Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Thiền định: Cách niệm hơi thở (Anapanasati) (Bài 3)

Thiền định: Cách niệm hơi thở (Anapanasati) (Bài 3)

187

Bài thuyết pháp sáng 16 tháng 9 năm 2008 của Đại đức Dhammapala
Khóa thiền từ ngày 14 tháng 9 năm 2008 đến ngày 23 tháng 9 năm 2008

 
Chuyển ngữ: Cô Nguyệt Minh, cô Viên Hương
Chuyển thành văn bản: Tu Nữ Santacitta 
 
Theo kinh niệm hơi thở , Đức Phật dạy cách niệm hơi thở có bốn bước. Bước đầu tiên là hơi thở dài, bước thứ hai là hơi thở ngắn, bước thứ ba là cảm giác toàn thân hơi thở. Trong các buổi nói pháp trước tôi đã giảng về ba bước này, hôm nay tôi giảng tiếp bước thứ tư.
Theo kinh Đức Phật dạy  bước thứ tư là:“
An tịnh thân hành ta sẽ thở vô, vị  ấy tập. An tịnh thân hành ta sẽ thở ra, vị  ấy tập
 
Ở đây thân là gì? Thân có nghĩa có nghĩa là toàn bộ thân của hơi thở vô và hơi thở ra. Nó được gọi là thân hành vì nó tạo tác hình thành hơi thở. An tịnh thân hành có nghĩa là an tịnh toàn thân hơi thở. Toàn thân hơi thở lại được gắn kết, nối liền với thân của cơ thể. Thân của cơ thể ở đây được hiểu là đầu, mình, chân, tay v.v…Vậy ngoài việc an tịnh thân của hơi thở thì còn phài an tịnh thân của cơ thể nữa. Tại sao lại như vậy? Ví dụ như khi hành thiền trên đề mục hơi thở, hành giả thường lắc nhẹ hoăc đu đưa về phía trước, phía sau hoặc sang hai bên. Đó là chuyển động của thân và loại sắc tạo nên chuyển động này cũng được sanh ra rừ tâm. Nói cách khác khi hành giả hành thiền mà đu đưa, lắc lư về phía trước hoặc phía sau  thì tâm hành giả cùng một lúc làm cả hai việc, một là sinh sản ra hơi thở, hai là sinh ra chuyển động  trên thân.
 
Vậy để an tịnh thân hành có nghĩa là hành giả phải an tịnh:
1/ An tịnh hơi thở
2/ An tịnh toàn thân, toàn cơ thể.
 
Lúc đó hành giả cần phải ngồi yên bất động giống như một pho tượng Phật vậy. Trong chú giải của Vô Ngại Giải Đạo có giải thích thân hành là gì? Hơi thở vô dài là thân và những hơi thở này vì gắn kết với toàn bộ cơ thể nên được gọi là thân hành. Khi cảm giác toàn thân về hơi thở vô, hơi thở ra, hơi thở dài, hơi thở ngắn, vì các hơi thở này gắn liền với cơ thể nên được gọi là thân hành, tức là những yếu tố hình thành nơi thân thể. Vị ấy tập để an tịnh làm đứng lại, làm lắng dịu tất cả những thân hành này. Vị ấy huấn luyện bản thân mình trong việc làm các thân hành trở nên định tỉnh, nhu nhuyễn, mềm mại và thư thái. .
 
Vị ấy huấn luyện tâm mình như sau:
-”An tịnh thân hành bằng cách làm lắng yên các hoạt động trên thân như lắc lư ra phía trước, phía sau và sang hai bên, làm yên tất cả các chuyển động,  rung  động, trạng thái rùng mình hay bị run trên cơ thể, bằng cách này ta sẽ thở vào hay thở ra.”
 
-”Ta sẽ thở vô và thở ra, an tịnh thân hành thô, an tịnh tất cả những thân hành thô bằng cách thay thế nó bằng những hoạt động của thân có tính chất vi tế mềm mại, thư thái mà không bị lắc lư ra phía trước phía sau hoặc sang hai bên hoặc không có các chuyển động rung chuyển mạnh”.
Ở giai đoạn này tiếp tục hay biết toàn bộ hơi thở từ đầu đến cuối, hành giả nghĩ như sau:
-” Ta sẽ làm an tịnh các thân hành bằng cách làm lắng yên các hoạt động trên thân như lắc lư ra phía trước, phía sau và sang hai bên, làm yên các chuyển động rung chuyển như trạng thái rùng mình hay bị run trên cơ thể. Bằng cách này ta sẽ thở vô hay thở ra”.
 
Và các thân hành thô ở đây được hiểu là hơi thở thô và trong Thanh Tịnh Đạo có lấy một ví dụ như sau, giả sử một người đứng yên lại sau khi chạy hoặc đứng yên lại sau khi  đi từ trên đồi xuống, hoặc đặt một vật nặng từ trên đầu xuống, lúc ấy hơi thở vô và hơi thở ra của người ấy rất thô, mũi anh ta không đủ (để thở), do đó anh ta phải tiếp tục thở vô và ra bằng miệng. Nhưng khi anh ta đã làm cho mình hết mệt, đã tắm rửa, uống nước và đắp một miếng vải ướt lên ngực, rồi nằm xuống trong bóng mát, lúc đó hơi thở vô và hơi thở ra của anh ta  trở nên vi tế đến mức anh ta phải kiểm tra xem mình có hơi thở  hay không.”
 
Cũng như vậy khi mới hành thiền, thân và tâm của hành giả chưa được yên nên hơi thở rất thô và không đều , càng lúc về sau càng trở nên vi tế đến nổi hành giả có cảm giác mình mất hơi thở. Tại sao lại như vậy? Vì trước khi tập thiền hơi thở không phải là đối tượng khả ái khả hỷ của hành giả như các đối tượng khác. Khi bắt đầu hành thiền hơi thở trở thành một đối tượng ưa thích, hành giả bắt đầu quan tâm đến nó, phản ứng và chú ý đến nó và kiểm tra nó luôn luôn, hiểu biết nhiều hơn về hơi thở  để nó có thể trở nên vi tế và an tịnh.. Khi thân và tâm náo động, trạo cử thì hơi thở bị quá mức và rất dồn dập. Khi thân tâm không còn xáo trộn nữa thì hơi thở  trở nên vi tế.
 
Bốn yếu tố giúp hơi thở trở nên an tịnh
1/ Quan tâm
2/Phản ứng
3/Tác ý
4/Phản khán
-Quan tâm là gì? Quan tâm có nghĩa là sự chú ý đầu tiên đến hơi thở , hướng tâm đến hơi thở với ý nghĩ ” Ta sẽ cố gắng làm cho hơi thở an tịnh”
-Phản ứng có nghĩa là hành giả tiếp tục làm đi làm lại bước ở trên, duy trì sự chú tâm đến hơi thở với ý nghĩ, ” Ta sẽ cố gắng làm cho hơi thở an tịnh”
-Tác ý: nghĩa đen của tác ý có nghĩa là ” quyết định trong tâm “Ta sẽ làm cho hơi thở an tịnh.” Tác ý ở đây là tâm sở  làm cho tâm hướng về đối tượng, làm cho đối tượng rõ rệt trong tâm.
-Phản khán có nghĩa là hành giả xét duyệt liên tục hơi thở để làm cho nó an tịnh thêm.
 
Vì vậy tất cả những điều hành giả cần làm ở bước thư tư là:
-Thứ nhất quyết định trong tâm là sẽ làm cho hơi thở an tịnh.
-Thứ hai có chánh niệm và tỉnh giác liên tục trên hơi thở.
Thực tập như vậy hành giả sẽ thấy hơi thở càng lúc càng trở nên vi tế. Khi định phát triển dần dần hơi thở trở nên rất an tịnh, nó trở nên nhẹ nhàng và nhu nhuyễn, rất khó có thể nhận biết, chính vì vậy được gọi là vi tế. Nếu quý vị thực tập như vậy thì có bốn giai đoạn phát triển.
1/ Thứ nhất hiểu rõ chiều dài hơi thở vào  xem nó ngắn hay dài
2/Thứ hai hiểu rõ chiều dài hơi thở ra xem nó ngắn hay dài.
3/ Thứ ba hiểu về toàn thân hơi thở ra-vào
4/Thứ tư là an tịnh hơi thở ra-vào để nó trở nên vi tế.
 
Đây là các bước tuần tự trên con đường mà hơi thở sẽ tiến triển. Đó cũng là bốn bước tuần tự để phát triển sự hiểu biết về hơi thở. Ở mỗi một giai đoạn sau hành giả sẽ biết rõ tất cả những giai đoạn trước đó. Ví dụ như khi hơi thở của hành giả đã trở nên vi tế thì lúc đó hành giả phải biết cả bốn điều như sau.
1-Thứ nhất hành giả cần biết đó là một hơi thở vô.
2-Thứ hai hành giả phải biết đây là một hơi thở vô dài.
3-Thứ ba hành giả cấn phải biết toàn thân hơi thở, tức là biết được điểm đầu, điểm giữa, điểm cuối
4-Thứ tư hành giả cần phải biết đó là một hơi thở rất vi tế.
 
Khi hơi thở chưa được vi tế lắm như đã nói ở phần trên, hành giả phải hướng tâm để làm cho nó an tịnh. Khi định tăng lên thêm hành giả cần phải nổ lực biết được toàn thân của hơi thở vi tế mà hành giả đang có. Đó là bốn bước phải được hiểu biết đầy đủ. Bằng cách này hành giả liên tục và không gián đoạn chánh niệm trên hơi thở. Sự hiểu biết về toàn  bộ hơi thở vô về chiều dài và tính chất của hơi thở vô này được tiếp nối với sự biết về các tính chất và chiều dài của hơi thở ra và tiếp tục nó lại được gắn liền với sự hiểu biết của hơi thở vô tiếp theo và cứ như vậy. Liên tục theo dõi hơi thở khi nó đi qua điểm xúc chạm, biết được tất cả các chi tiết của hơi thở  và hành giả không chú ý đến bất cứ một điều gì khác. Đây là yếu tố của sự kết nối liên tục tức là yếu tố miên mật
 
Nếu hành giả tu tập theo cách này với đầy đủ tinh tấn và  sự hoan hỷ, tâm định của quý vị sẽ được tăng cường và cuối cùng hành giả có thể đắc thiền. Khi định phát triển hơi thở càng lúc càng vi tế và rất khó có thể nhận biết. Rất nhiều hành giả gặp khó khăn trong việc nhận biết về hơi thở  trước khi nimitta xuất hiện.
Nhưng đừng nên thất vọng và đừng có ý nghĩ như sau, ” Ồ hơi thở của tôi đẽ trở nên không rõ rệt” vì điều này làm cho hành giả trở nên bực bội, cùng nghĩa với việc định tâm của hành giả sẽ bị sút giảm ngay lập tức. Thực ra điều này rất tốt, khi hơi thở trở nên vi tế như vậy. Tại sao? Vì khi nimitta xuất hiện  tâm của hành giả dán chặt vào nimitta và hơi thở không còn là một vấn đề phiền toái cho quý vị nữa. Tuy nhiên nếu trong trường hợp hơi thở vẫn còn thô tháo mà nimitta đã xuất hiện  thì cùng một lúc hành giả sẽ biết được hai đối tượng là hơi thở và nimitta. Với hai đối tượng như vậy, tâm không thể gom vào và hợp nhất được và định  không thể phát triển thêm lên, cho nên hành giả hãy hoan hỷ khi hơi thở nhẹ nhàng và vi tế hơn dù khó có thể  hay biết về nó.
 
Đối với các đề mục hành thiền khác trong thiền định, khi phát triển định tâm  đối tượng sẽ trở nên rõ ràng hơn, dễ thấy hơn, nhưng trong niệm hơi thở thì ngược lại. Khi phát triển chánh niệm trên hơi thở cao hơn, hơi thở càng lúc càng vi tế đến mức gần như mất luôn hơi thở. Khi đó hành giả không có khả năng nhận diện được hơi thở và do đó họ sẽ phải làm gì? Câu trả lời là, ” Họ không cần làm gì cả”. Đó là một dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ, nếu cứ cố để làm gì đó để thấy được hơi thở thì hành giả có thể mất định vừa được thiết lập và phải bắt đầu lại từ đầu. Nếu bắt đầu lại, tất nhiên định có thể được thiết lập, tăng dần nhưng đến một lúc hơi thở vi tế một lần nữa hành giả lại không nhận biết được về hơi thở. Cho nên tất cả việc mà hành giả cần phải làm ở đây  thay vì cố đi tìm hơi thở  thì họ chỉ việc định tâm vào điểm xúc chạm. Bất cứ khi nào khó có thể thấy được hơi thở thì hành giả chỉ việc quay về và hay biết điểm xúc chạm. Thế là đủ mặc dầu hơi thở trên thực tế không biến mất đi đâu cả, nhưng có thể nói hành giả nên kiên nhẫn chờ đến lúc hơi thở quay trở lại.
 
Để hoài nghi và trạo cử trong tâm không sanh khởi hãy nên để tâm thoải mái khi qúy vị suy xét điều này:  ai là người có hơi thở và ai là người không có hơi thở. Chỉ có bảy loại người không có hơi thở  là: người chết, thai nhi trong bào thai, người bị chìm dưới nước, người bất tỉnh, người đang nhập tứ thiền, người đang nhập thiền diệt tức là nhập diệt thọ tưởng định , một vị Phạm Thiên. Suy xét bảy loại người  trên hành giả  có thể hiểu rõ là mình vẫn còn hơi thở, mình vẫn đang tiếp tục thở,  bởi vì mình không thuộc một trong bảy loại người trên. Chỉ vì hơi thở quá vi tế nên hành giả không thấy nó được. Nguyên nhân ở đây là do Định vẫn còn yếu và chưa đủ mạnh. Hãy hiểu rõ điều này trong tâm rồi chỉ gắn tâm mình trên điểm xúc chạm và đợi cho hơi thở trở nên rõ rệt.
 
Có những hành giả khi đạt đến hơi thở vi tế như thế này, họ thường đưa tay lên mũi để xem mình còn hơi thở hay không. Xin quý vị đừng làm như vậy. Tôi sợ rằng tay quý vị lúc đó có mùi gì đó. Đối với những người mũi dài thì hơi thở xúc chạm ngay đầu mũi, đối với những người mũi tẹt thì  hơi thở sẽ xúc chạm ở phía môi trên. Do đó hành giả phải xác định rõ vị trí của điểm xúc chạm, đó là điểm mà nimitta sẽ chạm vào. Việc luôn ghi nhớ được điểm xúc chạm hính là lý do mà Đức Phật dạy chúng ta, ” Này các Tỳ kheo ta  không nói rằng những người sau đây sẽ thành tựu được đề mục chánh niệm hơi thở , đó là những người thứ nhất là thất niệm tức là những người hay quên và thứ hai là đối với những ai thiếu tỉnh giác, tức là  không thấy biết rõ ràng mọi việc” Đức Phật dạy chúng ta điều này bởi vì Ngài  là một đấng toàn giác. Trong khi tôi không là bậc toàn giác như Ngài, nên tôi dạy niệm hơi thở cho tất cả quý vị bởi vì tôi không đọc được tâm của quý vị xem ai là người thất niệm, ai là người thiếu tỉnh giác.
 
Dầu Đức Phật nói điều trên áp dụng cho tất cả các đề mục trong thiền định nhưng hầu như nó được ám chỉ nhiều nhất vào đề mục niệm hơi thở, vì với đề mục này hơi thở càng lúc càng trở nên an tịnh và vi tế khi đã phát triển được chánh niệm và đây là đề mục rất khó. Đây là đề mục mà các Đức Phật toàn giác, cũng như các vị  độc giác Phật và các đệ tử của Phật đều thực tập. Nếu chúng ta tu tập thực hành niệm hơi thở đúng theo cách mà Đức Phật chỉ dạy  thì chúng ta là đệ tử của Ngài . Tôi nghĩ nếu quý vị muốn thật sự trở thành con Phật thì quý vị phải thành công trong đề mục niệm hơi thở này. Quý vị có muốn trở thành con trai con gái của Phật không ?
 
Để thành công trên đề mục chánh niệm hơi thở thì hành giả cần có chánh niệm sắc bén và sự tỉnh giác cao độ. Chúng ta có thể so sánh những khó khăn lúc hành thiền với đề mục chánh niệm hơi thở giống như công việc của người may thêu. Khi thêu hoặc may trên một tấm vải rất mỏng và mịn thì cần có cây kim thật mảnh. Khi luồn chỉ vào lỗ kim nhỏ ấy ta cần một dụng cụ xỏ kim còn mỏng và sắc hơn cây kim. Để có thể làm được công việc thêu may này  chánh niệm giống như một cây kim nhỏ sắcvà mảnh và nó cần một lực mạnh mẽ để xuyên thủng tấm vải và tỉnh giác hoặc sự hiểu biết đầy đủ ở đây có thể ví như dụng cụ xỏ kim, tức là nó cũng cần có một lực rất mạnh và liên tục. Vì vậy cần thiết phải ráng sức và nổ lực thiết lập được một độ chánh niệm và tinh cần  và tỉnh giác cần thiết  và cần phải biết hơi thở ra-vào không ở một chỗ nào khác ngoài điểm xúc chạm .
 
Hành giả không được cố ý tạo ra hơi thở dài ngắn hoặc vi tế  theo ý của mình. Nếu hơi thở đã trở nên vi tế hành giả cũng không được thở mạnh lên để nhận biết hơi thở rõ hơn. Vì nếu làm như vậy Thất giác chi tức là bảy yếu tố cần thiết cho sự giác ngộ là tinh tấn và trạch pháp sẽ bị dư thừa một cách quá mức, đồng nghĩa với trạo cử và phóng tâm sẽ xuất hiện và lập tức định sẽ bị giảm sút. Tự hơi thở không trở thành khó nhận biết, nó chỉ không rõ rệt bởi các yếu tố trong thất giác chi là niệm, định và trạch pháp còn thiếu chưa phát triển đầy đủ. Cho nên tốt nhất là cứ để hơi thở diễn biến một cách tự nhiên. Có thể có lúc hơi thở dài, có lúc lại ngắn , tốt thôi , cứ để nó dài và ngắn như vậy  và hãy cố gắng để hay biết toàn thân hơi thở. Vì vậy nếu hơi thở vi tế thì lúc đó quý vị cần phải biết hơi thở vi tế này  dài hay ngắn. Nếu có thể tập trung vào toàn thân hơi thở vi tế đó trong vòng một đến hai tiếng đồng hồ mỗi một thời thiền, thì định của quý vị sẽ được tăng cường thêm.
 
Điều vô cùng cần thiết mà hành giả cần làm là luôn luôn thực tập một cách miên mật về chánh niệm trên hơi thở. Và điều quan trọng là hãy dừng tất cả các suy nghĩ, dừng nói chuyện và tôi thêm một điều nữa là tắt ngay điện thoại di động . Một điều quan trọng nữa là quý vị đừng tiếp khách, có ai đến thăm xin cũng đừng tiếp. Ngoài việc dừng suy nghĩ, dừng nói chuyện, đừng tiếp khách, trong tất cả các oai nghi như đi đứng nằm ngồi cần phải tập trung duy nhất vào một đối tượng là hơi thở chứ không chuyển tâm sang bất cứ một đối tượng nào khác. Xin nhắc lại là quý vị không để tâm vào bất cứ một đối tượng nào khác. Xin quý vị hãy dừng tất cả những suy nghĩ trong tâm, nghĩ vế nhà cửa, họ hàng, gia đình, công việc làm ăn. Quý vị chỉ làm một điều là hít vô thở ra.
 
Tôi xin dứt lời tại đây.
Nguồn: Thiền Viện Nguyên Thủy