Từ trung tâm Thành nội Huế, đi qua những thôn xóm trù phú nhưng tĩnh lặng, men theo góc núi xa để càng đi càng thấy vắng vẻ. Băng qua những cánh đồng, men theo con đường mòn dân sinh đầy ổ gà ven sườn núi để hướng về đỉnh núi Chằm, thuộc huyện Hương Trà. N
gôi chùa được chỉ dẫn bởi những mốc đá nhỏ ven đường, tuy chỉ là đá đẽo thô mộc nhưng nét bút ghi rõ danh hiệu chùa lại uyển chuyển đến kỳ lạ, đúng theo lối thư pháp quốc ngữ đang thịnh hành. Những mốc đá đôi khi khuất sau lùm cây bụi cỏ, hoặc chơ vơ ngay bên đường, nhưng nếu tinh ý quan sát sẽ thấy chút hơi hướng của tâm hồn thi sĩ đang mở lòng đón bước chân lạ.
Một quần thể kiến trúc rõ ràng là nơi tu hành song được kiến tạo theo phong cách trang nhã với những hình khối nhỏ xinh bằng tranh tre, gợi lên thi hứng hơn là cảm giác u mặc, và những bức thư họa trang trí trong nội thất khiến ta liên tưởng rõ rệt tới một không gian văn hóa cổ điển hơn là sự nghiêm cẩn chùa chiền.
Bản thân ngôi chính điện cũng không dựng theo lối thông thường với tường, vách, cột, bệ thờ… như các chùa vẫn gặp. Chính điện ở đây là ngôi nhà nhỏ nhưng thoáng đãng, giản dị mái thấp và đơn sơ vách gió lùa. Tượng Phật đặt chính giữa gian mà có cảm giác lộ thiên, như hòa thân bất hoại vào vũ trụ, toả tinh thần hỷ xả tới mọi tâm linh, để ngay sau khi dâng hương làm lễ, ta đã có cảm giác thân thuộc với từng góc nhà, từng gốc trúc trong sân chùa.
Bên trái là nhà đọc sách, bên phải là nhà sinh hoạt, rải rác phía sau là những căn nhà gỗ nhỏ, nơi xướng họa, tiếp khách của nhà chùa, cũng đôi khi dùng làm chỗ cho khách lưu lại dài ngày để đọc sách, sáng tác thơ ca và đàm đạo.
Những sàn nhà lát gỗ, những cột nhỏ và hàng hiên thoáng đãng treo giò phong lan rừng, những cánh cửa gỗ không ngăn cách bước chân khách ngoạn cảnh… Toàn bộ kiến trúc chùa đều được tạo dựng bởi nguồn nguyên liệu tại chỗ. Không có những hàng cột sừng sững, không có những bậc thềm cao và điện thờ nghi ngút khói hương, ngay cả cổng tam quan cũng không.
Hàng trúc bên ngoài nghiêng thân chào khách thay tam quan, sân rêu rải rác đá phiến thay cho sân gạch, còn vần thơ thay cho kinh kệ đủ sức hướng lòng nhân trở về cõi thiện.
Một cảnh sắc rất dân dã, rất thiền như lôi cuốn bước chân những ai muốn tìm đến một nơi thanh tịnh, nơi không có nhiều những lo âu, phiền muôn. Thật là nơi của “thiền môn cảnh sắc”.