Sách tập hợp các phần vấn đáp sau mỗi bài pháp thoại của thiền sư trong những khóa tu hàng năm do làng Mai (Thái Lan) tổ chức. Trong phần mở đầu, thiền sư viết: “Các em nhỏ đã trực tiếp hỏi tôi những câu hỏi này và tôi luôn cố gắng trả lời bằng những gì hay nhất của mình”.
Sách gồm 64 trang, trả lời tổng cộng 64 câu hỏi ở ba chủ đề chính: Vũ trụ và thế giới, Bản thân và các mối quan hệ, Thiền tập và đời sống tu sĩ. Những thắc mắc của trẻ con thể hiện sự tò mò khám phá thế giới bên ngoài và nội tâm. Ở chủ đề vũ trụ, các em hỏi: Tại sao thế giới này tồn tại? Thượng đế có hình dáng ra sao? Tại sao mặt trời lại nóng?… Chủ đề bản thân: Làm sao con có thể thương một người có sở thích không giống mình? Tại sao có đôi khi con cảm thấy cô đơn và không ai thương con cả? Tại sao trẻ em lại thích xem tivi? Khi ba mẹ con li dị, hai người đã cãi nhau rất nhiều. Tại sao ba mẹ lại không thể sống cùng nhau ạ?… Chủ đề thiền tập gồm các câu hỏi: Chánh niệm là gì? Bụt là ai? Thiền tập là gì, tại sao người ta lại thực tập thiền? Tại sao trong khi mọi người thiền tập thỉnh thoảng lại có tiếng chuông?…
Cách giải đáp của thiền sư giống một người ông trả lời cháu mình. Phần trả lời ngắn gọn, lấy những ví dụ quen thuộc trong cuộc sống trẻ nhỏ nhưng lại chứa đựng nhiều tầng nghĩa. Em bé hỏi: “Con rất thương ông của con, nhưng ông đã mất rồi. Làm sao để ông có thể còn hoài với con?”. Sư ông đáp: “Nếu người con thương không còn trong hình dáng mà con quen thuộc nữa, con hãy tìm người đó trong những hình thức mới. Khi một hạt bắp nảy mầm thành cây bắp, cây bắp ấy sẽ sinh ra trái bắp mang những hạt bắp mới. Ông cũng giống như hạt bắp đầu tiên, còn con chính là một hạt bắp mới. Và như thế, con chính là sự tiếp nối của ông. Ông vẫn còn sống nơi từng tế bào trong thân thể của con. Vì vậy con có thể trò chuyện với ông bất cứ khi nào con thích”.
Bìa và tranh minh họa giàu tính khơi gợi, giúp trẻ liên tưởng, tưởng tượng. Họa sĩ Vũ Xuân Hoàn cho biết thực hiện bản thảo tranh trong khoảng một năm. Anh nói: “Tôi dành thời gian để suy nghĩ, làm thế nào chuyển thể những đoạn hỏi đáp ngắn gọn này thành hình ảnh trực quan, dễ hiểu, hấp dẫn, nhưng vẫn khiến trẻ cảm nhận đầy đủ sự bình an, từ bi và giản dị. Minh họa cuốn sách về triết học, nhắc đến các yếu tố Bụt, Phật, Thiền hành… nên bản thân họa sĩ cũng học được cách thả lỏng tâm trí, vẽ theo cảm nhận của mình, không vì nội dung câu chữ mà trở nên áp đặt, cứng nhắc”. Họa sĩ hy vọng những bức tranh chất liệu màu nước, nhẹ nhàng, có độ loang tự nhiên chạm đến cảm xúc của bạn đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Một câu hỏi hay không nhất thiết là một câu hỏi dài. Câu hỏi xuất phát từ trái tim có thể giúp được cho nhiều người”. Sách phù hợp các bạn nhỏ bốn tuổi trở lên, cũng như dành cho những người lớn đang đi tìm câu trả lời cho con em họ hay chính bản thân.
Trong cái Không có gì không? xuất bản lần đầu tại Mỹ bằng tiếng Anh, sau đó được các sư cô làng Mai dịch, xuất bản rộng rãi bằng nhiều ngôn ngữ khác như Italy, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… Trước đó, bộ đôi Mỗi hơi thở một nụ cười và Con gà đẻ trứng vàng của thiền sư đoạt giải Sách Hay 2019, hạng mục Sách thiếu nhi.
Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926) là một thiền sư, nhà thơ, học giả và giáo viên. Ông đã hoằng pháp khắp thế giới để hướng dẫn mọi người nghệ thuật sống chánh niệm và lập ra Đạo tràng làng Mai. Hiện thiền sư sống tại Tổ đình Từ Hiếu (thành phố Huế).
Thanh Hoa
(theo VNExpress)