Con hẻm dẫn vào chùa Lá quanh co, chật chội, ngỡ như vào một ngôi nhà bình dị trong khu dân cư đông đúc ở Gò Vấp (TPHCM). Phía trước cổng chùa là gian phòng dạy ngoại ngữ miễn phí cho thanh thiếu niên nghèo, bên trong, cô giáo trẻ đang dạy một đàn em nhỏ ê a đánh vần từng câu tiếng Anh. Tiếp đến mới là toà chính điện, không cao sang rộng lớn, chỉ như một thư phòng vừa phải, cạnh đó là một góc đá cảnh với đủ hình thù tự nhiên. Thầy Thích Nhuận Tâm – trụ trì chùa Lá ở 12/2E Quang Trung, phường 14, quận Gò Vấp – người có tâm hồn nghệ sĩ và là người chơi đá cảnh, cũng chính là người đầu tiên khai mở vùng đất toàn giang hồ tứ chiếng, dân anh chị này bằng cách dựng lên ngôi chùa lợp lá, và thu phục đệ tử là những “đại ca” khét tiếng một thời.
Chưa hết, người trong vùng còn nhớ, từng có một đại ca chỉ huy trên 100 đàn em, chỉ sau một lần mạn kiến với thầy đã tự nguyện xuống tóc đi tu ở ngôi chùa này. Hai ngày ở chùa, hôm sau, vị đại ca tập hợp đông đủ đàn em vốn trang bị mã tấu, lựu đạn, hàng nóng… tận răng lại, để nói lời chia tay với đoạn đời cũ và phát nguyện đi bộ về tận Đô Lương (Nghệ An) quê nhà để đàn em lấy đó mà theo gương. Sau đó, ông trở lại chùa và nhận pháp danh Đức Hậu. Thời gian vừa qua, chính sư Đức Hậu và thầy Thích Nhuận Tâm đã chữa trị thành công theo phương pháp riêng cho một số người nghiện ma tuý và phát nguyện xây một trung tâm cai nghiện ma tuý tại cộng đồng để giúp những thanh niên lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Thầy Tâm nhớ lại: “Tôi mua đất xây chùa vào năm 1995, khi đó khu vực này toàn dân nghiện xì ke ma tuý rất nặng. Ngay cả công an khu vực ban ngày cũng không muốn vô. Khi tôi đặt viên đá tảng đầu tiên để dựng chùa, có gã tới đây gây sự ngày 5-7 lần. Nhưng khi tôi nói chuyện với họ, và một thời gian dài tiếp xúc cởi mở, sống chân tình hết lòng với họ, có thể do có một cơ duyên nào đó mà không ít tay anh chị đã bẻ mác, gác kiếm giang hồ, bái tôi làm sư phụ. Tôi nghĩ, giang hồ cũng có nỗi khổ của riêng họ, lắm lúc không nhận chân hoàn cảnh, hay cuộc sống có một điều gì đó bắt họ phải làm như vậy. Một khi hiểu được họ, họ sẽ đến với mình chân tình. Như nhà sư Đức Hậu chẳng hạn, lúc chưa xuất gia, từng ôm lấy tôi mà khóc. Tôi nói: “Người trượng phu thương không ai biết, ghét không ai hay, cần gì phải thể hiện nước mắt ra ngoài”. Vậy mà người đó theo tôi xuất gia thật. Từ chỗ là một tướng cướp, một trùm xã hội đen ai cũng gờm, nay thành người bưng cơm, rót nước, giặt giũ quần áo cho mọi người, dọn dẹp, trông coi chùa chăm chỉ…”
Thầy từng nói: Hành đạo không có nghĩa chỉ xây dựng cho ngôi chùa thật hoành tráng, lúc nào cũng đầy lời kinh tiếng kệ, khách thập phương nô nức dâng hương lễ Phật, mà phải đem cái tâm Hỉ trải lòng trên niềm vui của nhân sinh, đem cái tâm Từ mà giáo hoá những ai còn nặng nghiệp chướng, tai ương. Giải nghiệp chưa đủ, còn phải hồi sinh cuộc đời mới cho họ. Có phải xuất phát từ quan niệm đó mà thầy quyết tâm mở một trung tâm cai nghiện cho thanh niên?
– Tôi vẫn chữa trị cho những người muốn cai nghiện thực sự và đã có một số trường hợp thành công. Ngày hôm qua, vừa có một người rời chùa về nhà. Phương pháp cai nghiện thì không lo, đã không ít lần tôi chữa trị có hiệu quả và thử nghiệm trên mình để trị một số bệnh khác nữa. Cụ thể, đó là phương pháp tuyệt thực, đào thải độc tố trong người, đi kèm với luyện khí công. Bệnh nhân phải có một đức tin, một lối thoát để từ đó tự cứu mình. Riêng sư Đức Hậu cũng có bài chữa trị theo phương pháp cổ truyền dân gian riêng.
Vấn đề là tôi muốn có một không gian tách biệt để chữa trị tập trung, làm thí điểm trên một nhóm nhỏ 5 người, sau đó, khi thấy mô hình của mình thành công, thì xã hội – cụ thể hơn là Nhà nước – cũng nên góp sức cùng tôi nhân rộng mô hình này ra. Bản thân một mình tôi cùng một số đệ tử không làm nổi. Hơn thế nữa, đây là một mô hình có ích, giúp một bộ phận giới trẻ lạc lối trở lại cuộc sống bình thường. Hiện nay, cùng với giáo dục học đường đang xuống cấp, đạo đức suy thoái, không ít thanh niên bị hư hỏng, tự huỷ hoại đời mình nên rất cần sự chung tay cứu giúp của xã hội. Các trung tâm cai nghiện của Nhà nước mọc lên nhan nhản, nhưng vấn đề là cắt nghiện thì dễ, còn tái nghiện thì không hạn chế được. Đội ngũ tái nghiện khi được đưa trở lại cộng đồng sẽ có những tác động xấu rất lớn.
Năm 2009, tôi đã lập dự án mở trung tâm cai nghiện, đã mua đất ở Vũng Tàu. Nhưng dự án đất đổ bể từ phía nhà đầu tư, nên họ cứ trả dần từng tí tiền cọc, mà đất thì không mua được. Tôi hy vọng, với tâm nguyện của mình, cũng sẽ có những Mạnh Thường Quân có tấm lòng rộng lớn, nhận thấy sự cần thiết xây dựng trung tâm cai nghiện, để có thể giúp tôi hoàn thành ước mơ này.
Thầy quan niệm: Tu ở chợ cũng là tu, đi tìm đá cũng là tu, chia sẻ với người khó khăn cũng là tu. Thời nay liệu có nhiều nhà sư có tâm nguyện như thế không?
– Người xuất gia là người xa cha, xa mẹ, xa quê hương, xứ sở, sống một cuộc đời không vợ con, để rảnh tay rảnh chân giúp đỡ người khác, không chịu sự ràng buộc nào ở thế gian, để có một tâm hồn phụng hiến cho cuộc sống, làm đẹp cho đời. Thế cho nên, bản thân người tu phải có sức mạnh, nội lực để đi ngược lại ham muốn của dòng đời, chứ không phải là những người uỷ mị, thất tình, sầu khổ muốn tìm chốn nương thân trốn đời như lâu nay người ta vẫn nghĩ. Xả kỷ, quên mình, phụng sự cho đời – đó mới là ý nghĩa của sự tu.
Còn về việc chơi đá, khi bạn rời đoàn người sau một chuyến làm từ thiện, đi rong ruổi một mình qua những con suối róc rách, đi từng bước nhẹ nhàng, tập trung tư tưởng tìm cho được một viên đá tảng thật đẹp, thì đó là một sự thiền hành giữa núi rừng, còn gì hơn thế? Đó cũng là một cách tu.
Một ngôi chùa nhỏ, chỉ trên mảnh đất 200m2, lại tọa lạc ở một khu từng là khu tệ nạn, dân cư nghèo khó, thì liệu có đủ sức mời gọi phật tử các nơi đến. Ngược lại, trong TP có nhiều ngôi chùa to, nườm nượp khách thập phương đến cúng dường, luôn xây thêm những công trình mới và kêu gọi đầu tư. Dường như có một nghịch lý ở đây, thưa thầy?
– Từ nhỏ, tôi đã ăn chay trường và có cái thú là muốn đi đây đó vì một ý nghĩ thôi thúc là trời cao, đất rộng, mà mình thì thật nhỏ nhoi, sao không đi cho hết? 14 tuổi, tôi đã thoát ly gia đình để đi từ miền Trung vào Nam, trôi dạt một thời gian dài. Sau đó, năm 18 tuổi, tôi đi bộ đội ở Campuchia, biết được những khổ đau của cuộc đời.
Bốn năm sau, tôi quyết định xuất gia, một thời gian sau thì đi học khoa Ngữ văn ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Khi tôi quyết định xây chùa, trong tay tôi chẳng có đồng nào, cũng chưa có một đệ tử nào cả. Nhưng tôi đã hiểu, rằng mình phải làm điều gì đó giúp đời, đóng góp một cách thiết thực cho đời. Tôi hướng đến lớp thanh niên và giới trí thức. Một trong những suy nghĩ của tôi là dường như, Giáo hội Phật giáo chưa thực sự chú ý đến hai lớp người này. Mà đối với giới trí thức, nếu được chứng ngộ, họ thực sự là những người mang lại thay đổi lớn lao cho việc truyền bá và nâng tầm tư tưởng Phật giáo. Giới trẻ thì rất cần sự hướng dẫn về tinh thần, để có được niềm tin và những giá trị sống.
Ngôi chùa của tôi tuy nhỏ, nhưng chưa một ngôi chùa nào ở TPHCM như chùa Lá lại có thể thu hút đông đảo anh em văn nghệ sĩ đến như vậy. Họ cùng làm từ thiện, cùng ra những tập thơ, cùng tham gia các hoạt động văn hoá gây quỹ… Sở dĩ, 5 tháng gần đây, tôi mở 5 lớp học Anh-Nhật-Hoa miễn phí cho 250 thanh thiếu niên nghèo cũng là vì vậy. Tôi muốn lớp trẻ nghèo có thể có cơ hội vào đời, có việc làm và khích lệ họ học hành. Nhiều sinh viên nghèo cũng được nhận học bổng, nhờ tôi liên hệ với các công ty, nhà tài trợ. Sợ các em bỏ học vì là theo lớp miễn phí, tôi ra điều kiện, cứ học đủ 3 khoá mà không vắng buổi nào, sẽ nhận được học bổng của nhà hảo tâm. Tôi dự định làm một trang web để thông báo về các lớp học trên, nhưng do điều kiện mà làm mãi chưa được.
Còn về chuyện chùa to, thì phật tử lo giúp chùa nhiều, nhưng người ta đôi khi lại không lo cho cái chung, mà đâm ra so sánh chùa này với chùa kia. Người chân tu thì nên nghĩ rằng mình không có chùa nào cả, chùa nào cũng cần mình có trách nhiệm. Nếu có tiền, tôi sẽ không xây thêm chùa, hay mở rộng chùa mình đang trụ trì, mà như đã nói, dành tiền xây dựng trung tâm cai nghiện, hoặc trung tâm văn hoá, để từ văn hoá có thể đưa người ta trở về với văn hoá tâm linh.
Thầy Tâm kể: Năm nay, mùa trung thu, chùa đang có chương trình mới. Vừa ra mắt TT Đá gỗ nghệ thuật chùa Lá ngày 15.8, thầy dự định mang tác phẩm của mình đi triển lãm ở quận 1, quận 3, sau đó bán đấu giá một số tác phẩm, gây quỹ ủng hộ trẻ khuyết tật. Trước đây, chùa từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm thư pháp, đá gỗ, thơ thiền… gây quỹ giúp công nhân nghèo, các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Những ai từng đến chùa Lá, sẽ không quên cảnh có ông thầy trụ trì ngồi canh cửa, lo học sinh lớp học ngoại ngữ miễn phí cúp cua. Lâu lâu, thầy lại mời đệ tử đến nấu cơm thết đãi cả thầy lẫn trò để động viên tinh thần người dạy và học. Học xong khoá cơ bản, học viên có thể thông qua trung tâm việc làm của chùa để kiếm những công việc bán thời gian, để có thể trang trải học phí ở đại học, bớt gánh nặng cho gia đình ở quê. Không ít thầy giáo là người nước ngoài tới đây dạy miễn phí. Đứng lớp thường xuyên là 5 giáo viên trẻ tốt nghiệp ĐHSP, thầy lo kinh phí để trả lương hàng tháng cho các giáo viên từ 1-2 triệu đồng/tháng. Ai muốn làm công quả thì tuỳ tâm… Thầy cũng tổ chức được CLB thơ của chùa Lá, hàng năm vẫn tìm nhà tài trợ để in thơ cho các nhà thơ trong CLB. Đến nay, đã in được 20 tập thơ. Ngoài ra, khi mỗi thành viên qua đời, chùa lại có trách nhiệm in một tập thơ bằng máy vi tính cho mỗi người như một kỷ niệm để nhớ về họ.
Khi được hỏi, mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo mà thầy từng trải nghiệm khi theo học đại học KHXH&NV, thầy Tâm cười: Một thi sĩ đích thực sẽ gặp một vị tu sĩ ở đỉnh điểm là giải thoát tâm linh. Nhiều câu thơ của Bùi Giáng, Xuân Diệu, hay thậm chí cả những ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn đã là những câu kệ tuyệt hay, thấm đẫm tinh thần Phật pháp. Văn học mở ra những cánh cửa để đi vào tâm hồn con người, còn tôn giáo mở ra những ngõ ngách tâm linh sâu hơn để nhà văn khai thác. Cả hai đều có khả năng chữa trị tâm hồn con người. Với một nhà sư như thầy Thích Nhuận Tâm, tu là để nhập cuộc, là chữa trị trực tiếp và gián tiếp những căn bệnh của người đời, vì “chúng sinh đa bệnh, Bồ Tát đa hạnh”. Căn bệnh xã hội hiện không chỉ là những tệ nạn, mà còn là những tổn thương tinh thần xuất phát từ sự lệch lạc trong giáo dục, và tìm sự giác ngộ, giải thoát cho giới trẻ chính là điều mà thầy cho là quan trọng nhất hiện nay. Một mình thầy làm không nổi, chỉ mong có sự tiếp sức của nhiều tổ chức, nhiều nhà hảo tâm hơn nữa, để thay vì xây chùa, thầy có thể mở trung tâm cai nghiện ma tuý và giáo dục lẽ sống cho thanh niên.