Trang chủ Nghiên cứu Phật giáo và Khoa học Thế giới tâm linh

Thế giới tâm linh

123

Đó là mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa cái trần tục và cái thánh thiện. Đó là nghịch lý giữa CON và NGƯỜI trong con người. Là con cho nên con người chỉ là hữu hạn trên tất cả mọi bình diện của cuộc đời. Điều mà nó quan tâm nhất là sự sống và cái chết và con người biết mình phải chết. Như ông Bành Tổ có sống đến 800 tuổi rồi cũng chết? Nhưng là người, con người muốn trường sinh bất tử, muốn trở thành vô hạn.


Là con, trong con người chứa chất đầy tham vọng mang tính trần tục: ăn nhiều, yêu lắm. Lòng tham của con người là vô đáy… Nhưng là người, nên con người lại muốn trở thành thánh thiện, trở thành cao thượng, linh thiêng đúng với nghĩa con người (chứ không phải thú vật).


Cái nghịch lý nằm ngay trong anh, trong tôi, trong tất cả mọi người và từng phút, từng giây trong từng ngóc ngách sâu kín của cuộc đời. Đâu đâu, bất cứ lúc nào con người cũng luôn luôn đối diện với chính mình trong tình trạng nghịch lý ấy. Ranh giới có khi chỉ mỏng manh như một sợi tóc.


Loài người đi tìm những giải pháp để cho cuộc sống được an sinh, cân bằng. Theo tôi, ít nhất loài người cũng đã tìm ra ba giải pháp:


– Bên cạnh cuộc đời thực hữu hạn và trần tục, họ xây dựng cho mình một thế giới bên kia vĩnh hằng, thánh thiện, linh thiêng.
– Tập trung mọi cố gắng lập nên những sự nghiệp để “lưu danh thiên cổ” trường tồn với non sông đất nước.
– Sinh con đẻ cái để kéo dài đời mình, dòng họ của mình.


Đi vào giải pháp thứ nhất chúng ta thấy trí tuệ và trí tưởng tượng của con người vô cùng vĩ đại, vô cùng phong phú. Tất cả các dân tộc trên thế giới đều xây dựng cho mình những biểu tượng về một thế giới bên kia, vừa nối tiếp thế giới bên này vừa là một thế giới vĩnh hằng, ở đó con người trở nên bất tử và hạnh phúc, rất khác biệt với đời thực.


Thế giới bên kia chính là thế giới tâm linh


Thế giới bên kia được nhận thức từ cái chết. Sự sống và cái chết là nỗi bận tâm lớn nhất của con người, vì ai cũng muốn sống, không ai muốn chết, và họ rất sợ chết. Manimovski đã từng nói: “Cái chết là sự khủng hoảng tối quan trọng và cuối cùng của cuộc sống”. Cái chết của một thành viên trong cộng đồng gây nên một sự sợ hãi, ngay trong những giấc mơ con người bàng hoàng hoảng sợ khi thấy mình bỏ xác đi lang thang trong một thế giới lờ mờ và nhất là khi thấy những người thân đã chết hiện về thậm chí còn đòi hỏi cái này, cái nọ…


Từ đó con người cảm nhận rằng con người có cả xác và hồn. Xác là cái trông thấy được, hồn là cái vô hình. Hồn và xác như là bóng với hình không thể thiếu vắng, do đó cuộc sống gắn liền với cái chết, người sống gắn liền với người chết. Phải chăng khi chết hồn sẽ rời khỏi xác và bay về thế giới bên kia. Với tâm thức đối xứng, con người cho rằng “hễ có cái này thì phải có cái kia”? Có thế giới bên này cho người sống thì phải có thế giới bên kia cho người chết. Nhưng con người không thể thấy được cái thế giới vô hình đó.


Bằng phương pháp suy luận, con người tưởng tượng ra thế giới bên kia như cùng tồn tại với thế giới bên này. Vì con người đã bày đặt ra các nghi thức thờ cúng để tỏ lòng tôn vinh và sự kính trọng các thần linh đầy uy lực siêu việt. Và sự gặp gỡ giữa người sống và người chết trong khi thờ cúng là những giây phút linh thiêng nhất. Đó là cội nguồn của cái thiêng trong đời sống tâm linh. Người Việt thường nói “có thờ có thiêng”.


Cho nên cái linh thiêng ấy bao trùm lên cả sự sống và cái chết, nó nối cái tâm của người sống với tổ tiên ông bà. Người ta đối xử với người chết cũng như người sống (Sự tử như sự sinh – Khổng Tử) nhưng với thái độ sùng kính. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy từ thời đại đồ đá cũ con người đã thực hành những nghi thức chôn cất người chết như rắc một lớp đất thổ hoàng dưới mộ, chôn người chết theo tư thế ngồi, sau này chôn theo đồ tùy táng (minh khí) rồi cắm bia, xây mộ… Bằng cách đó con người làm cho người chết trở thành không chết, cùng nghĩa với người sống cũng thành bất tử, tức là biến cái hữu hạn thành cái vô hạn.


Có thể nói sự chết mở ra thế giới tâm linh và đó là một tình cảm chỉ có ở con người, không thể có ở bất kì loài động vật cao cấp nào. C.Mac gọi đó là “Tình cảm tôn giáo” không thể thiếu vắng trong cuộc sống con người. Ông viết: “Nếu trong trái tim con người có một tình cảm xa lạ với tất cả số còn lại của các loài động vật, một tình cảm cứ tái sinh lại mãi, dù cho vị trí con người ở đâu, phải chăng tình cảm đó là một quy luật cơ bản của bản chất con người? Theo chúng tôi đó là tình cảm tôn giáo”.


Socrate cũng đã từng nói: “Cuộc sống là chung cho một cây cỏ nhưng chỉ con người mới có linh hồn. Con người sở dĩ thành con người một phần căn bản là do nó có đời sông tâm linh, nghĩa là tuân theo, tôn thờ những giá trị không vụ lơi, những giá trị bắt nguồn từ cái thiêng và cái bí ẩn, hai yếu tố tạo thành đời sống tâm linh”. Vì thế bản chất của con người là hướng tới tâm linh và tâm linh lại là thế giới vô hình, linh thiêng mà huyền bí, nó như là những ma lực hấp dẫn, kích thích con người hướng vào đó để giải đáp câu hỏi lớn của con người: ta là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu? mà trí tuệ của con người không thể giải thích được. Đó là cội nguồn của tư duy tôn giáo: cái thế tục và cái linh thiêng, cái hiện hữu và cái vô hiện hữu, cái có hạn và cái vô hạn… gắn kết với nhau như hình với bóng.


Vì vậy, còn loài người là còn đức tin tôn giáo, khoa học đẩy lùi mê tín dị đoan, nhưng lại đồng hành với đức tin tôn giáo. Hegel gọi cái tôn giáo là cái không cần bằng chứng, không thể chứng minh được, khoa học là cái phải có bằng chứng để chứng minh, còn nghệ thuật chỉ là cái cớ (nói cây ná, giá cây tre). Khi con người hướng tới cái tâm linh thì con người cũng hướng tới cái thánh thiện, tới cái đẹp bởi vì cái thiêng là chất keo kết dính và chuyển tải những giá trị đạo đức và thẩm mĩ của con người và cố kết cả một cộng đồng tộc người với nhau trong sự giao cảm thuần khiết. Và con người tưởng tượng ra một thế giới bên kia rất tốt đẹp không giống với thế giới bên này, thế giới trần tục mà con người còn nặng nợ với những dục vọng của trần ai. Từ “dieu” (thần thánh) có gốc của ngạn ngữ Ấn – Âu dieros = rực sáng ở trên trời, khu biệt với tối tăm ở dưới trần – nơi ấy đầy ánh sáng và vĩnh hằng. Muốn đến được nơi đó con người phải sống hướng thiện!


Như vậy từ thời ăn lông ở lỗ cho đến hôm nay, loài người dù sống bất cứ nơi đâu thuộc bất cứ dân tộc nào đều xác lập hai thế giới: thế giới trần gian bên này và thế giới tâm linh bên kia. Thế giới tâm linh trước hết là thế giới của thần thánh. Ở đấy có hai loại thần: nhân thần và tự nhiên thần và có sự chuyển hóa theo hướng “nhân hóa” các vị thần tự nhiên.


Tất cả những thần linh này ở trong thế giới tâm linh vô hình, huyền bí đều được con người xây dựng thành những biểu tượng và được hiện diện trong các lễ hội, nơi đó con người làm lễ để thông quan với thần thánh, và mở hội để xây dựng quan hệ cộng cảm trong cộng đồng dưới sự chứng giám của thần linh. Vì thế trong phần lễ bao giờ cũng.có các chất thiêng và sự xuất thần, còn trong phần hội luôn luôn phải vui và thăng hoa, nó là sự thể hiện giữa mối quan hệ giữa “đạo và đời”.


Để giao tiếp với thần linh, con người đã “mượn” những “vật thiêng” làm trung gian. Đó là những người thiêng (thầy cúng, ông mo, bà đồng…), những vật thiêng (mặt nạ, con rối…), những lời thiêng (lời khấn), những chữ thiêng (bùa chú), những hành vi mô phỏng hay dọa nạt, những điệu múa phấn khích, những lời tụng ca. Những thứ này đều được cách điệu hóa mang tính biểu tượng cao. Kèm theo những hành vi là những ma thuật với những năng lực đặc biệt: dẫm chân lên lưỡi cày nung đỏ, xuyên sắt qua cổ, qua bụng, phun ra lửa, dùng nước thánh chữa bệnh…


Theo C.A. Van Peurson, nhà triết học Hà Lan, thì trong nền văn minh nông nghiệp, khi con người và tự nhiên cùng với thế giới thần linh còn hòa đồng chưa có sự cách biệt thì vật siêu nghiệm có ở khắp nơi cùng với tồn tại xã hội. Thế giới là hiện thân của thần thánh. Ta gọi đó là văn hóa thần thoại, một nền văn hóa mở, trong đó con người gia nhập vào thần lực của vũ trụ bằng những câu chuyện và những biểu trưng. Khi ma thuật, phù phép xuất hiện cùng với thầy phù thủy nhằm biến quyền lực của thần thánh thành quyền lực của cá nhân, một thứ độc tài thì mô hình văn hóa trở nên khép. Con người chìm đắm trong mê muội, trong sự sợ hãi đối với ma thuật.


Sau này, trên cơ sở tín ngưỡng dân gian mà loài người xây dựng những đức in mới – tôn giáo. Chúng đều là những phương thức để nhận thức và cải tạo hiện thực theo ý của con người, chúng chỉ khác nhau về tính lịch sử. Khi con người xây dựng nên thế giới bên kia, con người càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của cuộc sống bên này và do đó con người rèn luyện cho mình một tinh thần nhân ái và thánh thiện hơn, kìm chế bớt những tham vọng của trần tục. Đó là cách cải tạo hiện thực như người ta nói, làm cho con người hướng theo tính thiện.


Xét về mặt đó, thì mọi tín ngưỡng, mọi tôn giáo đều có ý nghĩa góp phần giải phóng con người bắt đầu từ khi nó là người trong mối quan hệ với tự nhiên giữa con người và người trong con người. Tín ngưỡng hay tôn giáo đều hướng con người vươn tới nơi thần thánh linh thiêng, nơi niết bàn cực lạc hay nơi thiên đường của Chúa Giêsu, của Thánh Allah! thoát khỏi bị trở thành ma quỷ hay lũ Satăng nơi địa ngục. Muốn vậy con người phải kiềm chế những dục vọng và sống với nhau sao cho hợp đạo. Đó là giá trị đích thực của những đức tin thánh thiện. Những điều nghịch lý là: các trào lưu tư tưởng tiến bộ mà con người đã nghĩ ra và dồn mọi sức lực để thực hiện nhằm mục đích cao đẹp đó, thì trong thực tiễn xã hội lại cho thấy kết quả mang lại đều không như mong muốn, thậm chí có khi còn ngược lại.


Con người đang vật lộn trong quá trình tha hóa bởi chính những cái nó sáng tạo lên. Các tôn giáo muốn giải thoát con người ra khỏi cái hữu hạn để đi vào cái vô hạn, nhưng rút cuộc, các giáo hội cũng không vượt qua được cái hữu hạn của con người, họ tự xây tường cao trong bóng tối để không nhìn thấy con người thực của mình!


Giải pháp xây dựng một thế giới bên kia vĩnh hằng và thánh thiện và xây dựng một đức tin chết không phải là hết, theo tôi là một giải pháp tích cực giúp cho con người sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa, yêu cuộc sống hơn và không quá sợ hãi khi phải đối diện với cái chết. Từ cái đức tin ấy mà con người sáng tạo nên biết bao những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tạo nên bản sắc dân tộc – những biểu tượng văn hóa. Đó là những lễ hội những phong tục tập quán, những kho tàng văn nghệ dân gian, những chùa chiền miếu mạo, những di tích văn hóa. Điều mà ai cũng nhận thấy rằng vì coi thế giới bên kia là vĩnh hằng, là thiêng liêng nên con người đã tập trung trí tuệ, mọi năng lực sáng tạo, mọi của cải vật chất để xây dựng nên những kì tích mà họ không thể làm cho cuộc đời thường được. Một cái nhà ở (trần tục dù anh có ý định xây dựng đẹp bao nhiêu cũng không thể bằng khi người ta xây một ngôi chùa, một kim tự tháp làm nơi thờ cúng thần linh linh thiêng).


Vì vậy các giá trị văn hóa của các dân tộc còn lại cho đến ngày nay đều mang dấu ấn của đức tin ấy và nó được xem là một trong những động lực tạo nên những giá trị văn hóa và sự đa dạng của các biểu tượng làm cho những di sản này sống mãi với dân tộc, với non sông đất nước. Và, như trên đã nói, con người quan niệm có linh hồn và thể xác và chúng tồn tại như hình với bóng, do đó cái thiêng liêng bao trùm lên cả thế giới tâm linh và thế giới trần tục. Và từ đó con người cũng linh hóa những biểu tượng, những sự kiện trong đời sống thường ngày.


Người Việt Nam coi đất nước cũng có linh hồn. Do đó biểu tượng “hồn nước và tình yêu Tổ quốc là cái thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam, rồi những quan hệ, những tình cảm trong cộng đồng đều có chất thiêng của nó (tình mẫu tử tình yêu, tình đồng chí…). Và chính cái chất thiêng đó đã trở thành chất men kích thích, gắn bó con người hướng tới cái thánh thiện ngay trong cuộc sống đời thường.


Như vậy là con người ở đâu cũng phải sống cân bằng giữa đạo và đời, cân bằng giữa tâm và vật. Ở đâu và lúc nào, mất sự cân bằng đó sẽ tạo nên trạng thái hẫng hụt, rối loạn. Ở đây chúng ta nói đến đức tin của con người về một thế giới bên kia, còn thế giới ấy tồn tại thực hay không là một chuyện khác. Dù cho văn hóa của loài người rất đa dạng, nhưng con người vẫn tin rằng bên cạnh đời sống thực của họ còn có một thế giới bên kia – thế giới tâm linh, và với khát vọng khám phá, loài người từ khi sinh ra vẫn mải mê để tìm kiếm và bằng trí tuệ được tích lũy con người muốn giải thích… Và đó là một nhu cầu, thậm chí một nhu cầu mãnh liệt mà không một ai có thể ngăn cản được.


Trong một hội thảo quốc tế về văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh, có một giáo sư người nước ngoài hỏi tôi có tin vào thế giới bên kia không? Tôi trả lời là tôi tin và chắc rằng nhiều người Việt Nam cũng tin như tôi về thế giới bên kia. Họ quan niệm “sống gửi thác về” và vì thế sống ở trên đời phải “tu nhân tích đức” để về thế giới linh thiêng ở bên kia.


Ngày nay với tư duy khoa học, người ta muốn xây dựng một ngành học mới, ngành tâm linh học để tiếp cận với thế giới bên kia. Người ta dựa vào các dữ liệu sau:


1) Câu chuyện kể lại của những người cận tử – những người chết đi sống lại. Đó là những điều mà họ đã gặp trong thời gian hồn rời khỏi xác,


2) Tư liệu về những hiện tượng đầu thai tái sinh. Ví như gần đây báo chí đã nói tới một số hiện tượng đầu thai tái sinh của các em bé ở Bá Thước tỉnh Thanh Hóa. Những người này đã kể rất rõ về lai lịch cuộc sống trước kia của họ và những đấu vết cũ được ghi lại trên hình hài, tính cách trong cuộc sống tái sinh.


3) Những tư liệu sưu tầm và phân tích những giấc mơ (như là giấc mơ báo tin của Lômônôxôp về việc nhà bác học này tìm được xác cha, giấc mơ của Đan – nhà triết học Anh về hạm đội của Napoléon bị đắm 4000 người chết gần đảo Hêlen, sau đó thành hiện thực không chỉ có 400 người chết, những giấc mơ báo tin của những người đã khuất…


4) Tư liệu về những người có khả năng xuất hồn và nhập hồn (xung quanh những việc tìm mộ của những nhà ngoại cảm, những cuộc nói chuyện với người đã chết qua một người sông – mà ở Việt Nam gọi là lên đồng” …).


5) Thế giới ma và những căn nhà có ma..


Thời nào cũng có và ngày nay lại càng nhiều câu chuyện được kể gây cho con người một tâm trạng “bán tín bán nghi”. Tuy nhiên chúng ta cần phải lưu ý hai điều: một là, chúng ta phải tỉnh táo chống mê tín dị đoan và những kẻ lợi dụng đức tin để kiếm lợi và lừa dối quần chúng để thực hiện những ý đồ đen tối của chúng! hai là, nếu giả thiết rằng có một thế giới bên kia, thì muốn tiếp cận được chắc chắn người ta không thể dùng những phương pháp khoa học như chúng ta đang dùng hiện nay để tiếp cận với thế giới bên này, mà phải có một hệ thống phương pháp khác. Mọi suy luận của chúng ta về thế giới bên kia chỉ là những suy luận theo cảm thức đối xứng: bên này có gì thì bên kia có nấy, khác chăng bên kia là một thế giới ảo và ở đó chính là miếng đất của trí tưởng tượng. Con người chỉ có thể bằng trực cảm, bằng trải nghiệm mà cảm nhận được, chứ không thể lý giải được. Vì thế Hegel mới gọi tôn giáo là cái không giải thích được. Do vậy, những lý giải về thế giới bên kia, chúng ta có thể coi như những giả thiết chưa được kiểm chứng. Cuối cùng thì tin hay không tin là quyền của mỗi con người, nhưng đã là con người thì ai cũng rất bận tâm đến thế giới tâm linh và khát vọng hướng tới nó.