“Phản tư” là thuật ngữ mà giáo sư tiến sĩ Trần Đình Sử đã dùng để dịch thuật ngữ Reflexin (phiên âm tiếng Nga), trong bản dịch chuyên luận nổi tiếng Những vấn đề thi pháp Dostoievski, với chú thích: “nhận thức lại đối với nhận thức, suy nghĩ lại về những tư tưởng” (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1993).
Theo chúng tôi, thuật ngữ “phản tư” khó hiểu và có thể gây lầm lẫn. Thiết tưởng, nên dịch là “tự quán chiếu”, vì trong từ “reflexin” đã có nghĩa phản chiếu lại tự đối tượng. Cụm từ “tự quán chiếu” cũng sẽ thể hiện sự gần gũi của thi pháp tiểu thuyết Dostoievski đối với “thiền quán”, “tâm quán tâm” của Phật giáo.
Tuy nhiên, vì thuật ngữ phản tư đã quen thuộc với các nhà nhiên cứu văn học Nga, sử dụng nhiều trong một số công trình biên soạn và dịch thuật, nên ở đây chúng tôi xin phép vẫn dùng thuật ngữ “phản tư”, và xin được hiểu rằng đó là “tự quán chiếu”, cũng có thể hiểu là “tâm quán tâm”.
Không ít những nhà tư tưởng, những nhà hoạt động nghệ thuật lỗi lạc trên thế giới có những ý tưởng, những suy nghĩ hết sức tương đồng với Phật giáo, dù có thể họ chưa một lần tiếp xúc với Phật giáo.
Trong quyển sách Phật học nổi tiếng Đức Phật và Phật pháp, Đại đức Narada có nói tới các quan điểm của Heraclite, Pythagore, Descartes, Spinoza Berkeley, Hume, Hegel, Shopenhauer, Henri Bergson, William James… Họ là những người có suy tư không khác Đức Phật và đi sau Đức Phật.
Chúng tôi đã có dịp giới thiệu sự gần gũi giữa thiền quán Phật giáo và trường phái nghệ thuật gián cách của Bertolt Brecht, nhà biên soạn kịch và đạo diễn người Đức. Nhưng khác Bertolt Brecht, thi pháp phản tư của Dostoievski không phải là một thao tác nghệ thuật được đúc kết thành lý luận, truyền bá như một trường phái.
Phản tư là một bộ phận tạo nên nghệ thuật đa thanh (có một số nhà nghiên cứu dùng thuật ngữ “phức điệu”, “nhiều giọng”) của Dostoievski. Một thành tựu nghệ thuật trong sáng tác tiểu thuyết trước đó chưa hề có.
Chính phản tư trong đa thanh, điều mà chúng ta đang tìm hiểu, đã là nhân tố chính làm nên phong cách văn chương độc đáo và đặc sắc của Dostoievski.
Phản tư là một trong những yếu tố tạo nên những giá trị đỉnh cao của văn học Nga. Tuy nhiên, Dostoievski không nói ra điều này. Chỉ sau khi ông mất khá lâu, Mikhail Bakhtin, nhà lý luận phê bình được xem là vĩ đại nhất của Khoa Ngữ văn học Nga hiện đại, mới phát hiện, giới thiệu, và nghiên cứu chi tiết.
Điều kỳ lạ là đọc những công trình nghiên cứu của Mikhail Bakhtin về Dostoievski, chúng ta sẽ hết sức ngạc nhiên, là phản tư trong đa thanh không khác gì mấy so với thiền quán Phật giáo, dù rằng nó chưa đạt đến sự hoàn thiện, vi tế và thâm sâu như thiền quán.
Tìm hiểu về phản tư trong nghệ thuật đa thanh của Dostoievski, chúng ta sẽ càng thấy thiền quán Phật giáo hết sức tuyệt diệu, vì những nhà tư tưởng lớn trên thế giới cũng ý thức được vấn đề và trên đường tiến gần đến thiền một cách tự phát.
Phản tư trong đa thanh không giúp chúng ta học thiền, vì nó chỉ được Dostoievski vận dụng như một bút pháp nghệ thuật. Nhưng nó sẽ giúp cho những nhà văn, nhà hoạt động nghệ thuật Phật giáo một yếu tố mới trong việc sáng tạo và khám phá nhân vật, một yếu tố gần như là tương đương với tư duy Phật giáo.
Dostoievski
Theodore Dostoievski sinh năm 1821 tại Moskva, thân sinh là bác sĩ. Ông yêu văn học từ thuở nhỏ và chịu sự xúc động mạnh trước việc đại thi hào Puskin bị hạ sát. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương với việc dịch một số tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Nga.
Tác phẩm đầu tay của ông Những người nghèo, đã được nhà phê bình Nga Belinski, rất có uy tín thời bấy giờ, đánh giá cao. Từ đó, ông viết rất nhiều tiểu thuyết.
Trong khoảng 15 năm từ năm 1880, Dostoievski đã sáng tác những tiểu thuyết triết lý quan trọng: Tội ác và trừng phạt, Chàng ngốc, Lũ người ma ám, Anh em nhà Karamazov…
Ông mất năm 1881, tại Saint Petersbourg. Tiễn đưa ông là một biển người. Mặc dù, Dostoievski được coi là “mắc nhiều sai lầm” (1), nhưng sau khi ông mất, nhiều năm sau Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Liên Xô vẫn tôn trọng ông bằng cách cho dựng một tượng đài tưởng niệm.
Nhà văn hàng đầu của Liên Xô, Maxim Gorki đã viết như sau về Dostoievski: “Tonxtoi và Dostoievski là hai thiên tài cự phách nhất. Bằng sức mạnh của tài năng mình, họ đã làm chấn động cả thế giới, họ đã làm cho cả châu Âu ngạc nhiên để ý tới nước Nga và cả hai người đều đã đứng vào hàng ngũ những vĩ nhân cùng tầm cỡ mà tên tuổi là Sêchxpia, Đantơ, Xecvantex, Rutxo và Gơ tơ” (2).
Thi pháp phản tư trong nghệ thuật đa thanh – Sự gần gũi của nó với thiền quán Phật giáo
Phản tư, trong thi pháp của Dostoievski, có nghĩa là nhà văn không xây dựng nhân vật bằng cách miêu tả, mà thể hiện nhân vật bằng sự tự ý thức, tự quán chiếu (Reflexin) nhân vật đó. Cách làm này, trước Dostoievski, chưa có trong sáng tác tiểu thuyết (3).
Phản tư không phải là độc thoại nội tâm, hay nhân vật tự nói, là những thủ pháp nghệ thuật quen thuộc, mà là tự quán tâm.
M. Bakhtin viết: “Những gì tác giả đã làm thì nay nhân vật làm, tự soi sáng mình theo mọi quan điểm có thể có, còn tác giả thì không còn soi sáng thực tại của nhân vật mà soi sáng sự tự ý thức của nó như là một hiện thực thuộc bình diện thứ hai (4) (người viết bài nhấn mạnh).
Nhân vật của Dostoievski là một kiểu nhân vật định hình với “diện mục” của chính nó, tự chính nó định hình nó, soi rọi nó, vượt qua ngoài tác giả.
Thành quả nghệ thuật của Dostoievski trong phản tư gần như đồng nghĩa với tư duy thiền. M. Bakhtin viết về điều đó: “tự ý thức với tư cách là một nét ưu trội nghệ thuật trong cấu tạo hình tượng nhân vật, tự nó đã đủ để phá vỡ sự thống nhất độc thoại của thế giới nghệ thuật, nhưng với một điều kiện là nhân vật với tư cách là một sự tự ý thức phải được miêu tả một cách thực tế chứ không phải được biểu hiện, tức là không hòa nhập làm một với tác giả, không trở thành cái loa cho tiếng nói tác giả, do đó, với điều kiện là các tiếng nói của tự ý thức của nhân vật phải được khách quan hóa thực sự, và trong tác phẩm phải có khoảng cách giữa nhân vật và tác giả. Nếu như cái cuống rốn nối liền nhân vật với người sáng tạo ra nó không bị cắt rời ra thì trước mặt chúng ta không phải là một tác phẩm mà chỉ là một tư liệu cá nhân” (5).
Nhân vật Dostoievski phản tư, tự ý thức, tự soi rọi, quán chiếu, không phải là nhân vật tu thiền, mà là Dostoievski xây dựng nhân vật theo tư duy thiền. Nhân vật im lặng, tự soi rọi, quán chiếu, nó không nói.
Bakhtin viết: “Dostoievski đã khước từ tất cả các tiến đề độc thoại. Tất cả những gì mình để sáng tạo ra sự thống nhất cuối cùng của tác phẩm và của thế giới được miêu tả trong đó, thì Dostoievski đều gạt sang cho nhân vật của ông, biến nó thành yếu tố tự ý thức nhân vật”.
Vì vậy, đương nhiên nhân vật trong tiểu thuyết Dostoievski không đặt nặng ở bộc lộ tính cách, mà tự quán chiếu nó, tự ý thức về nó.
Bằng cách phản tư đó, nhân vật của Dostoievski là nhân vật hướng nội, như khi thiền định chúng ta không bộc lộ ra hướng ngoại, mà chúng ta quay vào ta và tìm câu trả lời ta là ai, ta như thế nào, ta đang làm gì, nghĩ gì, ta ý thức về ta. M. Bkhatin viết: “đó là đặc điểm rất quan trọng và căn bản trong cảm thụ nhân vật của Dostoievski” (chú thích của người viết bài).
Như vậy, cái cần khám phá và khắc họa không phải là tồn tại được, xác định của nhân vật, là hình tượng cố định của nó, mà là sự tự ý thức của nó, suy đến cùng, là ý kiến mới nhất của nhân vật về chính nó và thế giới của nó (6).
Trong thiền quán, hành giả quán chính mình để đạt đến sự tỉnh thức. Ở Dostoievski, nhân vật hiện hình trong sự phản tư tự ý thức. Nhà văn Dostoievski không trùm chụp trường nhìn của mình lên nhân vật, mà nghệ thuật bậc thầy của Dostoievski là làm cho nhân vật “quán” về mình.
Dostoievski không nói đến trí tuệ, bởi lẽ ông chưa phải là một Phật tử. Nhưng nhân vật của ông được khắc họa một cách trí tuệ. Hành giả thiền quán dùng tự quán chiếu để ý thức về mình,nhằm mục tiêu tối hậu là trí tuệ, thấy được diện mục chân thật của bản thân mình. Còn phản tư trong nhân vật của Dostoievski giúp người đọc nhận thức được nhân vật thông qua lăng kính tác giả, mà từ một sự bộc lộ trí tuệ.
Dostoievski đã cho tác giả đi theo một chiều ngược lại với các nhà văn trước đó (khắc họa tính cách nhân vật bằng miêu tả, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, sự bộc lộ). Và đó chính là chiều của thiền quán Phật giáo. Chiều đó đã tạo cho tác phẩm của Dostoievski thành những “tiểu thuyết tư tưởng” (Ideologicheskii roman, thuật ngữ tiếng Nga). Và giá trị của những tiểu thuyết tư tưởng cũng do chiều hướng đó mang lại.
Theo chiều hướng đó, Dostoievski đã gần như đến được trước ngưỡng cửa thiền quán Phật giáo. Nhưng ông chưa bước chân vào trong được. Cái mà ông làm chỉ mới là một sự ứng dụng trong nghệ thuật văn chương. Sự an lạc, tỉnh thức chưa có ở đây, dù là có trí tuệ, tư tưởng.
Giới hạn của một số bài viết không cho phép chúng tôi đi sâu vào từng ví dụ nhân vật cụ thể. Điều mà chúng tôi hướng đến là giúp cho bạn đọc thấy Phật giáo là đỉnh cao tập trung của những tư tưởng tiến bộ trên toàn thế giới và Phật pháp có mặt với hình thức sơ khai, tản mạn ở nhiều bộ óc lớn của nhân loại.
Và khi họ, những nhà tư tưởng, những tác gia nghệ thuật có được những ý niệm tạm gọi là “Phật giáo tự phát” đó, trong quá trình ứng dụng, họ đã tạo ra những cống hiến lớn cho kho tàng tư tưởng và nghệ thuật nhân loại.
Dưới chân Đức Phật và theo sau Đức Phật, trong khi có thể vẫn chưa biết đến giáo pháp, đã là Spinoza, Hume, Schopenhauer, B. Brecht…, và nay có thể ghi nhận thêm Dostoievski.
MT
(1) Phạm Vĩnh Cư: Lời giới thiệu, Bản dịch Quyển Tội ác và Trừng phạt – Nhà xuất bản văn học, Hà Nội, 1993, trang 27.
(2) Sách dẫn trên, trang 3
(3) Lunasarski, nhà lý luận phê bình văn học Liên Xô cho rằng đã có “những bậc tiền bối của Dostoievski trong lãnh vực đa thanh, mà theo ông đó là Sêchxpia và Bandac…” (dẫn theo M. Bakhtin). Nhưng B. Bakhtin lại bác bỏ quan điểm này: “Các giọng ở Sêchxpia không phải là các điểm nhìn đối với thế giới như ở Dostoievski; các nhân vật của Sêchxpia không phải là các nhà tư tưởng trong ý nghĩa đầy đủ của từ đó” (Bakhtin: Những vấn đề thi pháp của Dostoievski). Chúng ta chú ý đến cụm từ “nhà tư tưởng trong ý nghĩa đầy đủ của từ đó”.
(4) M. Bakhtin: Những vấn đề thi pháp Dostoievski, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1993, trang 38.
(5) Sách dẫn trên, trang 40
(6) Sách dẫn trên, trang 36