Có thể rằng ta sẽ lưu tâm đến sự xúc chạm nhau của các ngón tay, hoặc một ý tượng hời hợt về cái gọi là đôi bàn tay đang yên vị trên bắp chân mình, hay là một sự tỉnh thức ghi nhận những cảm giác tế nhị như hơi ấm hoặc sự tiếp xúc. Khi ta có một trực cảm tỉnh thức về các cảm giác thực tại thì liệu khái niệm định danh về tay chân kia có còn tiếp tục hiện diện nữa hay không? Hãy cố gắng thực tập bài học này với đôi mắt nhắm lại chối từ tất cả ngoại cảnh bằng một ít thời gian thẩm nghiệm, khu biệt các hình thái cảm nghiệm .
Hãy thử khách quan kiểm tra chính mình trong đôi phút. Bạn có tỉnh thức trong mỗi bước kinh hành của mình hay không? Bạn có gọi tên và bận tâm đến hình thức vận động của đôi chân mình như là một ảo tượng? Bạn cảm nhận được cái gì trong từng bước chân? Trong mỗi phút giây lắng nghe, cảm nghiệm bạn có tự tạo một khái niệm ảnh tượng nào không? Cái gì đã đưa đến các cảm nghiệm, có phải tự chúng xuất hiện hay không?
Từ trong giờ thiền định chính thức, cho đến mỗi mỗi sinh hoạt lớn nhỏ trong đời sống thường nhật, bạn nên tự khu biệt khách quan cái khái niệm tập quán với cái cảm nghiệm như thật về thực tại.
Cách xử lý và tận dụng các trở lực phiền não
Hãy đặc biệt lưu tâm đến những hình thái phiền não có vẻ trầm trọng và xuất hiện thường xuyên nhất trong cuộc sống thường nhật cũng như vào những giờ thiền định, chẳng hạn như một tâm lý ích kỷ, sợ hãi, toan tính, dục cảm nghi hoặc, hay một tình trạng phóng dật nào đó bất luận.
Trước hết thử bỏ ra một tuần với nhiều giờ thiền tọa mỗi ngày rồi chuyên tâm ghi nhận một cách tỉnh thức sự có mặt của chúng trong mỗi giây phút. Hãy quan sát và nhìn ngắm chúng môt cách nghiêm cẩn, thận trọng. Ðồng thời ta cũng phải ghi nhận luôn cả những gì (phản ứng tâm sinh lý) vẫn xuất hiện theo sau sự có mặt của chúng.
Cho dầu chúng có tế vi nhỏ nhiệm đến mấy, ta cũng vẫn chiêm ngắm. Còn nếu chúng quá kín đáo, nhẹ nhàng đến mức gần như không thể ghi nhận thì cứ cố gắng bới tìm cho được cái khía cạnh mạnh, rõ, nói chung là tính động.
Nên thường xuyên ghi nhận sức tác động, ảnh hưởng của chúng với nội thân chính mình dù dưới bất cứ hình thức nào. Trong công phu xử lý các trở lực phiền não, một người thiền sinh phải luôn biết đón nhận và làm thư giãn cho đến ngay cả thái độ tâm lý đối kháng của mình trước các phiền não trở lực.
Sau cùng rồi thì ta cũng phải luôn biết quay lại với công phu thiền tọa và tỉnh thức nhìn ngắm từng hơi thở ra vào bằng tất cả sự thư thái không can dự: Ðón chào và quan sát nó như đối với một người bạn cũ.
Ðưa ý muốn sang hành động
Trước hết, ta hãy chọn lấy một thế ngồi thoải mái, nhắm mắt lại và thử bỏ ra khoảng năm phút để theo dõi từng dòng tư tưởng đến đi. Trong suốt thời gian này, ta cứ bình thản nhận diện từng ý nghĩ một trong đầu mình khi chúng vừa xuất hiện.
Từ đó ta sẽ thấy rằng các luồng tư tưởng chẳng khác gì những bức tranh những dòng chữ hoặc cả hai, và song hành với các dòng tư tưởng luôn là cảm giác tâm lý, có thể là nhẹ nhàng nhưng đôi khi lại là những bức xúc nặng nề. Nhìn ngắm tư tưởng trôi đi, dĩ nhiên ta cũng phải ghi nhận tất cả những chi tiết đó của chúng.
Ðể việc quán tâm được như ý hay ít nhất cũng là dễ dàng hơn, ta phải học cách phơi trải nội tâm mình ra như một phông tranh sáng sủa, hay lồng lộng xuyên suốt như bầu trời trong xanh rồi lặng lẽ chờ đợi và nhận diện thật cẩn trọng từng tư tưởng lộ diện như con mèo ngồi rình chuột trong một hốc tối thích hợp. Cứ thế, từng tư tưởng đi qua, ta không bỏ sót tư tưởng nào. Cái này trôi đi, ta chờ cái khác trôi đến.
Ðiều tối trọng là vị hành giả đừng bao giờ để mình bị cuốn hút và mê hoặc bởi bất cứ luồng tư tưởng nào hết. Chúng ra sao cũng mặc, ta chỉ tri nhận môt cách hồn nhiên thôi. Các dòng tư tưởng có thể như tự tản mạn manh mún ngay khi mới vừa xuất hiện trong sự quan sát của ta, nhưng rồi sau đó đâu sẽ vào đấy, chúng sẽ lộ dạng nguyên hình. Ðối với nhiều người, chỉ trong năm phút ngắn ngủi đó có thể từ năm đến mười luồng tư tưởng khác nhau. Dùng đến con số toán học ở đây có vẻ không hay, nhưng nói vậy có nghĩa là trong từng phút giây thời gian, nội tâm chúng ta luôn biến động và trôi chảy không ngừng để có khi chỉ trong đôi ba phút, người ta có thể bị cuốn xô bởi hàng chục suy nghĩ mà không kềm hãm được.
Chỉ với Thiền định, người hành giả mới có thể thấy được từng hình thái tư tưởng, thấy rõ những gì vẫn thống trị nội tâm chính mình, như một bức tranh xuất thần hay những dòng chữ trêu ngươi nào đó mà chúng tôi vừa ví dụ ở trên.
Và điều sau cùng quan trọng hơn cả là chúng ta sẽ cảm nhận được cái kinh nghiệm rằng mình đã bằng cách nào, với cách điệu nào chiêm ngắm dòng luân lưu của tư tưởng thông qua một chánh niệm để chỉ ghi nhận chúng mà không bị chúng cuốn trôi, đồng hóa, huyễn hoặc bằng một ý niệm tự ngã, ngã sở nào hết. Ðiểm kỳ diệu của Thiền định nội quán nằm ngay ở chỗ này.
Ðời sống tỉnh thức qua Thất Giác Chi
Theo lối trình bày của giáo lý truyền thống, pháp môn Thất giác chi có vẻ như được trau dồi theo tính cách thời đoạn thứ lớp. Nhưng ở đây, trong công phu thực tế, tự hành giả có thể sống tỉnh thức với sự có mặt của cùng lúc bảy giác chi trong phút giây thiền tọa. Chúng ta có thể dành ra một thời gian nhất định nào đó để kiểm tra chúng trong chính thâm tâm của mình. Ðiều quan trọng là hành giả phải biết khách quan và bình tĩnh để nhìn ngắm chúng thật sự đang mạnh hay yếu, ngay khi chúng vừa sanh khởi, để biết được cái nào cần bổ sung, gia giảm. Ðặc biệt là đối với ba giác chi mang tính tĩnh: Ðịnh giác chi, Tỉnh giác chi và Xả giác chi.
Hãy chú ý lưu tâm đến những giác chi đang quá sung mãn bởi vì động lực thúc đẩy của chúng rất phức tạp. Chỉ cần vài tuần trực diện, ta sẽ hiểu được tại sao có khi chúng bất chợt trở nên thế nầy thế khác thôi. Nhất là phát hiện ra những gì ngăn trở chúng, và bên cạnh đó là sự dụng công tìm lấy một biện pháp hữu hiệu để trưởng dưỡng từng giác chi trong cuộc tu thường nhật của mình.
Pháp môn Niệm Phật
Phương thức này nếu được hiểu và được thực hiện đúng đắn thì vẫn là một nguồn tác động để khai sinh và trưởng dưỡng niềm tin cùng thiền dịnh. Sự suy tưởng về các pháp Ba La Mật và nhưng động lực giúp Bồ Tát làm tròn tất cả các đạo hạnh đó chắc chắn sẽ đem lại cho cuộc tu của chúng ta một niềm khích lệ.
Và để thực hiện điều này, chúng ta nên dành ít thời gian để học về cuộc đời Ðức Phật, về những câu chuyện tiền thân của Ngài và đặc biệt là những bài thuyết giảng giáo lý của Ðức Phật mà qua đó, chúng ta sẽ nhìn thấy được tất cả những gì cần được nhìn thấy ở Ngài. Thái độ quan trọng của chúng ta khi nhớ về Ðức Phật phải là nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn đời sống của Ngài với cuộc tu của chính mình.
Một phương thức niệm Phật khác nữa là chúng ta hãy tự cố gắng xem như Ngài luôn hiện diện thật sự ngay trước mặt mình. Nếu chúng ta thực hiện được điều đó thì có lẽ chúng ta cũng thừa hiểu mình sẽ thu hoạch được thành quả gì trong cuộc tu, ít nhất cũng là về mặt tâm lý tu hành.
Nuôi lớn tình thương
Trong đời sống thường nhật chúng ta có nhiều trường hợp và cấp độ để trưởng dưỡng và đánh thức tình thương vị tha. Ta có thể thực hiện điều đó ngay trong giờ tĩnh tọa, chỉ mình với mình. Những suy nghĩ hoặc các hình ảnh khả dỉ khơi gợi ở tâm hồn ta về những nổi khổ của người khác hoặc một sự liên tưởng nào đó có nội dung tương tự, ta hãy dồn hết tâm lực để tự đặt mình vào hoàn cảnh của người, thực hiện một tình thương và mối giao hòa, đồng cảm tương ứng.
Việc lập đi lập lại lời nguyện "mong cho tất cả luôn được an lành" cũng là một phương thức tốt để chúng ta tự nuôi lớn tình thương tha nhân ngay trong chính nội tâm mình. Lời nguyện này, buổi đầu là nhắm thẳng vào những đối tượng đang đau khổ và có thể được kéo dài trong đôi ba phút hoặc kéo dài suốt cả thiền tọa. Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể tự thực hiện một tình thương vô tư ngay đối với chính bản thân mình vào những giây phút nhận ra những đau khổ tâm sinh lý xảy ra trong giờ thiền định.
Ngoài ra, ta có thể trưởng dưỡng và thể hiện tình thương với mình và thái độ sống hướng về người khác. Những khi nhìn thấy ai đó đang bị đọa đày trong bất cứ hình thức đau buồn nào, ta hãy dành chút thời gian cho họ càng lặng lẽ, càng kín đáo thì càng tốt.
Hãy biết quan sát một cách cẩn thận tất cả những tâm lý phản ứng phức tạp luôn có thể xảy ra trong tâm hồn mình. Hãy thanh thản để mặt mọi thứ đến và đi, để giữ lại cho chính mình một thế giới nội tại yên tĩnh. Hãy nhìn thẳng vào người khác với một tình thương ấm áp và giản đơn, bất cầu báo và vô phân biệt. Nên thường xuyên có những tra vấn tự thân: Mình có hiểu được rằng mọi người đang triền miên đau khổ? Mình có tự tìm được rằng mọi người đang triền miên đau khổ? Mình có tự tìm được một chút gì giao hòa, đồng cảm với họ hay không? Giữa ta với người có một rào cản ngăn cách nào hay không? Tâm hồn của mình cũng được phơi mở hay vẫn bị khép kín?
Nói chung, điều cần thiết là ta phải tự biết xây dựng một mối quan hệ mật thiết và chân thật đối với tha nhân bằng niềm mong mỏi cho họ được hạnh phúc. Bằng vào tất cả khả năng có được, ta hãy thường trực thực hiện công phu này cho đến khi nào giữa mình với người có một sự giao cảm và thương yêu thật sự.
Thực hiện một tinh thần thiền định tự tại
Thái độ tự tại dĩ nhiên là tư thái căn bản, cốt lõi của Thiền Quán nhưng bằng vào pháp môn tu tập về bốn pháp phạm trú (Từ, Bi, Hỷ, Xả), tinh thần tự tại cũng vẫn có thể được phát triển như một phương tiện thiết yếu. Tinh thần tự tại thường song hành và được vận dụng để điều động lòng từ bi. Và mặc dù chúng ta có cố gắng trưởng dưỡng, tu tập một lòng từ bi vô lượng đối với tha nhân bằng tất cả những cố gắng san sẻ hết mình những nỗi đau khổ trên toàn thế giới nhưng chắc chắn vẫn luôn có nhiều trường hợp, tình huống mà chúng ta không thể nào tìm thấy được một chút trắc ẩn, bất nhẫn.
Thánh Francis đã có một lời nguyện rất nỗi tiếng: "Xin cho tôi có đủ sức mạnh để thay đổi mọi sự mà mình muốn thay đổi để tôi không phải bất lực trong khả năng đón nhận mọi sự, và xin cho tôi hãy có được cái trí tuệ để hiểu được những gì mà mình chưa biết đến". Một trí tuệ về nghiệp lý trong sự hiện hữu của tất cả chúng sinh luôn mang lại cho ta một tâm hồn sáng suốt cộng với một trái tim biết yêu thương không phân biệt.
Ðể có được một tư phong lẫn tâm thái tự tại, trước hết hành giả nên chọn lấy một tư thế ngồi thật thoải mái rồi nhắm mắt lại. Sau đó, hành giả tập trung tư tưởng vào hơi thở cho đến khi nào có được một sự cảm nhận chính chắn, khách quan rằng tâm sinh lý của mình đang ở trong tình trạng thật sự ổn định.
Tiếp theo, hành giả hãy bắt đầu chiêm ngắm trực tiếp vào nội tâm vốn đang được quân bình và tự tại của mình. Hãy tự cảm nhận như là một sự thưởng thức chính thực tại đó và nếu cần, hành giả có thể tự ám thị mình bằng những lời thầm thì mang ý nghĩa xác định thực tại: "Mong sao nội tâm tôi luôn được quân bình và an lành; mong sao tôi không bị quấy động bởi bất cứ tục sự nào,...".
Rồi hành giả nên tự mình quán xét tổng quát bản chất vô thường của mọi thứ trên đời: Cái gì cũng tự đến rồi đi, không có chi là trường tồn bất biến. Từ niềm vui cho đến nổi buồn, nỗi bất hạnh hay điều may mắn, con người, nhà cửa, súc vật, các dân tộc và kể cả toàn bộ các nền văn minh đều chỉ là bọt nước phù du.
Hành giả nên luôn tâm niệm rằng mong sao mình có thể điềm nhiên ngắm nhìn tất cả những đổi thay trên đời bằng một nội tâm tự tại thăng bằng, đồng tự phơi mở tâm hồn mình để thương yêu tất cả vạn loài mà vẫn bằng tâm thái đó. Ðể xác quyết trí tuệ về nghiệp lý "Mỗi người luôn chịu trách nhiệm về những sở hành thiện ác lớn nhỏ của mình", hành giả lại nên tiếp tục nuôi dưỡng ở chính tâm hồn mình cái khả năng yêu thương và tự tại trong mỗi biến cố của đời sống, dĩ nhiên vẫn với sự quân bình, điềm tỉnh và bình an của nội tâm.
Chiêm ngắm ý hướng hành động
Ðể hiểu được nghiệp lý, điều căn bản và cốt lõi là việc nhìn thấy phương thức vận động hoặc những khuynh hướng ý thức mang tính quy định một chủng tử tạo quả trong tương lai trong chính hành động mà mỗi người thực hiện. Từ đó suy ra, một sở hành (trong tam nghiệp) được điều động bằng thiện tâm thì kết quả tất yếu của nó sẽ là các quả lành.
Bằng ngược lại một sở hành được điều động bởi các phiền não thì hậu quả dĩ nhiên của nó sẽ là tất cả những gì cay đắng chua chát trong tương lai. Có điều là các quả nghiệp không phải luôn luôn là nhãn tiền nên ta phải nói rằng thật không dễ dàng gì nhìn thấy được quá trình quan hệ tương thuộc giữa nhân và quả.
Tuy nhiên trong đời sống thường nhật ta vẫn có lắm dịp để thấm thía một cách dễ dàng và trực tiếp vấn đề nghiệp lý xuyên qua trường hợp khẫu nghiệp, những ngôn ngữ đối giao với mọi người xung quanh. Chúng ta hãy làm một thử nghiệm bằng cách bỏ ra đôi ba ngày ghi nhận cẩn thận và trung thực từng động lực tâm sinh lý của mỗi lời nói mà mình phát biểu.
Hãy cố gắng nhìn thẳng vào từng phút giây tâm não trạng gắn liền với ý muốn phát ngôn, nhìn thẳng vào những động lực, phản ứng tâm lý vào cả sự chọn lựa ngữ ngôn của mình. Hãy cố gắng tỉnh thức để nhận diện tất cả những gì thúc đẩy ta nói, bất luận đó là một thứ tâm trạng thô tế, tốt xấu ra sao. Ðại khái, càng tỉnh thức càng tốt, đối với tất cả hình thái ý thức và những gì thật sự có tác động đến khẩu nghiệp của mình.
Ta chỉ nhìn ngắm thôi, một cách khách quan về đáy sâu thật sự của nội tâm mình, không thông qua một toan tính khuôn sáo nào cả. Hãy đơn giản ghi nhận các vận động sai biệt của ý thức cùng những ngôn ngữ mà chúng điều động.
Sau chừng đó nỗ lực, ta hãy tiếp tục ghi nhận ảnh hưởng của mỗi lời nói mà mình phát biểu: Ta sẽ phải nhận lấy những gì từ thế giới chung quanh khi ngôn ngữ của mình được phát biểu bằng một nội tâm nhỏ nhen, vị kỷ, cao ngạo,…? Người khác sẽ có phản ứng ra sao trước những câu nói đầy tình thương?
Qui luật nghiệp báo luôn buộc ta phải tự chịu trách nhiệm về tất cả những tác động của mình (mà mỗi người có thể chọn lựa) đối với thế giới chung quanh trong từng giây phút. Với sự khám phá tinh vi và kỳ thú về những năng lực nội tại này ở mỗi người cũng giúp ta tự qui định lấy điều kiện sinh tồn ngoại tại: Ta có thể chọn lấy cho mình một hướng đi an lành, giải thoát.
Tấm lòng vị tha
Hãy chọn ra một phút giây tĩnh lặngnào đó để tự hỏi lòng mình về khả năng yêu thương tha nhân. Trước hết, hãy ngồi im lặng trong đôi ba phút trong một tư thế sẵn sàng, thuận lợi cho việc trầm tư rồi tự nêu lên vấn đề đó với chính bản thân mình. Cứ sau mỗi tư tưởng tự vấn, ta hãy để lòng mình thanh thản trước khi trả lời và câu trả lời đó dĩ nhiên phải hết sức trung thực khách quan, tương ứng với trình độ của Từ tâm và Trí Tuệ bản thân.
Hãy tự tưởng tượng rằng nếu trong vài ba năm trước đây mình là một con người có những công trình phụng sự tha nhân một cách đáng kể, những đóng góp to tát cho thế giới, thì khi đó mình sẽ ra sao? Lúc đó, cái gì sẽ làm mình hạnh phúc nhiều nhất? Những đóng góp mà mình đã thực hiện cho thế giới liệu có mang lại cho mình một sự thõa mãn nào không?… Và quan trọng nhất là câu hỏi: "Kể từ ngay bây giờ đã có thể sống đời vị tha được hay chưa? Nếu được, thì tại sao chúng ta lại không bắt đầu đi?".
Nuôi dưỡng Chánh Niệm
1/ Lập một thời khóa tọa thiền mỗi ngày:
Ðây là một phương cách để trưởng dưỡng công phu thiền định thường nhật, đồng thời cũng giúp ta kiểm tra những chu trình của nó một cách dễ dàng. Hãy thử bỏ ra một hoặc hai tháng với một cuốn sổ tay để bên cạnh chỗ mình tọa thiền rồi viết vào đó, một cách trung thực, thời gian tọa thiền cùng tất cả những gì xảy ra trong tâm mình. Chẳng hạn: Ngày X tháng Y, ngồi được một giờ đồng hồ, phóng tán hướng ngoại hoặc trong sáng định tĩnh, có hoặc không những chấn động cảm xúc…
Cuối thời gian đã định, hành giả đọc lại tất cả để đánh giá chính xác được từng bước công phu của mình rồi tự đưa ra những hướng đi thích ứng. Chánh niệm sẽ qua con đường này mà được nuôi lớn.
2/ Tìm một ấn tượng để tập trung tinh thần (tạo thói quen tỉnh thức để tỉnh thức trở thành thói quen):
Hãy chú ý vào một hoạt động thường nhật nào đó mà ta thường thực hiện trong sự vô tâm rồi đưa hết chánh niệm vào đấy. Ta có thể lấy việc uống trà, tắm rửa, hoặc lái xe để làm bài thực tập bằng cách dành ra đôi ba phút trước khi bắt đầu làm việc đó. Công việc sẽ được thực hiện trong sự nhẹ nhàng, cẩn trọng và trở thành một công án thiền định tuyệt vời về thực tại, những gì đang xảy ra. Làm thế có nghĩa là hành giả đã mở ra tất cả cánh cửa lòng mình với vạn vật, với mọi sự. Ta có thể nuôi cái cảm giác rằng chính Ðức Phật đang từng bước có mặt bên cạnh cuộc tu của mình như một sự gia trì thiêng liêng.
Ở đây, ta thử sống trầm lặng và tỉnh thức như một người Nhật Bản uống trà đúng theo nghi thức Trà Ðạo, nhưng không dừng lại ở riêng một hoạt động nào mà là mọi hoạt động, luôn khi và mọi nơi. Công phu thực tập có thể kéo dài trong một tuần hay một tháng. Vấn đề thời gian không quan trọng, miễn sao chánh niệm của ta ngày một lớn mạnh thì thôi.
3/ Thực hiện một kiểu sống giản dị tự nguyện:
Cố gắng bỏ ra đôi ba ngày thử nghiệm một nếp sống không bị chi phối bởi một sinh quan văn minh hay tiện nghi nào để hòa mình với thiên nhiên. Trước hết hành giả ngồi lại trong im lặng rồi cố nhớ lại tất cả những gì là mật thiết trong đời sống bản thân bằng cách đưa vào tư tưởng mọi thứ mình đã sống qua: công việc, quan hệ xã hội, gia đình, nhà cửa, các hoạt động nổi bật, các thứ mình sở hữu được, những mục tiêu để vươn tới trong nay mai hoặc đời sống tinh thần hằng ngày…
Cứ mỗi một hình ảnh đi qua trong tư tưởng, hành giả hãy tự đặt cho mình một câu hỏi: Có phải nó chỉ khiến cho ta thêm rắc rối cuộc đời hay không?
Hành giả lại tự trả lời, vẫn trong thinh lặng và một cách trung thực sau khi tự phản tỉnh, soi rọi. Sau đó, nên có thêm một câu tự vấn khác: Nếu mọi sự được giàn xếp đơn giản hơn thế thì có phải là ta sẽ được hạnh phúc hơn không?
Mục tiêu của đời sống tinh thần phải là giây phút khám phá ra sự tự do, là sự hài hòa tích cực với cuộc đời chung quanh và nhận ra được bản chất thật sự trong sự hiện hữu của chính mình. Nếu cái cần thiết cho đời sống của chúng ta là việc giản dị hóa mọi sự và ta cũng đã tìm thấy được con đường để thực hiện nó thì hãy biết giữ nó lại cho mình như một hành trang để bước vào hành trình chuyển hóa, thăng hoa tâm linh.