mát hòa bình

Nghe tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, Đức Dalai Lama đã gửi điện chia buồn có đoạn viết: “Với công cuộc vận động hòa bình, phản đối chiến tranh tại Việt Nam, sự ủng hộ của Ngài dành cho Martin Luther King và hơn hết là sự cống hiến của Ngài trong việc truyền bá phương pháp Chánh niệm và Từ bi để không chỉ nhằm đạt được bình an nội tâm mà qua đó, mỗi cá nhân, bằng việc nuôi dưỡng an lạc trong tâm mình sẽ đóng góp cho nền hòa bình đích thực của thế giới, Thầy đã sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa”.

Mục sư Martin Luther King từng gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là “tông đồ của hòa bình và bất bạo động”, đồng thời đề cử Thiền sư cho Giải Nobel Hòa bình năm 1967.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh về miền mây trắng ảnh 1
Thiền sư Thích Nhất Hạnh thắp lên ngọn lửa yêu thương trên toàn thế giới Ảnh: Tư liệu

Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích quan điểm đấu tranh hòa bình, “bất bạo động” đó là cuộc đấu tranh nhằm vào việc thay đổi suy nghĩ nhận thức của con người, chứ không phải là đấu tranh nhằm vào cá nhân những con người. Trong tuyên bố chung của mục sư Martin Luther King Jr và Thiền sư Thích Nhất Hạnh những năm 1960 đã viết rõ: “Kẻ thù của những người đấu tranh cho tự do và dân chủ không phải con người, mà là sự phân biệt đối xử, chuyên quyền, tham lam, hận thù và bạo lực, những điều nằm trong trái tim con người. Đó mới là kẻ thù thực sự, không phải bản thân con người”.

Cả cuộc đời mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đấu tranh để bảo vệ con người, bảo vệ nhân phẩm của con người, bảo vệ môi trường sống của con người và vạn vật.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh về miền mây trắng ảnh 2
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp

Trong một bài giảng, thiền sư nói rằng: “Chỉ khi ta có thể chấp nhận tính vô thường của nền văn minh này với tâm bình an, chúng ta mới có thể giải phóng chính mình ra khỏi nỗi sợ. Khi đó mình có đầy đủ sức mạnh, sự tỉnh thức và tình yêu để đem mọi người lại với nhau. Tâm tình với Mẹ Đất yêu quý – yêu lấy Mẹ Đất – không phải là một điều bắt buộc. Đó chính là chất liệu có trong mỗi con người, trong niềm hạnh phúc chung và cả trong sự sống còn”.

Ðức Phật là một người thầy

Cuộc cách mạng lớn nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có lẽ đó là xóa bỏ màn sương huyền bí về Đức Phật và đạo Phật, đưa người ta ra khỏi sự sùng kính lẫn sợ hãi, mà đến với Đức Phật và đạo Phật một cách giản dị, gần gũi và tỉnh táo. Bởi vì sư Thích Nhất Hạnh đã coi đức Phật là một người thầy.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng bộc bạch: “Sau nhiều thập niên, khi khám phá ra được con người thật của Bụt rồi, thầy mới nuôi giấc mộng là viết một cuốn sách để cho người ta thấy rằng Bụt không phải là một vị thần linh đầy phép lạ mà là một vị thầy. Do đó, thầy đã để hết tấm lòng của mình để viết cuốn “Đường Xưa Mây Trắng”, để lột ra khỏi Bụt những vòng hào quang, những vòng thần bí, để Bụt có thể hiện rõ như một con người, một vị thầy mà mình có thể tiếp cận được”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhiều năm qua giảng giải về Đức Phật như một nhà tri thức uyên thâm, chứ không phải là một vị thánh thần. Nhà sư tự đánh giá công sức của mình đó là: “Giúp phục hồi được hình ảnh của một vị thầy (tức là Đức Phật – PV) sống đơn giản, không sử dụng quyền phép mà chỉ sử dụng tuệ giác và từ bi để giải quyết tất cả mọi vấn đề”.

Tôi đã đến nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh thuyết pháp ngay trong lần đầu tiên nhà sư có mặt tại Hà Nội vào những năm 2000.

Cuộc thuyết pháp ấy có khoảng 80% thính giả là người nước ngoài. Tôi không nghĩ họ là những người theo đạo Phật. Song tất cả đều chăm chú nghe bài giảng.

Căn duyên của bùn và sen

Tôi sinh ra lớn lên ở miền Trung, miền Bắc, vốn đã quen với những ngôi chùa làng yên tĩnh, nhà sư hầu như chỉ quay mặt vào tường thiền định mà rất ít khi tiếp xúc với người bên ngoài. Mọi chuyện trong chùa, kể cả tiền nong, tu sửa chùa chiền đều do làng xã lo cả. Bởi vậy, khi gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi khá “sốc”.

Bởi đập vào mắt tôi là hình ảnh tăng đoàn rất nhiều người nước ngoài, mỗi lần di chuyển đều ngăn nắp hàng lối. Trong bài giảng của nhà sư lại có rất nhiều khúc hát đồng ca. Nhà sư giảng cả bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, chỉ nói tiếng Việt với người “đồng hương”. Sau dần tìm hiểu, tôi biết nhà sư mở nhiều khóa tu ở Pháp, ở Đông Nam Á… cho mọi người đến từ khắp các châu lục. Còn trong bài giảng của mình, sư Thích Nhất Hạnh thường xuyên đặt ra các câu hỏi là các Phật tử và Phật giáo ngày nay phải làm gì để thích nghi với cuộc sống hiện đại?

Với nhà sư Thích Nhất Hạnh, đạo Phật không phải là quá khứ, không phải là tương lai, mà chính là hiện tại.

Người ta thường nói rằng thiền là “an trú trong hơi thở”, nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh lại nói rằng thiền là “an trú trong hiện tại” – an trú trong chính cuộc sống này. Trong tác phẩm “Con đường thành thiện”, thiền sư viết rằng: “Nơi nào không có bùn thì không có sen”, vì chính bùn là chất liệu làm ra sen. Và rằng, “nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau thì ta mới phát hiện được cái hiểu biết và cái thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc”.

1/2022

Trần Nguyễn Anh