Trang chủ Văn hóa Du lịch Thiên Ấn Niêm Hà –“Đệ nhất phong cảnh” của Quảng Ngãi

Thiên Ấn Niêm Hà –“Đệ nhất phong cảnh” của Quảng Ngãi

125

Chùa Thiên Ấn nằm trên núi Thiên Ấn thuộc địa bàn huyện Sơn Tịnh, núi nằm một bên sông Trà Khúc về phía bắc.

Núi cao 101m so với mặt biển, trên đỉnh bằng phẳng ước rộng gần 5 mẫu tây, bốn mặt gần như vuông phẳng, giống như một quả ấn kiềm úp sấp nên mới có tên gọi như thế.

Núi Thiên Ấn cùng với dòng sông trở thành biểu tượng cho sự vĩnh hằng của vùng đất này, như hai câu thơ của thi sĩ Bích Khê: “Ngàn năm quả Ấn nằm trơ mốc/ Một dải sông Trà chảy sậm xanh”.

Núi Thiên Ấn xưa có thể chất thiên nhiên đá son có thể dùng mài thành mực chấm sách vở chữ Hán.

Chân núi về phía Nam có gò nhỏ gọi là hòn Triệu, phía Bắc có núi La Vọng, phía Tây giáp núi Long Đầu và phía Đông giáp núi Tam Thai.

Niên hiệu Minh Mạng 11 (1830) có chạm hình núi vào Di đỉnh. Niên hiệu Tự Đức 3 (1850) được chọn vào hạng danh sơn và ghi vào điển tịch.

Đường lên Thiên Ấn tự được mở rộng vào năm 1930, xoay hình như khu ốc. Quanh sườn đồi lên tận đỉnh có những hàng dương liễu vi vu, có tàng cây cổ thụ rợp bóng quanh năm che tháp các vị Tổ…

Đối diện với cánh cửa tam quan Thiên Ấn tự không xa khoảng hơn 20m về hướng Tây Nam là mộ của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Đứng trên đỉnh Thiên Ấn, du khách có thể nhìn bao quát được những cảnh đẹp của Quảng Ngãi từ Cổ Lũy Cô Thôn, Long Đầu Hí Thủy, mũi Ba Làng An… cho đến Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn), Thiên Bút Phê Vân…

Ngắm nhìn cảnh đẹp Thiên Ấn, du khách nghe lòng lâng lâng và tai bỗng nghe tiếng chuông vang từ trên đỉnh cao xuống, âm thanh ngân dài theo dòng Trà Giang, xuôi mấy vạn thủy trình.

Trước tổ đình Thiên Ấn hiện nay có dựng tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng Kao Lanh trắng do Phật tử Quảng Ngãi từ miền Nam cúng dường.

Lòng mộ đạo, du khách sẽ đến viếng ngôi Tổ Đình được trùng tu năm 1961 trên khuôn viên nền Tổ Đình xưa “Thiên Ấn tự” sắc tứ đời vua Lê Dụ Tông.

Ngoài giếng Phật sâu 21m, nước trong vắt và ngọt lịm thì trước chùa có gác treo đỉnh chuông Thần đúc ở làng Chú Tượng (Mộ Đức) từ năm 1845.

Chuyện rằng khi xây dựng chùa, có đêm nằm ngủ, sư trụ trì được báo mộng phải vào làng đúc đồng Chú Tượng rước chuông về.

Khi ấy dân làng Chú Tượng cũng góp tiền cho các nghệ nhân đúc một chiếc chuông lớn nhưng đúc xong, đánh mãi không kêu. Thấy có các vị sư chùa Thiên Ấn vào kể điềm báo mộng, họ liền cho vời chuông về.

Chuông về núi Thiên Ấn, treo vào gác chuông, đánh lên một tiếng là ngân vàng khắp vùng. Bởi thế người đời gọi đấy là chuông Thần.

Chuông cao gần 2m, đường kính miệng chuông 0,7m, xung quanh có trang trí hoa văn rất đẹp và duyên dáng.

Hàng năm, tổ đình Thiên Ấn có cử hành 2 ngày lễ lớn là Lễ Phật Đản (15/4 ÂL) và Lễ Vu Lan (14/7 ÂL).

Thiên Ấn Niêm Hà không chỉ nổi tiếng là “Đệ nhất phong cảnh”, là núi thiêng của Quảng Ngãi, được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là BVHTTDL) xếp hạng thắng tích vào đầu năm 1990 mà còn là nơi hội ngộ, đàm đạo, xướng họa thơ ca của nhiều thế hệ thi sĩ nổi tiếng: Cao Bá Quát, Nguyễn Thông, Lê Kỉnh, Bích Khê, Nguyễn Viết Lãm…

Những thiền sư Hoa, Việt nổi tiếng như: Pháp Hóa, Bảo Ăn, Giác Tính, Khánh Vân, Hoằng Phúc, Diệu Quang…

Đặc biệt là hai nhà khoa bảng: Nguyễn Cư Trinh (Hương cống khoa Canh Thìn (1740)) và Phạm Trinh (Thủ khoa Mậu Ngọ (1918)) cũng đã có thơ vịnh Thiên Ấn Niêm Hà… “Phong cảnh ta đây thật rất xinh/ Niêm Hà có ấn của trời xanh/ Xem kia dấu tích còn vuông vức/ Nhận lại con sông rõ dạng hình/ Cách thức còn in đồ cổ tự/ Cỏ cây nào phụ tiếng chung linh/ Châu Sa để dưới chân chờ mãi/ Trấn chỉ sau lưng phía Cẩm Thành” (Nguyễn Cư Trinh).