Trang chủ Tu học Thiền chạm

Thiền chạm

187

Chuyến đi Ấn Độ đã làm tôi thay đổi. Xin đa tạ những nhân duyên lớn cho tôi có một chuyến đi đầy trải nghiệm như vậy, đặc biệt thời gian ở Dharamsala và Bồ Đề Đạo Tràng.

Hành trình đầu tiên đến Dharamsala đã cho chúng tôi được đảnh lễ tiếp xúc với những bậc thầy tâm linh khả kính. Tôi không chỉ xem đó là năng lượng mà còn là tư lương cho hành trình kế tiếp.

Tôi rất thích câu mà một ai đó nói rằng: “Thành công là hành trình chứ không phải đích đến”.

Câu nói này phù hợp với tư duy về nhân quả. Rằng một kết quả nào đó chỉ là khởi đầu cho một nhân duyên khác. Ngay cả cái chết cũng không phải đích đến mà là một cuộc hành trình.

Không dễ dàng gì để thấy hết mọi nghiệp quả thô tế (đã trổ và chưa trổ) một cách không gián đoạn ở đời này, nói gì đến đời trước và đời sau.

Tôi chỉ có duyên ở Bồ Đề Đạo Tràng được 7 ngày. Nhưng đó là 7 ngày thật tuyệt vời với tôi. Tôi nghĩ nói đến đời tu là nói đến quá trình (văn – tư – tu) và nói đến chuyển trạng thái từ ảo sang thực từ thực sang ảo là nói đến một cuộc hành trình.

Mọi mong đợi, mọi ước muốn, khát khao chưa đến chỉ là ảo, là mộng, là sân khấu của những hoá trang.

Tuy nhiên, hành trình đi tới vẫn phải nương gá vào những thôi thúc không thể tránh được ấy của những tham muốn, dục vọng đan chen. Không có nó, tồn tại này mất đi một phần sinh động.

Chuyến đi Bồ Đề Đạo Tràng chỉ có 4 người. Tôi sư đệ, một bà cụ và con rể của bà. Ban ngày chúng tôi đi chiêm bái các thánh tích. Chiều xuống chúng tôi đến cội Bồ đề ngồi thiền và kinh hành.

Mỗi buổi ngồi thiền khoảng 2 tiếng dưới cội Bồ đề là một trải nghiệm thú vị. Sau mỗi buổi như vậy tôi và sư đệ đều trao đổi và thảo luận với nhau.

Tôi là người a – ma – tơ về thiền, nhưng tôi có duyên với nó theo một cách nào đó mà chính tôi cũng không lý giải hết được.

Nếu bạn ngồi mà thấy mình đi vào một cảnh giới nào đó và biết bay thì có lạ không?

Điều đó lặp đi lặp lại cả 4 lần trong 4 ngày liền tại gốc Bồ Đề. Tôi xét lại bản thân, rằng mình có dục vọng nào muốn bay hay không? Không có một ấn tượng nào trong đầu cả, chỉ hiện ra những suy nghĩ mà tôi nghe được từ mấy hôm trước rằng một số nhà sư Tây Tạng khi thiền có thể nhấc mình lên khỏi mặt đất.

Tôi thán phục khả năng như vậy. Những khả năng mà tôi cho rằng nó xô đổ lý thuyết về lực hút, lực hấp dẫn mà người ta từng dán cho trái đất. Có phải vì thán phục mà tâm ma len lỏi vào chăng? Tại sao cứ ngồi khoảng 1 tiếng chuyện đó lại lặp lại, đặc biệt thân tâm khi ấy trở nên thư thái, dễ chịu khó tả.

Theo kinh nghiệm các bậc thầy chỉ dạy, tôi dừng và quay sang niệm thầm mật chú cho đến khi xả thiền.

Tôi có nhân duyên nào đó với bà cụ kia. Bà bị suy giảm thính lực, không nghe được nếu không nói thật to, và trong mấy ngày tôi đã bấm huyệt cho đến khi bà nghe rõ cả bằng hai tai.

Một hôm, sau khi thiền, đang đi kinh hành quanh tháp cùng tôi, bà chạy lên nói, thầy ạ, khi thầy bấm chạm đúng huyệt con đau đến chảy nước mắt nhưng tai con nghe rõ ra đến tám chín mươi phần trăm thầy ạ!

Không hiểu sao, tôi bị sững lại trong giây lát với câu nói của bà, mặc dù câu này tôi đã nghe không ít lần rồi.

“Chạm đúng huyệt” là câu nói vơ vẩn trong đầu tôi ở ngày thiền thứ 5.

Bà cụ tâm sự với tôi, tội con nặng lắm thầy ạ, tuổi trẻ không biết đến Phật pháp, lại trong hoàn cảnh khó khăn, con phá thai tới mấy lần. Con đi chùa nghe pháp nhiều năm nhưng lòng vẫn nặng trĩu, chỉ khi đến đây nói hết ra với Phật tổ Thích Ca lòng con mới nhẹ lại.

Con nói với các con con năm nào cũng cho mẹ sang đây tu tập sám hối vài tháng, lỡ mẹ không may có chết ở đây mẹ cũng mãn nguyện rồi.

Trở lại với chuyện ngồi thiền mà thấy mình bay. Tôi cho rằng đó ảo ảnh của tâm ma, của dục vọng thần thông biến tướng.

Nhưng không rõ tại sao tôi lại sững sờ với câu nói “chạm đúng huyệt”của bà cụ. Đó là nhân duyên gì?

“Chạm” (xúc)? Xúc, thọ, tưởng, hành, thức trong ngũ uẩn? Xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư của 5 pháp biến hành?

Xúc là gì mà ghê gớm thế? Tại sao nó dẫn đầu trong các món kia?

Tôi chẳng màng quan tâm gì đến chuyện bay nhảy gì trong thiền nữa.

Xúc, chạm, va… Đây rồi: “Thiền chạm”.

Tôi tự mỉm cười khi thấy cảnh người người chen chúc va chạm nhau. Họ va chạm nhau mà không ai giận ai cả. Nơi ấy không thích hợp cho cơn giận xuất hiện, còn ai giận thì cứ giận thôi, vì mọi sự va chạm không giống nhau, cũng do nghiệp lực cả.

Chen chúc và rồi xúc, chạm, va… Mây va vào núi hay núi chạm mây?

Tôi đã bay lên khỏi mặt đất trong cảnh thiền, nhưng mông tôi vẫn chạm đất. Trong cảnh giới ấy, tôi thoát ra khỏi lực hút hay tôi bị một lực đẩy đẩy lên?

Có lẽ tất cả không có hút hay đẩy, chỉ là va chạm bằng vật lý hay bằng tưởng mà thôi. Tác ý làm cho mọi thứ sai khác. Như lý tác ý thì thấy biết như vậy, như vậy, không khoa sức thêm bớt.

Không có vật nào hút vật nào. Tôi lại cười, hoá ra là như vậy. Tôi mỉm cười thêm một lần nữa khi hình dung lại cảnh hai “ông già” cụng đầu vào nhau trong buổi lễ cầu trường thọ. Đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Pháp chủ dòng mũ vàng.

Xúc (chạm), 2 cái trán chạm nhẹ vừa đủ thôi. Nghi thức này cho tôi một trải nghiệm khác lạ. Tôi bỗng thấy lạnh xương sống khi chứng kiến hình ảnh ấy. Bao lần trong đời tôi thấy khi giao tiếp người ta ôm vai nhau hay bắt tay nhau, nhưng chỉ thấy quen quen.

Tổ Trần Nhân Tông nói: “Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” (Mỗi lần chạm đến lại thành mới tinh).

Mọi thứ vẫn đang dịch chuyển trong một hành trình có trật tự hoặc không trật tự. Không trật tự sẽ nảy sinh va chạm.

Cách thức va chạm thế nào, xử lý va chạm thế nào chính là nghệ thuật ứng xử.

Trái đất vẫn đang quay trong một “ý thức” đủ để không dẫn đến một cú va gây chấn thương hay chết người. Tôi nói với sư đệ trái đất còn chưa say. Mặc dù thi sĩ Tản Đà đã nói “Đất say đất cũng lăn quay/ Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười”.

Nhưng vẫn có một vài thiên thể nào đó “đang say” với nguy cơ sẽ va vào trái đất. Có lẽ đó không phải lực hút, lực hấp dẫn mà là lực va. Gia tốc càng lớn lực va càng khủng khiếp.

Tất cả những hiện tướng đang trong hành trình chạm, va vào nhau. Đất chạm ta và ta chạm đất, êm ái, nâng niu. Trong tương quan của các duyên và điều kiện khác nhau, mọi chuyển động có thể làm cho những xúc chạm (nhẹ) trở thành va đập. Tuỳ mức độ chạm hay va đập mà sinh ra khổ thọ hay lạc thọ.

Chỉ nói với nhau vài câu nặng lời là từ đụng chạm sẽ trở thành va đập ngay rồi.

Mắt tôi chạm vào một bông hoa nếu thấy đẹp thì nó là cách chạm tinh tế mang tính thơ ca. Mắt tôi chạm vào bông hoa thấy nó xấu xí đáng ghét thì đó không phải chạm mà là mức cao của va đập. Cố ý va đập thì mức độ tổn thương cho cả hai sẽ tăng cao hơn.

Trái đất vẫn dịu dàng trong những cơn tức giận của gió bão, lũ lụt, động đất. Con người vẫn yêu chuộng hoà bình và nhân văn trong các cuộc chiến tranh khốc liệt.

Đó là các hình tướng của chạm và va đập, của say và tỉnh, của tĩnh và động, của trật tự và mất trật tự. Các pháp sinh khởi từ va chạm, tiếp xúc, như các làn sóng không ngừng vỗ vào bờ.

Không có định luật lực hút khi tôi đang bay trong cảnh giới của tôi. Còn mông tôi, chân tôi, lưng tôi, chạm vào mặt đất hay mặt đất chạm vào tôi và chạm vào vạn vật, thì tôi chưa rõ các “ý thức” ấy (giữa hữu tình và vô tình) có tương quan mật thiết nào không.

Chạm thì rung cảm, gần gũi lắm, nhưng va đập thì tuỳ mức độ từ đau điếng cho đến bị thương, thậm chí tàn phá, huỷ hoại thân thể.

Cho nên trong 3 nghiệp thân khẩu ý, cố gắng dừng ở mức đụng và chạm chứ đừng va đập với tâm sân nộ, hủy diệt. Người ta cứ nói suốt đạo Phật là đạo trí tuệ. Nhưng nếu nói nhiều tới mức quên bẵng luôn bốn Đức lớn của Phật là Từ – Bi – Hỷ – Xả, thì “trí tuệ” kia tiếc thay lại thành công cụ cho cay nghiệt.

Cuối năm 2023, có dịp gặp mặt anh Nguyễn Tường Bách và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, không hiểu thế nào anh Nguyễn Tường Bách lại hỏi, thầy Thanh Thắng có thiền không? Chủ đề này sẽ “lan man” khi gặp những hành giả có kinh nghiệm thiền lâu năm như anh Nguyễn Tường Bách và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Chỉ mong hôm nào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc xuống cốc chơi ít bữa để học hỏi thêm.

Hôm nay nói đến “thiền chạm” không với mục đích thêm bớt gì với thiền đi, thiền đứng, thiền nằm, thiền ngồi hay thiền ôm…

“Thiền chạm” chỉ là cách diễn đạt khác về “xúc” khi 18 giới (6 căn, 6 trần, 6 thức) va chạm nhau thưởng trực mỗi ngày.

Như lý tác ý thì thấy đúng như thực và dừng. Dừng mới an (an nhữ chỉ).

Xin tạm dừng ở đây!