Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Thiền Sư Ấn Chánh Huệ Minh với Thiền Phái Chúc Thánh tại Phú...

Thiền Sư Ấn Chánh Huệ Minh với Thiền Phái Chúc Thánh tại Phú Yên và Khánh Hòa

480

I. Tổ Đình Bảo Sơn Khai Sáng và Truyền Thừa

Chùa Bảo Sơn ẩn mình trong rừng cây xanh lá, một ngôi chùa cổ giữa cánh đồng quê bình dị, nhưng dấu ấn truyền thừa lại bất diệt với thời gian. Cổ tự Bảo Sơn đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm dâu bể, qua bao thời cuộc đổi thay hưng phế nhưng vẫn giữ được nét truyền thống thiền môn, là nơi dưỡng nuôi chí lớn hành đạo, phụng đạo và truyền thừa mạng mạch đạo pháp của những bậc “phát túc siêu phương”, “xuất trần thượng sĩ “. Chùa tọa lạc tại thôn Phong Thăng, xã An Định (tục gọi là Đồng Tre hạ) huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là một làng quê nghèo của miền trung nước Việt, nổi tiếng là nơi triền miên khói lửa chiến tranh, nhưng lại là nơi nhiều đời đã xuất sinh nhiều vị Tăng tài kế thừa hoằng hóa.

Hòa thượng Liễu Căn Thiện Đức thuộc thiền phái Vạn Phong Thời Ủy là vị Tổ sư khai sáng chùa Bảo Sơn năm 1804. Ngài cầu pháp, tu học và đắc pháp với Tổ Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm (1726-1798) tại chùa Từ Quang. Thiền sư Pháp Chuyên là một trong những đệ tử xuất sắc của hòa thượng trưởng lão Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm, người đắc pháp với Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo (1670-1746) khai sáng thiền phái Chúc Thánh với bài kệ truyền pháp:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
Đắc Chánh Luật Vi Tông
Tổ Đạo Giải Hạnh Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhân Thiên Trung
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch:
Khơi sáng pháp chơn thật
Tánh chân như là đồng
Cầu thánh quân muôn tuổi
Chúc đất nước vững bền
Giới luật nêu trước tiên
Giải và hạnh nối liền
Hoa nở cây giác ngộ
Hương thơm lừng nhân thiên

Bài kệ truyền pháp được chia làm hai phần. Bốn câu đầu dùng để đặc pháp danh cho Tăng, tín đồ và bốn câu sau dùng để đặc pháp tự cho Tăng Ni.

Căn cứ vào “Báo Ân kinh chú nghĩa” còn lưu lại chùa Từ Quang và Triều Tôn do ngài Chương Tánh Tông Tuyên Quảng Nhuận khắc lại mộc bảng ấn loát năm 1832 với sự chứng minh của các hòa thượng Toàn Đức Thiệu Long (1763-1847), Toàn Nhật Quang Đài (1757-1834),Toàn Nghĩa Chơn Thường (1764-1839) và Toàn Đạo Viên Đàm (1769-1838) ta biết được phương danh chư hòa thượng danh Tăng hành đạo đương thời trợ duyên cho ấn bảng: Long Sơn tự Tánh Không Giác Ngộ, Thiên Hưng tự Chương Như Từ Ý , Bảo Sơn tự Liễu Căn Thiện Đức v.v..

Chùa Bảo Sơn được kế thừa trải qua 10 đời tổ sư:

  • Tổ khai sơn Liễu Căn Thiện Đức
  • Đệ nhị Tổ Đạt Minh Từ Quang
  • Đệ tam Tổ Chương Như Tôn Chí Từ Ý
  • Đệ tứ Tổ Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh
  • Đệ ngũ Tổ Chơn Chánh Đạo Tâm Pháp Tạng
  • Đệ lục Tổ Chơn Thiện ĐạoThông Pháp Ngôn
  • Đệ thất Tổ Như Lý Giải Hòa Thiền Tông
  • Đệ bát Tổ Như Đắc Giải Tường Thiền Phương
  • Đệ cửu Tổ Phổ Huệ (bổn sư hòa thượng Viên Đức)
  • Đệ thập Tổ Thị Niệm Hành Đạo Phước Ninh
  • Và đương kim trụ trì là hòa thượng Thích Thông Hòa.

Tổ đình Bảo Sơn, dù tọa lạc nơi thâm sơn cùng cốc, xứ sở khô cằn, giao thông trở ngại, chiến tranh liên tục nhưng nơi đây lại nổi tiếng với nhiều đại giới đàn được mở ra truyền trao giới pháp cho những sứ giả Như Lai, trưởng dưỡng thiện tâm, nuôi lớn dòng thánh, nối truyền mạng mạch đạo pháp cho nhiều thế hệ Tăng, tín đồ Phật tử. Đúng là ” Địa du cố, mộc du kiên” nghĩa là đất càng khô cằn, cây càng rắn chắc ngạn ngữ của người xưa thật là ý nghĩa để chúng ta suy gẫm.

Tổ Pháp Chuyên Luật Truyền là người có công gieo giống truyền thừa đã nuôi lớn dòng phái Chúc Thánh được tỏa ngát hương thiền tại quê hương Phú Yên. Thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh và hàng môn đệ đã có công gìn giữ chăm sóc rừng thiền để hương hoa đức hạnh thiền phái Chúc Thánh được tỏa ngát, lan xa ra ngoài Phú Yên đến xứ Huế, vào Khánh Hòa, Bình Thuận đến tận Sài Gòn và lục tỉnh miền Tây v.v…

Bảo Sơn cổ tự cảnh đẹp thay
Vọng tiếng ngàn xưa đến hôm nay
Tòng Lâm thật xứng danh thạch trụ
Đàn việt khắp nơi quy chốn này
( Thiền sư Pháp Lâm, PGSC dịch)

Và sau đây chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những sự kiện đáng nhớ của dòng sinh hoạt truyền thừa tổ đình Bảo Sơn.

Căn cứ vào bảng chúc thọ đại giới đàn chùa Long Quang tổ chức ngày mồng 8 tháng năm Mậu Thìn 1868 hiện còn lưu giữ tại tổ đình Long Sơn Bát Nhã, chúng ta biết được hòa thượng Hoằng Ân làm đàn chủ, hòa thượng Ấn Thiên Huệ Nhãn chùa Từ Quang hộ đàn, hòa thượng Hải Bình Bảo Tạng (1818-1872) chùa Long Quang truyền giới, hòa thượng Bảo Nghiêm chùa Sơn Long làm yết ma, Hòa thượng Thanh Lân Viên Thông (1830-1879) chùa Bát Nhã làm giáo thọ, hòa thượng Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh chùa Bảo Sơn làm đệ tam tôn chứng v.v..

Năm 1882, thiền sư Ấn Chánh khai đại giới đàn truyền giới tại chùa Bảo Sơn đã cung thỉnh: hòa thượng Ấn Thiên Huệ Nhãn (1879-1888) chùa Từ Quang làm giáo thọ. Phần lớn các giới tử mang pháp danh chữ Chơn, pháp hiệu chữ Pháp đều được thọ giới, đắc giới và giới tử Chơn Luân Phước Huệ là giới tử đắc giới sa di nhỏ nhất trong giới đàn này và sau đã trở thành lãnh vị đạo tài ba của phong trào chấn hưng Phật giáo (1920-1945) và giới tử Chơn Tâm Đạo Tánh Pháp Thân (1869-1896), người được thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh phú pháp với bài kệ truyền pháp như sau:

Chánh pháp trung diệu lạc
Vật trục tà kiến mê
Cổ kim đa Hiền Thánh
Giải liễu tức Bồ Đề.

Giáo Sư Lê Mạnh Thát dịch:
Vui mầu trong chánh pháp
Thấy bậy chớ theo mê
Xưa nay nhiều Hiền Thánh
Hiểu được tức Bồ Đề.

Năm 1887, thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh bổ nhiệm trụ trì cho đệ tử Chơn Kim Pháp Lâm trụ trì chùa Châu Lâm Phú Yên và hoằng pháp ở kinh đô Huế.

Năm 1894, thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh đã truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng và bổ nhiệm hòa thượng Chơn Hương Thiên Quang trụ trì tổ đình Linh Sơn năm1895

Ngày mùng 8 tháng 4 năm 1897, tại chùa Bảo Sơn, thiền sư Chơn Chánh Đạo Tâm Pháp Tạng đã truyền ấn tín cho ngài Như Huệ Thiền Tâm trụ trì chùa Hội Phước Nha Trang.

Năm 1933, hòa thượng Vạn Ân làm đường đầu. Giới tử Thích Trí Nghiêm là một trong những vị đắc giới cụ túc trong đại giới đàn chùa Bảo Sơn. Năm 1935, hòa thượng Thích Phúc Hộ mở lớp chuyên khoa Phật học và ngài trực tiếp chủ giảng chuyên đề giới luật. Năm 1942, ngài Đồng Viên Thông Lợi Viên Đức xuất gia thế phát với hòa thượng Thích Phổ Huệ chùa Bảo Sơn.

Năm 1947, đại giới đàn được tổ chức tại chùa Bảo Sơn do hòa thượng Như Lý Giải Hòa Thiền Tông làm đàn chủ, hòa thượng Vạn Ân được cung thỉnh làm đường đầu, hòa thượng Phúc Hộ làm yết ma, hòa thượng Trí Nghiêm làm giáo thọ. Ngài Khế Hội Trí Thành, Phước Trí, Phước Ninh, Huệ Thắng v.v.. là những giới tử thọ cụ túc đã đắc giới trong giới đàn này. Năm 1957, ngài Phước Ninh đệ tử hòa thượng Thiền Phương được chư sơn Phú Yên tấn phong trụ trì chùa Bảo Sơn kiêm nhiệm chùa Linh Sơn Hốc Nước và năm 1961, ngài trùng tu tổ đình Bảo Sơn…

Tổ đình Bảo Sơn đã trải qua chiến tranh tàn phá, chùa chiền bao lần đổ nát và bao lần được xây dựng lại. Bom đạn, hỏa hoạn đã thiêu rụi những tác phẩm vô giá của các bậc danh Tăng. Bia tháp bị lu mờ. Công hạnh khai sáng truyền thừa lịch đại tổ sư chưa được ghi chép lại. Năm Mậu Thân 1968, hòa thượng Phước Ninh phải rời tổ đình theo bước tản cư lánh nạn… thật quá đau lòng!

Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Nước không có lưu giữ bóng hình.
( Thiền sư Hương Hải)

Hành trạng của các bậc Tổ sư tiền bối đã đến như vần dương chiếu tỏa, đi như bóng nhạn qua sông vậy thì việc nhắc đến lịch sử truyền thừa và hành trạng của lịch đại Tổ sư khai sáng và truyền thừa tổ đình Bảo Sơn có ý nghĩa gì?

Trong lời tựa quyển sách “Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức ” Giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã viết:

” Phật giáo Việt Nam cũng như dân tộc đang thực hiện một cuộc chuyển mình lớn, để đưa dân tộc cũng như Phật giáo từ dạng truyền thống sang dạng hiện đại vào cuối thế kỷ XIX đến nữa đầu thế kỷ XX. Đây là một giai đoạn lịch sử chưa được nghiên cứu đầy đủ do chưa tập hợp được nhiều tư liệu.”

Tìm về cội nguồn của thiền phái Chúc Thánh tại Phú Yên và Khánh Hòa là việc làm cần thiết và thiết thực. Bởi vì sự khai sáng và truyền thừa của tổ đình Bảo Sơn có ảnh hưởng lớn phong trào chấn hưng Phật giáo, ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử dân tộc cần đến vai trò đặc biệt của Tăng sĩ làm cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân lao động với các nhân sĩ trí thức thông qua cửa thiền. Đặc biệt ngọn đuốc thêu thân mùa pháp nạn 1963, Bồ Tát Quảng Đức với quả tim bất diệt là pháp điệt của thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh chùa Bảo Sơn. Hiểu về hành trạng và công hạnh của tổ Ấn Chánh Huệ Minh và hàng môn đệ truyền thừa pháp phái Bảo Sơn là để “tưởng nhớ ơn sâu mở đạo, ghi lòng nghĩa lớn truyền đăng”.

Trong hoàn cảnh khó khăn nhất của đạo pháp và dân tộc, trong giai đoạn nghiệt ngã nhất của tiến trình lịch sử. Khi dân tộc ta đang tìm cách lật đổ gông cùng nô lệ, Tăng ni, Phật tử, chùa chiền góp phần đấu tranh dành quyền sống, dành quyền tự do tín ngưỡng, dành công bằng và công lý, chư Tổ sư của chúng ta đã hy hiến to lớn và âm thầm, lặng lẽ một đời giúp nước an dân, thủ chí phụng đạo bảo vệ và hoằng truyền chánh pháp.

Hiện nay, trong khuôn viên chùa Bảo Sơn rất nhiều cổ tháp với nét riêu phong và gần như sắp đổ nát, nhìn thấy không khỏi xót xa, ngậm ngùi!

Thật là:
Tháp xưa in bóng vườn chùa
Khói hương nghi ngút bốn mùa lễ dâng
Mà nay quạnh quẽ tháp phần
Cũng vì hạnh nguyện vì dân quên mình.

Riêng ngôi bảo tháp tổ Huệ Minh được bảo tồn khá nguyên vẹn với đường nét khá tinh xảo nhưng rất tiếc là trên bia tháp không ghi năm sinh, quê quán, cuộc đời hành đạo của Tổ đây là dấu hỏi thật lớn của nhiều người và mãi cho đến hôn nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng.

II Hành Trạng Của Thiền Sư Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh
Thiền sư Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh là một trong những đệ tử xuất gia nổi tiếng của đại sư Chương Như Từ Ý, người đắc pháp với hòa thượng Toàn Thể Linh Nguyên (1765-1844) đệ nhị Tổ kế thừa chùa Từ Quang.

Thiền sư Toàn Thể Linh Nguyên (1765-1844) và thiền sư Toàn Nhật Quang Đài là hai tác gia có nhiều tác phẩm nổi tiếng trong nền văn học Phật giáo Việt Nam. Năm 1798, bổn sư Pháp Chuyên viên tịch, ngài Linh Nguyên kế thừa chùa Từ Quang đã biên soạn tác phẩm ” Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm thiền sư nhân do sự tích chí”. Năm 1918, ngài khắc bản Kinh Địa Tạng Bồ Tát yếu giải và tất cả kinh sách do Tổ Pháp Chuyên biên soạn để lưu truyền, cũng như chứng nghĩa cho các vị thiền sư khác khắc kinh. Thiền sư Toàn Thể Linh Nguyên đào tạo được nhiều đệ tử thành danh, trong đó có 5 đệ tử xuất sắc:

1. Chương Niệm Tuyên Trực Quảng Giác kế thừa tổ đình Từ Quang
2. Chương Tánh Tông Tuyên Quảng Nhuận, kế thừa chùa Triều Tôn.
3. Chương Hương Chí Thắng trụ trì chùa Long Tường, Bình Định
4. Chương Tân Chánh Nhân trụ trì chùa Long Tường, Bình Định
5. Chương Như Tôn Chí Từ Ý kế thừa tổ đình Thiên Hưng, Bảo sơn Tuy An.

Hòa thượng Chương Như Từ Ý là vị Tổ thứ ba kế thừa chùa Bảo Sơn và chùa Thiên Hưng. Thiền sư Chương Như có nhiều đệ tử đắc pháp như: Ấn Đại Vạn Hạnh, Ấn Chánh Huệ Minh, Ấn Định Huệ Đăng, Ấn Tín Huệ Nhật, Ấn Như Tổ Nguyện Huệ Hương.
Thiền sư Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh được nối dòng Lâm Tế đời thứ ba mươi chín thuộc thiền phái Chúc Thánh là đệ tử đắc pháp với hòa thượng Chương Tôn Chí Như Từ Ý tại chùa Thiên Hưng Tuy An. Sau đó, thiền sư vân du vào Nha Trang hoằng hóa tại chùa Hội Phước và chùa An Dưỡng.

Khoảng thập niên 1860, thiền sư Ấn Chánh đã đến trụ trì chùa Linh Sơn Vạn Ninh.

Hòa thượng trưởng lão Thích Phước Trí đã cho biết: Sau khi Tổ Chương Như viên tịch, thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh được tông môn cung cử kế thừa tổ đình Bảo Sơn. Trong thời gian trụ trì, ngài đã trùng hưng Tam Bảo, khai hạ an cư, tiếp Tăng độ chúng.
Năm 1868, đại giới đàn chùa Long Quang Sông Cầu tổ chức, thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh được cung thỉnh làm đệ tam tôn chứng.


Năm 1882, thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh làm đàn đầu hòa thượng đại giới đàn chùa Bảo Sơn, thiền sư Ấn Thiên Huệ Nhãn (1850-1888) chùa Từ Quang làm giáo thọ, giới tử thọ cụ túc có ngài Pháp Tạng, Pháp Lâm, Pháp Thân, Pháp Hỷ, Pháp Ngôn, Pháp Ngữ, Chơn Hương Thiên Quang v.v….

Năm 1894, thiền sư Pháp Lâm cung thỉnh bổn sư Ấn Chánh Huệ Minh chứng minh và thỉnh giáo thọ Pháp Hỷ chùa Linh Sơn viết lời bạt cho khắc bảng: Đại Học Chi Thư Yếu Tập do tổ Diệu Nghiêm biên soạn.

Năm 1894, thiền sư Pháp Thân đã chú tạo đại hồng chung tại Huế để cúng dường cho tổ đình Bảo Sơn. Trên thân chuông có khắc bài minh ca ngợi nét đẹp thiền vị chùa Bảo Sơn và khánh chúc trưởng lão hòa thượng ân sư Ấn Chánh Huệ Minh là thạch trụ chốn thiền môn:

Bảo Sơn thắng tích
Kim cổ linh thông
Thiền lâm thạch trụ
Đàn việt hưng sùng
Trượng bằng Phật lực
Cần tức đại công
Dục truyền cửu viễn
Vi chú kinh chung
Kim thinh ngọc chấn
Điều lý thủy chung
Hưởng tai chung tự
Đinh đông vô cùng
PGSC dịch nghĩa :
Thắng tích Bảo Sơn
Xưa nay đều biết
Thạch trụ chốn thiền
Phật tử đông đúc
Nương nhờ Phật lực
Làm công đức lớn
Truyền lại đời sau
Tạo chiếc chuông đồng
Tiếng vàng tiếng ngọc
Diễn lý cổ kim
Vang thay chuông chùa
Ngân đến vô cùng.

Năm 1897, hòa thượng Pháp Tạng cung thỉnh thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh chứng minh lễ chú nguyện đúc đại hồng chung tại tổ đình Phước Sơn.

Sau đây là bản dịch Việt ngữ từ pháp quyển của thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh phú pháp cho đệ tử Chơn Hương Thiên Quang được trích dẫn từ sách ” Linh Sơn Chốn Tổ Nguồn Tâm” do nhà xuất bản văn hóa văn nghệ ấn hành năm 2013:

CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG

Triều vua Thành Thái năm thứ 5, tháng 5 ngày 25
Tỉnh Phú Yên, chùa Bảo Sơn nối dòng.

(Nay) Hòa thượng Huệ Minh húy thượng Ấn hạ Chánh,
Nối dòng Lâm Tế chánh phổ đời thứ ba mươi chín
Truyền thụ cho đệ tử

Húy Chơn Hương hiệu Thiên Quang đại sư
Nối dòng Lâm Tế chánh phổ đời thứ bốn mươi

CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG NIẾT BÀN DIỆU TÂM
Đức BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Truyền thừa

Ngài Ma Ha Ca Diếp là sơ Tổ
Ngài A Nan Tôn Giả là Tổ thứ hai
Ngài Thương Na Hòa Tu là Tổ thứ ba
cho đến :

Ngài Bồ Đề Đạt Ma là Tổ thứ 28, đến Trung Hoa là sơ Tổ ( Thiền Tông)

Ngài Huệ Khả đại sư là Tổ thứ hai
Ngài Tăng Xán đại sư là Tổ thứ ba
Ngài Đạo Tín đại sư là Tổ thứ tư
Ngài Hoằng Nhẫn đại sư là Tổ thứ năm
Ngài Huệ Năng đại sư là Tổ thứ sáu
Ngài Nam Nhược Hoài Nhượng thiền sư là Tổ thứ bảy
cho đến
Lâm Tế Nghĩa Huyền thiền sư đời thứ mười một
cho đến
Ngài Thiên Đồng Viên Ngộ đời thứ ba mươi hai
Ngài Siêu Bạch thượng Hoán hạ Bích hiệu Thọ Tôn đời thứ ba mươi ba
Ngài Minh Hải hiệu Đắc Trí Pháp Bảo hòa thượng đời thứ ba mươi bốn
Ngài Thật Dinh hiệu Chánh Hiển Ân Triêm hòa thượng đời thứ ba mươi lăm
Ngài Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm hòa thượng đời thứ ba mươi sáu
Ngài Toàn Thể hiệu Vi Lương Linh Nguyên hòa thượng đời thứ ba mươi bảy
Ngài Chương Như hiệu Từ Ý hòa thượng đời thứ ba mươi tám
Ngài Ấn Chánh hiệu Huệ Minh đời thứ ba mươi chín
Dạy rằng:

Xưa đức Thích Ca Như Lai của chúng ta khi sắp nhập Niết Bàn, đem chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn diệu tâm phó chúc cho Tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm sơ Tổ, tiếp tục huệ mạng chư Phật, hóa độ chúng sanh, tiếp dẫn đại thừa, hoằng truyền đạo vi diệu của chư Phật. Là truyền riêng ngoài giáo, trực hạ thừa đương, kiến tánh thành Phật. Đời đời trao nhau, truyền đèn pháp nhãn, tự mình tu hành, giáo hóa quần sanh, nối thạnh dòng Phật. Cho đến đời của ta nương đạo thầy Tổ, lấy chân tông làm tôn chỉ, dung thông sự lý, tánh tướng không ngại, gìn giữ và truyền bá đạo mầu, hoằng pháp lợi sanh.

Nay ông tròn đủ tâm này, kham đạo đại thừa để cầu chánh nhân Phật tánh. Tương lai sẽ thành tựu quả vị giác ngộ, giáo hóa quần sanh cùng nhận ra mình có chủng tánh Phật. Làm lợi lạc khắp cõi nhân thiên, khiến cho ( tất cả) đều thành chánh giác.

Hãy lắng nghe kệ truyền thừa:
Pháp xưa nay vốn không
Như như pháp như thị
Bặt đến đi sanh diệt
Liễu ngộ tức bồ đề.

Ông nay hãy thọ trì pháp này, ắt sẽ thành quả vị Phật không xa. Hãy phát tâm đại thừa, trên cầu Phật đạo dưới hóa độ chúng sanh. Hãy vận hành từ bi và trí tuệ, để lợi mình lợi người đều được tựu thành viên mãn.

Lấy đó mà thuận nghe:

Thọ ân sâu Phật Tổ, không quên dòng sữa pháp. Hộ trì Tam Bảo, truyền thừa Phật tánh chân tâm. Đời đời kiếp kiếp học hạnh Phật Tổ. Như thế mà tôn trọng, như thế mà hành trì.

Truyền dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ bốn mươi, húy thượng Chơn hạ Hương hiệu Thiên Hương đại sư.

Y giáo phụng hành.

Vào ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn 1904, thiền sư Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh viên tịch đã khép lại một cuộc đời tận tụy phục vụ đạo pháp nhân sinh trong giai đoạn khó khăn với nhiều biến cố tang thương lịch sử. Thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh là vị sao sáng trong rừng thiền cùng môn đệ làm tỏ rạng thiền phái Chúc Thánh tại Phú Yên, Khánh Hòa lan xa đến xứ Huế, vào Ninh Thuận, Bình Thuận đến tận Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, công đức của ngài thật mênh mông rộng lớn, đã làm rạng danh cho Phật giáo Phú Yên, Khánh Hòa và làm cho suối nguồn Phật pháp đã lan tỏa khắp nơi từ những danh Tăng đệ tử mà ngài đã dày công đào tạo. Tổ Ấn Chánh Huệ Minh có rất nhiều đệ tử và pháp tôn kế thừa ngài hoằng pháp trong và ngoài tỉnh, trong đó có những vị xuất sắc:

1. Chơn Chánh Đạo Tâm Pháp Tạng kế thế tổ đình Bảo Sơn và Phước Sơn.
2. Chơn Kim Pháp Lâm (1861-1898) trụ trì chùa Châu Lâm, Phú Yên và chùa Viên Thông Huế.
3. Chơn Tâm Đạo Tánh Pháp Thân (1869-1896) khai sơn chùa Phước Huệ tại Vỹ Dạ Huế.
4. Chơn Tín Đạo Thành Pháp Hỷ trụ trì chùa Linh Sơn và Từ Quang.
5. Chơn Thật Đạo Thông Pháp Ngãi trụ trì tổ đình Từ Quang Phú Yên.
6. Chơn Thật Đạt Đạo Pháp Ngữ (?-1945) trụ trì tổ đình Từ Quang Phú Yên.
7. Chơn Hương Thiên Quang (1862-1939) trụ trì chùa Linh Sơn Vạn Giã
8. Chơn Thiện Đạo Thông Pháp Ngôn kế thừa tổ đình Bảo Sơn Tuy An
9. Chơn Đạo Pháp Tràng trụ trì chùa Thiên Hưng Tuy An, Phú Yên
10. Chơn Thường Pháp Hưng trụ trì chùa Liên Trì Tuy An, Phú Yên.
11. Chơn Chất Đạo Trực Hoằng Hóa trụ trì chùa Linh Sơn Tuy An.
12.Chơn Khả Đạo Thủ Thiện Tường trú trì chùa Phước Quang, đúc Chuông và chiếc Chuông này (hiện nay hồng chung do ngài Chơn Khả chú tạo lưu giữ tại chùa Phước Sơn).

III Môn Đệ Thiền Sư Ấn Chánh Huệ Minh

1. Đại sư Chơn Chánh Đạo Tâm Pháp Tạng

Đại sư Chơn Chánh Đạo Tâm Pháp Tạng đệ tử của thiền sư Ấn Thiên Huệ Nhãn (1850-1888) là một trong những vị danh Tăng thời cận đại của Phật giáo Phú Yên, Sau khi bổn sư viên tịch, đại sư cầu pháp với thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh. Năm 1893, đại sư Pháp Tạng được cung thỉnh làm yết ma giới đàn tại tổ đình Chúc Thánh do hòa thượng Ấn Thanh Chí Thành làm đàn đầu, hòa thượng Vĩnh Gia làm giáo thọ. Năm 1895, ngài Pháp Tạng đã chép ” Hứa Sử Truyện Vãn”, một tác phẩm truyện thơ Nôm dài nhất của văn học quốc âm Việt Nam của thiền sư Toàn Nhật. Năm 1896 đại sư được vua ban cấp giới đao độ điệp. Năm 1897, đại sư cung thỉnh thiền sư Huệ Minh chứng minh đúc đại hồng chung tại chùa Phước Sơn. Năm 1899 và 1900, đại sư Pháp Tạng cùng với các môn đệ được triều đình mời ra kinh đô thủ gia trì đại khoa tổ chức tại chùa Kim Quang Huế. Ngài được vua Thành Thái kính trọng ban tặng nhiều bảo vật như đồng kim tiền, áo cà sa và mão Quán Âm.

Đại sư Pháp Tạng kế thừa trụ trì tổ đình Bảo Sơn theo di chúc thiền sư Huệ Minh. Năm 1907, ngài làm đàn đầu hòa thượng truyền giới tại tổ đình Phước sơn và giao cho trưởng tử Thích Thiền Phương kế thừa tổ đình Phước Sơn.

Đại Chơn Chánh Pháp Tạng có nhiều đệ tử trong số đó có bốn vị nổi danh như các hòa thượng: Như Đắc Giải TườngThiền Phương kế thừa tổ đình Phước Sơn, Như Huệ Giải Thức Thiền Tâm trụ trì tổ đình Hội Phước Nha Trang, Như Lý Giải Hòa Thiền Tông kế thừa tổ đình Bảo Sơn, Như Huy Giải Diệu Thiền Cơ trụ trì tổ đình Thiên Hưng.

– Hòa thượng Như Đắc Giải Tường Thiền Phương (1879-1949):
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, hòa thượng Thiền Phương cùng với chư tôn thiền đức mở lớp gia giáo đạo tạo Tăng tài kế thừa Phật pháp, hết lòng phụng sự, trùng tu chùa Từ Quang và Phước Sơn. Năm 1937, ngài được cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh đạo sư Hội Phật Học Thừa Thiên Huế. Hòa thượng đã có công tài bồi được những đệ tử tài năng kế thừa và gánh vai nhiều vai trò quan trọng hoằng truyền cho Phật giáo Việt Nam như quý hòa thượng: Thị Chí Hành Thiện Phúc Hộ, Thị An Hành Trụ Phước Bình, Thị Tín Hạnh Giải Phước Trí, hòa thượng Thị Niệm Hành Đạo Phước Ninh v.v..

⦁ Hòa Thượng Thị Chí Hành Thiện Phúc Hộ (1904-1985): Giáo thọ đại giới đàn tại chùa Thiên Bửu, cố vấn hội phật học. Năm 1937, ngài làm giáo thọ sư tại Phật học đường Ninh Thuận. Năm 1938, ngài thành lập Phật học đường tại chùa Bảo Lâm Phú Yên. Năm 1941, ngài làm giáo thọ tại Phật học đường Báo Quốc. Năm 1945, giữ chức Chánh hội trưởng hội Phật học Phú Yên. Năm 1952, ngài làm yết ma đại giới đàn Bình Định tổ chức tại chùa Thiên Bình. Năm 1964 làm Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Phú Yên liên tiếp ba nhiệm kỳ từ 1964-1970. Năm 1968, ngài làm Đàn đầu hòa thượng tại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Phật học viện Hải Đức và giới đàn Vĩnh Gia. Năm 1971, ngài là thành viên Hội đồng Tăng Thống GHPGVNTN kiêm Giám Luật. Năm 1973, Ngài làm Đàn đầu hòa thượng tại giới đàn Phước Huệ tại Phật học viện Nha Trang. Năm 1981, ngài được cung thỉnh vào Hội đồng chứng minh trung ương GHPGVN.

⦁ Hòa thượng Thị An Hành Trụ Phước Bình (1904- 1984): Viện chủ tổ đình Đông Hưng là người có công lớn trong nghiệp vụ giáo dục đào tạo Tăng tài và phiên dịch trước tác. Với phong cách đĩnh đạt và say mê học hỏi, ngài đã trau dồi kinh luật nội điển cùng quốc văn ở hầu hết các trường hạ chùa Thiên Phước Thủ Đức, tổ đình Bát Nhã Phú Yên. Năm 1936, ngài làm giáo thọ hội Phật học Lưỡng Xuyên. Năm 1942, giáo thọ giảng dạy tại chùa Hiệp Châu Sóc Trăng, Chi hội Kế Sách và chùa Viên Giác Vĩnh Long. Năm 1945, giảng dạy tại chùa Hội Phước Nha Mân, Sa Đéc và làm yết ma đại giới đàn chùa An Phước Châu Đốc. Năm 1946, ngài mở Phật học đường Kim Liên và Giác Nguyên. Năm 1948, mở đại giới đàn tại Phật học đường Giác Nguyên. Hòa thượng là thành viên Ban Tổng trị sự giáo hội Tăng già Nam Việt, trưởng ban nghi lễ của hai nhiệm kỳ (1951- 1956) và (1956-1959). ngài giữ chức vụ Chứng minh đạo sư Hội Phật Học Nam Việt. Năm 1956, ngài làm đàn đầu hòa thượng đại giới đàn chùa Giác Nguyên. Năm 1957, ngài làm trưởng đoàn Phật Giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới tại Nam Vang. Năm 1963, ngài làm Giám đốc Phật học đường Chánh Giác. Các đại giới đàn tại chùa Ấn Quang năm 1975, 1977, 1980 ngài đều làm Đàn đầu hòa thượng truyền giới và làm Tôn chứng cho nhiều đại giới đàn tổ chức tại các Phật học viện: Hải Đức, Phổ Đà, Huệ Nghiêm. Từ năm 1979-1981, Ngài đảm nhiệm chức vụ Tổng vụ trưởng tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN. Năm 1981 ngài là thành viên Hội đồng chứng minh trung ương GHPGVN. Hòa thượng có nhiều tác phẩm: Sa di luật giải, Quy sơn cảnh sách, Tứ phần giới bổn như thích, Phạm võng Bồ tát giới, Kinh A Di Đà sớ sao, Kinh vị tằng hữu thuyết nhân duyên, Kinh Hiền Nhân, Kinh trừ khủng tai hoạn, Tỳ kheo giới kinh, Khuyến phát bồ đề tâm văn, Long thơ Tịnh độ, Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư, Nghi thức lễ sám, Kinh Thi Ca La Việt, Sự tích Phật giáng thế v.v..

⦁ Hòa Thượng Thị Tín Hành Giải Phước Trí (1920-2002): Cuộc đời ngài gắn liên ba ngôi tổ đình chính của môn phái Chúc Thánh ở Phú Yên và đã biên soạn rất đầy đủ hành trạng của chư Tổ khai sáng và truyền thừa các tổ đình Từ Quang, Phước Sơn, Triều Tôn. Hòa thượng là cựu học tăng học đường Tây Thiên, Báo Quốc Huế, là giáo thọ sư Phật học viện Bảo Tịnh, là vị chứng minh đạo sư của Phật giáo Phú Yên đạo hạnh khả kính công phu hành trì thâm hậu về mật tông. Đệ tử của Ngài là những vị rất nổi danh: Đồng Viên Thông Lợi Viên Đức là một cột trụ trong phong trào hoằng truyền Mật giáo với nhiều tác phẩm để lại cho đời và khai sơn nhiều ngôi chùa. Đồng Tiến Thông Hòa Viên Hạnh, trưởng ban trị sự Phật Giáo Phú Yên, kế thừa tổ đình Từ Quang và Triều Tôn. Đồng Hòa Thông Đạt Viên Tuệ thừa kế chùa Phước Sơn và thích Đồng Hạnh chùa Đa Bảo Sài Gòn v.v..

– Hòa thượng Như Huệ Giải Thức Thiền Tâm (1853-1905): Tổ thứ bảy kế vị tổ đình Hội Phước. Mùa hạ năm 1895, ngài khắc lại bảng gỗ hiệu : “Hội Phước Tự” được tôn trí trước cổng tam quan. Năm 1897, đại sư Chơn Chánh Đạo Tâm Pháp Tạng đã phú pháp cho ngài Như Huệ Thiền Tâm qua bài kệ truyền pháp:

“Chư pháp bổn lai như
Như như như thị pháp
Khứ lai sanh diệt tân
Liễu ngộ tức bồ đề”.
Hòa thượng Huệ Đăng dịch:
“Chư pháp vốn là chân
Như như là pháp đó
Qua lại sinh diệt hết
Hiểu rõ tức bồ đề” .

Hòa thượng Thiền Tâm có các đệ tử và pháp tôn tiếp nối ngọn đèn chánh pháp kế thừa tổ đình Hội Phước như quý hòa thượng: Thị Thọ Nhơn Hiền (1859-1929), Ấn Ngân Tín Thành (1885-1859), Đồng Kỉnh Tín Quả (1891-1978) và đương kim trụ trì là hòa thượng Chúc Thọ Quảng Thiện chứng minh đạo sư Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa có các đệ tử đang trụ trì và hoằng pháp khắp nơi như : Thánh Nghĩa Pháp Quang chùa Pháp Vân Đồng Nai, Thánh Minh Pháp Lâm chùa Hội Phước New Mexico, Thánh Vương Pháp Thành chùa Khánh Long Khánh Hòa, Thánh Biện Pháp Hương chùa Bửu Quang BRVT, Thánh Nam Pháp Nghiêm chùa Pháp Nghiêm Virginia, Thánh Thanh Pháp Thiện chùa Thiện Pháp Georgia, Thánh Hữu chùa Bà Di Bắc Ninh v.v..

Ngưỡng mộ về ân đức truyền thừa và trùng hưng tam bảo của chư lịch đại Tổ sư tổ đình Hội Phước Nha Trang, nhà thơ Chúc Phổ Từ Xuân Lãnh đã có bài vịnh:

Hội Phước thiền môn sắc tứ ban
Tương truyền tổ ấn rạng danh vang
Thịnh suy thời đại bao hưng phế
Trầm mặc chùa thiêng vẫn rỡ ràng
Tháp báu bảy tầng muôn vẻ đẹp
Pháp âm đồng vọng tiếng xa gần
Nha thành Phật tích lưu trần thế
Quảng Thiện tâm như mở đạo tràng.

2. Đại sư Chơn Kim Pháp Lâm (1861-1898)

Đại sư Chơn Kim Pháp Lâm giới luật tinh nghiêm được thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh bổ nhiệm trụ trì chùa Châu Lâm năm 1887 và hoằng pháp ở Kinh đô Huế. Năm 1989, đại sư được cung thỉnh trụ trì chùa Viên Thông, núi Ngự Bình và năm 1890 chú nguyện đúc đại hồng chung an trí tại chùa Châu Lâm. Năm 1894, Đại sư làm đệ ngũ tôn chứng tại giới đàn chùa Bảo Quốc. Năm 1894 khắc bảng: ” Chánh Pháp Nhãn Tạng” truyền thừa chùa Viên Thông. Đại sư Chơn Kim Pháp Lâm viên tịch tại chùa Châu Lâm, Phú Yên năm 1898. Đệ tử kính thương lập văn bia lưu truyền hậu thế:

Nghe đạo viên thiền sắc tức không
Như Lai dạy bảo mấy thu đông
Trăm năm còn nhớ Bình Sơn tự
Muôn dặm hồn về Phú Lãnh phong
Nhà đá xưa từng nghe tiếng mõ
Đài lang chừng ấy điểm chừng canh
Chẳng biết Phật Tiên về đâu nhỉ
Ngự phong còn nhớ mấy cây tòng.

Đệ tử đắc pháp của đại sư Chơn Kim Pháp Lâm có các vị:

– Như Thừa Giải Trí Hoằng Nguyện (1880-1926) kế thừa chùa Viên Thông Huế với chủ trương theo thanh quy của tổ Bách Trượng . Năm 1924 ngài được cung thỉnh làm đệ lục tôn chứng đại giới đàn Từ Hiếu do hòa thượng Thanh Ninh Tịnh Tâm làm Đàn đầu. Đại sư Như Thừa Giải Trí Hoằng Nguyện có đệ tử :Thị Bình, Thị Khai kế vị chùa Viên Thông.
– Như Quang Giải Đạo Hoằng Phúc (1877-1945) kế thừa chùa Châu Lâm, Tuy An và khai sơn chùa Linh Long Bình Thuận. Năm 1919, được cung thỉnh làm giáo thọ tại chùa Thiền Lâm Phan Thiết. Đệ tử nối pháp có các vị Thị An Thiện Lạc Diệu Thọ (1896-1983) và Thị Chi Thiện Phước Diệu Quả (1916-1983) kế vị chùa Linh Long.

3. Đại sư Chơn Tâm Đạo Tánh Pháp Thân (1869-1896)

Đại sư Chơn Tâm Pháp Thân là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh là đệ tử xuất gia với tổ Ấn Thiên Tổ Hòa Huệ Nhãn (1850-1888) chùa Từ Quang. Sau khi, bổn sư Ấn Thiên Huệ Nhãn viên tịch, ngài Pháp Thân đã cầu pháp tu học với thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh tại chùa Bảo Sơn với bài kệ truyền pháp như sau:

Chánh pháp trung diệu lạc
Vật trục tà kiến mê
Cổ kim đa Hiền Thánh
Giải liễu tức Bồ Đề.

Giáo Sư Lê Mạnh Thát dịch:
Vui mầu trong chánh pháp
Thấy bậy chớ theo mê
Xưa nay nhiều Hiền Thánh
Hiểu được tức Bồ Đề.

Năm 1887, đại sư Pháp Thân khai sơn chùa Phước Huệ tại Vỹ Dạ Huế. Từ đó hằng năm ngài đều cung thỉnh thiền sư Huệ Nhãn và thiền sư Huệ Minh cùng các huynh đệ như Pháp Hỷ, Pháp Tạng, Pháp Ngữ, Pháp Lâm v.v ra kinh đô thăm viếng và hoằng pháp. Ngài Pháp Thân đã trước tác sách: ” Tam Bảo Biện Hoặc Luận Chú” để chú thích, giảng giải những chỗ khó hiểu của tác phẩm “Tam Bảo Biện Hoặc Luận” của Tổ Pháp Chuyên. Tiếc thay! Đại sư Pháp Thân đã viên tịch vào ngày 27 tháng 11 năm 1895. Tháp của ngài được xây dựng trong khuôn viên chùa Thái Hòa, phường đúc thành phố Huế.

4. Đại Sư Chơn Tín Đạo Thành Pháp Hỷ

Theo sử liệu còn lưu lại dưới triều vua Thành Thái, đại sư Chơn Tín Pháp Hỷ được bổ nhiệm trụ trì Linh Sơn núi Hòn Chồng. Sau khi Tổ Huệ Nhãn viên tịch, đại sư Pháp Hỷ kiêm nhiệm trụ trì tổ đình Từ Quang. Đại sư uyên thâm giáo lý Phật, tinh thông Nho giáo, là vị pháp sư nổi tiếng thời bấy giờ. Năm 1896, chư sơn Phú Yên được thỉnh dự trai đàn siêu độ bảy ngày tại chùa Kim Quang Huế. Xong lễ, vua ban cho quý hòa thượng Pháp Tạng, Pháp Hỷ, Trí Giác mỗi vị một giới đao độ điệp. Năm 1899 và 1900, hòa thượng Pháp Hỉ thường chủ giảng tại chùa Kim Quang Huế. Hòa thượng Phước Huệ là trụ trù tổ đình Thập Tháp Di Đà cùng với đại sư Phổ Huệ vào tổ đình Từ Quang tham cứu Phật pháp, đến khi xong bộ kinh Lăng Nghiêm trực chỉ. Năm 1892, đại sư Pháp Hỷ đã truyền tâm pháp cho Quốc sư Phước Huệ và Pháp sư Phổ Huệ. Đây là nhân tố nền tảng cho phong trào chấn hưng Phật giáo sau này. ( có những chỗ ghi chép bị nhầm lẫn về tiểu sử quốc sư Phước Huệ đã tu học và đắc pháp với tổ Pháp Chuyên là không chính xác)
Năm 1901, chùa Từ Quang Phú Yên mở giới đàn truyền giới cho giới tử toàn quốc. Quốc sư Phước Huệ được cung thỉnh làm đàn đầu, hòa thượng Tịnh Lâm Phổ Huệ làm giáo thọ , giới tử Trừng Thông Viên Thành thọ cụ túc và thủ Sa Di tại giới đàn này. Ngài được thưởng một bộ kinh Lăng Già Tâm Ấn, một bình bát quý và một bộ sô y. Ngài Viên Thành kính dâng giáo thọ sư:

Bình bát truy tùy dĩ hữu niên
Đạo năng thâm khế diệc tiền duyên
Vân quang thuyết pháp hoa ưng trụy
Quý phạp Tô Tuân chí học kiên.

Nguyễn Lang dịch:
Y bát bên mình trọn mấy niên
Đạo tình thâm áo cũng tiền duyên
Vân quang thuyết pháp hoa rơi rụng
Thẹn với Tô Tuân chí học bền.

5 Đại sư Chơn Thật Đạt Đạo Pháp Ngữ (?-1945)
Đại sư Chơn Thật Đạt Đạo Pháp Ngữ, kế thừa tổ đình Từ Quang đời thứ 8. Năm 1928, đại sư Pháp Ngữ được cung thỉnh chứng minh đạo sư đại giới đàn chùa Từ Vân Đà Nẵng do hòa thượng Chơn Pháp Phước Trí làm đàn đầu truyền giới. Giới tử Thích Trí Thủ, một trong những cao tăng của Phật giáo Việt Nam trong thời cận đại được đắc giới tại giới đàn này. Đại sư Pháp Ngữ là người lãnh đạo phong trào chấn Hưng Phật Giáo tỉnh Phú Yên. Năm 1932, Hội Phật học tỉnh Phú Yên thành lập, do hòa thượng Thiền Phương và hòa thượng Phúc Hộ chùa làm cố vấn và thành phần lãnh đạo nòng cốt của Hội là các trí thức Phật tử có trình độ tây học, như thẩm phán Trần Kỳ Quỳ và bác sĩ Lê Văn Kỷ. Sau đó thành lập Giáo hội Tăng già, cung thỉnh hòa thượng Pháp Ngữ làm Tòng lâm Pháp chủ.

Hòa thượng Pháp Ngữ có đệ tử Như Hương Hòa Phước chùa Thiên Long và pháp tôn là hòa thượng Thị Lạc Hành Thiện Hưng Từ (1911-1991). Hòa thượng Thích Hưng Từ là một danh Tăng Việt Nam. Năm 1937, ngài vận động Tăng, tín đồ mở Phật học đường để đào tạo Tăng tài. Hòa thượng Hưng Từ chủ giảng tại chùa Liên Trì, chùa Thiên Tứ và chùa Cổ Lâm, nhiều vị đến nghe giảng như các vị hòa thượng Quảng Đức, Vĩnh Thọ, Nhơn Thụy, Nhơn Duệ v.v.. Năm 1939, hòa thượng Hưng Từ tổ chức khóa an cư kiết hạ, mở đại giới đàn tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận và giảng dạy khoa Du già cho chư Tăng. Ngoài ra hòa thượng còn khai sơn và trùng tu các ngôi chùa như chùa Thiên Long Tuy An , chùa Minh Sơn Tuy Hòa, chùa Linh Đài Tuy An, chùa Thiên Tứ Ninh Hòa, chùa Linh Sơn Bình Thuận và chùa Pháp Hội Bình Tuy . Năm 1955, ngài đảm nhận Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Khánh Hòa liên tiếp hai nhiệm kỳ. Năm 1963-1964, ngài lãnh đạo phong trào đấu tranh bảo vệ Phật giáo và Dân tộc tại tỉnh Bình Tuy. Năm 1964-1978, ngài được bầu vào Hội Đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Từ năm 1982, ngài được suy tôn Thành viên Hội đồng chứng minh GHPGVN và Cố vấn chứng minh kiêm Ủy viên Tăng sự ban Trị sự tỉnh hội Phật Giáo Thuận Hải và Bình Thuận. Hòa thượng Thích Hưng Từ đã phiên dịch Kinh Quán Vô Lượng Thọ và trước tác quyển Lịch Sử Tổ Hữu Đức, tổ đình Linh Sơn Trường Thọ núi Trà Cú và chư hậu Tổ.

6. Đại Sư Chơn Hương Thiên Quang (1862-1939)
Căn cứ vào những văn kiện còn lưu lại ở tổ đình Linh Sơn và sử liệu: “330 năm khai sáng truyền thừa tổ đình Hội Phước Nha Trang (1680-2010)” ta có được hành trạng của hòa thượng Chơn Hương Thiên Quang như sau:

Năm 1882, ngài Chơn Hương thọ giới cụ túc tại giới đàn chùa Bảo Sơn do hòa thượng bổn sư Ấn Chánh Huệ Minh làm đàn đầu và hòa thượng Ấn Thiên Huệ Nhãn chùa Từ Quang làm giáo thọ.
Năm 1894, thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh đã truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng và bổ nhiệm đại sư hiệu Thiên Quang trụ trì tổ đình Linh Sơn Vạn Ninh năm 1895.

Năm 1897, Đại sư Thiên Quang mở giới đàn tại chùa Linh Sơn, cung thỉnh hòa thượng Ấn Chánh Huệ Minh làm đàn đầu, hòa thượng Chơn Hương Thiên Quang làm Yết Ma và hòa thượng Hiền Thạnh chùa Linh Thượng làm giáo thọ. Giới tử thọ giới cụ túc có ngài Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm là bổn sư của Bồ Tát Thích Quảng Đức.

Năm 1905 hòa thượng Thiên Quang tạo tượng Phật cho chùa Linh Sơn. Văn kiện ngày 10 tháng 4 năm Ất Tỵ 1905 cho ta thấy đại sư Thiên Quang đã nhận chùa Linh Sơn được 10 năm với hoàn cảnh khó nhọc ngày xưa ấy như thế nào? Nội dung kêu gọi quyên góp để đúc lại tượng Phật cho tổ đình do hòa thương Chơn Hương Thiên Quang thực hiện, văn kiện bằng chữ Hán, được dịch như sau:

” Yết ma hòa thượng chùa Linh Sơn xã Hiền Lương tổng Phước Tường nội huyện Quảng Phước phủ Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa hiệu Thiên Quang xin lập tờ thiện khuyến:

Hưởng ơn lành của Phật tổ thì bước nền cũ ở gò cao, qua chỗ yên của người xưa thì cỡi lấy nhà trên núi. Đã trải mười năm ngóng trông, được lấy nền hư tại Hiền Lương. Thấy nền đó gặp buổi tranh giành, nhân lúc gần trưa, trời hè khí hun, về nam gió tạt. Than ôi, rường cột điện Phật, thảy giao cho một mồi lửa. Cơ đồ thê thảm, hình tượng cũng trở thành rụi tàn. Bần tăng há ngồi nhìn, há yên lòng ư? Do thế, đã nhọc mình đau óc, hết sức chạy lui chạy tới, dựng lấy một am chùa, vẽ mấy tượng Phật. Thế mà đã một kỷ, trước mây che khỏi gió mưa.Thế mà đã mười năm, nhờ đó mà công phu nổi lại.Nay một gian chùa am sắp đổ, mỗi nghĩ một mình khó kham. Mấy tượng Phật chưa đúc, thâm tâm nguyện lớn sao đáp, nên lòng mãi lo âu, chí mãi trông ngóng. Cho nên, trình bày cầu xin bố thí, khuyên lành phương xa. Kính mong thạc đức hiền nhân ban ơn, giúp cho cơ đồ sắp đổ trở lại như xưa.

Kính nghĩ người nhân quân tử ban ơn, xót những hình tượng đã hư nát, phải phục hồi lại cho rực rỡ sáng tươi. Như thế thì dòng thơm mãi chảy, phước lớn vô cùng. Trên bản ghi tên cùng với tháng năm bất tuyệt. Trong bản lưu chiếu cũng đời đời chẳng thể quên mất. Đại nguyện lòng này đâu phải trộm thôi, há dám dong dài. Vậy thôi, xin trước bản xem xét.

Ngày 10 tháng 4 năm Ất Tỵ (1905)
Yết Ma hoà thượng hiệu Thiên Quang ấn ký.
(Tư liệu mới về Bồ Tát Quảng Đức – Lê Mạnh Thát)

Năm1907, hòa thượng Thiên Quang chứng minh đúc hồng chung chùa Long Sơn.

Năm 1915, đại sư Chơn Hương Thiên Quang đến trụ trì chùa Hội Phước Nha Trang.

Năm1916 , tái tạo lại cổng tam quan chùa Hội Phước và viết cho câu đối:

” Hội Tấn Nhân Duyên Phước
Thiền Khai Trí Độ Môn”

Năm 1917, đại sư Thiên Quang bổ nhiệm thiền sư Thanh Chánh Phước Tường về trụ trì chùa Hội Phước, ngài trở về chùa Linh Sơn xây chùa, tạo tượng tiếp tăng độ chúng và hướng dẫn tín đồ tu phước cúng dường. Một số văn kiện còn lưu lại tổ đình Linh Sơn chúng thấy đại sư đã trùng tu xây dựng phạm vũ huy hoàng, chú tạo nhiều pháp khí cũng như tôn tượng và tiếp nhận nhiều ruộng đất của bổn đạo hiến cúng.

Năm 1937, hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn đầu truyền tâm pháp cho giới tử tại chùa Linh Sơn. Hòa thượng trưởng lão Thiên Quang có nhiều đệ tử đắc pháp sau đây:

– Như Đạt Hoằng Thâm, khai sơn chùa Long Sơn là bổn sư của Bồ Tát Quảng Đức.
– Thị Khanh Hạnh Thái Vô Vi kế thừa chùa Long Sơn
– Như Chi Hoằng Thọ khai sơn chùa Vạn Đức và chùa Quảng Long Vạn Ninh.
– Như Độ Hoằng Phước điển tọa chùa Linh Sơn
– Ngài Hoằng Chất kế thừa chùa Trung Long và chùa Quảng Long.
– Hoằng Nguyện xây tháp Tổ.
– Hoằng Ứng trú trì chùa Long Thạnh
– Hoằng Đạo Đồng Kỉnh Tín Quả trụ trì tổ đình Hội Phước Nha Trang .

“Tiếp theo, sau khi tổ Thiên Hương viên tịch vào đầu năm 1939, bồ tát Quảng Đức đã được mời về làm trú trì tổ đình Linh sơn. Một loạt văn kiện do bồ tát Quảng Đức viết để quyên góp cho việc trùng tu tổ đình Linh Sơn cùng việc xin sắc tứ cho tổ đình đã xuất hiện từ những năm 1940 đến năm 1944. Không những thế, bồ tát còn đứng ra mở rộng đất đai của chùa.
Như vậy, thông qua số văn kiện liên hệ đến Bồ tát Quảng Đức, ta có nhận thức rõ hơn về các hoạt động Phật sự của Bồ tát trong nửa đầu thế kỷ XX. Đây là giai đoạn hoạt động hết sức tích cực của Bồ tát Quảng Đức tại vùng Vạn Ninh cũng như tỉnh Khánh Hòa, mà kết quả là 14 ngôi chùa đã có những gắn kết với Bồ tát. Theo thống kê thì trong đời của Bồ tát đã trùng tu và khai sơn 31 ngôi chùa, trong đó 17 ngôi ở miền Nam và 14 ngôi ở miền Trung. Về 14 ngôi ở miền Trung này, ta hiện đã xác minh được.”

(Tư liệu mới về Bồ Tát Quảng Đức – Lê Mạnh Thát)

Viết về Bi ký Tổ đình Linh Sơn, Sa môn Thích Trí Tạng hiệu Đức Nhuận có ghi:

“… Cảnh chùa Linh Sơn này lại là nơi dừng chân trên bước đường du hóa của Bồ tát Thích Quảng Đức, trước khi Ngài vị pháp thiêu thân để thức tỉnh lương tri nhân loại; giữa lúc miền nam sôi sục khí thế phục hưng chánh pháp, nhờ sự hy sinh cao cả ấy mà lịch sử đạo pháp có bước chuyển biến đi lên, thoát khỏi cảnh trăm năm bị tà giáo áp bức. Trước đó ngài đã phó chúc cho pháp đệ là hòa thượng Tâm Thanh hiệu Tịch Tràng lo việc tái thiết ngôi đạo tràng và chấn hưng Phật Giáo tại vùng này. Tới nay, Pháp tử là thượng tọa Thích Thiện Dương phát tâm trùng tu, xây dựng lại toàn cảnh chánh điện và hậu Tổ, một công trình to lớn, xứng đáng là tùng lâm ở chốn Nha thành.

Tổ Tổ truyền thừa và chánh pháp được phát huy do do công đức của liệt vị Tổ sư và nguyện lực của các Phật tử gần xa, cùng sự gia trì của già lam chân tế”

Từ núi rừng xưa, nay đã trở thắng tích Sa Long hay Linh Sơn vẫn ghi dấu ” địa linh nhân kiệt” vậy.

” Hơn hai thế kỷ sen thơm ngát
Trải mấy mươi đời Tổ đạo…thiêng
Pháp tử nối dòng hương khói tỏa
Ngàn năm thanh sử đất Nha Trang”

IV Phát triển Thiền Phái Chúc Thánh Phú Yên và Khánh Hòa

” Cây có cội mới trổ cành xanh lá, nước có nguồn mới tỏa khắp rạch sông”. Do đó tìm về cội nguồn dòng truyền thừa thiền phái Chúc Thánh tại Phú Yên, Khánh Hòa cũng chính là khơi dậy trong lòng Tăng, Ni và Phật tử chúng ta một niềm tri ân toàn thiện. Tổ Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm, người đem hạt giống trí giác gieo vào mảnh đất chùa Từ Quang với bài kệ phú chúc ý nghĩa được mãi lưu truyền:

Pháp Toàn Chương Bổn Tánh
Phật Hiện Ấn Tâm Quang
Vũ Hóa Hàm Linh Chủng
Đồng Sinh Thượng Thanh Hương
Căn Châu Doanh Thế Giới
Hoa Quả Mãn Thập Phương
Chiên Đàn Lâm Tú Lệ
Sư Tử Trụ Bảo Tràng
Nhân Thiên Thường An Lạc
Tịnh Diệu Chiếu Huy Lương
Cửu Cơ Giai Liễu Ngộ
Nhất Đạt Tối Kiết Tường
Hồi Hướng Trung Chí Thiện
Phước Huệ Vĩnh Thọ Xương
Giai Nghệ Bồ Đề Tọa
Cao Xưng Đại Pháp Vương

Tổ Pháp Chuyên là người có công lớn đã đạo tạo những học trò giỏi, 28 đệ tử của Tổ đã thành danh tiếp nối ngọn đèn pháp, những vị nổi tiếng như: Toàn Thể Vi Lương Linh Nguyên, Toàn Nhật Vi Bảo Quang Đài, Toàn Đức Vi Cần Thiệu long, Toàn Đạo Viên Đàm, Toàn Nghĩa Vi Hội Chơn Thường v.v..

” Tượng vương ký khứ, tượng tử tùy, nhất đăng diệt nhi nhất đăng thục” Nghĩa là : Voi chúa ra đi voi con tiếp bước, một ngọn đèn đã tắt, ngọn đèn khác sẽ được thắp sáng. Các pháp tôn của tổ Pháp Chuyên có nhị vị hòa thượng Ấn Thiên Huệ Nhãn và Ấn Chánh Huệ Minh có công kế thừa đào tạo nhiều đệ tử tiếp tục khai sơn, tạo tự, hoằng pháp, phát triển thiền phái Chúc Thánh ở Phú Yên, Khánh Hòa và lan tỏa đến các tỉnh khác.

Đặc biệt là pháp điệt của thiền sư Huệ Minh có ngài Thị Thủy Hạnh Pháp Quảng Đức nối dòng Lâm Tế Đời 42, thế hệ thế hệ thứ 9 thiền phái Chúc Thánh trụ trì đời thứ 6 tổ đình Linh Sơn Khánh Hòa đã quyết định thực hiện tâm nguyện của mình tự thiêu thân để cúng dường chư Phật và bảo vệ đạo pháp trong mùa pháp nạn năm 1963. Đoạn cuối bức thư lời nguyện tâm huyết:

” Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái, từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thưở”.

” Tôi tha thiết kêu gọi chư thượng tọa, đại đức Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật giáo”.
Hội đồng lưỡng viện Tăng Thống và Hóa Đạo trong một phiên họp trước ngày Phật Đản năm 1964, đã đồng thanh quyết nghị suy tôn ngài pháp vị Bồ Tát.

” Quả tim Bồ Tát Quảng Đức là một minh chứng cụ thể cho tấm lòng của muôn người con Phật luôn yêu chuộng hòa bình tự do và bình đẳng nhưng cũng bất khuất trước nạn cầm quyền và áp bức. Trái tim ấy đã trở thành biểu tượng tinh thần của Phật Giáo Việt Nam và là trái tim của nhân loại đã và đang đấu tranh mãi cho tự do hòa bình, hạnh phúc nhân sinh”

( Bồ Tát Thích Quảng Đức ngọn lửa và trái tim – Lê Mạnh Thát)

Chuông đồng hồ bây giờ đã điểm đúng giờ giao thừa! xin tiễn năm cũ 2021 ra đi với những chướng duyên thiên tai dịch bệnh. Đón chào năm mới 2022, nơi tha hương với tiếng chuông chùa mầu nhiệm. Xin thỉnh tiếng chuông thứ nhất ngân nga với bài minh của thiền sư Pháp Thân đã khắc trên đại hồng chung chùa Bảo Sơn Phú Yên :

Thắng tích Bảo Sơn
Xưa nay đều biết
Thạch trụ chốn thiền
Phật tử đông đúc
Nương nhờ Phật lực
Làm công đức lớn
Truyền lại đời sau
Tạo chiếc chuông đồng
Tiếng vàng tiếng ngọc
Diễn lý cổ kim
Vang thay chuông chùa
Ngân đến vô cùng.

Xin thỉnh tiếng chuông thứ hai ngân nga với bài minh của hòa thượng Thích Tuệ Sĩ được khắc trên đại hồng chung chùa Linh Sơn Vạn Giã, Khánh Hòa :

Thao thao đông hải
Nộ khởi kinh đào
Ai thanh trường dạ
Phách ngạn hung triều
Thiên trùng bi nguyện
Phiến phiến từ chu
Trường sơn trạo tích
Huệ nhựt cao luân.

Xin thỉnh tiếng chuông thứ ba ngân nga và thưởng thức bài minh trên của hòa thượng Thích Tuệ Sĩ đã được dịch nghĩa:

Biển đông cuồn cuộn
Gấm thét ba đào
Đêm dài thăm thẳm
Sóng vỗ lấp bờ
Muôn trùng bi nguyện
Thấp thoáng thuyền từ
Trường sơn cắm gậy
Ánh tuệ trời cao.

Cầu mong chư lịch đại Tổ sư chứng minh và soi sáng cho chúng con diệu lý bài kệ truyền pháp của Tổ Sư dòng thiền Chúc Thánh đã khai sáng và truyền thừa: ” hoa nở cây giác ngộ, hương thơm lừng nhân thiên”. và “nguyện người nghe tĩnh thức, vượt thoát nẽo đau buồn”.

(Đêm giao thừa năm 2022 tại chùa Hội Phước New Mexico
Thích Thánh Minh kính ghi)