Trang chủ PGVN Nhân vật Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức cho thế...

Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức cho thế giới

408
Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11/10/1926) là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam

Trong suốt quá trình lịch sử Việt, trên bình diện triết và đạo học, trí thức Việt chỉ có giao lưu với thế giới Âu Mỹ trên con lộ một chiều. Văn hóa Việt chỉ du nhập và tiếp thu những sản phẩm tư tưởng từ Tây phương – chứ chưa hề có nhân vật nào có khả năng khai mở một dòng tri thức từ Việt Nam để đem gieo giống tư duy ra nước ngoài. Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Nhất Hạnh) có lẽ là người đầu tiên và duy nhất đã làm được chuyện này.

Đó không phải là một đánh giá chủ quan quá cao – mà là một sự thể học thuật khách quan. Hãy đi vào Wikipedia, trang tự điển bách khoa trên mạng, gõ tìm “Thich Nhat Hanh”, để đọc danh sách những cuốn sách bằng Anh ngữ mà Thiền sư là tác giả. Hầu hết các tác phẩm trên đều đã được chuyển ngữ ra các ngôn ngữ lớn trên thế giới. Hãy đi vào các hiệu sách ở Âu Mỹ, trên những kệ sách về tôn giáo và triết học, để nhìn thấy hàng loạt sách của ông được trưng bày ngang với tầm nhìn của khách hàng.

Hãy đi vào các phòng sách giáo khoa của các đại học ở Hoa Kỳ và Âu châu để thấy những tác phẩm Nhất Hạnh là các đầu sách bắt buộc phải đọc cho sinh viên về các khoa tâm lý, triết học, tôn giáo và văn hóa. Ở các phân khoa Triết học và Tôn giáo tổng hợp Đông Tây, tư tưởng Thích Nhất Hạnh đứng vị trí cao trọng hàng đầu – có lẽ chỉ có đứng đằng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây tạng trong dòng triết học Phật giáo và Á châu.

Hạt giống tư tưởng mà Nhất Hạnh gieo cho khối nhân loại Tây phương là hai ý niệm Từ bi và Tỉnh thức. Có thể nói rằng, phong trào Chánh Niệm – Mindfulness – vốn đang lan tỏa trên nhiều bình diện văn hóa và tâm lý hiện nay ở Âu Mỹ được khởi động và phát huy bởi Nhất Hạnh. Đây là một hiện tượng văn hóa không mang nội dung hay hình thái tôn giáo – dù rằng gốc rễ của hai ý niệm về Tỉnh thức và Từ bi mang nội dung Phật giáo Đại thừa và truyền thống Thiền định Đông phương. Nhất Hạnh đã khai mở nền móng ý niệm Tỉnh thức từ gốc rễ Thiền của đạo Phật qua lăng kính và truyền thống Thiền của Việt Nam. Do đó, ta có thể nói rằng, tư tưởng và thực hành Chánh Niệm mà Nhất Hạnh khởi xướng và truyền giảng khắp thế giới chính là tư tưởng Việt Nam.

Tính ưu việt của tư duy đạo học và triết học Chánh niệm mà Nhất Hạnh truyền bá là khả thể vươn thoát khỏi tư tưởng nhà Phật truyền thống vốn đã từng mang nhiều sắc thái tôn giáo huyền bí. Nhất Hạnh – không những chỉ là một tu sĩ Phật giáo, mà là một triết gia Tỉnh thức – đã thành công trong việc kiến tạo một hệ thống tư tưởng tâm lý học và đạo học mới.  Bằng một hệ quy chiếu và tiêu chuẩn tư duy hiện đại, với một thể loại ngôn từ cập nhật, mang bản sắc thực nghiệm, tư tưởng Nhất Hạnh đã thẩm thấu sâu sắc vào tâm lý cũng như ý thức con người Âu – Mỹ hiện nay.

Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức cho thế giới - ảnh 1
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (ngồi giữa) tại chùa Từ Hiếu đầu năm 2019. Ảnh: Võ Thạnh. 

Chìa khóa thành công của Nhất Hạnh nằm nơi sự khai mở được lớp vỏ huyền bí của ý niệm Thiền định và tâm Từ Bi để chỉ thẳng vào trái tim Đạo lý mà trong đó đức tin thần học nay đã được chuyển hóa và nâng cao thành khả thể khai sáng cho tri thức và hành động. Từ đó, với Nhất Hạnh, phong trào Chánh niệm đang lan tỏa ở Âu Mỹ hiện nay là cả một trào lưu Hiện sinh mới cho các tầng lớp quần chúng ưu tú và trẻ trung nơi các khối nhân loại Tây Âu. Đây là một con lộ sinh thức thực tiễn trên nền tảng Tiếp-Hiện (Inter-Being) cho một đời sống Tinh thần không Tôn giáo – Spirituality without Religion.

Khi các thế hệ trí thức trẻ cấp tiến Âu Mỹ từ bỏ tôn giáo truyền thống cha ông, họ đã đi vào một khoảng trống sâu và lớn ở năng lực Tinh thần; khi mà triết học Tây Âu nay đã khô cạn hết niềm hứng khởi siêu hình mà chỉ còn loay hoay với phân tích ngôn ngữ, thì Nhất Hạnh đã mang đến cho khối nhân loại đó – vốn đang khao khát một đời sống Tinh thần – một bát nước Chánh niệm đơn giản và tươi mát nhưng không thiếu chiều sâu về bản thể và nhận thức luận.

Nhất Hạnh không nhân danh Chân lý, không tự cho mình là bậc Thầy để trao truyền kiến thức. Mà khác đi. Như là một người đánh khẽ tiếng chuông Tỉnh thức, Nhất Hạnh chỉ là người hướng dẫn cộng đồng nhằm khơi mở một câu chuyện bình dị, bắt đầu một cuộc đối thoại đơn giản – tất cả đều nhằm nhắc nhở nhân loại, rằng mọi sự Thật hay Ảo tưởng, Giác ngộ hay Vô minh, tất cả chỉ là hiện thân cho một tầm mức khai sáng nơi trình độ Tự ý thức và bản sắc sinh hiện trong Chánh niệm của từng cá nhân.

Nếu một ngày nào đó, bạn đi về một làng quê xa xôi ở miền Trung Việt Nam, bạn có thể sẽ thấy một em bé chăn trâu, ngồi bên ngôi mộ vắng giữa cánh đồng trơ trọi, chăm chú đọc Thả một bè lau của Nhất Hạnh, hay bạn bước vào một tiệm sách ở phố xá đông đúc Hà Nội hay Đà Nẵng, hay Tokyo, hay Madrid, bạn sẽ thấy độc giả đang đứng nhìn từng bìa sách của Nhất Hạnh – thì bạn nên nhớ rằng ở cùng thời điểm ấy, trong một căn hộ nhỏ ở Paris, hay nơi một ghế đá công viên ở Munich, hay là trong thư viện đại học Stanford, California, một sinh viên tâm lý học nào đó đang nghiên cứu The Miracle of Mindfulness (Phép lạ của Tỉnh thức), hay là một phụ nữ trung niên, một nhà giáo đã nghỉ hưu ở San Diego, Mexico City, đang đọc và thưởng thức về một bản sắc ý nghĩa của Chánh niệm với Understanding Our Mind (“Để hiểu về tâm trí”). Khi đó, bạn sẽ thấy câu chuyện gieo hạt giống Tỉnh thức của Nhất Hạnh đã được lan truyền và phổ cập hóa trên thế giới như thế nào. Và cũng lúc ấy, bạn cũng sẽ hiểu tại sao khối nhân loại cấp tiến tiền phong Tây phương đang đón nhận Nhất Hạnh với vòng tay lớn.

Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức cho thế giới - ảnh 2
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đi khắp địa cầu, gõ nhẹ từng tiếng chuông, gieo hạt giống Tỉnh thức cho nhân loại. Ảnh: BBC

Từ Jack Cornfield, nhà văn nổi tiếng, đến Jim Yong Kim, nguyên chủ tịch Ngân Hàng Thế giới, đến Marc Benioff, nhà sáng lập công ty Salesforce… là những học trò lừng danh của Nhất Hạnh. Họ không phải là những đệ tử theo truyền thống thầy-trò cũ. Họ đến với Nhất Hạnh trong tinh thần tư duy và đạo học duy lý và tỉnh thức.

Như bà Elizabeth Gilbert, một nhà văn Mỹ, được trích trong Wikipedia tiếng Việt, đã phát biểu về Nhất Hạnh rằng: “Nhà sư vĩ đại người Việt Nam, nhà thơ và sứ giả hòa bình, người đàn ông Việt Nam nhỏ nhắn này đã thu hút chúng tôi từng người một vào tĩnh lặng của ông. Hay có lẽ chính xác hơn nếu nói Thầy đã đưa từng người chúng tôi vào trong yên tĩnh chính mình, vào trong an tịnh mà mỗi người chúng tôi vốn đã sở đắc nhưng chưa khám phá hay khẳng định. Khả năng Thầy đã phát khởi trạng thái này trong tất cả chúng tôi, chỉ bằng sự hiện diện của Thầy – đây là một năng lực thiêng liêng. Và đấy là lý do ta tìm đến một Sư phụ: Với hy vọng là công đức của Thầy sẽ soi rạng cho ta sự cao quý khuất lấp nơi chính mình”.

Đến với từng người, từng cá nhân, từng nhóm nhỏ, hay với những khóa giảng cho cả ngàn người, từ hơn nửa thế kỷ qua, Nhất Hạnh đã đi khắp địa cầu, gõ nhẹ từng tiếng chuông, gieo hạt giống Tỉnh thức cho nhân loại. Từ nay, lịch sử tư tưởng và triết học Tây phương và Thế giới đã ghi thêm tên một triết gia quen thuộc, một nhà đạo học tiên phong – một con người đến từ Việt Nam: Thích Nhất Hạnh.

GS. Nguyễn Hữu Liêm