Trang chủ Đời sống Tâm sự Thiền hành trên đất Phật

Thiền hành trên đất Phật

352

Sớm nay, sau thời công phu khuya, con ngỡ ngàng khi hay tin nơi Tổ đình Từ Hiếu, trái tim Thầy đã ngừng đập. Con biết Thầy đã thành tựu viên mãn mọi nhân duyên giáo hoá trong cõi đời này. Đối với các thế hệ hậu bối, dầu xuất gia hay tại gia, đều hướng về Người với danh xưng “Thầy”, rất tôn nghiêm, nhưng cũng rất gần gũi và thâm tình. Thắp nén trầm hương, an trú trong hơi thở thật sâu, hướng về xứ Thần Kinh, với tất cả sự chí thành, con xin được tưởng niệm về Thầy.

Sữa pháp nuôi dưỡng mầm Bồ-đề

Từ những năm tháng mới bước vào đạo, nơi mái trường Nguyên Thiều kỷ niệm, con đã được tiếp xúc với năng lượng tỉnh thức và chánh niệm qua những tác phẩm nhập thế của Thầy. Có một đêm ngồi đọc thật chậm cuốn Đạo Phật ngày nay, tâm trí con rúng động và bừng sáng với một nhãn quan rất mới, rất đẹp, rất thực về một đạo Phật đi vào cuộc đời. Đâu đó trong những trang sách của Thầy, có những giọt lệ của sự xúc động, hạnh phúc của một người xuất gia trẻ. Hạt Bồ-đề có thể nảy mầm dù bất cứ nơi đâu, trong bất cứ môi trường nào, nhưng nếu được tiếp nhận những dưỡng chất cao quý, những năng lượng an lành, thì luôn là vận may hy hữu.

Năm 1996, rời quê hương miền Trung con vào miền Nam học tập, lòng ngỡ ngàng nơi đất khách muôn trùng xa lạ. Cuộc sống nhộn nhịp của phố thị lao xao chẳng lay động tâm ban sơ của người xuất gia trẻ một khi vị ấy được an trú trong năng lượng từ hoà và tiếp nhận dòng sữa pháp từ các bậc chân sư tôn kính. Được tu học trong môi trường giáo dục lý tưởng với rất nhiều thuận duyên về tư liệu Phật học, con đã cố gắng tìm các trước tác của Người bằng nhiều cách khác nhau. Thời ấy, sách của Thầy không được phổ biến và không được phát hành rộng rãi. Muốn có được phải đặt riêng, mua kín và đa số là sách in lụa nét chữ mờ nhạt. Từ các phòng phát hành tại Vạn Hạnh, Già Lam, Dược Sư, Từ Nghiêm, Xá Lợi, mỗi khi có sách của Thầy mới in ra, tất nhiên không có nhà xuất bản, con đã cố gắng trong điều kiện của mình để sưu tầm và tiếp cận. Thư viện Xá Lợi còn lưu giữ khá nhiều các bộ tạp chí và tập san Phật học trước năm 1975, mỗi khi rảnh rỗi, con đều vào đó tìm các ấn phẩm này để đọc, hễ bài nào hay con đều phô-tô lưu lại. Tạp chí Phật giáo Việt Nam của Tổng hội Phật giáo Việt Nam do Thầy chủ bút, mỗi số có nhiều bài viết của Thầy dưới nhiều bút danh khác nhau, con đều tìm đọc và lưu giữ. Dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai có nhiều nhà sách cũ, có rất nhiều sách hay của nhà sách Lá Bối, Khai Trí, Minh Đức,v.v. là nơi con thường đến xem, nhưng mỗi tháng hoặc đôi ba tháng mới thỉnh được một cuốn của Thầy, vì rằng sách cũ giá trị như thế rất đắt, nhất là đối với một học Tăng mới từ miền Trung vào. Mỗi lần thỉnh được một cuốn như thế là ngày ấy và những ngày kế tiếp tràn ngập niềm hoan hỷ khó tả. Được pháp hữu Chỉnh Tuệ cùng học Học Viện khoá IV tạo duyên, con được tiếp cận các số báo của Làng Mai phát hành định kỳ và theo dõi các sinh hoạt của Tăng thân vào thời ấy. Nơi góc học tập cá nhân tại chùa Giác Hoa, con hoạ bức chân dung Thầy treo trên bàn học tập để mỗi ngày đều noi theo tấm gương tu học của Thầy.

Sau này, mỗi lần ra Huế, con thường đến Từ Hiếu vì nơi ấy có những con đường rợp bóng cây xanh, những hồ nước tĩnh lặng an bình, hoà mình vào thiên nhiên đất mẹ để thiền hành, để đàm đạo với chư Tăng và thỉnh sách của Thầy.

Từ những nhân chứng sống

Năm 1998 một nhân duyên khó quên khi gặp cư sĩ Hương Sen, vốn trước đây là chủ nhà sách Minh Đức. Ông bán tất cả bất động sản, gởi ngân hàng lấy tiền lãi, chọn mỗi tỉnh một Tăng và một Ni vào thành phố học để trợ duyên tài chính. Mỗi lần đến tư gia của cư sĩ, con được nghe ông kể những mẩu chuyện cao quý về Thầy, về những khó khăn, gặp nhiều sự phản kháng, chống đối khi Thầy tiên phong hướng đến việc học ngoại điển, theo học cử nhân tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, một điều rất mới mẻ đối với Tăng sĩ thời ấy. Theo lời của cư sĩ Hương Sen, Thầy từng tâm sự với Cư sĩ rằng, muốn đưa Phật pháp đến với giới trí thức, muốn độ cho hàng trí thức, người tu sĩ cần phải có kiến thức vững vàng, chuẩn mực không chỉ nội điển mà cả ngoại điển.

Có thể nói Thầy là một mẫu hình đề cao tri thức và quý trọng nhân tài. Có một lần đến thăm nhà thơ Trụ Vũ, ông đã kể sự trân quý của Thầy đối với thi sĩ nói riêng và giới văn nghệ sĩ nói chung một cách hăng say. Thầy đã nhiệt tình mời thi sĩ Trụ Vũ sang Làng Mai lâu dài để cùng cộng tác sinh hoạt văn nghệ thi ca. Theo lời Thi sĩ Trụ Vũ, vào thập niên năm mươi, Thầy có mối thâm tình và từng cưu mang, giúp đỡ, tạo duyên cho các thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Trụ Vũ, Quách Thoại, v.v. trong những lúc khốn khó. Lúc ấy Thầy đang học Anh văn. Một hôm đi học về, không thấy cuốn từ điển Anh-Việt ở đâu, hỏi ra mới biết một thi sĩ đã lén đem bán lấy tiền mua thuốc cho qua cơn nghiện. Thi sĩ Trụ Vũ nói ông chưa thấy ai có một tấm lòng bao dung như Thầy. Khi ấy Thầy không giận, rơm rớm nước mắt với nỗi cảm thông vô hạn: “Tôi chắt chiu lắm mới có được cuốn từ điển đó, vậy mà nỡ nào các anh đem bán đi, lấy gì tôi học?…” Có lẽ đức độ, trí tuệ và tình thương của Thầy đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy các thi sĩ ấy, để rồi họ đã có nhiều tuyệt phẩm bất hủ về tư tưởng nhân sinh và Phật pháp đóng góp cho nền thi ca Việt Nam.

Có một lần đọc số báo của Làng Mai trong đó đăng bài Bao giờ Thầy về Việt Nam, lòng con kính quý trước tình yêu quê hương đất nước, cũng như nỗi niềm hướng về quê Cha đất Tổ chân thành và tha thiết của Thầy. Lúc ấy con nhờ người đánh máy và in lại bài viết đó và gởi tặng đến nhiều thân hữu gần xa, ai đọc xong cũng không khỏi bùi ngùi xúc động.

Tình Thầy nơi đất Phật.

Những năm học tại Ấn Độ, mỗi khi đi các thư viện lớn, các nhà sách Phật học lớn hoặc các hội chợ sách quốc tế, thấy các tác phẩm bằng Anh ngữ của Thầy, đặc biệt là cuốn Đường xưa mây trắng (Old Path White Clouds) được tái bản rất nhiều lần tại Ấn Độ, được sắp xếp vào khu sách các bậc đại sư, tư tưởng gia, triết gia lớn của Ấn Độ và thế giới, lòng con dấy lên một niềm hạnh phúc và tự hào vô hạn khi Phật giáo Việt Nam hiện đại có một bậc danh Tăng như thế.

Năm 2004 con có duyên gặp ký giả Rajiv Mehrotra. Sau những năm tháng miệt mài làm việc, đi khắp nơi để phỏng vấn và tìm hiểu triết lý sống của các tâm hồn vĩ đại, ký giả Rajiv Mehrotra đã xuất bản cuốn Tâm của bậc chân sư: đối thoại với các vị Thầy tâm linh (The Mind of the Guru: Conversations with Spiritual Masters). Nội dung sách là các bài phỏng vấn của tác giả với 25 bậc thầy tâm linh nổi tiếng của thế giới, trong đó có Thầy và Rajiv Mehrotra đã dành một phần trang trọng phỏng vấn Thầy về ý nghĩa Tương tức. Khi được tác giả trao tặng cuốn sách này, đồng thời Rajiv Mehrotra đã kể cho con nghe về Thầy với sự kính trọng sâu sắc, từ đó con càng cảm nhận rõ tầm ảnh hưởng của Thầy trong tâm thức một tác giả nổi tiếng người Ấn như thế.

Tác giả bàiviết tại Lộc Uyển Tự

Cuối năm 2008, con được tham dự khoá tu Làng Mai do đích thân Thầy hướng dẫn tại New Delhi, Ấn Độ, và đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất, mầu nhiệm và thiêng liêng nhất trong đời. Khi ấy anh Shantum Seth, một giáo thọ Làng Mai tại New Delhi báo tin về chuyến hoằng pháp của Thầy tại Ấn Độ, con vội thông báo với quý thầy cô Việt Nam đang du học tại Delhi và tổ chức chuyến xe 50 chỗ ngồi đến phi trường quốc tế Indira Gandhi tại New Delhi để đón phái đoàn. Mỗi Tăng Ni sinh và Phật tử Việt Nam trên tay cầm một cành hoa lan, tất cả đều hân hoan pha lẫn nỗi mong chờ, chúng con đứng hai hàng nơi cửa ra đặc biệt của phi trường dành cho giới chính khách để cung đón Thầy. Trong niềm hân hoan khó tả, khi vừa nhìn thấy Thầy bước ra cửa, tất cả Tăng Ni sinh và Phật tử có mặt càng dâng trào niềm hỷ lạc vô biên, vì đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, tại nơi đất Phật chúng con được diện kiến Thầy. Thầy nở một nụ cười thật tươi và phúc hậu khi thấy màu áo nâu, lam của Phật giáo Việt Nam đang đón chào với những cành hoa lan tinh khôi, tươi thắm. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy của Thầy như không có gì mệt nhọc sau một chuyến bay dài từ Châu Âu sang Ấn Độ. Đến giờ trong con, ánh mắt và nụ cười của Thầy vẫn nguyên sơ, tinh khôi, tràn ngập năng lượng vững chãi và tỉnh thức, ánh mắt và nụ cười đã bất biến với thời gian.

Quả là một nhân duyên quý báu, con cùng một số vị đã đến di tích nhà tưởng niệm thánh Gandhi để gặp Thầy. Thật cảm động khi xe vừa đến cổng khu nhà tưởng niệm thì chúng con đã thấy Thầy đang đứng chờ ở đó. Trong bộ đồ vạt hò nâu sồng, ở tuổi 83, trông Thầy rất khoẻ và tinh anh. Người dẫn năm Tăng Ni sinh đến dưới một gốc cây sung rất lớn, Thầy trò ngồi bên nhau thăm hỏi và trao đổi việc tu học tại xứ Ấn. Thầy hỏi thăm các Tăng Ni sinh chọn đề tài gì để viết luận án tốt nghiệp và không quên nhắc nhở là làm sao công trình nghiên cứu phải có tính ứng dụng và đóng góp ý nghĩa cho nhân sinh. Thầy chia sẻ rằng xã hội và văn hoá Tây Phương và hiện đại hôm nay có một nét rất hay là ngay khi còn sống, những ai có đóng góp thiết thực cho xã hội đều được vinh danh, ca ngợi và tôn thờ; chứ không phải đợi đến khi qua đời mới tưởng niệm và tôn vinh. Giá trị đích thực của một đời người cần phải được nhận ra và trân trọng bởi đó là những chất liệu sống động đang hiện hữu trong nhân gian. Buổi nói chuyện đã soi sáng và gợi mở nhiều chiều hướng tư duy, nhận thức rất sống động và mới lạ. Chuyện trò xong, Tăng thân cũng vừa đến, Thầy ra đón các đệ tử và cùng vào dùng điểm tâm. Đại chúng có làm bánh bột lọc mang từ Pháp sang, Thầy tặng mỗi Tăng Ni sinh một bánh, nghĩa tình ấm áp vô cùng.

Từ một giấc mơ đẹp

Cuộc đời này tuy vô thường mộng huyễn, nhưng trong sự ngắn ngủi, phù du tạm bợ ấy, nếu mỗi hành giả biết hướng tâm đến ánh sáng của chánh pháp và những giá trị chân thiện mỹ trong đời sống tâm linh cao đẹp, thì vị ấy đang bước vào thực tại nhiệm mầu, không sanh không diệt. Từ việc tìm đọc và nhập tâm các tác phẩm và cảm thấu những triết lý sống cao đẹp của Thầy, có một hôm con nằm ngủ, mộng thấy Thầy đang nằm trên chiếc võng trong căn nhà xinh xắn, rất dễ thương. Lúc ấy con ngồi bên cạnh đưa võng cho Thầy. Thầy kể chuyện tình hình Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại cũng như những khó khăn và thuận lợi của việc hành đạo tại xứ người. Sau đó Thầy nắm tay con ra bên hông nhà có một con mương nhỏ, thầy trò lội trên con mương với đàn cá lội xung quanh, tung tăng vui thích. Vì giấc mơ quá rõ ràng nên con nhớ mãi. Điều kỳ diệu là khi gặp được Thầy tại nhà Tưởng niệm Thánh Gandhi, con và đại chúng đã được Thầy dẫn dưới gốc cây rợp bóng mát rượi cùng ngồi xuống và Thầy đã kể chuyện hoằng pháp tại hải ngoại của Thầy và của chư Tăng Ni Việt Nam với những thuận lợi và khó khăn, rất giống với giấc mơ con đã mộng thấy trước đó.

Buổi thiền hành lịch sử

Trong chương trình hoằng pháp của Thầy và Tăng Thân Làng Mai có một sự kiện rất đặc biệt là buổi thiền hành từ Quảng trường Thắng lợi (Vijay Chowk) trước Dinh Tổng thống Ấn Độ đến Khải hoàn môn Ấn Độ (India Gate) trên đại lộ Rajpath. Gọi là đặc biệt là bởi vì đoạn đường này là bộ mặt của thủ đô Ấn Độ, là nơi chỉ tổ chức những sự kiện lớn của Ấn Độ như là kỷ niệm ngày độc lập và quốc khánh của đất nước. Vậy mà khoá tu của Làng Mai lại được vinh hạnh tổ chức một buổi thiền hành ngay địa điểm đặc biệt này. Điều đáng chú ý là địa điểm này chỉ cách vùng Đông Kailash (East Of Kailash) khoảng 6,4 km. Đông Kailash là nơi còn lưu lại bia ký của vua A-dục và đây chính là xứ Kuru, nơi mà ngày xưa đức Phật đã giảng nhiều bài kinh, đặc biệt là Kinh Đại niệm xứ, một trong những bản kinh quan trọng bậc nhất của Phật giáo.
Sáng ngày 02/10/2008 khi trời Delhi còn trong màn sương mù, từng đoàn người đã có mặt phía trước Dinh Tổng thống Ấn Độ trong niềm hân hoan vô biên. Đúng giờ, Thầy và Tăng Thân đã có mặt đông đủ. Trước khi buổi thiền hành bắt đầu, đại diện Tăng Thân đã trình bày ý nghĩa, cách thức và lợi lạc của thiền hành. Sau đó, theo bước chân của Thầy, trong màn sương sớm, cả dòng người với hàng nghìn trái tim hoà chung một nhịp đập, những bước chân vững chãi an nhiên trong chánh niệm tròn đầy, không một tiếng nói, chẳng một lời lao xao, tất cả quyện trong năng lượng tương tức an lành, như một dòng sông êm đềm tuôn chảy. Có lẽ đã lâu lắm rồi, trước đó cả 3000 năm, đức Thế Tôn và Tăng đoàn du hoá xứ Kuru văn minh, giàu có, hùng cường đã bước những bước chân giác ngộ lan toả tuệ giác sáng soi, thì hôm nay, đoàn người rất đông, từ nhiều phương trời, nhiều sắc tộc, đa văn hoá, không chỉ là người con Phật, mà có cả đạo Hindu, Sikh, Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi Giáo, v.v. đang sánh bước thiền hành trong năng lượng hoà hợp cộng sinh, an lành và tỉnh thức, giữa trái tim xứ sở của đức Phật, dõi theo bước chân an lành của Ngài. Hình ảnh cả nghìn người đi trong tĩnh lặng như thế có lẽ chưa bao giờ diễn ra trên đại lộ chính của đất nước Ấn Độ hiện đại. Buổi thiền hành không những diễn ra thuận lợi và kết thúc viên mãn, mà còn lan toả một từ trường an lành và tĩnh tại đến muôn phương.

Chuyến hoằng pháp năm đó của Tăng thân Làng Mai rất thành công. Thầy đã có những buổi nói chuyện và hướng dẫn thực tập cho các chính khách, các doanh nhân, các nhà trí thức và đông đảo dân chúng Ấn Độ. Với không gian rộng thoáng, thiên nhiên hoà quyện, ngoài những thời thuyết giảng, toạ thiền, thực tập thiền ca và chánh niệm, khóa tu đều có những giờ thiền hành rất thanh tịnh và an lạc, giúp hành giả tăng trưởng rất nhiều năng lượng an lành.

Trên những nẻo đường

Trong những chuyến hoằng pháp tại Mỹ và Châu Âu, với niềm mong ước chân thành, con thường đến Làng Mai tại Pháp và tu viện Lộc Uyển, San Diego, California để được sống trong từ trường an nhiên của đại chúng tại các trú xứ thanh bình này. Kỷ niệm thật đẹp tại Làng Mai khi được gặp thầy Pháp Hữu, trước đây là thị giả Thầy và nay là trụ trì Làng Mai. Thầy tiếp đón, thăm hỏi ân cần và đưa đi thăm khắp các Xóm, đi trên con đường huyền thoại, thăm thất của Thầy và căn phòng nơi Thầy thường viết thư pháp. Điều rất ấn tượng là những khi con đến Làng Mai và tu viện Lộc Uyển đều là lúc đang diễn ra khoá tu cho người phương Tây, số lượng hơn 650 vị. Tuy là những khoá tu đông đảo, nhưng tất cả các thiền sinh rất nhịp nhàng và hoà hợp an nhiên.
Năm 2019 khi đến thăm vương quốc Bhutan, được diện kiến và đảnh lễ những bậc cao Tăng tại đất nước tâm linh và hạnh phúc này, khi được biết đoàn từ Việt Nam sang, quý Ngài đã hỏi thăm và nói về Thầy, bộc bạch những tâm đắc khi đọc sách của Thầy. Khi ấy, trong đoàn, mọi người đều có cùng một một cảm xúc tự hào và hoan hỷ vô ngần.

Khi Thầy trở về Tổ đình Từ Hiếu dưỡng bệnh, con cùng quý Phật tử từ Bình Định ra thăm Thầy. Lúc ấy Tổ đình đang trùng tu chánh điện, đoàn chúng con cúng dường Tổ đình và hướng về tịnh thất Thầy đang tịnh dưỡng đảnh lễ. Thật vui thay, khi mọi người đang ngồi với nhau, bỗng thấy các vị thị giả đẩy xe Thầy ra ngoài, đi vòng ra trước chánh điện đang trùng tu và vào hậu tổ. Chư Tăng tổ đình trình Thầy tấm hoành sắc tứ của Tổ đình vừa tháo xuống để trùng tu, nét chữ chơn rất đẹp. Đoàn chúng con được diễm phúc thiền hành theo Thầy, ai cũng cảm nhận được niềm pháp lạc vô biên. Một lần khác, được tin sức khoẻ Thầy càng lúc càng yếu, đoàn chúng con lại ra Từ Hiếu vào một ngày trời mưa tầm tã, dầu có mang dù và áo mưa, ai cũng bị ướt. Sau khi lễ Phật nơi Tổ đình, hướng về thất của Thầy với tâm thành kính, đoàn được quý sư cô tại Diệu Trạm mời một bữa cơm chánh niệm rất thiền vị và an lạc. Đó là những điều tuy không có màu sắc và âm thanh, nhưng để lại trong lòng chúng con là kỷ niệm ấm áp và thiêng liêng không thể phai nhòa.

Hôm nay Thầy đã an trú trong cõi Thường tịch quang vô vi thanh tịnh. Tất cả những ai hữu duyên biết đến Thầy qua pháp học, pháp hành, dầu là Phật giáo hay không phải Phật giáo, dầu đang trong cương vị nào của xã hội, đều bàng hoàng xúc động trước sự ra đi của Thầy. Mùa xuân đang về trên những nẻo đường quê hương, và Thầy đã dẫn chúng con đi vào thế giới nội tâm để hội ngộ mùa xuân chánh pháp, mùa xuân giác ngộ, mùa xuân của thực tại an hoà, mùa xuân của tịch nhiên bất động, nơi bản thể và diệu dụng sống động, nơi phương tiện ứng hoá vô cùng.

Thành kính đảnh lễ Thầy!

 Chùa Thiên An, 22.01.2022

Tỳ kheo Thích Đồng Thành