Trang chủ Đời sống Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hòa hợp dân tộc để thống nhất...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hòa hợp dân tộc để thống nhất lòng người

92

* Được biết, về VN lần này thiền sư sẽ tổ chức ba đại lễ cầu siêu tại ba miền Bắc – Trung – Nam. Thưa, thiền sư có thể cho người dân VN hiểu sâu hơn về ý nghĩa chuyến đi lần này?


– Đại lễ sẽ cầu siêu độ cho tất cả đồng bào tử nạn trong chiến tranh, trong đó có chiến sĩ trận vong, nạn nhân chiến tranh, những người bị mất tích mà hài cốt chưa tìm được… không phân biệt chủng tộc, Bắc Nam, tôn giáo, chính kiến, già trẻ hay trai gái.







Nay đất nước đã được thống nhất, hòa bình đã được tái lập, chúng ta có dịp trở về với nhau, nắm tay nhau, chấp nhận nhau để cùng cầu nguyện cho nhau, cho những người đã khuất và những người còn đang tiếp tục gánh chịu oan nghiệt, và để tất cả cùng có cơ hội chữa lành những vết thương rướm máu lâu ngày chưa lành. Các đại trai đàn chẩn tế giải oan là một trong những hình thức thực tập chữa trị thương tích, nối kết lại tình đồng bào ruột thịt.


(trích từ “Phổ cáo quốc dân và đồng bào phật tử” trên trang web Làng Mai)


Không thuần là vấn đề tôn giáo mà đây là phương pháp tâm lý trị liệu. Tôi đã đi qua cuộc chiến tranh ở VN, tôi biết phía nào cũng có người trực tiếp hoặc gián tiếp gánh chịu khổ đau. Những vết thương trong lòng nếu không trị liệu có thể sẽ truyền lại cho con cháu. Đứng về phương diện lịch sử cũng như tâm lý, lễ trai đàn bình đẳng chẩn giới (cầu siêu cho tất cả mọi người) có tác dụng trị liệu. Trị liệu để chấm dứt và không truyền khổ đau, hận thù đến thế hệ tương lai.


Trong phương pháp thực tập của đạo Bụt có cái “hiểu” và “thương”. Khi mình hiểu được thì mình có thể chấp nhận được, có thể xóa bỏ những hiểu lầm, giận hờn, trách móc. Nếu Bắc – Nam cùng nắm tay nhau; trong và ngoài nước nắm tay nhau thì cơ hội  của đất nước sẽ lớn hơn. Đất nước ta đang có những cơ hội lớn, đừng đánh mất cơ hội này. Sau khi thống nhất đất nước, chúng ta phải tìm cách thống nhất lòng người.


* Một bộ phận người VN ở nước ngoài suy nghĩ gì về công việc của thiền sư?


– Công việc này cũng cho họ thấy đây cũng là lúc cần xóa bỏ những hận thù để trở về với quê hương, với đất nước, để xem nhau như anh em trong một nhà.


Cách đây ba ngày tôi có nhận thư một thanh niên sống ở Mỹ, viết rằng lớn lên anh đã chứng kiến những khổ đau, thảm khốc của chiến tranh. Và khi nghe đại trai đàn chẩn tế tuy chưa diễn ra nhưng anh đã cảm thấy có sự trị liệu xảy ra trong trái tim anh. Những lá thư như vậy chứng tỏ đồng bào mình thấy được đến lúc phải trị liệu, xóa bỏ hận thù, nắm tay nhau để đất nước có cơ hội mới. Nếu không trị liệu mà chỉ phủ lấp những đau khổ đó bằng những bận rộn hằng ngày thì nó còn hoài.


Nên phương pháp của tâm lý trị liệu là đưa những đau khổ đó lên ánh sáng của ý thức, nhận diện nó và mới chuyển hóa nó được. Thành ra, tuy hình thức là nghi lễ trai đàn nhưng trong nội dung là hòa giải, xóa bỏ hận thù, là sự trị liệu rất cần thiết để hòa hợp dân tộc.


* Sau 40 năm xa quê hương, thiền sư đã có chuyến trở về cách đây gần hai năm. Và hôm nay, về quê hương lần thứ hai, thiền sư có nhìn nhận gì về sự thay đổi của VN?


– Tôi thấy cơ hội của đất nước mình lớn hơn và tôi không muốn mình đánh mất cơ hội đó.


Với sự phát triển kinh tế, tệ nạn xã hội sẽ đi đôi. Cho nên công tác giáo dục quần chúng có một vai trò rất lớn. Chúng tôi cũng muốn tham gia góp phần xóa bỏ những tệ nạn ấy.


Tôi thường nói với giới thương gia: Khi mình tin rằng có tiền bạc và quyền lực là có hạnh phúc thì mình chưa thấy được sự thật. Dĩ nhiên, có quyền lực và tiền bạc thì có thể giúp ích cho đất nước và dân tộc nhiều. Tuy nhiên, nếu mình không có đạo đức thì những phương tiện đó sẽ trở nên nguy hiểm.


Trong đạo Phật có nói tới ba cái đức: Đoạn đức: cắt đứt những đam mê, tham vọng, hận thù; Trí đức: có trí tuệ để có phương pháp giải quyết những vấn đề, ví dụ như chia rẽ, hận thù, chống đối, thành kiến; Ân đức: thương yêu và tha thứ. Con người có ba đức ấy ban phát hạnh phúc xung quanh rất nhiều.


Mỗi ngày phải vun trồng ba cái đó. Trước hoàn cảnh toàn cầu hóa, nếu không trang bị được ba cái đức ấy của đạo đức, mình sẽ có rất nhiều vấn đề.


* Ngài có lời khuyên gì cho giới trẻ?


– Tôi đặt hi vọng ở người trẻ nhiều. Có thể họ có những vụng dại, lỡ lầm nhưng người trẻ có thể học được từ những lỡ lầm. Hay nhất là giới trẻ ít có thành kiến và mỗi lần ngã xuống là biết đứng dậy.


Điều tôi muốn gửi gắm là trong cuộc sống thường ngày đôi khi ta gặp những phản bội, hư hỏng, đạo đức giả, thế nhưng người trẻ phải luôn vươn tới để tìm hướng đi mới. Điều quan trọng là đừng bao giờ để trái tim mình mất “lửa”, mất niềm tin.







Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa Thiên-Huế. Năm 16 tuổi ông xuất gia ở chùa Từ Hiếu, tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc ở miền Trung VN và tu học thiền theo trường phái Mahayana của Phật giáo.


Thiền sư đã phối hợp kiến thức uyên thâm của ông về nhiều trường phái thiền truyền thống khác nhau, với các phương pháp từ Phật giáo Theravada và ý tưởng từ tâm lý học phương Tây để tạo thành cách tiếp cận hiện đại của ông đối với thiền. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở thành một người có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của Phật giáo phương Tây.


Thiền sư là người khai sơn: Phương Bối Am (Bảo Lộc, Lâm Đồng, 1956), chùa Lá Pháp Vân (Tân Phú, Sài Gòn, 1964), tại Pháp có Phương Vân Am – Troyes (1970), Phương Khê – Gironde (1978), đạo tràng Mai Thôn (1982) có các chùa Pháp Vân và Sơn Hạ – Dordogne, Cam Lộ – Lot et Garonne, Từ Nghiêm – Gironde, tại Mỹ có tu viện Rừng Phong và Thanh Sơn – Vermont (1997), tu viện Lộc Uyển – Escondido, California (2001). Thiền sư đã từng giảng dạy tại Đại học Columbia, Boston và New York (Hoa Kỳ), Đại học Amsterdam (Hà Lan), Đại học Sorbonne (Pháp)…