Trang chủ PGVN Cửa thiền Thầy Phật Đạo (Thụy Điển) hành hương tỉnh Lâm Đồng

Thầy Phật Đạo (Thụy Điển) hành hương tỉnh Lâm Đồng

715

Tỉnh Lâm Đồng nằm ở phía Nam Tây Nguyên. Hầu hết du khách trong và ngoài nước đến Lâm Đồng chỉ biết đến địa danh nổi tiếng là TP Đà Lạt để du lịch. Thế nhưng, trung tuần tháng 12/2017, tôi may mắn cùng bốn vị Tăng trẻ và hai Phật tử – trong đó có tôi được tháp tùng Thượng tọa Thích Phật Đạo hành hương tại Lâm Đồng mới nhận ra rằng Lâm Đồng không chỉ có thế mạnh về các thắng cảnh và sự hào nhoáng của thành phố Đà Lạt mà cao nguyên xanh này còn nhiều nét đẹp khác như những viên kim cương ẩn sâu bên trong ít ai biết đến. Đó là những ngôi chùa, tự, viện ở những đồi cao, núi cao, trong những ngôi làng gần rừng, gần thung lũng, trên non xanh, nước biếc của Lâm Đồng.

Trưa ngày 09/12/2017, đoàn của thầy Phật Đạo có mặt tại sân bay Liên Khương. Đại đức Thích Trí Định cùng nhiều Tăng – Ni – Phật tử với những bó hoa tươi trên tay có mặt tại sân bay đón đoàn. 


Cảm niệm tri ân của sư cô Thích nữ Tịnh Chiếu, đêm đầu tiên chúng tôi nghỉ tại nhà của sư cô trên đường Kim Đồng, phường 6 – TP Đà Lạt cách trung tâm thành phố khoảng 3 km. Ngôi nhà nhỏ nằm trên cao, lối lên nhà là một cái dốc nhỏ gần như dựng đứng. Một lối đi quen thuộc của người Đà Lạt từ lâu đời. Phía trước căn nhà là những vườn rau trồng trong nhà kính. Nhà sư cô tuy nhỏ, nhưng cũng đủ phòng riêng cho chúng tôi yên giấc trong tiết lạnh cuối năm trên vùng cao nguyên và ấm cúng với những bữa ăn chay ngọt ngào tình đồng đạo.

Ngay tối hôm đó, sư cô Thích nữ Thuần Giới – trụ trì chùa Từ Thuyền thỉnh thầy Phật Đạo viếng thăm. Chùa Từ Thuyền nằm tại số 68 đường Cổ Loa, phường 2 – TP Đà Lạt. Chùa được trùng tu nâng cấp từ tháng 3/2013. Tôi chìm đắm dưới ánh đạo vàng từ ngôi Tam Bảo. Các xà gồ, thanh ngang trong nội thất tiền đường và chánh điện đều được trạm trổ hoa văn theo truyền thống sứ Việt, thuần khiết, dễ dàng thấm sâu trong tâm hồn bất cứ ai đặt chân vào Chánh điện.

Rời chân chùa Từ Thuyền thì TP Đà Lạt đã được phủ kín trong ánh tím hoàng hôn. Chúng tôi theo chân Thầy Phật Đạo đến một ngôi chùa nhỏ của các Ni cô nằm ở ngoại vi thành phố, rồi cả đoàn lội bộ đến thăm một thất Phật theo lời thỉnh cầu của một cư sĩ nghèo cách đó vài trăm mét. Cuối cùng, chúng tôi đến chùa Tuệ Quang dùng cơm chay theo thiện tình của sư cô Thích nữ Tịnh Chánh trụ trì chùa Tuệ Quang. Từ những rau củ tươi của Đà Lạt qua những bàn tay bếp núc đã cho chúng tôi một bữa ăn đầu tiên được cảm nhận đầy đủ ngôn ngữ đẹp được toát lên từ kỹ năng sếp đặt, kỹ năng chế biến thành hương vị tinh tế của rau, củ, quả, tạo các món ăn. Và, đó chính là tiếng nói của ẩm thực chay.


Chùa Tuệ Quang nằm ngay ngã tư đường La Sơn Phu Tử và đường Ngô Quyền – phường 6 – Đà Lạt. Dù các loại xe cộ qua lại ồn ào, nhưng Tuệ Quang vẫn uy nghiêm tĩnh lặng một góc riêng ngã tư đường phố. Các Chư Tăng – Chư Ni – Phật tử đến thăm thầy Phật Đạo rất đông.

Hôm sau, chúng tôi thăm chùa Linh Quang ở số 133 đường Hai Bà Trưng. Trong khu sân trước của chùa có vườn Lâm Tỳ Ni bên tay phải, bên trái là một linh rồng khổng lồ màu xanh đang ngóc đầu mạnh mẽ uốn mình trong tư thế bay lên. Hai bên lối lên chánh điện cũng có hai linh rồng vàng rất lớn đang quẫy mình, cảm giác như linh rồng tạo mây bay, gió lượn quanh đây, để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai có duyên đến ngôi chùa này. 

Buổi tối, cũng nguyện theo cầu thỉnh của chùa Tuệ Quang và các Phật tử trong đó có rất nhiều Phật tử trẻ được giao lưu Phật Pháp với Thượng tọa Thích Phật Đạo, buổi tọa đàm diễn ra vui vẻ và sâu sắc trước những câu hỏi của các Phật tử về ứng dụng Phật Pháp với đời sống đã làm cho chuyến viếng thăm càng trở nên ý nghĩa. 


Sau buổi giao lưu của thầy Phật Đạo với Phật tử, chúng tôi về chùa Phước Huệ do Sư bà Thích nữ Như Phú trụ trì. Ngôi chùa nằm trên đồi cao, bên phải chùa có những vườn rau cải, xà lách do chùa tự trồng. Xa mờ kia là ngọn núi Lang Bian nằm dài hướng lên trời trơ gan cùng tuế nguyệt nghe gió hát. Sư bà là người miền Bắc, nói năng nhỏ nhẹ, ân cần, truyền cho Phật tử như tôi những điều cần phải học hỏi về đức tính từ tốn, khiêm cung của sư bà. 

Bên phải ngôi chùa, một căn gỗ nhỏ được “vẩy” thêm bên lưng chừng sườn đồi là phòng “Thiền trà”, do một sư cô rất trẻ mới tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học tạo dựng phòng trà theo phong cách Phật giáo. Trước khi chia tay sư bà trụ trì và chùa Phước Huệ, thầy Phật Đạo và chúng tôi đã thưởng lãm trà mốc câu Thái Nguyên tại đây.

Lâm Đồng là một tỉnh có rất nhiều chùa đẹp với kiến trúc rất đặc biệt. Từ nhiều đời, các sư trụ trì với lòng bi mẫn rộng như non xanh, sâu như biển cả, cho dù các Chư Tăng Ni ăn uống đơn sơ, thanh tịnh, nhưng vẫn tiết kiệm dành dụm hết những đồng tiền của bản thân, gia đình và những đồng tiền của Phật tử bốn phương cúng dường để chỉnh trang, tu sửa chùa thành nơi trang nghiêm, uy nghi cho các sư và Phật tử có nơi tu học thấm đẫm nhiệm mầu Phật Pháp, cho tâm tịnh, thân an, đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển Phật giáo, lợi lạc cho cộng đồng Phật tử và những điều tốt lành cho xã hội.


Mỗi đêm chúng tôi ngủ lại trong một chùa khác nhau. Có thể nói, có khi một ngày chúng tôi thăm viếng mấy ngôi chùa. Trong nội sáu ngày chúng tôi hành hương được 16 ngôi chùa. Không thể kể hết trên đây những tâm đắc với những nét đẹp về kiến trúc của những ngôi chùa, mỗi ngôi chùa thiết kế tùy theo địa hình, bối cảnh mà khai thác đường nét kiến trúc thể hiện rõ nghệ thuật sáng tạo, chuyển tải “tính Phật”, “tính Thiền” giầu bản sắc của Phật giáo mà mang dấu ấn riêng tùy theo trình độ thẩm mỹ của từng người cảm nhận. Đó là những công trình nghệ thuật của Phật giáo đã cuốn hút chúng tôi chiêm ngưỡng với lòng kính phục vô vàn. Một chuyến hành hương mang lại giá trị tâm linh và lòng ngưỡng mộ Phật vô bờ bến.

Từ thủa hoang sơ, vùng đất đỏ ba dan cao nguyên này rừng núi bát ngát, hoang vắng. Nhờ đó, các nhà sư đã coi nơi đây là đất lành làm nơi nương tựa Phật Pháp, tu hành. Mỗi một đời tu của các bậc chân sư khởi thủy là mái tranh đơn sơ. Ban đầu có khi chỉ là một túp lều, rồi thành nhà gỗ, qua nhiều đời sư trụ trì và qua nhiều năm kỳ công dần phát triển thành ngôi chùa nguy nga nhuốm đậm thời gian và công phu tu tập của các bậc tiền bối để lại cho đời sau và mãi mãi. Nhờ đó, nay đất Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung đã trở thành thánh địa của Phật giáo với những ngôi chùa sở hữu nét kiến trúc đầy tính sáng tạo của các sư trụ trì tiền bối.


Tối ngày 11/12, chúng tôi được Ni sư Hiền Liên trụ trì Tịnh xá Ngọc Tín tiếp đón. Cách đây 6 năm, vào ngày 11/12/2011, Thượng Tọa Thích Phật Đạo cùng bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Kim Hưng đã trực tiếp Tọa đàm “Con đường ăn chay”, nhận diện rõ ăn chay cũng là văn hóa ẩm thực và ăn chay như thế nào cho đúng cách. Người bị bệnh nên sử dụng thực phẩm nào để chữa bệnh, do tôi là chủ tịch Câu lạc bộ UNSCO Ẩm thực chay phối hợp với tịnh xá Ngọc Tín tổ chức đã được giới truyền thông Lâm Đồng đưa tin rộng rãi. Nhờ đó, đến này các nhà hàng chay phát triển mạnh ở Đà Lạt. Ni sư Hiền Liên cũng từng hành hương chùa Đại Bi Tâm bên Thụy Điển do thầy Phật Đạo mời. Do đã từng có nhân duyên với thầy Phật Đạo, ngày hôm sau các Phật tử của Tịnh Xá Ngọc Tín đã dự buổi giao lưu thân mật với thầy và trao đổi về Phật Pháp. 

Trước khi rời Đà Lạt chúng tôi đến chùa Thiện Mỹ, Ni viện nằm trên đồi cao ngay trong thành phố ở đường Đống Đa, phường 3. Từ sân trước tiền đường nhìn xa xa thấy rõ tháp viba của Bưu chính viễn thông và những vila ẩn hiện trong thành phố núi, xa đó nhưng lại gần đó thân quen nhường nào, vì nơi đây quá yên tĩnh.


Buổi tối hôm đó, chúng tôi được Đại đức Thích Trí Định trụ trì chùa Giác Hải tại xã Thạnh Mỹ huyện Đơn Dương đón về nghỉ tại đây. Một Phật tử nhà ở cách chùa mấy căn được biết thầy Phật Đạo nghỉ tại đây đã thỉnh thầy đến chỉ cách xếp đạt bàn thờ Phật tại tư gia, thầy đã hoan hỷ không quản mệt nhọc thực hiện theo ý nguyện của Phật tử này. Ngay sáng  hôm sau là ngày 13/12, chúng tôi được mời đến dự buổi lễ an vị Phật Quán Âm tại chùa Giác Ngộ thuộc xã Quảng Lập – huyện Đơn Dương. Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi được thầy Trí Định đưa đến viếng thăm chùa Giác Nguyên (Sắc Tứ Giác Nguyên) ngự trên đồi cao tại thôn Đường Mới, huyện Đơn Dương. Vừa đặt chân đến trước sân chùa, tôi sững sờ bởi một kỳ quan tâm linh hiện ra đột ngột trước mắt. 

Ông mặt trời kia sau một ngày hành thiền khắp cõi đang mệt mỏi nép mình dưới rặng thông sau ngôi chùa để tiếp tục hành hương sang quốc gia khác. Không kịp hỏi han gì với thầy Trí Định, tôi phải tranh thủ chụp tất cả những hạng mục kiến trúc tuyệt tác trong khuôn viên của ngôi chùa cho kịp trước khi hoàng hôn lấy hết ánh sáng đi.

Mỗi cánh cong của đầu hồi mái nhà là một linh rồng được khảm từ những mảnh chén, bát, mảnh sành, mảnh chai nhiều màu khác nhau làm nên hình hài một linh vật sống động. Sự tinh xảo của các bàn tay đẳng cấp bậc nghệ nhân đã cho người ta cảm nhận được tiên rồng từ cõi Chư thiên về đây ngự bên trên các mái hiên chùa. Hậu chánh điện còn có bức tượng Sư tổ được tạo bằng sáp khiến chúng tôi giật mình như thấy sư tổ bằng da bằng thịt ngồi đó. 


Ngay trước cửa thềm Chánh điện là hai cột trụ, mỗi cột có một linh rồng lớn đang dương vây uốn khúc cuốn chặt cây cột. Vẩy rồng không chỉ khảm bằng mảnh chén bát mà còn được khảm thêm vỏ chai màu vàng đậm và màu xanh lá cây đậm, mỗi mảnh được mài hình vẩy nổi lên tạo cho thân hình linh vật có hồn như rồng hiển linh, đứng bên rồng cảm giác nổi da gà như thấy rồng đang thở. Ngoài ra còn những cặp rồng đất trước hiên chùa cũng được tạo nên y chang như vậy. 

Chếch bên phải phía sau chùa là ngôi tháp tổ lộng lẫy sừng sững dưới nắng ngọt dịu của hoàng hôn. Đặt chân vào chánh điện, trên Tòa sen màu đỏ điều là tượng Đức Bổn sư tọa thiền có chiều cao khoảng gần hai chục mét khiến người cầm máy chụp hình phải ngửa hẳn cổ ra sau mới đặc tả được hết chân dung bức tượng.

Đứng giữa quần thể kiến trúc của chùa Tứ sắc Giác Nguyên như những búp sen, cái búp, cái nở trong hoàng hôn cao nguyên sương buông giăng ngang lưng đồi mơ màng, ảo tưởng như giữa chốn Chư Thiên. Giá như tôi có được ở đây một ngày cũng không thể ngắm hết từng chi tiết tinh hoa từ ngoài đến bên trong nội thất của từng hạng mục trong khuôn viên của chùa này. Nhưng những gì đã lọt vào mắt tôi sẽ lưu mãi trong tâm mà quán tưởng rằng mình luôn có mặt tại đây.  


Trước đó gần chục năm, và cũng cách đây hai ngày, chúng tôi đã trở lại viếng chùa Linh Phước ở đường Tự Phước khu Trại Mát ngoại biên Đà Lạt. Chùa Linh Phước lâu nay nổi tiếng với cái tên dân gian là chùa… “ve chai”. Vì chùa cách Đà Lạt 8 km nên du khách tiện chân dễ dàng đến đây thưởng ngoạn kiến trúc Linh Phước. Tôi thấy tiếc cho du khách bị thiệt thòi chưa biết đến chùa Sắc Tứ Giác Nguyên này, vì chùa nằm khiêm tốn ở huyện Đơn Dương nên ít ai biết mà tìm đến thưởng lãm kỳ tích kiến trúc của ngôi chùa có những chi tiết rất khác biệt từ những sự sáng tạo xuất chúng như thần.  

Lần lượt, chúng tôi đến thăm chùa Phương Liên ở thôn Phú An huyện Đức Trọng. Rồi Tịnh viện Hương Nghiêm ẩn mình giữa một khu rừng thưa cây xanh tĩnh mịch trong Xóm Chùa huyện Đức Trọng, cũng trong ku vườn thiền này có một bức tượng đá A Di Đà cao 32 mét sừng sững giữa trời xanh. 

Rời chùa Hương Nghiêm thì trời đã tối, chúng tôi còn ghé vào một ngôi chùa nữa nhưng không nhìn rõ tên chùa. Và, chặng hành hương cuối cùng, đoàn chúng tôi dừng chân tại chùa Phật Đà nằm ở Finom huyện Đức Trọng. 

Từ lộ 20 đi vào ngoằn ngoèo vài trăm mét, hai bên lối đi là những ruộng rau xanh, vườn trồng hoa. Chùa nằm khuất bên trong, lưa thưa nhà dân, xung quanh là những ruộng ngô xanh rờn đã trổ bắp sắp thu hoạch. Chùa Phật Đà rất nhỏ, nghèo, ít tượng, chỉ có hai vị Ni tu ở đây. Sư cô Pháp Huệ tu ở đây là đệ tử của thầy Phật Đạo và đã từng sang Thụy Điển tu tại chùa Đại Bi Tâm I. Hai sư cô gặp lại sư phụ vui mừng cảm động vô cùng. Phía sau chùa có một gian bếp, sau bếp là sân chùa, tuy không lớn nhưng đủ dựng lên một dãy nhà nhỏ 3 phòng, kế đó là trái bếp ngoài trời và cây xanh. Phía trước ba căn phòng có một mô phỏng non thủy khiến khuôn viên nơi đây thêm phần sống động. Sống động hơn nữa là có mấy chú ếch đồng thanh “ca hát” oạp uôm suốt ngày đêm, khiến tôi nhớ lại tuổi thơ thường được đi về những miền quê có ao chuông luôn nghe ếch nhái kêu uôm uôm thật là gần gũi thân quen và gần gũi như trở lại ký ức xa nhớ.


Hôm sau, chùa Phật Đã tổ chức nghi lễ cho một Phật tử có Pháp danh là Thiên Chánh xuất gia. Sư cô trụ trì đã cầu thỉnh thầy Phật Đạo xuống tóc cho Thiên Chánh, đó là lý do chúng tôi theo chân thầy Phật Đạo về ngôi chùa này và ở đây 2 đêm.

Dù chùa lớn hay chùa nhỏ thì nghi lễ xuống tóc xuất gia đều trang trọng như nhau. Tôi đã là nhân chứng nhiều lễ xuất gia ở các chùa khác, nhưng buổi lễ xuất gia này khiến tôi và tất cả các Phật tử tham dự tại đây vô cùng xúc động. Trước khi xuống tóc, Thiên Chánh quỳ trước thân mẫu run rẩy từ biệt mẹ để bước vào con đường tu hành. Những lời tác bạch viết kín 2 trang giấy xin mẹ tha thứ cho những lỗi lầm Thiên Chánh đã gây từ tuổi thơ đến khi lớn lên, bao lần làm mẹ buồn khổ. Nay chưa kịp báo hiếu lại từ biệt mẹ để xuất gia. Người mẹ mắt đỏ hoe không nói lên lời, nhận hết những lời tác bạch của người con gái trinh nguyên, để vài phút sau đó sẽ trở thành ni cô.

Chúng tôi mang nguyên vẹn cảm xúc chứng kiến lễ quy y của Thiên Chánh mà tự răn lòng mình, tâm mình học hỏi phần nào trong những lời tác bạch của Thiên Chánh. Cũng như Thiên Chánh khi chưa xuất gia, vốn là người phàm cũng từng mắc biết bao lỗi lầm với bậc thân sinh. Từ khi may mắn bước theo con đường của Đức Phật đã buông bỏ phần nào tật mạn nghi đố.

Ngay tối hôm đó, chúng tôi đến thăm Ni viện Nguyên Không tại thôn Định An xã Hiệp An huyện Đức Trọng do sư cô Tâm Hạnh trụ trì. Chùa Nguyên Không ngự trên đồi, dưới ánh đèn đêm ngôi chùa tỏa sáng như một đóa sen trên cao. Đón tiếp chúng tôi không chỉ có các Ni trong chùa mà hàng chục đứa trẻ nhao nhao reo lên chào đón sư ông. Chúng tôi bị cuốn hút với những ánh mắt của trẻ thơ, tâm hồn trùng xuống với những tiếng cười trong như ngọc, thật đáng yêu và cảm động. 

Ni viện Nguyên Không nhiều năm qua đã nuôi dưỡng hàng chục cô nhi bất hạnh, các bé được Ni viện nuôi dưỡng từ vài ngày tuổi cho đến vài tuổi và cho đến khi các bé trưởng thành. Thầy Phật Đạo đã ưu ái tặng cho mỗi cô nhi một chuỗi đeo cổ tay và Phật Quán Âm bản mệnh. Bóng áo cà sa của thầy lẫn giữa đàn bồ câu nhỏ hòa tiếng nói cười ấm cúng trong tiền đường.

Một gia đình có từ một đến hai con ruột thịt nuôi dạy đã thấy khó khăn mọi bề, vậy mà Ni viện Nguyên Không nuôi dưỡng gần 40 trẻ dược sinh ra hầu hết trong hoàn cảnh trớ trêu, là ngần ấy cá tính khác nhau, biết bao phức tạp không kể hết. Với những tấm lòng từ bi, giới đức thanh tịnh, các Ni đã nuôi dạy những mầm non trở thành những công dân tương lai cho đất nước, thật là công đức rộng bao la.

Xe chúng tôi chuẩn bị chuyển bánh, từ trên sảnh của Ni viện các bé cùng các Chư Ni lần lượt ra cổng tiễn chúng tôi, một bé còn ngọng ngịu nói to: “Sư ông ơi. Lần sau sư ông lại đến tiếp nữa nhé”.


Sáng ngày 15/12, trước khi trở về Sài Gòn, chúng tôi tiếp tục theo chân thầy Phật Đạo đến Thiền viện Pháp Ấn hiện diện trên núi cao thuộc xã Lộc Thanh huyện Bảo Lộc. Dưới chân núi có một bãi để xe, kế đó là một quán nước, tại đây có một “tiểu đội xe ôm”. Lên núi cũng là đường lên cổng trời của chùa, nếu ai muốn lên cổng trời phải ôm eo các bác xe ôm thật chặt, vì dốc cao gần như dựng đứng, gồ gề, khó đi, có khúc chỉ là những viên gạch rộng 5 tấc chênh vênh đủ cho xe 2 bánh chạy qua. Nhiều bạn trẻ hăm hở đi xe máy tới đây đều phải gởi xe để đi “xe ôm”, tới cửa giảng đường Thiền viện Pháp Ấn thì mọi người phải lội bộ theo lối mòn quanh co khoảng vài trăm mét thì thấy cổng trời hiện ra trên mây.

Lối lên cổng trời là những bậc đá uốn cong xoáy ốc. Cổng trời như bồng bềnh trong hư không, vì hôm đó trời đầy mây. “Mây bay trên đầu và nắng trên vai” là đây. 

Trên thiền đường có tượng Bổn sư Thích Ca Mâu Ni mầu trắng. Phía trước là Mạn Đà La cúng dường truyền thống của phái Mật tông. (Trong giảng đường dưới chân núi cũng có 3 trụ Ma Ni Luân có gắn dòng chữ “Vạn vật luôn biến đổi”). Cách bức tượng Phật vài mét là một cái chuông khá lớn luôn có một vị Tăng trẻ thỉnh chuông mỗi lần Phật tử quỳ lạy Phật. Tiếng chuông cùng khói hương kết nối Chư Thiên xua tan chướng ngại, càng làm cho chốn này thêm linh thiêng.

Từ trên phòng thờ Phật đi xuống thềm cổng trời bước chân nhẹ lâng, thiên địa như nối liền chỉ cách gang tấc. Ngồi xuống thềm nhìn mây bay, gió hát, cành trúc la đà vương vấn mỗi bước chân bên lối đi. Bóng áo người tu đang quét lá rừng trên núi bên tháp chuông ẩn hiện như trong cổ tích. Các vị chân sư nơi đây đã cả đời người, đời tu học hỏi và nghiên cứu tỉ mỉ rất nhiều kinh điển, mật điển và các kiến thức khác, du khảo miền hẻo lánh này để xây dựng một tu viện trên non bồng vân vũ thế này thật quả là không thể nói hết lời tri ân sâu sắc của thế hệ ngày nay và cả mai sau.

Khi lên cổng trời đã rụng rời hồn vía vì đường đi, nhưng khi đi xuống thì mới thấy tận cùng nỗi sợ hãi. Vì dốc đứng nên ngồi phía sau “xe ôm” lực của thân hình như muốn xô hẳn bác lái “xe ôm” bật khỏi xe. Quả là “Trăm hay không bằng tay quen”, nếu không lái xe quen đoạn dốc hiểm trở này thì thật khó an toàn cho tính mạng nếu tự mình đi xe lên. Vì vậy, tôi đã gọi các bác “xe ôm” ở đây là “Tay lái xe ôm vĩ đại”, nhờ các bác mà chúng tôi lượt đi lượt về đều an toàn.

Hiện giờ Thiền viện Pháp Ấn đang đầu tư làm đường nhựa từ chân núi lên cổng trời, có thể lái xe lên tận nơi. Sau này còn duyên sẽ “Đến hẹn lại lên” gội mây, tắm gió trên cổng trời của Pháp Ấn. Một kiến trúc cổng trời có một không hai ở Việt Nam, là hình thức nghệ thuật kiến trúc truyền bá giáo lý của Phật không lời tới chúng sinh.

Thượng tọa Thích Phật Đạo mỗi chuyến từ Thụy Điển trở về quê hương lại thực hiện chuyến hành hương trên đất mẹ. Chuyến hành hương đất Phật ở miền đất hùng vĩ cao nguyên Lâm Đồng lần này khi trở về Thụy Điển, thầy có thêm những bài giảng của thầy soi rọi lòng từ bi Chánh đẳng chánh giác của Đức Phật vào tâm thức của Phật tử trong chùa Đại Bi Tâm về những nẻo đường Phật mà thầy vừa trải qua, những ngôi chùa như những bông hoa sen trong vườn hoa Phật giáo của tỉnh Lâm Đồng mà thầy Phật Đạo cùng chúng tôi đã may mắn được thưởng lãm trong vườn hoa tâm linh độc đáo đó.

Hành hương trên những nẻo đường của Phật, thực hành Phật Pháp ngay nơi mình đến, chúng tôi như được tắm trong suối nguồn năng lượng từ niềm tin yêu của Đức Phật mãi mãi lưu lại trong tâm khảm của chúng tôi.