Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Thiền quán -Tiếng chuông vượt thời gian (Phần Sáu) (d)

Thiền quán -Tiếng chuông vượt thời gian (Phần Sáu) (d)

95

 

HỎI VÀ TRẢ LỜI
 
Hỏi: Chúng ta đã nói khá nhiều về vô thường. Thế còn giáo lí về vô ngã, thường được hiểu là "không có bản ngã," "không có cái ngã tự tại" thì sao? Thông thường chúng ta nghĩ mình cần có một thực thể tự thân để hoạt động trong vũ trụ. Chúng ta có những thuật ngữ như "lòng tự tin," "lòng tự trọng," và chúng ta tin rằng một "bản ngã mạnh" là thước đo khả năng của một người để đối diện với cuộc sống hằng ngày. Vậy thì giáo lí về "vô ngã" nghĩa là gì?
 
S.N.Goenka: Với người chưa cảm nghiệm được giai đoạn "vô ngã," thì quả thực trong thế giới ngoại tại này phải có một cái tôi, một bản ngã, và bản ngã này phải được kích thích. Nếu tôi không ham muốn một điều gì, tôi sẽ không có đủ sự kích thích để hoạt động. Trong khóa học này, mỗi khi tôi nói rằng ham muốn và dính mắc là có hại, người ta thường vấn nạn rằng nếu không có gắn bó, không có ham muốn, thì đời sống còn có hứng thú gì? Sẽ không có đời sống. Chúng ta sẽ chỉ giống như loài cây cỏ.
 
Là một người có gia đình và hoạt động kinh doanh ngoài xã hội, tôi có thể hiểu được những vấn nạn của họ. Nhưng tôi cũng hiểu rằng khi bạn làm việc với phương pháp này và đạt giai đoạn mà cái bản ngã tan biến mất, thì khả năng làm việc của bạn gia tăng gấp bội. Khi bạn sống một đời sống quá ích kỉ, thì thái độ chung của bạn là làm mọi cái có lợi cho mình. Nhưng thái độ này làm bạn căng thẳng khiến bạn cảm thấy rất khổ sở. Khi bạn thực hành Thiền quán, cái tôi của bạn biến mất, tự nhiên tâm của bạn đầy yêu thương, từ bi, và sự chân thành. Bạn cảm thấy thích làm việc, không chỉ vì lợi ích riêng của bạn, mà còn vì lợi ích của mọi người. Khi sự kích thích của cái tôi ích kỉ biến mất, bạn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, và có khả năng làm việc được hơn rất nhiều. Ðây là kinh nghiệm bản thân của tôi, và của rất nhiều người đã từng đi theo phương pháp này.
 
Phương pháp này không làm bạn trở nên thụ động. Một người có tinh thần trách nhiệm trong xã hội thì luôn hoạt động. Cái tan biến mất nơi bạn là thói quen phản ứng mù quáng. Khi bạn sống bằng phản ứng, bạn cảm thấy đau khổ. Khi bạn sống không theo phản ứng, bạn tạo ra cảm giác tích cực.
 
Hỏi: U Ba Khin là một người có vị trí quan trọng trong xã hội và là một cán bộ nhà nước. Ông ấy quan niệm thế nào về các vấn đề như chiến tranh, nghèo đói, v.v…?
 
SNG: Trong xã hội có nhiều vấn đề quan trọng. Người ta không thể nhân danh việc hành thiền Vipassāna hay bất kì loại thiền nào khác để nhắm mắt lại và trốn tránh. Mỗi người cần đóng góp phần của mình. Ðức Phật thường nói: "Nếu bụng của con đói, con không thể thực hành Giáo pháp, không thể hành thiền." Ðây là điểm rất quan trọng.
 
Mọi chiến tranh đều tai hại. Nhưng chỉ có mục tiêu lí tưởng là giữ cho xã hội tránh được chiến tranh thì không ích lợi gì. Mọi cá nhân phải giải phóng mình khỏi những xung đột bên trong. Những xung đột trong xã hội, giữa các quốc gia, các cá nhân — tất cả tồn tại là vì những sự xấu xa trong tâm của các cá nhân.
 
Con người là chúng sanh trong xã hội. Họ không thể sống cách li khỏi xã hội, cũng không có lợi gì khi sống cách li xã hội. Mọi đóng góp của họ cho xã hội trong tư cách một thành viên của xã hội, bằng cách góp phần xây dựng hòa bình và hoà hợp, là thước đo giá trị của họ như một thành viên có ích cho xã hội. Những con người bất hòa không những chỉ căng thẳng và đau khổ nơi bản thân mình, mà còn làm những người chung quanh mình đau khổ vì sự căng thẳng và bất hòa của họ. Vì vậy, rõ ràng nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội hạnh phúc và hòa hợp, thì chúng ta cũng phải làm cho mỗi cá nhân hạnh phúc, mạnh khỏe và hòa hợp. Chỉ khi mỗi cá nhân có tâm thanh tịnh và an lạc, chúng ta mới hi vọng có hòa bình trong xã hội. Giáo pháp là một con đường độc đáo để đạt sự an bình cho cá nhân, vì thế là con đường đạt tới an bình và hòa hợp cho xã hội và thế giới.
 
Hỏi: Người hành thiền Vipassāna đóng vai trò gì trong lãnh vực hoạt động xã hội — ví dụ, trong việc giúp đỡ người khác, người nghèo, người đói, người bị bỏ rơi, người vô gia cư, người bệnh tật, v.v…?
 
SNG: Giúp đỡ người khác là điều tuyệt đối cần thiết đối với người đi theo con đường Giáo pháp. Tất nhiên, đối với người hành thiền, mục tiêu là đạt tâm thanh tịnh. Nhưng một dấu chỉ của tâm thanh tịnh là sự gia tăng ước muốn giúp đỡ người khác. Một tâm thanh tịnh sẽ luôn luôn tràn đầy từ bi và yêu thương. Không thể nào nhìn thấy người khác đau khổ ở khắp nơi mà trong lòng lại nghĩ: "Mặc kệ, không hệ gì đến tôi. Tôi phải lo sự giải thoát của bản thân mình." Thái độ này chứng tỏ sự thiếu phát triển về Giáo pháp. Nếu một người tiến tới trong Giáo pháp, người ấy có thể giúp đỡ và phục vụ người khác một cách tự nhiên trong mọi lãnh vực, tùy theo khả năng của mình.
 
Nhưng trong khi bạn phục vụ người khác trong những hoạt động xã hội khác nhau, như trong một trường học, một bệnh viện hay một tổ chức nào khác, bạn có thể nghĩ sai lạc rằng: "Bây giờ tôi đã thực sự có tâm thanh tịnh và đang cống hiến tất cả thời giờ của tôi để giúp đỡ người khác, việc thanh tẩy tâm của tôi có thể tự nó tiếp tục diễn ra. Tôi có thể bỏ việc hành thiền sáng tối vì bây giờ tôi đang bận quá. Tôi đang cống hiến một sự phục vụ lớn cho xã hội." Thật là một sai lầm to lớn. Nếu bạn có tâm thanh tịnh thực sự, thì bất kì sự phục vụ nào của bạn cũng sẽ đều thực sự mạnh mẽ, hiệu quả và mang lại những kết quả tốt.
 
Hãy tiếp tục thanh tẩy tâm, tiếp tục xét xem tâm của bạn có thực sự thanh tịnh hay không, và tiếp tục phục vụ người khác mà không mong được đáp trả bất cứ điều gì. Các cá nhân tốt lành và hòa hợp là nền tảng của mọi xã hội lành mạnh và hòa hợp. Chỉ khi mọi cá nhân có tâm thanh tịnh và an bình, chúng ta mới trông mong có sự an bình và hòa hợp trong xã hội. Thiền quán là một phương pháp độc đáo để cá nhân đạt sự an bình và hòa hợp, vì thế nó là phương thế lí tưởng để đạt sự an bình và hòa hợp trong xã hội.
 
Hỏi: Ông khuyên người ta sử dụng phương pháp thiền này thế nào trong đời sống hằng ngày của họ:
 
SNG: Việc đầu tiên là tăng cường và hoàn hảo việc sống theo giới luật hay đời sống đạo đức. Năm giới luật chúng tôi giảng dạy — không giết người, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nghiện ngập — là nền tảng. Một khi người ta phạm một trong những giới luật này, sự định tâm của họ trở nên suy yếu, và tuệ giác của họ nông cạn. Bạn không thể sống trên bình diện những cảm giác của bạn; nếu không, bạn sẽ chỉ sống bằng những trò chơi của trí óc ở lớp vỏ bề ngoài của tâm. Nhưng nếu giới của bạn mạnh, bạn có thể bắt đầu đi vào chiều sâu của tâm. Và khi đó, khi đã đi vào chiều sâu và nhổ sạch tận gốc rễ dù chỉ một số điều tiêu cực nơi bạn, thì giới và định đều trở nên mạnh mẽ. Cả ba yếu tố này trợ giúp lẫn nhau.
Việc kế tiếp là: trong khi bạn làm việc, hãy tập trung hoàn toàn vào công việc của bạn. Ðó chính là việc hành thiền của bạn trong lúc đó. Nhưng khi bạn rảnh rỗi, dù chỉ trong năm phút, hãy tập trung ý thức vào các cảm giác của bạn với cặp mắt mở to. Khi bạn không có gì để làm, hãy quán sát các cảm giác của bạn. Việc này sẽ cung cấp sức lực cho bạn trong khi bạn thi hành các nhiệm vụ. Ðó là cách mà mọi người đều có thể dùng phương pháp này trong đời sống hằng ngày của họ.
 
Hỏi: Có thể có sự tham ái và sân hận lành mạnh không — ví dụ như ghét sự bất công, khao khát tự do, sợ bị thương tổn thể xác?
 
S.N. Goenka: Tham ái và sân hận không bao giờ có thể là lành mạnh. Chúng luôn làm bạn căng thẳng và đau khổ. Nếu bạn hành động với tâm tham ái và sân hận, thì có thể bạn có một mục đích xứng đáng đấy, nhưng bạn dùng một phương tiện không lành mạnh để đạt mục đích đó. Tất nhiên, bạn phải hành động để bảo vệ mình khỏi nguy hiểm. Bạn có thể hành động như thế khi quá sợ hãi, nhưng khi hành động như thế, bạn đã phát triển một mặc cảm sợ hãi sẽ gây thiệt hại cho bạn về lâu về dài. Hoặc là khi hành động với sự thù ghét trong tâm, có thể bạn cũng thành công trong việc chống lại bất công, nhưng sự thù ghét đó sẽ trở thành một mặc cảm tâm linh có hại. Bạn phải chiến đấu chống bất công, bạn phải bảo vệ mình khỏi nguy hiểm, nhưng bạn phải làm điều này với một tâm thanh thản, không căng thẳng. Và khi bạn hành động một cách quân bình, bạn có thể hành động để đạt một điều gì tốt vì yêu thương người khác. Tâm quân bình luôn luôn có ích và sẽ mang lại những kết quả tốt nhất.
 
Hỏi: Ham muốn vật chất để làm cho đời sống dễ chịu và thoải mái hơn thì có gì là sai?
 
SNG: Nếu là nhu cầu thực sự, thì chẳng có gì sai cả, miễn là bạn không quá quyến luyến nó. Ví dụ bạn khát, bạn muốn uống nước; không có gì xấu cả. Bạn cần uống nước — vì vậy bạn cố gắng đi kiếm nước để làm dịu cơn khát của bạn. Nhưng nếu nó trở thành một ám ảnh, thì nó sẽ làm hại bạn chứ không có ích cho bạn. Bạn cần điều gì, thì cứ làm việc để đạt được nó. Nhưng nếu bạn không đạt được, hãy cứ mỉm cười và tìm cách khác để đạt được nó. Nếu bạn thành công, hãy vui hưởng điều bạn đạt được, nhưng đừng quyến luyến nó.
 
Hỏi: Thế còn dự tính kế hoạch cho tương lai thì sao? Ông có gọi nó là tham ái không?
 
SNG: Ở đây cũng thế, tiêu chuẩn là xét xem bạn có quyến luyến kế hoạch của bạn không. Ai ai cũng phải lo cho tương lai của mình. Nếu kế hoạch của bạn thất bại và bạn bắt đầu than khóc, tức là bạn đã tỏ ra quyến luyến nó rồi đấy. Nhưng nếu bạn thất bại mà vẫn mỉm cười và nghĩ, "Không sao, mình đã cố gắng hết sức rồi. Nếu mình thất bại thì sao? Mình sẽ thử lại." — Như thế bạn hành động mà không có sự quyến luyến, và bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc.
 
KHÓA HỌC MƯỜI NGÀY
THEO TRUYỀN THỐNG SAYAGYI U BA KHIN
 
 
"Ðức Phật là Người Thầy chỉ đường. Tôi là một người tiếp tục chỉ đường, sau khi đã đón nhận di sản Giáo pháp của Ðức Phật. Ðức Phật không phải là người có thể ban cho ta níp-bàn, mà chỉ là một người chỉ đường. Ðừng đến xin tôi cống hiến những kết quả cho bạn; tôi không thể làm việc này. U Ba Khin này làm sao có thể làm điều mà chính Ðức Phật cũng không thể làm? Bạn phải tự mình thực hành." — Sayagyi U Ba Khin  
 
Như đã được nhấn mạnh nhiều lần trong những chương trước, Thiền Quán là sự thanh luyện tâm của bản thân mỗi người. Nó là hình thức cao nhất của ý thức — nhận thức toàn diện về những hiện tượng trong bản chất đích thực của chúng như được cảm nghiệm trong thân thể chúng ta. Việc hành thiền là một nghệ thuật sống tạo ra những lợi ích và giá trị sâu xa trong cuộc đời chúng ta. Nó làm suy giảm và cuối cùng loại trừ tham, sân, và si, là nguồn gốc của những mối quan hệ thiếu khoan dung và đau khổ với người khác, từ bình diện cá nhân tới bình diện các mối quan hệ chính trị quốc tế. 
 
Mọi người, bất kể chủng tộc, giai cấp, hệ thống tín ngưỡng hay điều kiện xã hội nào, đều có thể đạt tới chỗ tiêu diệt được những xu hướng tâm linh, những yếu tố chi phối vốn liên tục tạo ra và nuôi dưỡng dục vọng, giận dữ, sợ hãi và lo âu trong cuộc đời mình. Trong một khóa mười ngày, người học thiền chỉ tập trung vào một cuộc chiến duy nhất — cuộc chiến chống lại sự mê muội của chính mình. Người thầy hiện diện chỉ là để vạch ra con đường phải theo để thiền sinh tự mình có được kinh nghiệm thực hành. Với sự thực hành kiên trì, việc hành thiền cuối cùng sẽ thành công trong việc làm cho tâm thanh thản, tăng sự tập trung, giúp ý thức trở nên sắc bén, và mở tâm ra cho việc quán sát thực tại đúng theo bản chất của nó. Chỉ cần quán sát thực tại trong khung thân thể của mình, thiền sinh sẽ làm tan rã thực tại bề ngoài, để đi sâu vào đáy thẳm của tâm và vật, và cuối cùng, vượt lên trên thế giới có điều kiện. Trong Thiền Quán, không có sự lệ thuộc vào sách vở, lý thuyết, hay những trò chơi tri thức. Thiền Quán là kinh nghiệm trực tiếp chân lí về vô thường (anicca), đau khổ (dukkha), và vô ngã (anattà). 
 
Khóa Thực Hành Thiền Vipassāna Mười Ngày 
 
Những thiền sinh muốn học thiền Vipassāna phải tham dự một khóa ít là mười ngày, họ phải ở lại suốt thời gian này tại nơi diễn ra khóa học. Những khóa tập trung này — là những khóa học đã được thiền sư U Ba Khin khai triển và trực tiếp dành cho những người sống tại gia có ít thời giờ và phải trở về ngay với những công việc nghề nghiệp và gia đình của mình — được mở cho bất cứ ai muốn tham dự. Mặc dù thiền Vipassāna được khai triển như một phương pháp bởi Ðức Phật, nhưng nó không chỉ giới hạn cho người Phật giáo. Không có vấn đề truyền đạo. Phương pháp này chủ yếu dựa trên cơ sở đơn giản là mọi con người đều có những vấn đề giống nhau, vì thế một phương pháp có thể loại trừ được những vấn đề này thì cũng có thể áp dụng và có giá trị một cách phổ quát. Thực vậy, những khóa học này, ngày nay được tổ chức dưới sự hướng dẫn của thiền sư S.N. Goenka theo truyền thống của thầy mình là U Ba Khin, đã thu hút nhiều người sùng đạo thuộc mọi tín ngưỡng, không chỉ người Phật giáo, mà cả Thiên Chúa giáo, Do thái giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, v.v… Từ khi U Ba Khin mất năm 1971, S.N. Goenka đã trở thành đại biểu chính của việc giảng dạy thiền Vipassāna qua những khóa học tập trung mười ngày này. 
 
Người tham dự những khóa học này không phải trả một khoản tiền nào, dù tiền học hay tiền ăn ở. Mọi chi phí đều được trang trải từ những của dâng cúng từ các thiền sinh khóa trước. Chỉ chấp nhận các quà tặng từ các thiền sinh đã hoàn tất một khóa học mười ngày. Bằng cách này, mọi thiền sinh đều được hưởng lợi ích trực tiếp từ lòng biết ơn của các thiền sinh khác và được phép sống trong mười ngày hoàn toàn nhờ sự từ thiện này. 
 
Khóa học mười ngày rất quan trọng; cần có quyết tâm để hoàn thành nó. Vì thế mọi thiền sinh phải cam kết tôn trọng kỉ luật và tuân theo một cách cặn kẽ trong suốt mười ngày. 
 
Trước khi xin dự một khóa học, mọi người được yêu cầu đọc một tập sách hướng dẫn (được tóm lược dưới đây) để giúp họ tham dự những khóa học này nghiêm túc. Cố gắng lớn, tâm hồn cởi mở, và sẵn sàng chấp nhận nội qui và kỉ luật là những yêu cầu cần thiết. Ðương nhiên, những ích lợi cũng tương xứng với những cố gắng đã thực hiện. 
 
HƯỚNG DẪN VÀ QUI LUẬT CỦA KHÓA THIỀN MƯỜI NGÀY
(Theo truyền thống Sayagyi U Ba Khin, do S.N. Goenka giảng dạy) 
 
Thiền Vipassāna là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất của Ấn Ðộ. Nhân loại đã đánh mất nó từ lâu, nhưng nó đã được Ðức Phật Gotama tìm lại hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Thiền Quán có nghĩa là trực giác sự vật trong chân tướng của chúng. Ðó là tiến trình thanh tẩy bản thân mình bằng quán sát bản thân mình. Toàn thể con đường (Dhamma hay luật tự nhiên) là một phương thuốc phổ cập cho những vấn đề phổ cập. 
 
Thiền Vipassāna không phải là: 
 
– Không phải là một nghi thức hay nghi lễ dựa trên sự tin tưởng mù quáng.
– Không phải là một sự thưởng thức triết học hay tri thức.
– Không phải là một cuộc tĩnh dưỡng, một kì nghỉ, hay một cơ hội để gặp gỡ bạn bè.
– Không phải một sự trốn tránh những thử thách và gian nan của cuộc sống hằng ngày. 
 
Thiền Vipassāna là: 
 
– Một kĩ thuật để tận diệt đau khổ.
– Một nghệ thuật sống mà mỗi người có thể sử dụng để đóng góp tích cực cho xã hội.
– Một phương pháp thanh tẩy tâm linh, cho phép người ta đối diện với những căng thẳng và khó khăn của đời sống với sự thanh thản, quân bình. 
 
Thiền Quán nhắm tới những mục tiêu thiêng liêng cao cả nhất, đó là sự giải thoát toàn diện và sự giác ngộ hoàn toàn; mục đích của nó không bao giờ chỉ là để chữa trị những căn bệnh thể xác. Tuy nhiên, nhiều chứng bệnh vật lý cũng được chữa lành như là một kết quả phụ của sự thanh tẩy tâm linh. Thiền Quán tiêu trừ được ba nguyên nhân của mọi đau khổ: tham, sân, và si. Việc hành thiền liên tục sẽ làm giảm sự căng thẳng trong đời sống hằng ngày, gỡ được những nút thắt của thói quen phản ứng thiếu quân bình trước những hoàn cảnh dễ chịu và khó chịu. 
 
Tiến trình tự thanh tẩy bằng nội quan tất nhiên không dễ dàng — thiền sinh phải làm việc rất vất vả trong việc này. Nhờ cố gắng của chính mình, thiền sinh sẽ đạt tới những nhận thức riêng của mình; không ai khác có thể làm thay cho họ. Vì vậy, việc hành thiền chỉ thích hợp cho những ai muốn làm việc nghiêm túc và tuân giữ kỉ luật, là điều được đặt ra vì lợi ích và sự bảo vệ người hành thiền, và là một phần cốt thiết của việc hành thiền. 
 
Kỉ Luật 
 
Mười ngày chắc hẳn là một thời gian rất ngắn để đi sâu vào những bình diện sâu thẳm nhất của tâm vô thức và học cách tận diệt những phức cảm trong đó. Thực hành thiền liên tục trong bầu khí cách li là bí quyết để đạt thành công trong phương pháp này. Các qui luật đã được soạn ra phù hợp với khía cạnh thực tiễn này. Chúng không chủ yếu nhắm vào lợi ích của người giảng dạy hay ban điều hành khóa học, cũng không phải là những biểu hiện tiêu cực của truyền thống, giáo điều hay tin tưởng mù quáng của một tổ chức tôn giáo nào. Ðúng hơn, chúng dựa trên cơ sở kinh nghiệm của hàng ngàn thiền giả trong nhiều năm, chúng vừa thực tiễn vừa hợp lí. Tuân giữ qui luật sẽ tạo ra một bầu khí rất thuận lợi cho việc hành thiền; vi phạm qui luật sẽ làm hư hại nó.
 
Nền tảng của việc hành thiền là sìla — giới, hay qui luật đạo đức. Giới tạo cơ sở cho việc phát triển samàdhisự tập trung của tâm; và tâm đạt được sự thanh tịnh nhờ paññā — tuệ giác hay trực giác. Mọi người tham dự một khóa thiền phải ý thức chấp nhận Năm Giới Luật sau đây trong suốt khóa học: 
 
1) Không sát sinh
2) Không trộm cắp
3) Không sinh hoạt tình dục
4) Không nói dối
5) Không sử dụng chất kích thích. 
 
Chấp Nhận Thầy Dạy Và Kỷ Luật 
 
Các thiền sinh phải tuyên bố mình muốn chấp nhận hoàn toàn thời gian học với sự hướng dẫn và chỉ dạy của người thầy. Nghĩa là, tuân giữ kỉ luật và hành thiền đúng theo thày dạy đòi hỏi, không bỏ qua một phần bài giảng nào, cũng không thêm thắt một điều gì. Sự chấp nhận này phải dựa trên sự phán đoán và hiểu biết, chứ không phải một sự chấp nhận mù quáng. Chỉ khi có thái độ tin tưởng như thế, một thiền sinh mới có thể làm việc chuyên chăm và đầy đủ. Sự tin tưởng vào thầy dạy và kĩ thuật này là điều thiết yếu để hành thiền thành công. 
 
Các Kỷ Luật, Lễ Nghi Và Hình Thức Thờ Phượng Khác 
 
Trong khóa học, điều tuyệt đối cần thiết là phải gác bỏ mọi hình thức cầu nguyện, thờ phượng, hay lễ nghi tôn giáo — ăn chay, đốt nhang, lần chuỗi, đọc niệm thần chú, hát và múa, v.v…, cũng phải tạm gác bỏ mọi kĩ thuật hành thiền khác hay những việc thực hành chữa bệnh hay thiêng liêng khác. Ðây không phải là kết án những kĩ thuật hay việc thực hành khác, mà là để thử thực hành Vipassāna một cách trung thực trong sự tinh tuyền của nó. Mặc dù đã có sự cảnh giác liên tục của thiền sư, trong quá khứ đã từng có những trường hợp thiền sinh cố ý pha trộn kĩ thuật này với một nghi lễ hay việc thực hành khác, và đã làm thiệt hại cho chính bản thân họ. Các thiền sinh được yêu cầu làm đúng theo chỉ dạy của thiền sư, không bỏ bớt hay thêm thắt một bước nào. Phải luôn luôn tìm gặp thiền sư để xin cắt nghĩa nếu có bất kì sự nghi ngờ hay lẫn lộn nào. 
 
Các Tiếp Xúc Với Bên Ngoài 
 
Thiền sinh phải ở trong khuôn viên hành thiền trong suốt khóa học. Họ chỉ được phép ra khỏi đây khi có sự đồng ý đặc biệt của thiền sư. Không được phép tiếp xúc nào với bên ngoài trước khi khóa học kết thúc. Việc này bao gồm các liên lạc bằng thư từ, điện thoại, và các cuộc thăm viếng. Trong trường hợp có chuyện khẩn cấp, một người bạn hay người thân có thể tiếp xúc với nhân viên điều hành. 
 
Nghe Nhạc, Ðọc Sách Và Viết 
 
Không được phép nghe nhạc, rađiô, v.v… Không được mang vào khóa học những sách đọc hay dụng cụ để viết. Thiền sinh không được để mình bị lo ra bởi việc ghi chép. Sự hạn chế đọc và viết là để nhấn mạnh tính chất chuyên thực hành của phương pháp thiề này. 
 
Thinh Lặng Cao Thượng 
 
Mọi thiền sinh phải giữ sự Thinh lặng cao thượng từ ngày bắt đầu tới buổi sáng của trọn ngày cuối cùng. Thinh lặng cao thượng có nghĩa là giữ thinh lặng thể xác, lời nói và tâm trí. Mọi hình thức truyền thông với các thiền sinh bạn, dù bằng cử chỉ, dấu hiệu, ghi chép, v.v… đều bị cấm. 
 
Tuy nhiên, thiền sinh có thể nói chuyện với thiền sư khi cần, và có thể gặp nhân viên điều hành khi có những vấn đề về ăn uống, đồ dùng, sức khoẻ, v.v… Nhưng cả những sự tiếp xúc này cũng phải giữ ở mức tối thiểu. Thiền sinh phải vun trồng cảm giác mình đang làm việc trong bầu khí cách li. 
 
Chương Trình 
 
Ngày học thiền bắt đầu lúc 4 giờ sáng và kết thúc lúc 9 giờ tối. Nó gồm khoảng mười một giờ thiền với một ít thời gian giải lao trong ngày. Các giờ thiền cá nhân xen kẽ các giờ thiền tập thể, khi ấy mỗi người thinh lặng ngồi thiền trước mặt thầy dạy. Mỗi tối một bài giảng thu băng video của thầy dạy chính, S.N. Goenka, được mở khoảng một giờ. Bài giảng này cắt nghĩa những khía cạnh khác nhau của việc giảng dạy và thực hành, và được triển khai theo đề tài của mỗi ngày. Các thiền sinh có thể xin nói chuyện với người hướng dẫn trong những thời gian dành riêng cho việc này. Từ ngày đầu tiên trở đi, các bài giảng nhấn mạnh khía cạnh thực hành của thiền và lợi ích của nó trong đời sống hằng ngày. 
 
Ông Goenka nói: 
 
          Ðối với chúng ta, thiền là một nghệ thuật sống. Chúng ta phải huấn luyện tâm trí chúng ta không phải để trốn tránh các vấn đề, nhưng để đi sâu vào chúng, để tìm ra nguyên nhân và loại trừ nó. Tâm trí chúng ta đã tích tụ biết bao điều tiêu cực — tham, sân, si, sợ, ghen, dục vọng. Chúng ta phải giải phóng bản thân mình khỏi những điều nhơ uế này. 
 
Ba Ngày Ðầu 
 
Khóa học bắt đầu với những bài giảng đầu tiên vào ngày mới đến. Các thiền sinh bắt đầu bằng việc tuyên bố cam kết tuân thủ năm giới luật đạo đức đã nêu trên và làm việc dước sự hướng dẫn của vị thầy hiện diện. Hai ngày đầu dành cho việc phát triển phương pháp niệm hơi thở. Thiền sinh đạt được sự thực hành liên tục nhờ liên tục quán sát hơi thở. Người hành thiền quán sát hơi thở bình thường và tự nhiên lúc hít vào và thở ra. Việc thực hành này làm cho tâm trí tập trung và mở đầu một tiến trình là hoạt động sâu xa của tâm. Ông Goenka giải thích điều này như sau: 
 
Ðối với chúng ta, việc định tâm có mục đích loại trừ sự dao động của tâm và khuynh hướng liên tục phân tâm của nó, để đi sâu vào tâm, diệt trừ những điều tiêu cực chất chứa trong nó, và đạt sự thanh tịnh hoàn toàn của tâm. Chúng ta phải học quán sát chân lí, thực tại của tâm trí và thân thể chúng ta. Chúng ta phải khám phá ra tại sao, do sự mê muội, chúng ta luôn tạo ra những nút thắt của sự căng thẳng bên trong con người mình. 
 
Hơi thở của chúng ta là chiếc cầu nối kết thành phần ý thức của tâm với thành phần vô thức của chúng ta. Thực vậy, chúng ta không có nhận thức trực tiếp về mọi chức năng điện từ và sinh hóa và các qui trình xảy ra trong thân thể chúng ta. Hơi thở nối kết thành phần nội tâm với tất cả những gì xảy ra ngoài quyền kiểm soát của chúng ta. Thực vậy, hơi thở có một sự liên kết mạnh với những điều tiêu cực của tâm, vì chúng làm cho hơi thở nặng, xáo động, nhẹ, v.v… 
 
Trong những ngày hoàn toàn dành cho việc niệm hơi thở này, thiền sinh ngồi ở một tư thế thoải mái, tốt nhất là ngồi bắt chéo chân, nhưng không bắt buộc như thế. Dù ngồi ở tư thế nào, điềm chính là có khả năng ngồi yên ở tư thế ấy trong một khoảng thời gian hợp lí. Trong ba ngày đầu, có thể thay đổi tư thế ngồi nếu thấy không thoải mái, vì ưu tiên là phải có sự liên tục trong việc quán sát. 
 
Khu vực quán sát được giới hạn, và gồm hai lỗ mũi, bên trong lỗ mũi, và khu vực ở cửa mũi, phía trên môi trên. Thiền sinh trong tư thế ngồi yên tập trung chú ý vào khu vực hạn chế này bằng cách quán sát chăm chú mọi hơi thở vào và thở ra. Họ phải để ý đến mọi thay đổi trong hơi thở, hơi thở đều hay không, mạnh hay yếu, ngắn hay dài, đồng thời để cho nó ra vào tự nhiên mà không thúc ép hay ngăn chặn nó. Ðương nhiên, theo thói quen, đôi khi chúng ta vẫn bị chia trí; lúc đó chúng ta kiên trì gạt bỏ mọi tư tưởng hay những náo động gây chia trí, rồi trở lại ngay với sự ý thức về hơi thở. Ðể tăng cường và làm sự tập trung trở nên sắc bén, vào ngày thứ ba khu vực quán sát được thu hẹp hơn nữa, chỉ tập trung vào khu vực ở dưới mũi và trên môi trên, chăm chú ý thức liên tục vào hơi thở vào và hơi thở ra. 
 
Ðể chuẩn bị cho việc hành thiền, thiền sinh bắt đầu quán sát bất kì cảm giác nào của cơ thể có thể xảy ra ở khu vực ấy. Chúng ta bắt đầu bằng cách này để di chuyển từ việc quán sát thuần tuý hơi thở sang việc quán sát thân thể và những cảm giác thể lí tự nhiên được biểu hiện trong thân thể. Nếu sự tập trung đạt đúng mức, chúng ta bắt đầu nhận thức được những cảm giác tự nhiên khi chúng xuất hiện. Qua các khám phá khoa học, chúng ta biết trong cơ thể chúng ta có vô số qui trình sinh học, vật lí, hóa học và điện diễn ra; những qui trình này cũng đang diễn ra trên bình diện các phân tử, nguyên tử, và dưới nguyên tử. Ðiều chúng ta phải bắt đầu làm là trở nên ý thức về những qui trình này không chỉ trên phương diện tri thức mà cả qua kinh nghiệm trực tiếp. Lúc đầu chúng ta chỉ nhận thức được những hiện tượng thô sơ nhất, những cảm giác dễ nhận thấy nhất, như ngứa, đau, tức, rung, hay những hiện tượng tương tự. Chúng ta phải quán sát chúng một cách rõ ràng và thanh thản nhưng không để cho tâm của mình phán đoán hay suy nghĩ về chúng. Chúng ta chỉ quán sát một cách đơn thuần. Với sự tập luyện ban đầu này, thiền sinh đã sẵn sàng để quán sát toàn thân một cách có phương pháp. 
 
Ngày Thứ Tư 
 
Thiền sinh đã sẵn sàng để học Thiền Quán. Người hành thiền được hướng dẫn di chuyển sự chú ý của họ từ khu dưới mũi tới một khu hẹp trên đỉnh đầu, và quán sát mọi cảm giác xuất hiện ở đó — cảm giác vật lí tự nhiên như tức, nhói, ngứa, đau, nóng, lạnh, và bất kì cảm giác nào. Rồi người hành thiền dần dần bắt đầu quán sát mọi phần của cơ thể — đầu, tay, mình, cổ, chân, v.v… Họ luôn được nhắc nhở ý thức một cách thanh thản tối đa về mọi cảm giác họ quán sát được, dù là những cảm giác dễ chịu hay khó chịu. "Chỉ quán sát đơn thuần, đồng thời tỉnh táo và chăm chú." 
 
Toàn thể vũ trụ chỉ là một khối những dao động, đong đưa. Tâm cũng chỉ là những dao động. Nếu tâm chăm chú, sắc bén, ngày càng tập trung hơn, nó có thể có khả năng nhận thức về thân thể như những hiện tượng liên tục thay đổi — các dao động, phân tử, dòng điện. Vẻ rắn chắc bề ngoài của thân thể chúng ta bắt đầu tiêu tan.
  
Phần thứ hai của việc hành thiền, phần quan trọng nhất, là phát triển tuệ giác qua kinh nghiệm này. Thước đo của sự thành công không phải là những cảm giác chúng ta nhận được tinh vi và dễ chịu bao nhiêu, mà là chúng ta tỏ ra thanh thản không phản ứng bao nhiêu. Toàn thể việc thực hành Vipassāna là ở chỗ duy trì sự thanh thản của tâm, đồng thời biết rõ rằng mọi kinh nghiệm thay đổi không ngừng. Giống như các nhà khoa học, chúng ta phải quan sát một cách khách quan những chất hóa học và vật lí xuất hiện trong cơ thể chúng ta, tất cả những phản ứng sinh hóa diễn ra trong mọi lúc, mà không đồng hóa mình với chúng, không đồng hóa chúng với một bản ngã cá nhân. Sự thanh thản này là chủ chốt để thanh tẩy tâm. Hơn nữa, nếu chúng ta tiếp tục phát triển những dao động của sự thanh tịnh cùng với sự thanh thản, những điều này sẽ chống lại dòng ảnh hưởng xấu chi phối quá khứ và tiếp tục tiêu diệt những điều tiêu cực. 
 
Người hành thiền không bao giờ được thử tưởng tượng ra hay tạo ra những cảm giác, vì điều này không thể được; cần phải chỉ quán sát những gì xuất hiện một cách tự nhiên. Ðây là một cơ hội tuyệt hảo để nhìn ngắm với sự chăm chú và thản nhiên những cảm giác xuất hiện nơi thân thể. Thỉnh thoảng, khi có một cảm giác dễ chịu hay đau đớn xuất hiện, thiền sinh được hướng dẫn quán sát nó mà không đồng hóa mình với nó, chỉ đơn thuần quán sát nó đúng như nó là một hiện tượng thay đổi không ngừng. Thiền sinh sẽ hiểu biết bằng kinh nghiệm trực tiếp rằng mọi đau đớn vật lí hay đau khổ tinh thần — dù ban đầu có vẻ mãnh liệt và không thể chịu nổi — luôn có khuynh hướng thay đổi, giảm bớt, biến mất, giống như mọi cảm giác khác được quán sát trong cơ thể. Trong khi quán sát mọi điều xuất hiện mà không quyến luyến với những cảm giác dễ chịu cũng như không kháng cự lại hay tìm cách tránh đau khổ hay những tư tưởng khó chịu, người hành thiền có kinh nghiệm trực tiếp về việc chấp nhận thực tại đúng theo bản chất của nó, một thực tại không ngừng thay đổi. Ðây chính là cốt tuỷ của Thiền Quán. 
 
Từ Ngày Thứ Năm Tới Ngày Thứ Chín 
 
Sau đó, từ ngày năm tới ngày chín, thiền sinh tiếp tục hành thiền, kiên trì trong việc quán sát thân, hoàn thiện và làm cho tinh tế sự nhận thức về các hiện tượng khi chúng xuất hiện. Phương pháp chủ yếu bao gồm sự khám phá chi tiết mọi phần của cơ thể, di chuyển sự chú ý của mình về các hướng khác nhau, tuỳ theo cường độ và tính chất của các cảm giác. Vì mục đích này, bài giảng dần dần giới thiệu những cách khác nhau để quan sát thân, mỗi lúc mỗi sâu xa và đầy đủ hơn, song song với việc thực hành liên tục và bền bỉ. Sự quán sát liên tục các giác quan cho phép người hành thiền cảm nghiệm trực tiếp rằng cơ thể được cấu thành bởi những hiện tượng không ngừng biến đổi, những hiện tượng tương tác nhau ở một tốc độ và tần số rất cao và chỉ kéo dài trong chốc lát. Sự nhận thức bằng kinh nghiệm trực tiếp này về tính vô thường dẫn người hành thiền tới nhận thức về sự không tồn tại của thực thể hiện tượng và do đó, nhận thức về tính chất không thoả mãn của nó. 
 
Toàn thể việc thực hành là con đường thanh tịnh. Sự thanh tịnh không cho phép một tình trạng mới bắt đầu, và vì thế cho nên tình trạng cũ biến mất. Sự loại trừ dần dần tình trạng cũ, các phản ứng, làm cho người hành thiền có thể đối diện với những hoàn cảnh khác nhau của đời sống hằng ngày của họ và đời sống của họ trong thế giới một cách quân bình và hài hòa hơn. 
 
Trong kinh Hạnh Phúc – Mangala Sutta, có người hỏi Ðức Phật rằng theo ngài đâu là tình trạng tốt nhất phải đạt tới. Ngài trả lời tình trạng tốt nhất phải đạt tới là giai đoạn mà một người có thể giữ được sự quân bình của tâm trước mọi thăng trầm, mọi khó khăn của cuộc đời, giữa những hoàn cảnh dễ chịu hay khó chịu, thành công hay thất bại, lợi hay thiệt, may hay rủi. 
 
Ngày Thứ Mười 
 
Vào ngày cuối cùng, sau nhiều ngày vất vả làm việc như thế, và sau khi đã đối diện với vô số khó khăn để học biết kiểm soát tâm và thanh tẩy nó khỏi những điều kiện chi phối tiêu cực, thiền sinh được dạy phần cuối của phương pháp. Ðó là việc thực hành lòng nhân ái, tiếng Pàli gọi là mettà. Ðược thanh tẩy nhờ thực hành Thiền Quán, tâm bây giờ hướng về mọi chúng sinh với lòng nhân hậu. Thiền sinh được khích lệ chia sẻ với mọi chúng sinh khác sự thanh thản và quân bình mà họ đã đạt được. 
 
Như cục than hồng toả sức nóng, hãy để cho cảm giác an bình và thiện chí tuôn trào từ cơ thể bạn đi khắp phía. Hãy nghĩ đến mọi chúng sinh — những người gần gũi và thân thiết với bạn, những người dưng và những người có thể thù nghịch với bạn; những người bạn biết và những người bạn không biết; gần và xa; người hay không phải người, lớn và nhỏ; không phân biệt. Cảm giác của bạn, lòng nhân ái của bạn, phải đến với hết thảy chúng sinh. 
 
Trong buổi học kết khóa, vào sáng sớm ngày thứ mười một, các bài giảng sẽ nói về cách duy trì sự liên tục của việc thực hành và cách áp dụng phương pháp này trong đời sống hằng ngày. 
 
Nguồn: buddhanet.net 
Mời bạn đọc xem tiếp phần 7 : Mười đạo quân của Ma vương