Kính bạch thầy,
Mười bảy tháng bảy hôm nay là tròn 2 năm thầy ngừng thở. Hai năm thật rồi ư…. Nhanh quá thầy ơi.
Đêm qua con đã ngủ 1 giấc rất sâu, hình như được 2 -3 tiếng. Và con tỉnh dậy lúc gần 4 giờ sáng để ngồi thư giãn ít phút trước khi viết thư này gửi thầy, tâm sự cùng thầy…
Thầy ơi,
Hai năm Thầy bỏ chúng con. Khi nhận tin từ bác Vũ Chầm, con giật mình, bồi hồi và lòng thấy vắng lặng. Con như thấy mất đi một thứ gì quý, rất quý của mình. Con lặng người đi và ngồi im bất động. Thầy mất thật rồi ư!
Sau vài phút tĩnh tâm, con nhận thấy rằng con đã sy mê. Thầy đâu có mất, Thầy vẫn còn nguyên đây mà. Thầy vẫn bên chúng con. Và ngay khi con đang gõ những dòng chữ này vào giờ dần đầu ngày mới, thầy vẫn đang hiện hữu bên con.
Ba ngày trước khi thầy trút hơn thở cuối cùng, may thay và phước đức thay, con và nhóm doanh nhân Phật tử tại Sài Gòn do bác Nguyên Lạc Vũ Chầm, Chủ tịch tập đoàn Vina Giầy dẫn đầu, đã đến thăm thầy. Con không biết rằng có phải kiếp trước con là đệ tử của thầy hay không mà đúng ngày nhóm bạn tu doanh nhân quyết định đến thăm thầy thì con lại từ Hà Nội có mặt ở Sài Gòn. Ôi, vậy là được bên thầy lần chót. Được bên thầy Thích Minh Châu một lần chót.
Bác Vũ Chầm có phước lớn được học trực tiếp từ thầy, được bên cạnh thầy suốt hơn 30 năm. Con không có may mắn đó. Nhưng con thấy mình có phước quá lớn khi được học rất nhiều điều từ thầy, từ cách sống giản dị mà ung dung, từ phong cách nhẹ nhàng mà giàu có, từ cuộc đời chỉ biết cống hiến đến sự quan tâm và yêu thương các học trò và chúng sinh vô bờ bến đến những tác phẩm để đời cho mãi muôn sau. Mỗi bước đi nhẹ nhàng và khoan thai của Thầy là một bài học. Mỗi nụ cười hiền từ của Thầy là một bài pháp. Mỗi dòng viết của Thầy là một người thầy. Thầy quá lớn trong con…
Sáng nay ngồi tĩnh tâm, con chợt nhận ra rằng cuộc đời quá tuyệt vời, quá hạnh phúc… Con thấy rất rõ rằng người không hạnh phúc là người luôn chỉ biết chú ý đến bản thân mình. Rằng người hạnh phúc là người luôn vì người khác, luôn sẻ chia và sẵn sàng chia sẻ. Rằng người cực kỳ hạnh phúc là người luôn có tâm nguyện mang mang thân và tâm của mình phụng sự chúng sinh. Thầy ơi, Thầy là người cực kỳ hạnh phúc…. Còn con …. là người hạnh phúc… Thật vậy mà,… Thầy ơi,…
Chiều hôm qua con có kế hoạch ghé thăm thiền viện Vạn Hạnh mà không kịp. Đấy, con vẫn còn là thế đấy. Việc thế gian vẫn cuốn con, lôi con chạy bay khắp nơi. Nhưng con biết, cả ngày hôm qua và cả nhiều ngày trước đó, quý Thầy, quý Cô và quý Phật tử đã chuẩn bị rất chu đáo, rất kỹ lưỡng với tâm rất an lạc và thanh tịnh để hôm nay nhớ về thầy, nhớ về 2 năm vắng bóng thân thể xác thịt của Thầy trên trần cõi này.
Đêm qua nằm trên giường con cứ cười… Con cười to chứ không cười mỉm như bình thường. Con cười chứ con không khóc, không đau buồn như ngày xưa, khi chưa biết đến Phật Pháp. Thầy rũ bỏ tấm thân uế trược này và ra đi thì đâu có gì mà đáng đau khổ đến vậy. Con cười vui vì biết rằng Thầy vẫn đang hiện hữu bên con, đang cùng con, đang dạy con mỗi bài học, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút giây.
Đêm hôm qua con thức giấc và thấy mình hạnh phúc lắm. Bởi, nhờ ơn Thầy, con đã nhận ra rằng hạnh phúc tự con có thể có được bằng cách điều khiển các ý nghĩ trong đầu. Nếu nghĩ mình đã có hạnh phúc là mình đã hạnh phúc rồi.
Con hạnh phúc bởi ngay cạnh con, trong phòng thờ Phật có ảnh thầy, và hơn thế nữa có trọn 21 cuốn của bộ kinh Nykaya mà cuốn dày nhất cũng có lẽ đến gần nửa gang tay…. Ai là người đã dịch bộ kinh này, nếu không phải là Thầy,…. Và biết bao năm nay, trong tâm con, thầy là Đường Tăng của Việt Nam. Thầy còn hơn cả Đường Tăng, bởi thầy là người đầu tiên đã mang bộ kinh quý giá này về đất nước mình và dịch từ nguyên bản tiếng Pali ra tiếng Việt. Con quá vui vì thể xác Thầy không còn nhưng Thầy vẫn bên con trong mỗi trang kinh của Đức Phật mà thầy đã cất công đọc, thực hành và dịch ra thứ tiếng mà con vẫn nói, vẫn nghe mỗi ngày.
Con hạnh phúc bởi ngay trên bàn con, chiếc bàn bé nhỏ gần giường ngủ có rất nhiều bài giảng của thầy. Con đã lặng im để đọc lại bài “Hành thiền – một nếp sống lành mạnh, trong sáng, một phương pháp giáo dục tâm lý hướng thượng” do Thầy giảng tại Viện Phật học Vạn Hạnh nhân ngày Đại lễ Phật đản 2522 tức 21 tháng 5 năm 1978. Thầy biết không, bài giảng mà con đọc làm con hạnh phúc lắm, hạnh phúc bởi khi thầy giảng bài này, con vẫn cònlà cậu bé quê mùa sống ở 1 vùng quê rất nghèo của tỉnh Thái Bình khi mới học cấp 2… 1978.
Con hạnh phúc, bởi nhờ Thầy con đã biết rằng hạnh phúc thật giản đơn. Phật tử chúng con thường hay chúc nhau “Thân tâm thường an lạc”. Chúng con đã biết chúc nhau có an lạc chứ không chúc nhau giàu sang, lắm của nhiều tiền, quyền cao chức trọng,… Người tu khác người đời hình như là chỉ ở đó mà thôi,… Hạnh phúc thật dễ có…. Và, nhờ Thầy, con lại nhận ra rằng an lạc, thậm chí thân tâm an lạc cũng không phải là quá khó
Trước ngày kỷ niệm 2 năm ngày thầy vắng bóng, con đã xuất bản cuốn sách thứ 3 của mình “Hạnh phúc thật giản đơn”. Trong cuốn sách này, con không viết tên Thầy một lần, nhưng những lời dạy của Thầy có mặt trong từng câu từng chữ. Để rồi con đã truyền qua những trang viết đến hàng ngàn độc giả, nhất là các Phật tử trong chỉ có chưa đầy 1 tháng trời. Thầy vẫn bên con nguyên vẹn thật rồi.
Hai ngày cuối tuần này, tức mới hôm qua và hôm kia thôi, con đã vâng lời thầy, quyết góp phần nhỏ như hạt cát sông Hằng cho hoằng dương chánh pháp bằng cách hướng dẫn gần 100 doanh nhân, thầy cô giáo, kỹ sư, nhân viên văn phòng,… và cả sinh viên nữa hành thiền ở chùa Tâm Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Con, một Phật tử sơ cơ, một học trò nhỏ và xôi của Thầy cũng đã cùng các Phật tử từ Sài Gòn và tại địa phương tụng kinh Bát nhã, kinh Phước đức, kinh Sức mạnh Quan Âm, kinh Vu lan, đã cùng nhau lễ Phật và hành thiền trong 2 ngày với cả 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Cả 2 ngày chúng con hoàn toàn tĩnh lặng tịnh khẩu và học theo Thầy để hành Như Lai thiền.
Thầy có biết không, chiều chủ nhật, trước khi rời Bến Tre, sau khi kết thúc phần thiền lắng nghe và thiền sẻ chia, 100% các thiền sinh đã khóc. Có nhiều bạn khóc rất to, rất lâu như 2 bạn Hương và Thương… Có mấy người không cầm được nước mắt và đã đọc thơ của mình sáng tác trong nước mắt,…. Nước mắt tràn ngập khắp thiền đường… Nước mắt của yêu thương, của hạnh phúc, của giác ngộ ban đầu…. Hạnh phúc lắm thầy ạ. Thầy vẫn bên con và các thiền sinh yêu thương của nhóm Vườn Yêu Thương chúng con.
Nhờ thầy mà con đã biết hơn thua là tốt. Ngày xưa con xấu tính lắm, cứ thích hơn thua với người khác, với doanh nghiệp khác. Nhờ thầy con chỉ còn biết và tập trung vào hơn thua với chính bản thân mình. Rằng mình cần phải hơn ngày hôm qua, phải tu mỗi ngày để hôm sau tốt hơn hôm trước. Con đang thực tập thay đổi ý nghĩa của từ “hơn thua” từ nghĩa tiêu cực sáng tích cực. Thầy vẫn bên con và nhờ Thầy con mới có sự thay đổi vi diệu này đấy ạ.
Nhờ Thầy là con đã hiểu ra nghĩa của 2 từ so sánh. Ngày xưa, con cứ mải so sánh mình với người khác và để rồi sân hận nổi lên, để rồi phiền não che lấp cả tâm và thân mình. Nhưng 1 ngày kia con ngộ ra rằng, khi đang lái xe thấy kẹt đường con thấy mình may mắn dược dừng lại để thở, để cười. Khi trên đường thấy một vụ tai nạn giao thông con đã thấy rõ rằng mình may mắn khi thân thể lành lặn không bị sao cả. Khi đi qua 1 bệnh viện con mỉm cười rất tươi vì thấy mình quá may mắn khi đang có tấm thân khỏe mạnh, và con mỉm cười để thầm tặng niềm vui và năng lượng cho những ai đang nằm phía trong bức tường kia. Sự so sánh theo nghĩa tích cực mang lại cho con nhiều hạnh phúc lắm.
Thưa thầy, trời đang sáng dần rồi và bây giờ đã là hơn 5 giờ sáng. Trước mặt con là hình thầy với nụ cười rất đẹp, rất an lạc. Phía dưới y của Thầy đắp là dòng chữ “Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918 – 2012). Và phía dưới nữa là trọn đầy 10 trang tiểu sử của Thầy. Con không muốn đọc lại tiểu sử của người Thầy rất rất rất đáng kính của con, bởi điều này chỉ làm mất thời gian trong buổi sáng quý hiếm này. Con ngồi ngắm nhìn Thầy cứ như bữa ngồi nhìn ngắm thầy khi nào, ngày xưa. Con biết rằng thầy vẫn đang bên con, cạnh con,… ngay ở đây, ngay lúc này, khi con đang gõ những dòng chữ này. Thầy bên con để nhắc con học, nhắc con tu, nhắc con hành thiền.
Con không thích gọi thầy là Hòa thượng hay Trưởng lão. Con chỉ muốn gọi Thầy là Thầy, bởi Thầy là Thầy của con. Và thầy đã và đang bên con. Mãi mãi.
Hôm nay con ở Sài Gòn. Hôm nay con sẽ đến thiền viện Vạn Hạnh tham lại “ngôi nhà” vật lý của Thầy. Để rồi chiều nay con sẽ bay về Hà Nội. Cũng như lần trước, như ngày thầy rũ bỏ xá thân cách đây đúng 2 năm mà thôi. Con mỉm cười hạnh phúc vì cảm nhận rất rõ rằng Thầy không đi đâu xa, Thầy đang ngồi cạnh con để thân tâm con an từ giờ đầu của ngày mới. “Nguyện ngày an lành, đêm an lành. Đêm ngày 6 thời đều an lành”.
Ngày Thầy rũ bỏ tấm thân uế trược ra đi, các quý thầy và quý sư cô cũng như Phật tử trên cả nước về đông lắm. Hoa nhiều lắm thầy ạ. Con đã đến để ngắm nhìn thật kỹ huyệt mộ nơi thân xác của thầy an nghỉ. Ai ai cũng mang hoa đến thăm Thầy. Con lại không vậy. Con mang theo 1 cây chuối, 1 cây chuối trong tâm đến với Thầy đúng ngày này của 2 năm về trước – mười bảy tháng bảy âm lịch.
Chắc chắn Thầy hiểu tại sao con mang theo 1 cây chuối trong tâm đến với Thầy. Bởi đây là loại cây ăn quả được trồng rất phỏ biến ở Việt Nam ta. Mà không chỉ ở Việt Nam ta, mà ở trên ít nhất là 106 quốc gia khác trên thế giới này. Kinh Thầy dịch cũng đã lan tỏa khắp nơi… những bài giáng, những lời dạy của Thầy cũng thơm và ngọt hơn cả chuối chín. Chuối rất thơm, rất ngọt, thơm ngọt như chuối đúng không Thầy.
Chuối nhiều nhưng rất ích lợi. Cây chuối không bị vứt đi gì cả. Quả chín ăn rất ngon, quả xanh nấu đậu thì quá tuyệt. Lá chuối xanh gói bánh, gói xôi. Lá chuối khô cũng bọc bánh gai, bọc hoa lễ Phật. Thân chuối nuôi heo, nuôi cá… Thân chuối làm nộm ăn ngon lắm Thầy ơi. Hồi nhỏ con ăn nộm thân chuối hoài…. Còn người giàu thì ăn nộm hoa chuối. Củ chuối cũng nấu lên ăn rất ngon.
Nhưng Thầy ơi, như Thầy đã biết, con thích nhất cây chuối khi nó luôn mọc thẳng , và khá vững vàng nên người đời cứ cưởng chuối có thân cây thật, trong khi “thân” chuối là một “thân giả”. Thân giả này là bài học cho con quý giá vô cùng về tính không, nhất là mỗi khi con tụng kinh Bát nhã. Ôi chuối vi diệu quá Thầy nhỉ.
Con mang cây chuối theo tâm mình để đến với Thầy bởi chuối thường quây quần mọc thành bụi. Thầy là cây CHUỐI CHA lớn và cao to nhất. Bác Vũ Chầm là cây chuối con lớn nhất. Còn con là cây chuối con bé xíu. Nay Thầy xa rồi, nhưng Thầy trò ta vẫn quây quần như khóm chuối yêu thương đúng không Thầy.
Cây chuối với con đến Vạn Hạnh bởi chuối được trồng bằng cách tách rời cây non đem trồng thành bụi mới. Bác Nguyên Lạc Vũ Chầm là 1 cây chuối tách từ khóm chuối của Thầy trồng ra khóm chuối mới ở Sài Gòn. Còn con đang trồng khóm nữa ở Hà Nội. Và còn hàng ngàn hàng vạn khóm chuối non mới đã được trồng trên khắp năm châu, khắp thế gian này nữa. Thầy vẫn bên con, bên chúng con mà, thật mà.
Chuối là cây duy nhất, khi lá rụng không bay đi mà ôm lấy thân, hòa vào gốc. Ngày này 2 năm trước Thầy trút hơi thở cuối cùng, nhưng chiếc lá mang tên Thích Minh Châu vẫn ôm lấy cây Tam Bảo. Và chúng con hàng ngày vẫn nguyện chăm sóc khóm chuối quý và thơm này. Thầy vẫn bên con, bên chúng con trong mỗi hơi thở.
Thưa thầy yêu kính,
Hôm nay con bay về Hà Nội để hoàn thiện cuốn sách do chính con chủ biên ”Tôi tự hào là người Việt Nam”. Cuốn sách thứ 4 này của con quy tụ 30 nhân vật nổi tiếng hàng đầu Việt Nam trong từng lĩnh vực của mình. Mỗi vị nói lên suy nghĩ tâm tư của mình, rằng mình tự hào về người Việt Nam, rằng mỗi người con Việt của nước Nam rất đáng tư hào về chính mình, về dân tộc mình, rằng ta là kỳ quan thế giới, rằng thật may mắn được làm người, nhất là người Việt để đọc kinh Phật bằng tiếng Việt do Thầy dịch trực tiếp từ tiếng Pali ra, được nghe Thầy giảng, được đọc Thầy viết bằng Việt mẹ đẻ. Cuốn sách quý này sẽ được xuất bản ngay trong tháng 7 này, tháng vu lan, tháng mà 2 năm trước đây Thầy từ bỏ xác thân ở thế gian này. Tự hào lắm thầy ạ. Con tự hào là người Việt Nam và con tự hào rằng con có Thầy.
Trời sáng thật rồi Thầy ơi. Con dừng ở đây để ngồi tĩnh tâm nhớ về Thầy, về những lời dạy của Thầy. Đêm nay, ở Hà Nội, con sẽ tâm sự với Thầy tiếp tục ạ.
Thầy bên con cả ngày hôm nay. Thầy vẫn bên con suốt cuộc đời này.
Sài Gòn sớm ngày 12/08/14
con Nguyễn Mạnh Hùng, Công ty sách Thái Hà, pháp danh Tâm Thiện Đức