Đây cũng là niềm vui đầu tiên mà Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, người dẫn đầu Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam tham dự Diễn đàn đón nhận được từ những lời ca ngợi và sự trân trọng của nhiều vị lãnh đạo tâm linh Phật giáo, các nhà nghiên cứu tôn giáo và văn hóa đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Đoàn đại biểu Phật giáo Thái Lan đã nhận xét: Sự thống nhất Phật giáo của Việt Nam là một bước tiến dài mà Phật giáo Thái Lan cần học tập. Nhiều đoàn đại biểu Phật giáo các nước đã đánh giá cao sự phát triển vững mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là nỗ lực bền bỉ của Phật giáo Việt Nam, với sự ủng hộ của Nhà nước và Chính phủ, trong xây dựng, mở mang trường lớp, đào tạo tăng ni sinh, chuẩn bị cho một đội ngũ kế nhiệm trẻ, có trình độ kiến thức cao, nhạy bén, năng động, đủ đức đủ tài để lãnh đạo Giáo hội trong giai đoạn phát triển mới.
Các đoàn cũng đánh giá cao và mong muốn học hỏi kinh nghiệm tổ chức, thực hiện các hoạt động xã hội tích cực, hòa hợp giữa Đạo và Đời của Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Trí Quảng cho biết, đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam tham dự Diễn đàn gồm 8 thành viên là các Hòa thượng, Đại đức tuổi trẻ, học rộng, từng tu nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ tại nhiều nước trên thế giới. Các vị đều tham gia vào các nhóm thuyết trình, gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo các nước, các vị đồng môn tu để trao đổi, thảo luận, chia sẻ những mối quan tâm chung.
Qua trao đổi, các đại biểu đã đóng góp không chỉ về phương thức hành trì và truyền bá Phật pháp mà còn đề đạt nhiều giải pháp cho các vấn nạn thời đại. Các cuộc tiếp xúc giữa đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam và các cộng đồng Phật giáo khác bên lề Diễn đàn đã diễn ra một cách cởi mở, thuận lợi với nhiều đồng thuận thiết thực về trao đổi đào tạo tăng ni sinh, tăng cường hợp tác về văn hóa, giáo dục, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về tổ chức, xây dựng đường hướng và phương thức hoạt động của Giáo hội.
Hòa thượng Thích Trí Quảng nói: Các cuộc tiếp xúc đã mang lại một cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn cho cộng đồng Phật giáo thế giới về Phật giáo Việt Nam với vị thế, vai trò và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng ở trong khu vực.
Tại Diễn đàn này, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã có bài phát biểu về “Những tư tưởng hòa bình, hòa hợp của Phật giáo Việt Nam”, chỉ rõ sự đồng hành mật thiết và vị thế đặc biệt của Phật giáo trong lòng dân tộc Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực hoạt động của đất nước thông qua những sinh hoạt đa dạng và tràn đầy sức sống. Nhờ vậy, Phật giáo Việt Nam đã tồn tại và phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, hiện hữu trên quy mô toàn quốc và toàn diện với những đóng góp lớn lao về từ thiện, xã hội, y tế và văn hóa cho cộng đồng xã hội Việt Nam.
Đề cập tới những chủ trương, chính sách của Việt Nam đối với tôn giáo trong những năm qua, Hòa thượng Thích Trí Quảng nói: Tôi rất vui mừng vì những bước tiến dài trong hoạch định và ban hành chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản, Nhà nước và Chính phủ, thể hiện rõ sự đổi mới và cái nhìn cởi mở. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền các cấp và các tôn giáo có mối quan hệ mật thiết, thông hiểu nhau, gần gũi và gắn bó chặt chẽ trong nhiều công việc chung của thành phố. Hòa thượng nói thêm: Tôi cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có đề nghị gì ngoài một mong muốn được tạo điều kiện để Phật giáo đóng góp xây dựng, phục vụ đất nước ngày càng tốt hơn.
Hòa thượng Thích Trí Quảng còn vui mừng cho biết, đề nghị của Hòa thượng về việc Nhà nước, Chính phủ tạo điều kiện để Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo lần thứ 7 vào năm 2009 đã được lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ ủng hộ nhiệt thành, với khẳng định “sẽ sớm trình Chính phủ và lên kế hoạch hỗ trợ cụ thể”./.