Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Thiền quán -Tiếng chuông vượt thời gian

Thiền quán -Tiếng chuông vượt thời gian

96

 

Lời nói đầu

Cách đây bốn năm, quý vị đã đọc quyển “Những Vị Thiền Sư Ðương Thời". Nội dung quyển sách giới thiệu mười hai vị Thiền Sư nổi tiếng của Phật Giáo Nguyên Thủy. Cuộc đời, đạo hạnh và phương pháp tu hành của những vị thiền sư này là những tấm gương sáng cho người phật tử noi theo. Ðặc biệt các Ngài tu tập, xiển dương và làm sáng tỏa pháp môn thiền Tứ Niệm Xứ của đức Phật cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ. Mỗi vị đều khám phá điểm mầu nhiệm của pháp môn này dưới mỗi góc độ kinh nghiệm tu chứng khác nhau. Ðiểm lôi cuốn trong quyển sách này là có hai vị Cư sĩ Thiền sư ở hai quốc gia khác nhau, đó là thiền sư Achaa Nép, người Thái Lan; thiền sư U Ba Khin, người Miến Ðiện. Cả hai đều có quá trình tu luyện một thời gian khá lâu trước khi giảng dạy. Kết quả tu tập và thành tựu của hai vị thiền sư này không còn bó hẹp trong quốc gia mà lan rộng khắp thế giới về đức hạnh tu tập, phương pháp giảng dạy và tín đồ. Chúng tôi có tâm nguyện sẽ giới thiệu chuyên đề đặc biệt về hai vị thiền sư này để độc giả nắm vững lý thuyết, thực hành và hiệu quả của hai truyền thống đặc biệt này.

 
Quyển "THIỀN QUÁN – Tiếng Chuông Vượt Thời Gian" là một chuyên đề đặc biệt giới thiệu về truyền thống tu tập thiền Tứ Niệm Xứ của đức Phật dưới sự hướng dẫn của thiền sư U Ba Khin. Nội dung giúp độc giả có khái niệm uyên thâm về lý thuyết thiền quán Tứ Niệm Xứ của đức Phật. Ðọc tác phẩm, độc giả sẽ thấy được điều mầu nhiệm, thiêng liêng phi thường của pháp môn này, nó có khả năng chuyển hóa đời sống nội tâm, phát huy Giới Ðịnh Tuệ cao tột, nhìn cuộc đời dưới đôi mắt của người tỉnh thức và tâm Từ bi, Bác ái luôn trào dâng trong tâm hồn, từ đó tâm ích kỷ, hận thù, ganh tị, bủn xỉn và ác ý biến mất trong tâm của hành giả. Trong khóa thiền, hành giả cảm nhận được sự êm ả, thảnh thơi, tươi mát, lành mạnh, thanh tịnh, giải thoát ngay trong kiếp sống này. Tác giả cũng không quên giới thiệu những vị thiền sư thầy của mình ở Miến Ðiện mà đã liên tục kế thừa tu tập và phát triển phương pháp cao quý này. Một pháp môn độc nhất vô nhị, vô tiền khoáng hậu trong thế giới chư thiên và loài người.
 
Ðiểm đặc biệt và khá lôi cuốn trong truyền thống tu tập của thiền sư U Ba Khin là đặc nặng về phương pháp Niệm Thọ- một trong bốn đối tượng thiền Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm và niệm Pháp. Ðây là bốn đề mục thiền quán Tứ niệm xứ. Có vị thiền sư chuyên về niệm pháp, có vị chuyên về niệm tâm, có vị chuyên về niệm thân và có vị chuyên về niệm thọ. Thiền sư U Ba Khin chuyên về niệm thọ, điều đó không có nghĩa là không có niệm Tâm, niệm Pháp và niệm Thân, vì bốn đề mục này tương quan với nhau mật thiết. Khi hành giả có niệm Thọ, đồng thời hành giả cũng có niệm Thân, niệm Pháp và niệm Tâm. Giống như tu Giới, tu Ðịnh và tu Tuệ, khi hành giả có giới thì cố nhiên phải có định và tuệ. Ðịnh và tuệ không phát sanh cho những người không có giới.
 
Trong khóa tu, thiền sư đề cao việc tu tập giới- năm giới hoặc tám giới, vì nó là nền tảng đạo đức xã hội loài người ,đồng thời chính tu tập giới hạnh là những bậc thang để hành giả bước đến đỉnh cao của cứu cánh giác ngộ. Giác ngộ giáo lý vô thường, khổ não và vô ngã là một trong những vấn đề chính của phương pháp U Ba Khin giảng thuyết cho hành giả tu tập. Phương thức này giúp hành giả nhìn cuộc đời với ý nghĩa thực sự của nó, không bị tài sắc lợi danh, quyền hành địa vị chi phối. Hành giả nhìn cuộc đời chỉ là giấc mộng canh khuya, vô thường tạm bợ, không có gì tồn tại với thời gian và không gian, không có gì của mình mà mình cũng không làm chủ được ai. Nhờ vậy tâm hành giả nhàm chán không dễ duôi trong việc thực hành thiện pháp. Tuy khóa tu ngắn hạn nhưng Thiền sư hướng dẫn hành giả sống an lạc trong giây phút tại, có chánh niệm và tỉnh giác với những gì xảy ra trong giây phút hiện tiền. Nhờ có tâm chánh niệm này, hành giả trở về cuộc sống đời thường, trăm công nghìn việc, họ sẽ áp dụng món quà chánh niệm mà họ đã có được trong khóa tu của U Ba Khin nên họ sống an vui, không bị những phiền não cuộc sống chi phối. Ðây là một nghệ thuật sống dưới cái nhìn của thiền quán đã đã được thiền sư U Ba KhinGoenka lôi cuốn hàng ngàn người Tây phương đến với đạo phật ngày nay. Thiền sư U Ba Khin thường dạy: "Phương pháp của tôi chủ yếu là thực hành chứ không lý thuyết. Thiền quán Tứ niệm xứ thì quá mầu nhiệm và uyên thâm, nên quý vị càng ít nói về nó thì quý vị càng đạt được những kết quả cao".
 
Về tên tuổi của thiền sư U Ba Khin, chẳng những nổi tiếng trong đạo phật mà còn nổi tiếng trong bộ máy chánh quyền của đất nước Mianmar. Một công chức gương mẫu, đầy lòng nhiệt thành với công việc. Ðối với đạo thiền sư là một ngôi sao bắc đẩu sáng nhất trên đất nước Mianmar và lan rộng đến cả thế giới . Tại sao thiền sư đạt được như vậy? Vì người có trái tim nhân ái, một tấm lòng cởi mở bao dung với mọi người, không phân biệt. Nhờ vậy nên người có hàng ngàn người đệ tử trên thế giới, khi họ giác ngộ pháp thiền Quán này dưới sự hướng dẫn của thiền sư U Ba Khin, một lòng một dạ, họ tu tập và xiển dương theo gương của thầy. Giờ thì người đã nghìn thu yên giấc, nhưng tấm gương, đạo hạnh của người vẫn còn sống mãi trong lòng của những người con phật qua tác phẩm và các đệ tử của người đang còn đương thời.
 
Trong nhiều người đệ tử đó, ngài Goenka xứng danh tiếp nối truyền thống của U Ba Khin để giảng dạy. Hiện nay phương pháp thiền quán của U BA Khin có nhiều thiền viện và hành giả đông nhất thế giới. Một lối hệ thống tổ chức vô cùng quy mô và khoa học dưới sự giảng dạy của các đệ tử thiền sư U Ba Khin, đặc biệt là thiền sư Goenka. Ðiều cảm động của Thiền sư Goenka là làm sống lại pháp môn thiền quán Tứ Niệm Xứ tại quê hương đã sản sinh ra nó- xứ Kuru trên miền đất Ấn Ðộ ngày xưa. Pháp môn này hiện nay chẳng những phổ thông đối với tầng lớp trí thức của Ấn Ðộ mà còn được giảng dạy trong giới chính phủ và những nhà tù. Ðiều hoan hỷ hơn nữa Goenka chẳng những xiển dương pháp hành mà còn xiển duơng pháp học. Người thực hiện chương trình nhập toàn bộ Tam Tạng lẫn Chú Giải vào đĩa CD ROM kinh điển phật giáo bằng bảy ngôn ngữ để gởi tặng trong giới phật giáo. Ðối với công đức của Người quả thật là vô lượng vô biên, không chi sánh bằng. Ðể đền đáp công ơn đó, chúng ta chỉ thực hiện một điều, đó là tu tập pháp môn thiền Tứ Niệm Xứ của đức Phật trong quyển sách này do thiền sư U Ba KhinGoenka đã biên soạn rất thực tiễn, công phu và thực dụng trong xã hội ngày nay.
 
Nhận thấy quyển sách hữu ích, chúng tôi chuyển ngữ để cống hiến quý hành giả Việt nam để có thêm tài liệu tu tập. Xin chân thành cám ơn Phật tử Trần thị Thu đã gởi tặng quyển sách quý giá này để chúng tôi mới có cơ hội hoàn thành công tác phật sự quý báu trên.
 
Nếu có điều chi sơ sót, kính mong quý vị góp ý để kỳ tái bản hoàn chỉnh hơn.
 
Kính chúc quý vị và các bạn an lạc trong chánh pháp.
 
Kỳ Viên Tự, Mùa hạ 2002
Tỳ Kheo Thiện Minh
 
Lời tựa
 
Phương pháp của tôi chủ yếu là thực hành chứ không lý thuyết. Phương pháp Thiền Quán vô cùng vi tế, nên bạn càng nói ít về nó, bạn càng đạt những kết quả tốt. — Sayagyi U Ba Khin
 
Gần ba thập kỉ đã trôi qua kể từ ngày mất của đại thiền sư U Ba KhinMyanma (trước đây gọi là Miến Ðiện). Sống trong bảy thập niên đầu của thế kỉ 20, Thiền sư U Ba Khin là một khuôn mặt lỗi lạc trong thời đại của ngài. Những thành tựu của ngài quả là độc đáo trong hai lãnh vực mà bình thường khó đi chung với nhau: Ngài vừa là một thiền sinh và thiền sư lỗi lạc, đồng thời vừa là một quan chức nhà nước đầy tận tuỵ với trách nhiệm, và có một đời sống liêm khiết chính trực không thể chê trách. Việc phục vụ đất nước Myanma của ngài có một giá trị to lớn, nhưng gương sáng ngài nêu lên cho những công dân của thế giới cũng không kém phần quí báu, vì trong một thời đại nhiễu nhương trên toàn thế giới, đời sống của ngài chứng tỏ một chân lý đơn sơ nhưng mãnh liệt — đó là một cá nhân với một tâm hồn thanh khiết có thể tạo một ảnh hưởng tích cực, có tác dụng sửa chữa những sai lạc của xã hội. Sự nghiệp của ngài U Ba Khin là sự nghiệp của một người gia trưởng lý tưởng biết kết hợp sự tận tuỵ không nao núng vì Giáo pháp với sự dấn thân không mỏi mệt để phục vụ lợi ích của cộng đồng trần thế.
 
Trước khi qua đời ngày 19 tháng 1 năm 1971, ngài U Ba Khin đã có thể nhìn thấy những giấc mơ yêu dấu nhất của đời mình trở thành hiện thực. Ngài đã nhìn thấy phương pháp Thiền Quán cổ xưa, vốn được bảo tồn trên đất nước Myanma của ngài suốt hơn hai ngàn năm, nay cũng trở về lại Ấn Ðộ, mảnh đất đã khai sinh ra nó. Nó được đưa trở lại đất tổ của nó nhờ công lao của thiền sư S. N. Goenka, người học trò nhiệt thành của ngài U Ba Khin. Trong hai ngàn năm qua, việc thực hành siêu việt về Thiền Quán — tâm điểm giáo huấn của Ðức Phật — chỉ giới hạn vào một số ít ỏi tu sĩ thiền niệm và những vị gia trưởng ở một ít nước châu Á. Ngày nay, hàng ngàn người đi tìm kiếm đã có cơ hội đón nhận giáo huấn và cảm nghiệm được những lợi ích của nó. Những người này thuộc hàng chục nước khác nhau, Ðông cũng như Tây, đại diện cho mọi tôn giáo, tín ngưỡng, giai cấp, và cộng đồng.
 
Do nhu cầu cấp bách của thời ngài, Sayagyi đã giới hạn việc truyền thụ giáo pháp của ngài cho một số tương đối ít các thiền sinh đến với trung tâm thiền của ngài ở Yangon. Ngày nay, vào năm 1999, có trên 50 trung tâm thiền trên khắp thế giới — hai mươi ở Ấn Ðộ, số còn lại ở mười lăm quốc gia khác — các trung tâm này giảng dạy phương pháp do Sayagyi U Ba Khin truyền thụ, và được môn sinh của ngài là S. N. Goenka tiếp nối. Trong khi giảng dạy, S. N. Goenka luôn luôn nhấn mạnh trước hết việc thực hành Phật pháp (Dhamma) — mà tiếng Pàli, ngôn ngữ của Phật, gọi là patipatti. Chỉ bằng việc thực hành người ta mới có được kinh nghiệm trực tiếp để đưa họ tới mục đích cuối cùng là sự diệt khổ. Trong phương pháp này, Goenka noi gương thầy mình, người luôn nhấn mạnh rằng giáo pháp Dhamma chỉ có ý nghĩa đích thực nếu ta thực hành nó.
 
Nhưng còn một khía cạnh khác nữa của Phật pháp: pháp học – pariyàttinhận thức trên bình diện lý thuyết, hay tri thức. Ðiều này có ích để gợi hứng cho người ta thực hành thiền, và để làm sáng tỏ những câu hỏi có thể nảy sinh trong lúc thực hành. Tiếc thay, kho tài liệu bằng tiếng Anh để cung cấp một nền tảng lý thuyết thích hợp cho người thiền sinh Vipassàna không đáp ứng đủ sự gia tăng việc thực hành Dhamma hiện nay. Mục đích của sưu tập các nghiên cứu lịch sử và lý thuyết này là để đáp ứng nhu cầu này và để rọi ánh sáng vào những khía cạnh khác nhau của phương pháp Thiền Quán.
 
Thời của thiền quán đã điểm là để biểu lộ lòng tôn kính đối với Sayagyi U Ba Khin và nội dung cuốn sách là một sự tiếp nối công trình cả một đời của ngài. Sưu tập này được cống hiến chủ yếu để gợi hứng cho việc thực hành chánh pháp, cho những người đã tham dự các khoá thiền cũng như những người chưa từng có kinh nghiệm về Thiền Quán. Tuy nhiên, nó không phải là một sách giáo khoa để giảng dạy về phương pháp này. Cần phải tham dự một khoá 10 ngày dưới sự hướng dẫn của một thiền sư có thẩm quyền để đi vào việc thực hành Thiền Quán một cách đúng đắn.
 
Tất cả hoạt động của SayagyiGoenka, tất cả sinh hoạt Phật Pháp trên khắp thế giới hiện nay, chỉ có một mục đích: giúp người ta tìm ra con đường giải thoát khỏi đau khổ. Phương pháp để cung cấp con đường giải thoát này đã biến mất ở Ấn Ðộ, và không được phần lớn thế giới còn lại biết đến trong suốt nhiều thế kỉ. Nay phương pháp ấy lại xuất hiện trở lại. Sayagyi tin vào lời tiên tri rằng hai ngàn năm trăm năm sau Ðức Phật, Dhamma sẽ được phục hưng và phổ biến trên khắp thế giới. Niềm tin này nay đang được chứng thực. Như ngài thường nói, "Thời của thiền quán đã điểm."
 
Vì việc thực hành Thiền Quán là cốt tuỷ lời giảng dạy của Ðức Phật và là phần đóng góp quan trọng nhất của ngài U Ba Khin, với sưu tập này chúng tôi muốn hoàn thành hai mục tiêu sau:
 
1) Mô tả đời sống và nhân cách của ngài U Ba Khin, như một con người và như một thiền sư, bằng cách kể lại những giai thoại về cuộc đời ngài, cùng với hồi ức của những người đã từng gặp ngài, đồng thời nhấn mạnh phần đóng góp quan trọng của ngài trong việc phổ biến phương pháp này.
 
2) Vạch ra những nét đặc trưng cốt yếu của việc thực hành phương pháp suy niệm này qua việc trình bày những bút tích của ngài U Ba Khin, kèm theo những bình luận về những bút tích ấy.
 
Phần một của sách này kể lại những chi tiết quan trọng nhất và một số giai thoại có ý nghĩa trong cuộc đời ngài U Ba Khin, trước tiên qua lời kể của S.N. Goenka, môn sinh của ngài, và Viện Nghiên Cứu về Vipassàna (gần Dhammagiri, trung tâm thiền ở Igatpuri, Ấn Ðộ).
 
Phần hai giới thiệu những tác phẩm của ngài U Ba Khin và một phần quan trọng bao gồm các câu hỏi và trả lời với Goenka, cắt nghĩa những nguyên tắc cốt yếu của phương pháp do ông và thầy của ông giảng dạy.
 
Phần ba mô tả chi tiết các khoá học Thiền Quán được tổ chức thế nào, phác hoạ cách thức phương pháp này được giảng dạy và cung cấp thông tin về những nơi phương pháp này đang được giảng dạy.
 
Ghi Chú Về Việc Sử Dụng Ngôn Ngữ Pàli
 
Ðức Phật đã giảng dạy bằng ngôn ngữ Pàli, và các lời dạy của ngài (Dhamma) được giữ lại bằng ngôn ngữ này. Giống như tiếng Phạn và tiếng La tinh, tiếng Pali không phải một sinh ngữ mà là một "cổ ngữ" đã được bảo tồn và sử dụng trong các tu viện, được học tại các nước thuộc truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravàda)cổ kính nhất, và bằng cách đó nó được sử dụng để dịch lại và giải thích một truyền thống vẫn còn sống động.
 
Một ý nghĩa của "Pàli" là "cái bảo vệ hay bảo tồn." Pàli bảo tồn những lời của con người được giác ngộ, Phật Thích Ca. Theo truyền thống, bằng cách diễn tả giáo pháp cao siêu giúp cho chúng sinh được giải thoát khỏi vòng khổ, Pali cũng bảo vệ chúng sinh; nó bảo tồn kho tàng vô giá của chính những lời giảng dạy của Ðức Phật. Sự gắn bó với ngôn ngữ của Ðức Phật đã trở thành một phần có ý nghĩa sâu xa của truyền thống những giáo huấn lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 
Vấn đề phát sinh là: nếu giáo pháp là phổ quát, nếu nó là qui luật của bản tính phổ quát, không phân biệt quốc tịch hay bối cảnh, vậy thì tại sao tiếng Pàli lại được dùng để truyền đạt lời giảng dạy? Câu trả lời nằm trong bản chất của ngôn ngữ nói chung và của ngôn ngữ đặc thù này.
 
Không một ngôn ngữ nào dù phong phú đến đâu có thể truyền đạt thoả đáng những thuật ngữ phức tạp, hoàn toàn chuyên biệt mà Ðức Phật đã dùng để mô tả những kinh nghiệm suy niệm khác nhau của Ngài. Không có những từ tương đương trong những ngôn ngữ khác để diễn tả những khái niệm này; các từ chỉ mang những nghĩa gần tương đương mà thôi.
 
Ví dụ từ "Dhamma" là một từ bao hàm một phổ ý nghĩa sâu rộng. Nó có nghĩa là chân lý, giáo huấn, luật tự nhiên. Nó cũng chỉ về những đặc tính, hay bản tính, của tất cả những gì hiển hiện trên thế giới; vì thế nó có nghĩa là "hiện tượng," và "đối tượng của trí tuệ." Cố gắng chuyển dịch một từ như thế bằng một từ tương đương sẽ làm xê dịch ý nghĩa sâu xa của nó. Ðiều này cũng đúng với nhiều từ khác được Ðức Phật dùng để cắt nghĩa những khái niệm vô cùng tinh tế.
 
Vì lý do đó, trong sách này chúng tôi diễn đạt những khái niệm quan trọng nhất của giáo pháp bằng ngôn ngữ gốc của chúng, đồng thời cắt nghĩa chúng theo văn mạch mà chúng được sử dụng. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng dịch những từ Pali bằng những từ hay thành ngữ có khả năng diễn đạt rõ nhất ý nghĩa của các khái niệm trong ánh sáng của kinh nghiệm suy niệm thực tế. Các từ Pali được Ðức Phật nói luôn luôn phát xuất trực tiếp từ chân lý mà ngài đã lãnh hội bởi kinh nghiệm trực tiếp nhờ suy niệm.
 
Nhập Ðề
 
Tri ân thầy
— S.N. Goenka
 
19 tháng 1, 1981
 
Tôn sư vô cùng kính mến!
 
Mười năm đã qua kể từ ngày thầy qua đời, nhưng tinh thần của thầy vẫn còn hiện diện và không ngừng khơi dậy nguồn cảm hứng ngày hôm nay. Lòng con tràn ngập niềm tri ân thầy, người thầy có trái tim bao la, đầy cảm thông và trìu mến, đã ban cho con hạt ngọc giáo pháp vô giá này. Giả như con không được thầy ban tặng hạt ngọc giáo pháp này, thử hỏi đời con sẽ ra sao? Có thể con đã phung phí đời mình để đuổi theo những thứ phù phiếm xa hoa, và chạy theo những bậc thang danh vọng mất rồi. Thầy đã ươm trồng hạt giống giáo pháp nơi con. Nếu không, con đã cam chịu với những sợi dây xích trói buộc của cuộc đời, và nhầm tưởng chúng là những đồ trang sức. Có thể con đã phí phạm cuộc đời mình và tìm sự thoả mãn nơi những kinh nghiệm của người khác thay vì của bản thân mình. Con có thể tìm đâu ra kinh nghiệm thực sự và trực tiếp này về chân lý? Con có thể tự thoả mãn bằng những sự dọi phóng của trí tưởng tượng. Con có thể tìm đâu ra được tuệ giác do kinh nghiệm trực tiếp về chân lý mang lại? Có thể con đã phí phạm đời mình với những tham vọng của trí tuệ và tưởng nó là tuệ giác. Con có thể làm méo mó đời sống vô giá của con người bằng những lễ nghi hình thức, những tụng niệm máy móc, và để mình bị lôi kéo bởi những thứ triết lý phiến diện xa rời thực tế. Thầy dạy giáo pháp vô địch của con! Thầy đã làm cho đời con thực sự thành đạt và đáng sống bằng việc trao ban cho con Giáo pháp vô song này.
 
Quả thực, việc thực hành Giáo pháp quả là vô song và cao cả vô cùng. Dễ dàng biết bao! Trong sáng biết bao! Khoa học biết bao! Ích lợi biết bao! Dẫn đưa từ nô lệ sang tự do, từ ảo tưởng và ảo giác sang thực tại, từ dáng vẻ chân lý sang chân lý đích thực — cầu mong sao cho viên ngọc Giáo pháp vô giá này mãi mãi tinh tuyền vô tì tích!
 
Con đã long trọng tuyên bố những quyết tâm đáng giá này trong ngày giỗ thầy hôm nay:
 
Ước mong, con đừng mắc vào trọng tội là làm nhơ bẩn lời giảng dạy của thầy. Ước mong, phương pháp vô giá này của thầy giữ mãi vẻ đẹp vô tì tích của nó. Ước mong, việc thực hành phương pháp này mở rộng cửa cho sự trường sinh bất tử và sự cứu độ cho mọi người và từng người. Chỉ khi con thực hành trọn vẹn những quyết tâm này, con mới là người học trò biết kính trọng và tôn vinh thầy.
 
Ngôi Sao Sáng Của Giáo Pháp: Sayagyi U Ba Khin
— S. N. Goenka
 
Sayagyi U Ba Khin là một trong những bậc thầy lỗi lạc về Thiền Quán của thời đại chúng ta — một nguồn cảm hứng cho nhiều người, trong đó có tôi. Một trong những đóng góp độc đáo của ngài là trong khi giảng dạy, ngài lưu tâm tới những người nước ngoài và những người ngoài đạo Phật. Các bậc tiền bối của Sayagyi là hai Ðại sư Saya ThetgyiLedi Sayadaw. Những người học trò khác của hai vị Ðại sư này đều giảng dạy Thiền quán theo truyền thống này chủ yếu bằng ngôn ngữ Miến Ðiện và vì vậy các thính giả của họ chỉ là người Miến. Trái lại, Sayagyi U Ba Khin nói tiếng Anh lưu loát và cũng có khả năng diễn giảng Phật pháp bằng tiếng Anh khiến cho cả Phật tử lẫn người ngoài đạo, người Miến lẫn người nước ngoài, đều có thể hiểu được và cảm thấy hấp dẫn.
 
Phương pháp của Sayagyi không phải phương pháp của các học giả. Từng lời nói của ngài đều phát xuất từ kinh nghiệm bản thân, và vì vậy, các lời giảng dạy của ngài mang theo kinh nghiệm cuộc sống, và đó chính là lý do tại sao mỗi lời nói của ngài đều mang theo một mãnh lực để khích lệ các thiền sinh của ngài. Ngài viết ít, nói ít, thế nhưng biết bao thiền sinh được hưởng những hoa quả giáo huấn của ngài. Ngài đảm nhận những trọng trách trong chính quyền cho tới năm 67 tuổi và có rất ít thời gian rảnh để lo việc giảng dạy Phật pháp. Chính vì thế ngài đã có lời nguyện này:
 
"Ước gì chỉ những con người chín chắn và có những nhân đức cao quí (pàramis) của quá khứ tìm đến với tôi để đón nhận Giáo pháp, và chỉ những con người này sau đó sẽ lãnh lấy ngọn đuốc Giáo pháp để mang đi truyền bá khắp thế giới."
 
Ngài thường đọc lên một câu thơ tiếng Pali:
 
Ước gì nhờ hành động cao quí này,
Tôi không phải tiếp xúc với những con người mê muội.
Nhưng ước gì tôi chỉ gặp những con người trí tuệ gương mẫu
cho tới khi tôi đạt tới Niết bàn.
 
Sayagyi U Ba Khin không thể giảng dạy cho quần chúng; ngài chỉ giảng dạy một số ít cá nhân mà ngài có thể dành cho nhiều thời giờ hơn. Một lần kia, khi ngài đến thăm, thấy tôi đang ngâm nga câu thơ trên đây, Sayagyi mỉm cười nhắc nhở, "Những lời này không dành cho anh đâu! Anh phải mang hạt giống Giáo pháp đi gieo nơi đông đảo quần chúng. Nếu anh tuyên lời nguyện đó, làm sao Giáo pháp có thể lan rộng được? Lời nguyện này là dành cho thầy, vì thầy có quá ít thời giờ; hơn nữa, thầy mới chỉ ở ngoài thềm cửa của năm 2500 sau Ðức Phật, là lúc Phật pháp phải bắt đầu được truyền bá. Còn anh đang đón nhận Phật pháp khi bắt đầu một kỉ nguyên mới. Thế nên anh phải làm việc cật lực mới được. Anh phải đem hạt giống Phật pháp đi gieo nơi đông đảo quần chúng. Vì vậy, anh đừng đọc lời nguyện ấy."
 
Sayagyi không chỉ là một quan chức chính phủ mẫu mực với năng lực và sự liêm khiết cao vời, ngài còn là một người thầy dạy chính đạo với một tâm hồn đầy nhân tính. Ngài giảng dạy bằng vô vàn tình thương yêu và từ bi cho dù ngài luôn nhấn mạnh về kỉ luật nghiêm khắc. Dù là với vị cựu tổng thống Miến Ðiện hay với một bác nông dân quê mùa, dù là với vị thẩm phán của Toà án tối cao hay với một tên tử tội, ngài đều tỏ một lòng cảm thông như nhau. Con người của ngài U Ba Khin là như thế, một viên ngọc quí giữa loài người. Người thầy của tôi cao quí như thế đấy, chính ngài đã dạy tôi nghệ thuật sống một đời sống tốt lành.
 
Thầy đã chọn tôi đi gieo trồng hạt giống Phật pháp trên khắp thế giới. Khi so sánh mình với thầy, tôi cảm thấy mình vô cùng hèn kém. Nhưng chính cảm nhận này lại làm tôi xác tín rằng chính Phật pháp đang tác động chứ không phải bản thân tôi hay bất kỳ một cá nhân nào. Tôi đã được thầy chọn làm người truyền thông Giáo pháp. Và khi giúp thể hiện sứ mệnh của thầy, tôi đón nhận được những lợi ích to lớn là phát huy những nhân đức của chính mình. Hiểu như thế, tôi tiếp tục hoạt động. Và giống như tôi, các bạn của thế hệ sau tôi, các bạn có trách nhiệm — và cơ hội tuyệt vời — để nối tiếp sứ mệnh cao quí này.
 
Ðó là sứ mệnh của thầy. Ðó là công việc của Giáo pháp. Thầy sẽ tiếp tục chiếu sáng mãi như một vì sao sáng giữa vô vàn các bậc thầy từ thời Ðức Phật tới hôm nay và mãi tới tương lai. Sayagyi đã từng nhìn tới viễn cảnh của kỉ nguyên Phật pháp sàsana thứ hai, khi Phật pháp sẽ lan tràn và mang lại lợi ích cho toàn thể thế giới. Cầu mong cho những ước mơ của ngài được trở thành hiện thực.
 
Ước gì ngày càng nhiều người hiện đang đau khổ trên khắp thế giới được đón nhận Giáo pháp, nhất là hôm nay, khi trên khắp thế giới có biết bao đau khổ, biết bao tranh chấp, biết bao căng thẳng. Ước gì ngày càng nhiều người đến với Thiền Quán.
 
Nguồn: Buddhanet.net
Mời bạn đọc đón xem tiếp phần Một: Sayagyi U Ba Khin: CON NGƯỜI VÀ VỊ THẦY