Trang chủ Tin tức Thiền sư Nhất Hạnh về tại Tổ đình Từ Hiếu, cố đô...

Thiền sư Nhất Hạnh về tại Tổ đình Từ Hiếu, cố đô Huế

510

Dù không được thông tin rộng rãi, hằng trăm tăng ni thuộc tổ đình Từ Hiếu và các tự viện tại Huế đã đến nghênh tiếp thiền sư Nhất Hạnh tại cổng Chùa Từ Hiếu với biết bao niềm xúc động, bồi hồi. Qua chuyến về Việt Nam lần thứ 4 này (ba lần trước vào năm 2005, 2007, 2008), bên cạnh mục đích thăm quê hương Việt Nam dấu yêu, nơi chôn nhau cắt rốn, thiền sư Nhất Hạnh dừng chân tại nơi ngài được xuất gia.

Do bị tai biến vào năm 2014, dù phải ngồi xe lăn với sự trợ giúp của các thầy trợ lý, khi đặt chân lên đất Chùa Từ Hiếu, thiền sư Nhất Hạnh như “đã về, đã tới” quê hương tâm linh của mình. Giây phút đó thật thiêng liêng! Tại nhà tổ, thiền sư Nhất Hạnh đã thành kính thắp hương với tay của mình. Viếng chánh điện Chùa, thiền sư Nhất Hạnh đã hữu nhiễu tượng Phật, dùng tay chạm vào bệ tượng, cảm nhận trường sinh học tâm linh thân quen khi ngài còn là chú tiểu. Thiền sư Nhất Hạnh dừng chân thăm thiền đường Trăng Rằm và dạo quanh quang cảnh Chùa Từ Hiếu.

 

Thiền sư Nhất Hạnh đã đặt chân lên đất chùa Từ Hiếu

Do biến cố sức khỏe, dù không nói được, tâm của thiền sư rất minh mẫn, biết rõ mọi người, mọi vật, mọi việc xung quanh, cảm nhận thực tại hiện tiền, trải nghiệm những phút giây an lạc.

Tọa lạc tại thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, cố đô Huế, Chùa Từ Hiếu được Tăng cang – Hoà thượng Nhất Ðịnh khai sáng vào năm 1848 và nhanh chóng trở thành ngôi danh lam đặc sắc về văn hóa, gắn liền với sự phát triển của Phật giáo Huế, có nhiều điển tích kỳ lạ. Trải qua các đời Trụ trì gồm các bậc cao tăng như Hòa thượng Cương Kỷ, HT. Huệ Đăng, HT. Tâm Tịnh, HT. Huệ Minh và HT. Chơn Thiệt, Chùa Từ Hiếu là nơi đào tạo nên nhiều vị thạc đức cho Phật giáo Huế trong thời cận hiện đại, nổi trội nhất là thiền sư Nhất Hạnh.

Xuất gia vào năm 1942 với thiền sư Chân Thật tại Chùa Từ Hiếu, thiền sư Nhất Hạnh được đặt pháp danh là Trừng Quang. Với hạt giống Phật pháp nhiều đời, sau khi xuất gia, thiền sư Nhất Hạnh đã sớm trở thành bậc thầy lãnh đạo tinh thần không chỉ của dòng thiền Liễu Quán (đời thứ 8), dòng thiền Lâm Tế (đời thứ 42) mà còn là bậc chân sư nhập thế lỗi lạc, phối hợp tinh hoa của đạo Phật Đại thừa với thiền tứ niệm xứ truyền thống để lập ra trường phái thiền chánh niệm, giúp người phương Tây đến với đạo Phật. Chia sẻ Phật pháp dưới ánh sáng của thiền ứng dụng, phối hợp với tâm lý trị liệu, các pháp thoại và sách của thiền sư Nhất Hạnh có khả năng soi sáng nhận thức, khai mở tuệ giác, giúp nhiều người rũ bỏ nỗi khổ niềm đau, trải nghiệm sự thư thái và hạnh phúc, bây giờ và tại đây.

Thiền sư Nhất Hạnh được tăng ni và Phật tử nghênh tiếp tại chùa Từ Hiếu

Với tinh thần sáng tạo trong dấn thân nhập thế, thiền sư Nhất Hạnh đã từng làm Tổng biên tập của báo Phật giáo Việt Nam, khai sáng Trường Thanh niên phụng sự xã hội, đặt nền tảng thành lập Viện đại học Vạn Hạnh tại Chùa Pháp Hội, điều hành Nhà xuất bản Lá Bối, lập nên dòng Tiếp hiện, kêu gọi hòa bình cho Việt Nam, cứu giúp thuyền nhân Việt Nam được định cư tại Pháp, hướng dẫn hàng trăm khóa tu thiền cho giới trí thức phương Tây, xuất bản hơn 40 sách tiếng Anh và gần 100 sách tiếng Việt về thiền và Phật pháp ứng dụng, trong đó có những sách best sellers, mở đường cho phương Tây tiếp nhận đạo Phật.

Chuyến thăm quê hương lần thứ 4 trong lặng lẽ này là điều rất đỗi ngạc nhiên đối với nhiều người. Đối với thiền sư Nhất Hạnh, đó là sự chọn lựa không gì tốt đẹp hơn. Hãy trân trọng những tháng ngày thiền sư Nhất Hạnh lưu trú tại Việt Nam nói chung và tổ đình Từ Hiếu nói riêng.


*****

Hãy chiêm nghiệm tâm sự của Thiền sư Nhất Hạnh trong tác phẩm: “Hơi thở nuôi dưỡng & trị liệu”:

“Tôi thường mơ thấy mình trở về chùa Tổ ( Từ Hiếu) để được gặp lại Thầy, các huynh đệ, các bằng hữu, các đệ tử và các tác viên thanh niên phụng sự xã hội. Trong nhiều giấc mơ tương tự, tôi thường thấy một ngọn đồi xanh mơn mởn với những hàng cây thông thật dễ thương ,tráng lệ. Trong giấc mơ, tôi luôn thấy mình leo lên tới nửa chừng đồi, và khi lên gần tới đỉnh, đột nhiên tôi thức giấc và thấy mình đang bị lưu đày. Lần nào trong giấc mơ cũng đều xảy ra y hệt như vậy. Tôi rất buồn tủi. Giấc mơ ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều năm. Trong giấc mơ tôi thấy không bao giờ vượt qua được ngọn đồi Dương Xuân ấy! “