Trang chủ Người thời nay Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Nếu không tham sân si, có tình...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Nếu không tham sân si, có tình thương, đã là Phật rồi

595

Thật khó để thu xếp được một cuộc hẹn dù tôi đã có hai lần đến gần Thiền sư. Nhưng tôi chỉ là một trong số “chúng sinh” vẫn ít nhiều đứng bên ngoài cửa Phật mà “kính nhi viễn chi”. Đúng là “đi mãi rồi cũng tới”, chùa Pháp Vân trong một cơn mưa trái mùa đầu chiều hạ, trong sự bồn chồn vì phải đợi hoài mà Thiền sư vẫn chưa có thời gian rảnh để dành cho tôi. Thầy Pháp Khâm mang tới một bình nước trắng, nói nhẹ nhàng: “Chị đã chờ rất lâu để được gặp thầy, phải không? Vậy thì ở đây và chờ thêm một xíu nữa cũng đâu có sao?”. Tôi chỉ là một người thường, tôi chưa học được sự nhẫn nại, và trạng thái chờ đợi làm tôi thực sự căng thẳng. Ngoài trời mưa vẫn như trút nước xuống. Nên khi được lên căn gác nhỏ, ngồi xuống chiếc chiếu trúc, tôi đã như hốt hoảng thốt lên:


– Thưa thầy, con đã chờ lâu lắm để gặp được thầy hôm nay!


Hai tay bưng tách trà xanh, nhẹ nhõm và nâng niu, Thiền sư cười hóm hỉnh:


– Tôi cũng đã chờ chị từ rất lâu rồi!


Bỗng nhiên mà cảm giác thư giãn tràn ngập và trạng thái căng thẳng của tôi dường như tan biến, Thiền sư đã xóa đi những khoảng cách để tôi tìm được cảm giác an lạc ngay trong sát na này, khi được ngồi bên bàn trà, mà thỏa sức hỏi những câu hỏi đã ở trong tâm mình từ lâu lắm…







“Quê hương sẽ không bao giờ nằm ngoài thực tại vì đó là trái  tim mà lúc  nào tôi cũng mang theo”


Thiền sư ung dung nói 17 câu hỏi của tôi, ông đã xem qua, đã hiểu tôi còn quá nhiều thắc mắc, những thắc mắc dài hơn một khoảng thời gian mà ông có thể dành cho một phóng viên. Tôi biết, ở ngoài kia, có một đoàn làm phim của Đài truyền hình Ý đã đi theo Thiền sư 25 ngày rồi nhưng ngày mai, họ mới có được một cuộc gặp riêng với thầy, và tôi hiểu mình là người may mắn. Còn hơn thế, khi trước đó tôi được thầy Pháp Khâm cho biết, thường thì Thiền sư không trả lời câu hỏi phỏng vấn mà sẽ yêu cầu người hỏi đến, thiền hành rồi nghe thầy Pháp thoại và tự tìm ra điều mình muốn hỏi trong chính những điều Thiền sư đã nói. Tôi lại may mắn là một ngoại lệ, Thiền sư đồng ý trả lời từng câu hỏi của tôi, tất nhiên không phải tất cả.


* Thưa thầy, thầy đã nói chuyến đi này không phải là một cuộc viếng thăm mà là trở về. Sự trở về này được hiểu như thế nào ạ? Và thầy đã trở về vậy có ra đi nữa không?


– Đi VN cũng là trở về mà đi Pháp cũng là trở về, chúng tôi thấy ở đâu cũng là quê hương của mình. Có lẽ điều tôi nói khác với hình dung của chị. Nhưng sự thật là đi đâu tôi cũng có ý thức là đã về đã tới. Khi đi bách bộ trong phi trường bên Pháp đợi máy bay, mỗi phút giây đã là sự trở về. Nếu mình chỉ trông về VN thì mình bỏ quên bước chân ở bên Pháp, bỏ quên hiện tại. Không phải về đến Tân Sơn Nhất mới là trở về. Tôi về tôi tới trong từng giây từng phút cũng chính là sự trở về vậy. Quê hương của mình chính là ở đây, bây giờ, trong giây phút hiện tại. Quê hương sẽ không bao giờ nằm ngoài thực tại vì đó là trái tim mà lúc nào tôi cũng mang theo. Do sự tu tập mà chúng tôi có được điều đó. Không phải do một lý thuyết nào cả. Khi giảng dạy cho người Tây phương chúng tôi cũng nói như vây, không để cho quá khứ ảnh hưởng mà luôn biết sống trong hiện tại. Có những người bị quá khứ giam hãm, lo lắng, sợ hãi, thiết kế tương lai mà quên đi hiện tại. Họ thật bất hạnh khi đã không biết sống cho từng giây phút hằng ngày.


* Phật giáo ở VN có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Đã có câu thơ của nhà sư Thích Mãn Giác: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”…, riêng với thầy, cảm nhận của thầy về vị trí hiện tại của Phật giáo trong xã







hội VN?


– Đạo Phật trong quá khứ đã là nền tảng, nếp sống văn hóa của người VN. Tâm đạo của Phật tử VN thực ra không hề thay đổi. Nhưng đạo Phật cũng cần phải được hiện đại hóa trong cách học, cách tu tập thì mới biết được mà tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống hiện đại. Nếu không thì người trẻ khó mà tiếp thu đạo Phật được. Theo tôi, sứ mạng của Phật giáo VN hiện tại là phải hiện đại hóa, không thể nói thao thao bất tuyệt bằng lý thuyết dù lý thuyết đó có thể rất bác học nhưng thiếu khoa học. Nếu tới đạo tràng Mai Thôn, sẽ là sự đi tìm những phương pháp hữu hiệu để tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống. Quan trọng là đạo giáo phải áp dụng được cho cuộc sống. Đạo Phật có phần tôn giáo tín ngưỡng, người Phật tử đến chùa chỉ để cúng dường thì chưa thể tháo gỡ được khổ đau, khó mà đến được với tuệ giác của đạo Phật. Tuệ giác rất vĩ đại, có thể giải quyết được những bế tắc, tháo gỡ những khó khăn trong lòng mình, trong cộng đồng. Điều này hiện tại ở đạo Phật đang thiếu cho người trẻ để học được. Có những người trẻ họ tự tử vì bức xúc lớn trong cuộc sống, vì họ không giải tỏa được, đạo Phật phải có ngôn ngữ mới, cách dạy mới… thì mới có thể đưa đạo Phật đến được gần với người trẻ và người trí thức.


* Theo thầy, tinh thần nào đã khiến cho Phật giáo và những tín đồ của tôn giáo này  luôn giữ được một tinh thần khoan dung và ôn hòa đến thế ?


– Trong đạo Phật, có một thực tập gọi là phá chấp – nghĩa là sự buông bỏ thực tại của mình đi đến một cái cao hơn. Khi con người bị vướng vào những ý thức hệ khác nhau là bị kẹt. Người tự do và giải thoát là không bị vướng vào những điều đó nữa, chân lý tuyệt đối không thể nói bằng lời, bằng ngôn ngữ. Chân lý của đạo Phật là hướng dẫn cho con người đi tìm đến chân lý chứ không phải là chân lý. Ví như bản đồ của TP.HCM không phải là thành phố. Nhưng tấm bản đồ cần thiết để ta tìm đường trong thành phố. Chiếc bè không phải là bờ bên kia nhưng phải dùng chiếc bè để đi qua sông. Đạo Phật có tinh thần bao dung rất lớn. Không bao giờ đạo Phật tổ chức võ trang để chống lại bất kỳ thế lực nào mà luôn giữ một tinh thần bất bạo loạn. Hiện bây giờ, thế giới đang có hứng thú để nghiên cứu, thực hành đạo Phật chính vì tính không giáo điều, không có cố chấp. Đức Phật không phải là một thần linh. Đức Phật là một con người như chính chúng ta. Con người có thể cũng trở thành Đức Phật. Đó là một điều rất lạ đối với người Tây phương. Đạo Phật luôn đưa chúng ta về với bản chất của con người. Phật tại tâm, và chúng sanh chính là Phật. Nếu chúng sanh không tham sân si, có tình thương đã là Phật rồi còn đi tìm ở đâu nữa.


* Năm 1995, Thiền sư được mời nói chuyện trước các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học xã hội và kinh tế tại San Francisco ở Hội nghị State of the World Forum về “Chiều sâu tâm linh cho thế kỷ XXI”. Xin thầy có thể nói một số ý chính về cuộc nói chuyện này? Phải chăng, sau hàng loạt những tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia, các tôn giáo, những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã nhận ra rằng chỉ có tinh thần khoan dung mới là cốt lõi để hóa giải mâu thuẫn và khiến nhân loại có được một cuộc sống ổn định hơn?


– Trong diễn đàn “Chiều sâu tâm linh cho thế kỷ XXI”, có rất nhiều lãnh tụ chính trị. Ngày hôm đó tôi thuyết trình 5 giới của đạo Phật một cách rất phổ thông. Đó thực ra là sự thực tập của tình thương, của sự bảo vệ, phát triển cuộc sống, và gìn giữ cho mình. 5 giới đó không chỉ có tính chất tôn giáo mà còn mang tính chất đạo đức. Thông điệp của UNESCO năm 2000 cũng được trình bày giống như vậy với sự đồng thuận của 80 triệu người, có nhiều nguyên thủ quốc gia tham gia mà Thủ tướng Phan Văn Khải là một trong số đó. Sau diễn đàn, chúng tôi quy tụ lại trong một gian phòng, rồi tập thở, tập đi những bước chân thanh thản, trong đó có những người như bà Margaret Thatcher, ông Bush cha cũng tham gia… Tôi không muốn lý thuyết mà muốn có sự tu tập và để cho họ tự lựa chọn. 5 giới đã được trình bày một cách rõ ràng mà ai cũng có thể làm được và nếu làm được thì trái đất sẽ có một tương lai. (Cũng là chủ đề cuốn sách Để có một tương lai của Thiền sư).


* Thưa thầy, đâu là nguyên do chính thôi thúc một người phương Tây đến với Phật giáo. Cách một người phương Đông và một người phương Tây tiếp cận với đạo Phật có gì khác nhau không?


– Người phương Tây tới thực tập với chúng tôi không có mang theo pháp vật cúng dường như hương hoa đèn nến vì với họ, chúng tôi mang đến cho họ một hệ thống triết học. Họ tới để học cách lắng dịu những căng thẳng, đau nhức ở trong tâm. Những ông cụ bà cụ tới cúng dường như ở VN ở phương Tây là không có. Hiện tại, mỗi một mùa hè có khoảng 45, 50 quốc tịch trong Làng Mai. Lúc đó đạo Phật giống như là một phương pháp trị liệu vậy. Bởi với người phương Tây, đạo Phật rất là mới, không phải như là cách thức truyền bá ở VN. Nên những người phương Tây tham gia tu tập với chúng tôi đa số là những người trẻ và trí thức. Tôi nghĩ nó đã có hấp lực ở phương Tây thì mang về VN chắc chắn cũng được giới trẻ đón nhận. Sau này cũng có thể có những khóa học như vậy ở VN không phân biệt phương Tây hay phương Đông.


* Thưa thầy, con đã đọc nhiều sách ghi lại lời giảng của thầy cũng như những gì thầy viết, con nhận thấy thầy không bao giờ né tránh cuộc sống như một số các nhà tu hành vẫn áp dụng mà ngược lại, thầy đi thẳng vào cuộc sống, lấy chính cuộc sống với những hỉ nộ ái ố của nó để làm bài học cho chúng sinh. Vậy cuộc sống với thầy thực ra là gì ạ?


– Đạo Phật sinh ra vì cuộc sống. Vì cuộc sống có những khó khăn, có những khổ đau nên mới có đạo Phật. Đạo Phật ở VN là nhập thế nghĩa là không chỉ ở chùa mà ở khắp nơi, đi







Thiền sư Thích Nhất Hạnh pháp danh Trừng Quang, xuất gia tu học từ năm 16 tuổi ở Tổ đình Từ Hiếu. Năm nay, Thiền sư 82 tuổi đời. Năm 1967, Thiền sư đã được đề cử giải Nobel Hòa bình. Thiền sư từng thuyết trình ở Quốc hội Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ và một số diễn đàn cao cấp khác về phương pháp sống chánh niệm. Trường đại học Long Island (New York) và Trường đại học Loyola (Chicago) đã tặng Thiền sư văn bằng Tiến sĩ nhân văn cho những hoạt động giáo dục, văn hóa và xã hội. Thiền sư từng giảng dạy tại Đại học Columbia, Boston và New York (Hoa Kỳ), Đại học Amsterdam (Hà Lan), Đại học Sorbonne (Pháp).Trên 100 tác phẩm của Thiền sư đã được lưu hành rộng rãi trên thế giới bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Hoa, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha…


vào cuộc đời. (Đạo Phật đi vào cuộc đời là tựa đề một cuốn sách của Thiền sư). Không thể giữ đạo Phật chỉ ở trong chùa được. Hiện tại ở phương Tây, có nhiều cuộc tuần hành vì hòa bình, hay cổ động sự giúp đỡ dành cho người nghèo mà nhiều cuộc tuần hành đó xuất phát từ Làng Mai…


* Vậy thưa thầy, “Phật pháp vô biên” nhưng còn lòng người thì sao ạ?


– (Thiền sư im lặng một xíu, uống khẽ khàng một ngụm trà rồi mới thong thả nói) Tuệ giác giống như biển cả. Nó như một dòng sông, khi mình cần tới nước thì mình tới với dòng sông. Khi đó mình muốn uống nước thì đến, múc nước về là tùy. Có người để hết cuộc đời để đi vào dòng sông, có người chỉ ghé qua rồi lại đi. Từ bi và tình yêu trong đạo Phật không có ranh giới. Đó là từ bi hỉ xả. Từ chính là nếu thương mà chưa hết lòng vì người mình thương thì chưa phải là tình thương. Bi là biết lấy đi những đau khổ của người mình thương mới chính là thương. Hỉ là phải biết làm người mình thương vui – ấy là thương. Xả là không có ranh giới, không có sự phân bì hay kỳ thị. Thương hết mà không kỳ thị là xả, là ôm lấy hết. Bốn cái chất liệu từ bi hỉ xả đó có thể phát triển đến vô biên. Càng thương yêu càng hạnh phúc. Tứ vô lượng tâm – chính là 4 thứ tình yêu không có ranh giới. Và đó chính là cuộc sống.


* Trong nhiều bài thuyết pháp, thầy có khuyên mọi người sống an vui, thảnh thơi hòa hợp trong chính gia đình mình, nếu ai cũng vậy thì Phật giáo liệu có còn người xuất gia khi mà không thể thiếu “tăng” trong ba vị trí quan trọng tạo nên Phật giáo là “Phật – pháp – tăng”?


– Nếu ai cũng đã biết sống an vui trong hiện tại thì Phật giáo đã hiện diện khắp nơi.


* Con được biết các nhà làm phim Hollywood muốn thực hiện bộ phim Đường xưa mây trắng do tỉ phú người Ấn Độ, ông Bhupendra Kumar Modi, tài trợ với khoảng 120 triệu đô la. Thầy đã không nhận bất kỳ khoản nhuận bút nào mà chỉ đề nghị các nhà làm phim tham gia một khóa tu tập. Thực hư chuyện này ra sao và dự án làm phim đã tiến hành đến đâu rồi ạ?


– Tôi đã mở nhiều những khóa tu tập cho các người ở Hollywood, họ rất sợ hãi, sống rất nhiều khổ đau. Tôi đã gặp rất nhiều, tôi cho họ thực tập và nghe, họ đã khóc. Với phim Đường xưa mây trắng tôi đòi hỏi mọi người tham gia làm phim phải đến Làng Mai tu tập để thực sự thảnh thơi nhẹ nhàng. Chúng tôi không có lấy tiền nhưng có một điều kiện đó thôi để họ có thể có cuốn phim có chất lượng. Nếu không có gì thay đổi thì bộ phim sẽ tham dự LHP Cannes vào năm sau.


* Thưa thầy, “Phật tại tâm”. Vậy các nghi lễ của Phật giáo nhiều khi bí ẩn và mang màu sắc huyền thoại có cần thiết không ạ? 


– Nó cần thiết vì chỉ những người đạt đến  trình độ vô tướng thì người ta mới không cần hình thức. Nhưng nhiều người cần cái đó người ta mới có thể cảm thấy gần gũi. Bàn thờ ông bà chẳng hạn, mình biết ông bà đâu phải ngồi trên bàn thờ. Nhưng hình thức hướng dẫn được cho cái tâm. Những người tu tập như chúng tôi không cần hình thức nhưng bây giờ thì nhiều người vẫn cần. Có chân tâm và vọng tâm. Nếu tu tập tốt thì chân tâm lớn lên và vọng tâm sẽ nhỏ đi.


* Thầy tin là Phật giáo có thể làm được điều gì tốt nhất cho một con người? Và theo thầy, con người sẽ tìm thấy điều tốt đẹp gì khi thành tâm trở thành một Phật tử?


– Phật giáo có thể làm được điều tốt nhất cho con người đó là sự “từ bi hỉ xả” và khi luôn biết “an trú trong hiện tại” thì mỗi một con người đã là một Phật tử rồi.


Tôi còn quá nhiều câu hỏi “tại sao”, “như thế nào”, “là cái gì” nhưng Thiền sư lại rất ung dung hóm hỉnh khẽ nói: “Những câu hỏi rất hay,Phật pháp là vô biên nhưng thời gian là hữu hạn” Và tôi hiểu thế cũng đã là nhiều cho một cơ duyên gặp gỡ…