Đó là cái nhìn của Phật giáo đối với tất cả các hiện tượng trong vũ trụ cũng như đối với sự sống và cái chết của từng cá thể.
Thế nhưng con người thường không chấp nhận quy luật biến đổi liên tục ấy của mọi hiện tượng và xem sự sinh là một biến cố mới mẻ đánh dấu một sự khởi đầu, cái chết là một sự chấm dứt hay xóa bỏ. Trên thực tế sự sinh không xảy ra một cách vô cớ mà cần phải có một nguyên nhân từ trước và hội đủ một số điều kiện nào đó. Mặt khác nếu sự sinh tạo ra các nguyên nhân và điều kiện cần thiết giúp cho cái chết có thể xảy ra, thì chính cái chết nhất định cũng tạo ra các nguyên nhân khác và các điều kiện khác giúp một sự sinh mới có thể hình thành. Quá trình diễn tiến của sự sinh đưa đến cái chết thì mọi người đều biết, thế nhưng quá trình của cái chết đưa đến sự sinh lại là một câu hỏi rất lớn, một « khoảng trống » khó nắm bắt.
Dựa vào các phương pháp quan sát, phân tích và các kỹ thuật thiền định, Tan-tra thừa, còn gọi là Kim cương thừa, ra sức tìm hiểu thật chi tiết các hiện tượng biến động xảy ra giữa hai biến cố trên đây, tức những gì xảy ra giữa cái chết và sự sinh của một cá thể. Hơn thế nữa Tan-tra thừa còn đưa ra các phép tu tập giúp chủ động được các thể dạng xảy ra trong các giai đoạn của quá trình đó để hướng chúng vào sự tu tập với mục đích « chận đứng » hay « ngắt bỏ » quá trình của sự sinh để đạt được sự Giải thoát thật sự.
Một cách tổng quát đối với Phật giáo Đại thừa nói chung và nhất là đối với Tan-tra thừa, các hiện tượng xảy ra giữa « cái chết » và « sự sinh » được phân chia thành ba giai đoạn :
a) giai đoạn thuộc quá trình của cái chết : tức quá trình tan biến của thân xác và tâm thức thuộc kiếp sống hiện tại.
b) Giai đoạn trung gian : tiếng Phạn gọi là Antarabhava, tiếng Tây tạng gọi là Bardo : tức là giai đoạn chuyển tiếp giữa quá trình trên đây và quá trình hình thành còn gọi là sự sinh xảy ra sau đó.
c) giai đoạn thuộc quá trình của sự sinh tức là quá trình diễn tiến của sự thụ thai và sự hình thành một cá thể thuộc vào kiếp sống sau.
Thể dạng trung gian còn gọi là Trung hữu hay Trung ấm là một hiện tượng cấu hợp, do đó nó cũng vô thường và sinh diệt như tất cả các hiện tượng khác. Tuy nhiên khái niệm về thể dạng Trung gian của các tông phái Phật giáo không hoàn toàn thống nhất. Sau đây là phần trình bày thật sơ lược vài nét chính về thể dạng trung gian đối với Phật giáo nguyên thủy, Đại thừa nói chung và Tan-tra thừa.
A- Khái niệm về thể dạng trung gian đối với Phật giáo nguyên thủy và Đại thừa
Phật giáo Nguyên thủy hay Theravada còn gọi là Phật giáo Nam tông không chấp nhận sự hiện hữu của thể dạng trung gian (antarabhava). Đối với Phật giáo Nguyên thủy, dòng tiếp nối liên tục của tri thức (continuum of conciousness) trực tiếp chuyển tải nghiệp của một cá thể từ cái chết sang sự sinh (thụ thai) không có sự gián đoạn nào tức không trải qua một thể dạng trung gian nào cả. Sự « chuyển tiếp » giữa thể dạng hiện hữu trước sang thể dạng hiện hữu tiếp theo sau xảy ra rất nhanh chỉ trong khoảnh khắc của « một chớp mắt hay một tia chớp ».
Tóm lại Phật giáo Nguyên thủy không quan tâm đến những gì xảy ra giữa cái chết và sự sinh. Có thể đây là một sự thiếu sót, vì khi quan sát và theo dõi diễn tiến của một cái chết bình thường, người ta thấy quá trình đó không xảy ra đột ngột như một « tia chớp », và đối với sự sinh thì các điều kiện thuận lợi giúp tinh trùng, noãn cầu và dòng tiếp nối liên tục của tri thức kết hợp với nhau không xảy ra trong « chớp mắt ».
Khái niệm về thể dạng trung gian xuất hiện trước nhất trong học phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivadin), khoảng ba trăm năm sau khi Đức Phật tịch diệt. Có thể tập A-tì Đạt-ma Câu-xá luận (Abhidharmakosa) do Thế thân (Vasubandu – thế kỷ thứ III-IV) biên soạn là tập sách đầu tiên nêu lên khái niệm về thể dạng trung gian xảy ra giữa cái chết và sự sinh. Thể dạng này tượng trưng bởi một sinh linh cấu tạo bằng « khí » và « tri thức » (consciouness), mang hình hài của cá thể mà nó sắp tái sinh và « sống » được bảy ngày. Sinh linh trong thể dạng trung gian ấy có thể nhận biết được các sinh linh cùng một thể loại với nó. Sau bảy ngày thì nguyên nhân của nghiệp bắt đầu « chín », sinh linh ở thể dạng trung gian trên đây sẽ chuyển sang thể dạng tái sinh trong những điều kiện phù hợp với nghiệp của nó.
Cũng theo học phái Nhất thiết hữu bộ, các sinh linh trong hai cõi dục giới và hình tướng đều phải trải qua một thể dạng trung gian antarabhava giữa quá trình tan biến của cái chết và quá trình hình thành của sự sinh. Ngoài khái niệm về thể dạng trung gian trên đây do học phái Nhất thiết hữu bộ chủ trương, còn có thêm một học phái xưa khác là Tự ngã bộ (Pudgalavada) cũng chủ trương bắt buộc phải có một thể dạng trung gian chuyển tải dòng tiếp nối liên tục của tri thức từ một cá thể (pudgala) này sang một cá thể khác.
Trong số các tông phái Đại thừa, Duy thức học (Yogacara – Cittamatra) đặc biệt nghiên cứu và chú trọng đến thể dạng trung gian antarabhava. Học phái Duy thức nêu lên khái niệm về một « cơ sở » giữ vai trò « hỗ trợ » hay « chuyển tải » tri thức (consciousness) xuyên qua các thể dạng hiện hữu khác nhau. Cơ sở này chính là a-lại–da thức (alayavijnana). chuyển tải các vết hằn (tiếng Phạn : vasana – kinh sách tiếng Việt gọi là tập khí) của nghiệp và các chủng tử (tiếng Phạn : bija) tạo ra thể dạng tương lai của một cá thể. Tóm lại trên một khía cạnh nào đó có thể hiểu a-lại-da thức là dòng tiếp nối liên tục của tri thức (continuum of consciousness) của một cá thể, vận hành xuyên qua thể dạng trung gian. Tan-tra thừa « mô tả » các cơ sở chuyển tải trên đây dưới hình thức các « khí » cực tinh tế.
Vô trước (Asanga, thế kỷ thứ V) trong tập A-tì Đạt-ma tập luận (Abhidharmasamuccaya) cho biết trong trường hợp cái chết xảy đến với một người mang nhiều nghiệp tiêu cực nửa phần cơ thể bên trên của người này mất hơi ấm trước nhất, trái lại trong trường hợp cái chết xảy đến với một người đạo hạnh thì hơi ấm khởi sự suy giảm trước hết từ nửa phần bên dưới của cơ thể. Vô trước còn cho biết thêm « đối với người hung ác, sinh linh trong thể dạng trung gian mang hình tướng một con bò mộng đen tuyền hoặc tương tợ như bóng tối dầy đặc, [trái lại] đối với người đạo hạnh [sinh linh trong thể dạng trung gian] sẽ giống như một tấm vải trắng hay ánh sáng trăng rạng rỡ » (trích trong tập Abhidharmasamuccaya, dựa theo bản dịch của W. Rahula). Sinh linh trong thể dạng trung gian « sống » bảy ngày, hoặc nhiều hơn, tuy nhiên cũng có thể « chết » trước thời hạn đó. Sinh linh này rất linh động vì không có chướng ngại nào ngăn cản được sự di chuyển của nó.
Sinh linh trong thể dạng trung gian « chết » đúng vào lúc hình thành sự thụ thai. Dục vọng, lòng mong muốn được tái sinh và sự bám víu vào một nơi chốn nào đó là những động cơ thúc đẩy các sinh linh trong giai đoạn trung gian đi tìm các điều kiện tái sinh phù hợp với nghiệp của mình. Thời điểm khi xảy ra sự sinh (thụ thai) đánh dấu sự chấm dứt của thể dạng trung gian và xác định sự thâm nhập của tri thức vào phôi vừa được hình thành. Cũng bắt đầu từ thời điểm trên đây phôi hàm chứa một tri thức mới, tượng trưng cho quả phát sinh từ nghiệp trong các kiếp trước. Thông thường thể dạng trung gian kéo dài 7 ngày, tối đa 49 ngày sau khi chết. Tuy nhiên theo sự tin tưởng của một số tông phái Phật giáo Nhật bản thời gian này có thể lên đến 77 ngày.
B- Thể dạng trung gian đối với Tan-tra thừa
Khái niệm về thể dạng trung gian được Tan-tra thừa và nhất là Tối thượng du-già Tan-tra nghiên cứu, tu tập và quảng bá rộng rãi. Tan-tra thừa sử dụng các phương pháp quan sát, phân tích và thiền định để tìm hiểu các hiện tượng liên quan đến quá trình của cái chết và sự sinh để ứng dụng vào việc tu tập. Cái chết theo Tan-tra thừa là một quá trình tan biến tuần tự của thân xác vật chất và tâm thức, các hiện tượng tan biến này được phân loại thành nhiều cấp bậc từ thô thiển đến tinh tế và cực tinh tế.
Sự tan biến thể xác có nghĩa là thân xác vẫn còn đó thế nhưng các thành phần vật chất tạo ra thể xác không còn hội đủ khả năng để « hỗ trợ » hay « chuyển tải » tâm thức nữa. Sự tan biến của tâm thức hay các thể dạng tâm thần có nghĩa là « khí lực » hay các loại « khí » mất dần khả năng « chuyển tải » các loại cảm nhận và khái niệm. Hai loại hiện tượng tan biến vật chất và tâm thần trên đây diễn tiến song hành với nhau : sự tan biến của các khả năng vật chất xảy ra cùng lúc với sự tan biến của các khả năng tâm thức. Sự tan biến hoàn toàn các khả năng của các thành phần vật chất và tâm thức đánh dấu sự chấm dứt của quá trình của cái chết, tức cái chết thực sự đã xảy ra.
Các hiện tượng tan biến trên đây không nhất thiết chỉ xảy ra trong quá trình của cái chết mà còn thường xuyên xảy ra trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn như khi chợp mắt để ngủ hay khi bất chợt rơi vào sự bất tỉnh. Vì thế khái niệm về thể dạng trung gian antarabhava không nhất thiết chỉ dùng để mô tả giai đoạn trung gian sau khi chết (post-mortem) mà còn dùng để chỉ định các sự biến đổi quan trọng khác của tri thức có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống hàng ngày.
Tóm lại thể dạng trung gian chỉ định một giai đoạn « chuyển tiếp » không hề xác định một sự « chấm dứt » nào cả. Theo Tan-tra thừa việc tu tập cũng là một hành động liên tục, do đó phải lợi dụng bất cứ thể dạng tâm thức nào xảy ra trong các quá trình trên đây để làm hiển lộ « ánh sáng trong suốt » (tiếng Phạn : prabhavasvara, tiếng Tây tạng : ‘od-gsal) của tâm thức căn bản hay nguyên thủy. Vì thế các biến đổi quan trọng của tri thức trong giai đoạn trung gian được xem như các « dịp may » hay các « biến cố » thuận lợi giúp người tu tập có thể làm hiển lộ và trực tiếp cảm nhận thể dạng tự nhiên của ánh sáng trong suốt.
Sau đây là các khái niệm về thể dạng trung gian bardo theo các trường phái Tan-tra khác nhau :
Ninh-mã phái (Nyingmapa) là một trường phái xưa, xuất hiện rất sớm khi Phật giáo bắt đầu bành trướng ở Tây tạng vào khoảng thế kỷ thứ VIII-IX. Trường phái này nghiên cứu rất tỉ mỉ thể dạng bardo. Rất nhiều kinh sách thuộc chi phái Dzogchen trong Ninh-mã phái mô tả rất chi tiết về thể dạng trung gian này. Trong số các kinh sách vừa kể có một tập rất nổi tiếng là Bar-do thos-grol, còn viết là Bardo thödol, có nghĩa là « Giải thoát khỏi thể dạng trung gian bằng cách nghe ». Thế nhưng tập sách này khi được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau lại thường mang tựa đề không trung thực với nguyên bản, chẳng hạn như « Tử thư Tây tạng », « Le livre de la mort tibétaine », « The Tibetan book of the Dead », v.v…, cách dịch không chính xác này có thể gây ra hiểu lầm về nội dung của quyển sách.
Theo Phật giáo Tây tạng có tất cả sáu thể dạng trung gian, thế nhưng thường thì được gom lại thành bốn thể dạng như sau :
I- Thể dạng bardo tự nhiên của sự sống (tiếng Phạn : jatyantarabhava, tiếng Tây tạng : skyes-gnas bar-do) : đó là giai đoạn khởi đầu từ giây phút thụ thai cho đến lúc hội đủ các điều kiện làm phát sinh ra cái chết.
Sở dĩ thể dạng bardo của sự sống giữ được tình trạng tương đối « ổn định » trong một khoảng thời gian nào đó là nhờ vào những nghiệp làm phát sinh ra sự sống ấy vẫn còn bảo tồn được tiềm năng tác động của chúng để duy trì sự sống ấy trong một cõi thuộc sáu cõi luân hồi. Nói một cách khác khi nào các nghiệp ô nhiễm làm phát sinh ra sự sống còn duy trì được một số hiệu năng thì khi ấy sự sống vẫn còn tiếp tục giữ được một sự tương tác thăng bằng nào đó để hiện hữu. Vì thế cũng nên hiểu rằng sự sống dưới thể dạng con người, tức thể dạng bardo của sự sống, đòi hỏi các nghiệp đang tác động phải bảo tồn được một tư thế kết hợp bền vững nào đó. Tư thế kết hợp và tương tác của vô số nghiệp tạo ra sự sống này rất mong manh, và vì lẽ rất mong manh nên sự sống đó thật quý giá. Đó là phương tiện tối cần thiết giúp một cá thể có thể đạt được sự Giác ngộ ngay trong kiếp nhân sinh này, hay trong thể dạng bardo của cái chết. Hoặc trong trường hợp kém may mắn hơn cá thể ấy ít ra cũng sẽ tái sinh trong những điều kiện thuận lợi để có thể tiếp tục tu tập trong kiếp sống sau.
Tình trạng trung gian bardo của sự sống có thể phân chia thành nhiều thể dạng khác nhau căn cứ vào tình trạng biến đổi của các thể dạng tri thức trong cuộc sống thường nhật, có tất cả ba thể dạng chính yếu như sau :
1- Thể dạng bardo tự nhiên (tiếng Phạn : jatyantarabhava, tiếng Tây tạng : rang-bzhin-gyi bar-do) : là thể dạng tri thức tự nhiên trong lúc tỉnh, tức là ngoài các giấc ngủ.
2- Thể dạng bardo khi chiêm bao (tiếng Phạn : svapanantarabhava, tiếng Tây tạng : rmi-lam bar-do) : là quá trình xảy ra lúc « chợp mắt » khi khởi sự ngủ, quá trình này tuy rất ngắn nhưng khá tương tợ với quá trình của các hiện tượng tan biến khi xảy ra cái chết. Khi năm khả năng tri thức của giác cảm tan biến vào a-lại-da thức trong lúc vừa chợp mắt, ánh sáng trong suốt sẽ phát hiện. Thế nhưng quá trình đó diễn tiến quá nhanh khiến hầu hết những người không tu tập không thể nhận biết được và họ chìm vào giấc ngủ thật nhanh chóng ngay sau đó.
Một số người tu tập thiền định du-già có thể « dừng lại » trong ánh sáng trong suốt của giấc ngủ và biến giấc ngủ trở thành một thể dạng tâm thức rạng ngời. Đấy cũng là một trong các phép tập luyện Tan-tra giúp họ lưu lại lâu dài hơn trong giai đoạn ánh sáng trong suốt khi quá trình của cái chết xảy đến với họ sau này.
Ngoài ra trên một khía cạnh nào đó giai đoạn ngắn ngủi trước khi tỉnh giấc cũng có thể xem như thể dạng bardo của sự hình thành. Trong một số trường hợp các giấc mơ hàm chứa các khí thật tinh tế giúp tâm thức hiển hiện dưới thể dạng « thân xác giấc mơ » (corps de rêve – dreaming body). Thân xác hiển hiện trong giấc mơ rất linh động có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào. Các phép luyện tập du già giúp chủ động được những gì hiển hiện ra trong giấc mơ và phát huy được sự sáng suốt để quán nhận được bản chất ảo giác của những thứ ấy.
3- Thể dạng bardo khi thiền định (tiếng Phạn : samadhyantarabhava, tiếng Tây tạng : bsam-gtan bar-do) : là một thể dạng tri thức mang đặc tính trung gian giữa hai thể dạng khác nhau : một là thể dạng tri thức bình thường mang tính cách nhị nguyên và thô thiển trong lúc tỉnh và một là thể dạng hiển hiện của tánh không trong sáng và rạng ngời gọi là rigpa (tiếng Tây tạng rig-pa) là ánh sáng trong suốt của trí tuệ nguyên thủy. Khả năng duy trì sự thăng bằng của thể dạng rigpa trong lúc thiền định và trong các giấc ngủ giúp người tu tập khi chết lưu lại lâu dài hơn trong thể dạng trong suốt của cái chết. Học phái Dzogchen đưa ra nhiều phép tu tập giúp phát triển khả năng lưu lại trong dòng chảy tự nhiên của rigpa nhằm mục đích tạo ra các điều kiện thuận lợi để tinh khiết hóa mọi sự nhận thức cũng như các xu hướng tiêu cực của nghiệp.
II- Thể dạng đau đớn của bardo khi xảy ra cái chết (tiếng Phạn : mumursantarabhava, tiếng Tây tạng : ‘chi-kha’i bar-do) : là thể dạng bắt đầu từ lúc xảy ra các dấu hiệu không còn đảo ngược được của cái chết kéo dài cho đến hết giai đoạn hiển hiện của ánh sáng trong suốt căn bản. Toàn thể giai đoạn đau đớn của bardo có thể xem là giai đoạn « hấp hối », trong giai đoạn này các sự tan biến « bên trong » và « bên ngoài » tuần tự xảy ra đưa đến cái chết thật sự. Trong các trường hợp bất đắc kỳ tử giai đoạn này diễn tiến thật nhanh.
Sau đây là các hiện tượng tan biến của các thành phần thân xác và tâm thức cấu tạo một cá thể :
1- Sự tan biến của các thành phần cấu hợp thân xác :
Sự suy thoái tuần tự của bốn thành phần cấu hợp thân xác là đất, nước, lửa và khí tạo ra các hiện tượng hòa tan « bên ngoài ». Đồng thời với các sự tan biến đó, hệ thống kinh mạch và các « luân xa » (tiếng Phạn : cakra) cũng thoái hóa theo. Sự tan biến vật chất bên ngoài như vừa kể sẽ làm phát sinh các dấu hiệu « bên trong » :
1) Khi thành phần đất tan vào thành phần nước, thân xác trở nên nặng nề, tay chân bủn rủn không cử động được nữa, người hấp hối có cảm giác thân xác nặng nề như bị lún sâu xuống đất. Thị giác suy thoái, hình ảnh do mắt ghi nhận trở nên mờ ảo. Dấu hiệu bên trong là sự cảm nhận các loại ảo ảnh.
2) Khi thành phần nước tan biến vào thành phần lửa, các chất lỏng của cơ thể chẳng hạn như nước miếng, các chất nhờn,… chảy ra ngoài và bị khô. Người hấp hối mất hết các cảm nhận xúc giác. Thính giác suy thoái không nghe được rõ. Dấu hiệu bên trong là sự cảm nhận một làn khói mỏng đang tỏa rộng.
3) Khi thành phần lửa tan vào thành phần khí, hơi ấm giảm xuống và tan biến, người hấp hối cảm thấy lạnh. Mọi sự nhận thức tan biến, mũi không ngửi thấy mùi. Dấu hiệu bên trong là các tia lửa bắn tung toé hay đom đóm bay loạn.
4) Khi thành phần khí tan vào không gian, hơi thở trở nên hổn hển, khò khè, thở hắt ra và sau cùng là ngưng thở. Mọi ý chí biến mất, lưỡi co rút lại và không còn cảm nhận được vị. Người hấp hối hoàn toàn không còn cảm nhận được mọi sự va chạm vào cơ thể. Dấu hiệu bên trong là sự cảm nhận một ngọn lửa của chiếc đèn dầu hay một ngọn nến đang bập bùng trước gió.
Các học phái Tan-tra xưa cho rằng vào thời điểm này máu huyết kết hợp lại và ba giọt máu chui vào kinh trung tâm tại vị trí tim, trong khi đó hơi thở ngắn dần và ngưng bặt.
Khi hoàn toàn ngưng thở tim cũng ngưng đập. Đây là thời điểm đánh dấu cái chết xảy ra theo các « tiêu chuẩn y khoa » Tây phương. Thế nhưng theo Tan-tra thừa quá trình của cái chết vẫn còn đang tiếp diễn.
2- Các hiện tượng tan biến xảy ra sau khi các cấu hợp vật chất đã tan biến :
Sau khi các cấu hợp vật chất tan biến có nghĩa là mất hết khả năng chuyển tải tri thức thì các hiện tượng tan biến vẫn tiếp tục nhưng thuộc lãnh vực « bên trong », liên quan đến các hiện tượng tinh tế của tri thức. Đồng thời với hiện tượng tan biến này phát hiện một cách tuần tự sự rạng ngời căn bản của tâm thức. Các sự tan biến trên đây gồm ba giai đoạn :
a) Giai đoạn bên ngoài (tiếng Tây tạng : snang-ba) liên quan đến giọt (tiếng Phạn : bindu, tiếng Tây tạng : thig-le) bồ đề tâm màu trắng di chuyển từ đỉnh đầu xuống vị trí tim. Dấu hiệu bên trong là sự cảm nhận một màu trắng rực rỡ như ánh trăng vằng vặc của bầu trời mùa thu. Tiếp theo đó ba mươi ba thể dạng tư duy liên quan đến sự giận dữ cũng tan biến hết, trong số này có thể kể ra : sự buông bỏ các đối tượng của sự thèm khát, sự khổ đau, sự sợ hãi, các cảm giác như đói, khát, căn bản hiểu biết, sự xấu hổ, tình thương, v.v…
b) Giai đoạn thăng tiến (tiếng Tây tạng : mched-pa) liên quan đến sự di chuyển của giọt bồ đề tâm màu đỏ thuộc vị trí cơ quan sinh dục hay rốn ngược lên vị trí của tim. Dấu hiệu bên trong là sự cảm nhận một màu đỏ tương tợ như lúc mặt trời lặn. Bốn mươi khái niệm nhận thức phát sinh từ dục vọng tan biến, trong số này có thể kể ra : sự thèm khát vật chất, hân hoan, kinh ngạc, cười, kiêu hãnh, tình bạn hữu, sự kết hợp vì yêu thương lẫn nhau, sự quyến rũ, đạo đức, sự can đảm, v.v…
c) Giai đoạn thu đạt được (tiếng Tây tạng : thob-pa) liên quan đến sự phối hợp giữa giọt trắng và giọt đỏ nơi vị trí của tim. Dấu hiệu bên trong là sự cảm nhận một bầu trời tăm tối và đen sẫm. Bảy khái niệm phát sinh từ vô minh bắt đầu tan biến, gồm có : sự thèm khát mãnh liệt, sự quên lãng, sự khinh miệt, sự câm nín (mutisme), sự buồn bã, sự lười biếng, sự nghi ngờ, đấy là bảy loại khái niệm phát sinh từ sự ngu đần. Sự tan biến đó tượng trưng cho sự hòa tan của tri-thức-không-gian vào thể dạng ánh sáng căn bản rigpa, tương tợ như bầu trời lúc rạng đông chan hòa sự rạng rỡ căn bản của cái chết. Kinh mạch trung tâm nơi vị trí tim được tháo gỡ đánh dấu thời điểm xảy ra cái chết thật sự.
Đối với một người tu tập cao thâm đã từng lưu lại một cách bền vững trong sự rạng rỡ tự nhiên của thể dạng rigpa và đã từng cảm nhận được « ánh sáng trong suốt con » trong những lúc tu tập khi còn sống sẽ nhận ra « ánh sáng trong suốt mẹ » của cái chết và hội nhập với ánh sáng đó, và nhờ đó sẽ đạt được pháp thân (dharmakaya) tức là tự giải thoát cho mình. Thể dạng trung gian bardo cũng sẽ chấm dứt đối với họ vào thời điểm này. Đối với những người không tu tập hoặc khả năng tu tập còn kém, sau khi cảm nhận được sự rạng rỡ rigpa sẽ nhanh chóng rơi vào một thể dạng vô thức, và tùy theo trường hợp thể dạng này có thể kéo dài lâu hay mau.
III- Thể dang bardo của hiện thực tuyệt đối (tiếng Phạn : dharmatantarabhava, tiếng Tây tạng : chos-nyid-kyi) : là thể dạng khi cảm nhận được ánh sáng trong suốt căn bản của pháp thân (dharmakaya) trong lúc tri thức tan biến vào sự rạng rỡ. Đó là thể dạng tinh khiết và rạng rỡ của tâm thức nguyên thủy, tương tợ như bầu trời quang đãng không một bóng mây. Theo các học phái Tan-tra xưa, thân xác của người chết bỗng chuyển động thật nhẹ và một giọt máu chảy ra từ lỗ mũi bên phải và một giọt trắng chảy ra khỏi đường bí hiểm (tức cơ quan sinh dục), thể dạng rạng ngời tự nhiên tức là rigpa bốc lên từ tim và thoát ra ngoài bằng cửa ngõ của hai mắt, đấy là giai đoạn của ánh sáng trong suốt của ứng thân (sambhogakaya), giai đoạn này gồm có bốn sự tan biến.
1) Sự tan biến của không gian trong sự rạng ngời (tiếng Tây tạng : nam-mkha’ ‘od-gsal-la thim-pa) : trong giai đoạn này không còn lưu lại một sự vướng mắc vật chất nào thuộc thể dạng bên ngoài, tri thức « khoác lên » cho mình một hình tướng rạng ngời, hiển hiện dưới hình dạng những tấm gấm vóc óng ả, muôn màu và lấp lánh. Người tu tập nhận biết được các hiện tượng đó là những biểu hiện của chính mình và nhân đó tự giải thoát cho mình. Nếu không thành công sẽ chuyển sang thể dạng tan biến tiếp theo.
2) Sự tan biến của ánh sáng rạng ngời trong sự kết hợp (tiếng Tây tạng : ‘od-gsal zung-‘jug la thim) : trong giai đoạn này nhiều bầu ánh sáng kết hợp lại và làm hiển lộ các mạn-đà-la (mandala) của các thân chư Phật gồm cả các chư Phật hung tợn và hiền hoà, trong khi đó các tiếng vang rền kinh khiếp nổi lên và ánh sáng tràn ngập không gian. Người tu tập không nên hốt hoảng và xem đấy chỉ là những biểu hiện phát xuất từ chính mình. Trong giai đoạn này lần lượt phát hiện các mạn-đà-la của chư Phật như : Tỳ-lô Giá-na (Vairocana), Kim-cang Tát-đóa – A-súc Bệ Phật (Vajrasattva-Aksobhya), Nam Phật (Ratnasambhava), A-di-đà Phật (Amitabha), Ly-bố-uy Như lai (Amoghasiddhi), v.v… Từ nơi tim của người tu tập phát hiện các tia sáng rạng ngời chiếu thẳng vào tim của các thần linh phù trợ tức chư Phật trên đây, tuần tự từng vị một. Nếu người quá vãng đủ khả năng lưu lại thật bền vững trong một trong các thể dạng chư Phật tuần tự xuất hiện như vừa kể, thì vị Phật phù trợ ấy sẽ tan biến vào người quá vãng giúp cho người này đạt được sự Giác ngộ.
3) Sự tan biến của sự kết hợp vào trí tuệ (tiếng Tây tạng : zung-‘jug ye-shes la thim) : trong giai đoạn tan biến này nhiều tia sáng phát ra từ tim làm phát hiện sự quán thấy những tấm gấm vóc phản chiếu như những tấm gương, các tấm gấm vóc màu trắng nằm vào vị trí bên dưới, sau đó là các tấm gấm vóc màu vàng, màu đỏ và trên hết là màu xanh dương. Đấy là các biểu hiện của sự « kết hợp của bốn thứ trí tuệ ». Trí tuệ tượng trưng bằng màu xanh lá cây chưa hiển hiện vì đấy là trí tuệ cao nhất gọi là trí tuệ hoàn thiện (viên mãn).
4) Sự tan biến của trí tuệ vào sự hiện diện đột khởi (tiếng Tây tạng : ye-shes lhun-grub-la thim) : trong giai đoạn này các biểu hiện vừa kể trên đây kết hợp lại thành một cái tán (cái lọng) thật lớn. Phần bên trên là không gian tinh khiết của pháp thân, tượng trưng bằng bầu trời trong sáng không mây, bên dưới là các thần linh phù trợ hiền hòa và hung tợn biểu hiện của ứng thân (sambhogakaya), bên dưới là vùng tinh khiết tự nhiên của hóa thân (nirmanakaya), và sau cùng nơi vị trí thấp nhất là các biểu hiện ảo giác của sáu cõi luân hồi. Tuy nhiên đấy chỉ là những biểu hiện bên ngoài của Căn bản tâm thức nguyên thủy của người quá vãng, liên quan đến Căn bản của tám phương thức biểu hiện. Người tu tập dựa vào khả năng tu tập từ trước có thể lưu lại vững vàng trong thể dạng đó với tất cả sự tự tin và sẽ đạt được sự Giải thoát. Tám phương thức biểu hiện sẽ tan biến vào sự tinh khiết nguyên thủy làm hiển lộ pháp thân (dharmakaya).
IV- Thể dạng bardo của sự hình thành (tiếng Phạn : bhavantarabhava, tiếng Tây tạng : srid-pa bar-do) : Đây là thể dạng thông thường xảy ra đối với tất cả mọi người không tu tập hoặc có tu tập nhưng không đủ khả năng khai thác được các thể dạng diễn tiến quá nhanh trên đây để đạt được sự Giải thoát. Những người này phải trải qua quá trình hình thành, tức quá trình đảo ngược với quá trình tan biến đã được mô tả trên đây và phải mang một thân bardo (tiếng Phạn : antarabhavavayukaya, tiếng Tây tạng : bar-do’i rlung-lus, tiếng Việt : thân trung hữu), gồm có khí tinh tế phối hợp với tri thức. Có thể xem thân bardo hay trung hữu là một sinh linh hàm chứa các khả năng giác cảm tức có thể nhận biết và di chuyển khắp mọi nơi không bị một sự ngăn cản nào, các biểu hiện của nó tương tợ như những ảo giác phát sinh trong giấc mơ. Người tu tập quá vãng có thể nhân cơ hội này để đạt được sự Giải thoát qua một trong sáu lãnh vực tinh khiết của hoá thân (nirmanakaya). Thể dạng bardo sẽ chấm dứt ngay sau đó.
Đối với những người không tu tập, tâm thức hỗn loạn phục hồi nhanh chóng và đủ mọi thứ tư duy và hình ảnh phát sinh từ xung năng của nghiệp hiển hiện trở lại. Người quá vãng cảm biết được mình đã chết khiến họ rất đau khổ, nhất là biết mình không còn khả năng giao tiếp và trao đổi với người sống và khi nhìn thấy họ thờ ơ với mình. Các sinh linh trong thể dạng bardo có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào với tốc độ của sự suy nghĩ, trừ ra nơi chốn sẽ xảy ra sự tái sinh của mình. Cách sinh linh này sống bằng mùi bốc ra từ thực phẩm mà người sống cúng dường cho họ và thường xuyên bị giao động bởi ảnh hưởng tác động của mọi thứ nghiệp, họ bị chao đảo như « một cái lông chim bị gió thổi tung ». Các sinh linh này có thể gặp nhau và nhận biết ra nhau, đồng thời cũng họ cũng gặp các sinh linh thuộc các cõi khác, chẳng hạn như cõi ngạ quỷ (quỷ đói). Họ không tìm thấy một nơi nào có thể giúp họ dung thân, tâm thức họ luôn bất an, bị chấn động bởi mọi thứ xúc cảm.
Các xung năng của nghiệp có thể tạo ra những cảnh tượng khiếp đảm, chẳng hạn như các vực sâu màu đỏ, màu trắng hay đen, cảnh bị quỷ dữ đuổi bắt, mưa đá, thú dữ… Trong từng mỗi giai đoạn kéo dài bảy ngày, bốn thành phần cấu hợp sẽ tạo ra bốn loại khiếp đảm tượng trưng bởi các cảnh tượng : núi non sụp lở (thành phần đất), bị cuốn trôi trong các dòng thác hung hãn (nước), rơi trong than hồng và lửa đỏ (thành phần lửa) và những nỗi khổ đau mênh mông (khí). Do đó các sinh linh trong thể dạng bardo cũng phải trải qua các quá trình tan biến và hình thành tương tợ như cái chết và sự sinh, tuy nhiên các hiện tượng này hoàn toàn thuộc lãnh vực tâm thần. Người sống có thể giúp đỡ các sinh linh đang vướng mắc trong thể dạng bardo hướng vào sự tái sinh với các điều kiện thuận lợi bằng cách hồi hướng công đức của mình cho họ.
Hiện tượng tái sinh xảy ra như sau : sinh linh trong thể dạng bardo bị thu hút bởi hình ảnh của cha và mẹ mình trong tương lai đang giao hợp. Nếu sinh linh bardo sẽ tái sinh dưới thể dạng nam tính, họ sẽ bị thu hút và phát lộ sự thèm khát mãnh liệt đối với người mẹ tương lai của mình, và ngược lại nếu sinh linh bardo sẽ tái sinh dưới thể dạng nữ tính sẽ phát lộ sự thèm muốn đối với người cha tương lai của mình. Sinh linh bardo bị hút vào điểm giao hợp và đồng thời xảy ra hiện tượng kết hợp hai giọt trắng và đỏ, tri thức bị ép chặt vào giữa hai giọt. Quá trình đảo ngược với quá trình tan biến của cái chết tiếp tục diễn tiến thêm góp phần vào sự hình thành một cá thể. Đồng thời với sự diễn tiến của quá trình hình thành trên đây các kinh mạch, luân xa (cakra) và khí cũng được thành lập.
Dầu sao cũng cần ghi chú thêm là cách mô tả các thể dạng bardo của các học phái Tan-tra xưa (như đã được trình bày sơ lược trên đây) và của các học phái Tan-tra mới đại diện bởi Tối thượng du-già Tan-tra có một số khác biệt trên chi tiết. Tuy nhiên sự khác biệt quan đáng ghi nhận hơn hết chỉ thuộc vào lãnh vực thực hành tức là các phép tu tập nhiều hơn, nhất là đối với Tối thượng du-già Tan-tra.