“Danh vọng, quyền lực và tiền bạc không đem lại hạnh phúc thực sự nếu như bạn không biết cách chăm sóc cơ thể, cảm xúc của chính mình”, thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chánh niệm, thiền ngày càng trở thành một chủ đề phổ biến trong giới lãnh đạo, doanh nhân trên thế giới. Bàn về mục đích của việc thực hành chánh niệm, thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ ra rằng, nếu các nhà quản trị thực sự dùng phương pháp thực hành chánh niệm vì mục đích kiếm được nhiều tiền hơn, họ chỉ có thể trải qua một “cái vỏ rỗng” mà không bao giờ chạm tới mục đích thực sự của chánh niệm.
“Khi coi thực hành chánh niệm là một cách để kiếm được nhiều tiền hơn, thì bạn không bao giờ chạm tới được mục đích thực sự của nó. Lúc đó, bạn thiền, thực hành chánh niệm nhưng không thể tìm thấy sự yên vui thực sự, không có hạnh phúc nào được tạo ra. Bởi đó chỉ là một sự bắt chước. Nếu bạn không cảm nhận được năng lượng của tình thương, sự gắn bó giữa người với người trong công việc của bạn, đó không phải là chánh niệm”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng được mời đến thung lũng Silicon để trò chuyện với các CEO của 15 công ty công nghệ có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Thông điệp cốt lõi mà thiền sư gửi đến các nhà lãnh đạo công nghệ và sử dụng ảnh hưởng của họ trên toàn cầu để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn chứ không phải tạo ra sự giàu có nhất có thể.
Theo thiền sư, “nếu bạn hạnh phúc, bạn sẽ không bao giờ phải chịu đựng điều gì. Nếu bạn thành công, bạn có thể phải chịu đựng nhiều hệ quả của nó”. Nếu bạn biết cách thực hành chánh niệm, bạn có thể tạo ra sự bình an và niềm vui ngay tại đây, ngay bây giờ. Điều đó sẽ thay đổi bạn. Ban đầu, nếu bạn tin rằng bạn không thể là số 1, bạn đương nhiên không thể hạnh phúc. Nhưng thay vì đau khổ, nếu thực hành chánh niệm, bạn sẽ được khơi gợi những ý tưởng hay, tìm ra con đường thực sự để đạt được mục tiêu của bạn. Không có con đường nào dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường. Khi những lãnh đạo có ý định theo đuổi chánh niệm vì những mục đích cá nhân ích kỷ thì họ sẽ lạc lối.
Trong suốt chuyến đi, thiền sư đã gặp một số kỹ sư cao cấp của Google và nói về cách họ sử dụng công nghệ để tạo ra một thế giới từ bi hơn. Bởi thực tế, nhiều sản phẩm công nghệ họ tạo ra dường như làm tăng sự căng thẳng và cô đơn của con người.
“Tôi nghĩ, trồng hạt giống sẽ mất thời gian để nó nảy mầm và lớn lên. Nếu chúng ta thực hành chánh niệm, chúng ta sẽ trải nghiệm niềm vui, hạnh phúc, sự chuyển đổi – những thứ có thể khiến chúng ta điều chỉnh một khát vọng khác cho bản thân. Danh vọng, quyền lực và tiền bạc không đem lại hạnh phúc thực sự nếu như bạn không biết cách chăm sóc cơ thể, cảm xúc của chính mình”, thiền sư khẳng định.
Theo Trí thức trẻ/Thepowerofideas