Vào lúc 19h58 ngày 13/5/2019, báo Người Lao động điện tử xuất bản bài viết có tựa đề “Giáo hội Quảng Ninh nói gì về việc bà Phạm Thị Yến tươi cười xuất hiện tại đại lễ Vesak?”. Bài viết mở đầu rằng “Hình ảnh bà Phạm Thị Yến cầm cờ tươi cười xuất hiện trong lễ diễu hành chào mừng đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc – Vesak 2019 được cho tại chùa Tam Chúc khiến rất nhiều người ngạc nhiên”.
Trong bài viết có đoạn “Trước đó, ngày 12-5, cư dân mạng chia sẻ hình ảnh bà Phạm Thị Yến trong trang phục màu đỏ, cầm cờ được cho chụp tại chùa Tam Chúc – nơi diễn ra đại lễ Phật đản khiến dư luận xôn xao vì một Phật tử có nhiều tai tiếng lại vẫn được chọn tham dự đại lễ này.”
Trong bối cảnh Đại lễ Vesak 2019 được truyền thông Nhà nước cũng như Phật giáo đưa tin rầm rộ thì bất cứ người dân bình thường nào cũng có thể nhầm lẫn rằng: cứ hoạt động mừng Phật đản nào thì cũng đều diễn ra ở Tam Chúc (Hà Nam). Việc phóng viên Yến Anh – Trọng Đức của Người Lao động có nhầm lẫn thì cũng là điều bình thường.
Thế nhưng!
Bởi vì phóng viên Yến Anh – Trọng Đức và báo Người Lao động đang đưa tin liên quan đến một tôn giáo, lại là tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam, có truyền thống gắn bó và đồng hành với dân tộc, là tín tâm của hàng chục triệu người dân Việt Nam, thì phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, cần phải có sự tham vấn với những Tăng Ni, Phật tử có hiểu biết, có thông tin đáng tin cậy.
Ấy thế nhưng không!? Báo Người Lao động cho đăng một bản tin mà bất cứ người Phật tử nào theo dõi tin tức Phật sự cũng cảm thấy nhẹ là sai sót lớn, nặng lơn là nực cười, sai trái đến mức bệnh hoạn.
Phật tử Yến diễu hành Phật đản như một Phật tử bình thường tại chùa Ba Vàng và trên địa bàn thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) – nơi chùa Ba Vàng tọa lạc bị báo Người Lao động viết là “được cho tại chùa Tam Chúc” – nơi vào lúc đó đang diễn ra một Đại lễ Phật giáo tầm cỡ quốc tế, có sự tham gia của cấp nguyên thủ của nhiều quốc gia, của nhiều lãnh đạo Phật giáo trong và ngoài nước.
Thủ đoạn báo chí bộc lộ rõ nét và kinh khủng: một người đang bị báo chí và dư luận chụp mũ là tội đồ lại ngang nhiên xuất hiện thách thức dư luận ở chỗ cần phải tôn nghiêm, trang trọng nhất.
Cái “được cho” ấy là một tin tức có thể gây phẫn nộ trong cộng đồng, trong dư luận như thế mà không hề có kiểm chứng, tham vấn, tìm hiểu kỹ càng.
Tôi đồ rằng tiêu chí của báo Người Lao động nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung hiện nay đều là lấy sự giật gân, câu khách, câu view lên hàng đầu bất chấp đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ báo chí.
Báo Người Lao động cũng đang tiếp tục giẫm lên vết xe đổ của báo Lao động, đó là không hiểu biết về Phật pháp và Phật sự nhưng lại vội vàng đưa tin, thậm chí phán xét, chụp mũ theo quan điểm thế gian, định hướng lệch lạc dư luận, gây mất tín tâm của quần chúng đối với đạo Phật, gây bất bình trong cộng đồng Phật tử đối với báo chí.
Nhưng có một giả thiết tệ hại hơn. Đó là báo Người Lao động biết sự thật nhưng bằng trí tưởng tượng phong phú, bằng dã tâm câu khách, đã tự dựng ra chuyện Phật tử Yến diễu hành Phật đản ở Tam Chúc.
Tại thời điểm bài viết này chuẩn bị hoàn thành (0h13 phút ngày 15/5/2019), tức là hơn 1 ngày kể từ ngày được xuất bản, bản tin trên báo Người Lao động điện tử vẫn sai sót, mặc dù trong phần phản hồi bên dưới bài viết này, vào lúc 6h52 ngày 14/5/2019, độc giả Duy Nguyễn đã cho biết sự kiện này diễn ra tại chùa Ba Vàng, chứ không phải Tam Chúc.
Mọi phản hồi của độc giả đều phải qua biên tập. Điều đó có nghĩa là báo Người Lao động biết bản tin có thể sai mà không chịu tìm hiểu và sửa bài, xin lỗi. Nó thể hiện sự vô đạo đức nghề nghiệp, coi thường độc giả, coi thường quyền nhân thân và nhân quyền, thiếu trách nhiệm xã hội. Nó vô cùng thâm độc và tệ hại.
Đạo Phật đề cập rằng chúng ta từ bi nhưng phải có trí tuệ. Không thể tặc lưỡi cho qua những sai sót, bới móc của báo chí. Phật giáo là chỗ tôn nghiêm, không phải để cho những kẻ ngoài cuộc thích viết gì thì viết, nhẹ thì quá mù ra mưa, gần chùa gọi Bụt bằng anh, nặng thì được đằng chân lân đằng đầu, định hướng dư luận một cách lệch lạc, sai trái, gây ra tổn phúc cho những người quen auto chửi, tạo cớ cho ngoại đạo đánh phá Phật giáo.
Chúng ta, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có tiếng nói lên án và cảnh tỉnh báo chí để họ thận trọng hơn khi đề cập về Phật giáo (chứ đừng yếu bóng vía chạy theo dư luận đang bị báo chí định hướng lệch lạc), cần biết nói không với báo chí, nhất là trong lúc này, bởi những thủ đoạn cắt ghép có thể được dùng cho mục đích giật gân, câu khách chứ không thiện lành gì.
Những vị loi choi như Tiến sĩ Nhật Từ cũng nên cẩn trọng trong phát ngôn, bởi nói nhiều quá, thị phi nào cũng nhảy vào thì lại thành ra xàm.
Có vẻ báo chí bắt đầu trả nghiệp.
Xem thêm các bài viết của tác giả Trần Trọng Hoàng tại đây