Có người cho rằng thiền học cũng có sứ mạng hòa hợp dân tộc, góp phần gắn kết người Việt Nam trong và ngoài nước thành một thể thống nhất. Theo thiền sư, hiện còn khó khăn gì khiến cho sự hòa hợp đáng mong muốn ấy chưa được như ý? Phải làm sao để sự hòa hợp này diễn ra nhanh hơn?
– Đạo Phật đã mang truyền thống hòa giải, hòa hợp từ rất lâu đời, những người tu hành chúng tôi chẳng qua chỉ là đại diện của truyền thống đó. Chúng tôi đi theo tinh thần của Bụt, là anh em một nhà thì không nên tranh giành, đánh nhau. Đã có thời lỡ bị dồn vào thế phải làm như vậy rồi thì bây giờ hãy ôm nhau thân ái trở lại.
Thiền sư nghĩ gì về chủ trương “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” của Nhà nước Việt Nam? Và mỗi cá nhân cần phải làm gì ?
– Đây là chủ trương rất hay của nhà nước Việt Nam. Có thật sự khép lại được hay không thì do mỗi cá nhân có thực tâm muốn hàn gắn, sửa đổi, trị liệu hay không? Chính phủ cần có những hành động, cử chỉ cụ thể để mọi người đều có ước muốn như vậy. Lúc đó mới khép lại quá khứ được, và khép được quá khứ thì sẽ mở ra tương lai.
Nếu không hòa giải, nắm tay nhau được thì không mở ra tương lai được. Những khóa tu cũng như những bài thuyết pháp của chúng tôi đều có chủ đề hòa giải giữa cha con, vợ chồng, người Công giáo với người Phật giáo… Chỉ cầu nguyện thì không đủ mà phải thực tập. Bất cứ lời nói, hành động nào của chúng tôi cũng đều mang màu sắc, dấu ấn của sự hòa giải hòa hợp. Trước trong hay sau chiến tranh chúng tôi cũng chỉ làm những việc như nhau, để hướng đến tình huynh đệ, sự tha thứ, tình thương yêu, sự chấp nhận lẫn nhau. Chiến tranh tạo ra sự nghi ngờ nên nhiều người nghĩ chúng tôi có mục đính chính trị, nhưng thật ra đây là vấn đề văn hóa. Phật giáo là một nền văn hóa hơn là một tôn giáo.
Phương pháp thiền của thiền sư chú trọng rất nhiều đến việc sống trong hiện tại. Vậy nếu mỗi cá nhân thật sự sống trong hiện tại thì sự hòa giải và khép lại quá khứ kia có dễ hơn không?
– Đúng thế, nhiều người không thoát ra khỏi ám ảnh quá khứ, nhiều người khác lại bị trói chặt bởi viễn cảnh tương lai (như các doanh nhân quá chăm chăm đến lợi nhuận trong tương lai mà không có khả năng sống trong hiện tại). Phương pháp của đạo Phật là phá tan những ràng buộc như vậy để có tự do trở về sống trong giây phút hiện tại với những nhiệm màu của nó.
Đơn giản như vậy nhưng phương pháp thực tập này rất thu hút với người phương Tây, bởi chúng tôi không hứa hẹn với họ thiên đường hạnh phúc trong tương lai. Chúng tôi nói hạnh phúc, thảnh thơi… phải tìm ngay trong giây phút hiện tại. Khi nhìn người thân của mình, phải thấy có phước lắm vì người thân của mình còn đang có mặt bên mình. Hãy trân quý người thân, trân quý trời xanh mây trắng, trân quý chim hót thông reo hoa nở mây bay mà không cần nghĩ rằng sau này có tiền nhiều thì mới hạnh phúc.
Tôi nghĩ Mai thôn đạo tràng ở Pháp rất đơn sơ nhưng người phương Tây tới nườm nượp, không phải vì có chùa to phật lớn mà vì chúng tôi có pháp môn tu tập. Tu tập 1, 2 tuần về thấy con người thay đổi, chuyển hóa được gia đình, đem lại hạnh phúc.
Phương pháp tu tập này có gốc rễ trong Phật giáo Việt Nam, đã phát triển ở phương Tây rồi bây giờ lại đem trở về trồng lại ở mảnh đất Việt. Đây là một gia sản tinh thần của văn hóa Việt.
Thiền sư có nghĩ mình đang góp phần truyền bá được văn hóa Việt Nam, hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới?
– Ngay trong phái đoàn về nước kỳ này cũng có mấy trăm thiền sinh từ hơn 30 nước trên thế giới. Họ có cảm tưởng như về cố hương, họ cảm động khi thấy những ngôi chùa ở ba miền Bắc, Trung, Nam.
Tất cả đều đã thấm nhuần nền văn hóa, đạo đức của Phật giáo Việt Nam. Trong số đó có những vị giáo thụ chủ trương đoàn kết tu tập, có vị xuất gia, có vị cư sĩ đang giảng phương pháp tu tập của mình ở nhiều nước. Hiện đã có cả ngàn đoàn thể tu tập như vậy ở Châu Âu, châu Mỹ, nghĩa là văn hóa Việt Nam đã lan rất rộng.
Nếu người Việt mình không trân quý văn hóa tinh thần Việt Nam mà lại chạy tìm những chủ nghĩa xa lạ thì có đúng không? Hay mình lại đau khổ hơn? Nền kinh tế tiêu thụ cũng đã đem theo nhiều tệ nạn mà trước đây ta ít có. Cấu trúc gia đình rất vững xưa kia giờ đã lung lay. Người trẻ không thấy hạnh phúc trong gia đình bởi bố mẹ không chỉ làm khổ nhau mà còn áp đặt những nguyên tắc sống và ước muốn của chính họ cho con cái. Người trẻ bị mất phương hướng và họ đi tìm sự khuây khỏa bên ngoài nên mới sa vào bẫy của ma túy, tình dục, đĩ điếm, trộm cướp…
Phải đem nền văn hóa, đạo lý phương Đông ra để làm vũ khí chống lại những sự xâm nhập ấy. Pháp môn của chúng tôi giảng dạy ở Tây phương cũng là để củng cố, khôi phục lại văn hóa gia đình.
Thiền sư luôn nhấn mạnh đến sự “an trú trong hiện tại”, rằng phải theo dõi hơi thở để cảm nhận và nâng niu hiện tại trong mọi hoạt động. Có thể thực tâp những điều này khi đến với những buổi thiền, những khóa tu. Nhưng trong cuộc sống với vô số việc phải làm trong cùng một thời điểm. Vậy thì phải thực tập “an trú trong hiện tại” như thế nào, trong những hoàn cảnh như vậy?
– Trong thiền học có “Định”, khi mình chú tâm vào một cái thì mới làm cái đó hay được, còn nếu “bắt cá hai tay” là hư rồi. Một tay trả lời điện thoại, một tay tranh thủ làm việc khác thì cả hai việc khó mà tốt được. Đừng có ham hố, đôi khi mình ham hố rồi không tiến xa. Chúng tôi đi bộ mà đi rất xa, có khi đến trước những người lái xe hơi, vì những người đi xe hơi có thể giữa đường bị thu hút vào nhiều cái khác.
Hãy làm một việc ở một thời điểm thôi, điều này rất quan trọng. Khi mình chú tâm làm một việc, mình sẽ có hạnh phúc trong khi làm việc đó. Chẳng hạn như khi lái xe, nếu ta cứ nôn nao để tới đích thì thấy mệt mỏi, còn nếu ta tập trung lái xe thì sẽ thấy hạnh phúc bởi sự có mặt của người thân đi cùng mình, bởi cảnh thiên nhiên đẹp, bởi cuộc sống sôi động. Làm bất cứ việc gì cũng có thể chú tâm đến hơi thở và tập trung, nếu đã nắm vững thì dù lúc nào cũng có thể “an trú trong hiện tại”. Đức Phật cũng đã dạy rằng chúng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.
Thiền sư đã 2 lần về Việt Nam, và như thiền sư nói đó thật sự là những chuyến trở về cội nguồn. Vậy thiền sư đã dự định gì cho những chuyến trở về tiếp theo?
– Mình an trú trong giây phút hiện tại, làm cho tốt điều mình đang làm, không phân tâm nghĩ đến việc tiếp theo.
Xin cám ơn thiền sư.