Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Thầy giáo nghỉ hưu xây chùa làm đẹp cho quê hương

Thầy giáo nghỉ hưu xây chùa làm đẹp cho quê hương

142

Năm 1992, thầy 60 tuổi, cùng gia đình về nghỉ hưu ở làng Chương Lộc, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, nay thuộc Hà Nội. Vào thời điểm đó, làng Chương Lộc vốn là một vùng quê hẻo lánh, vắng vẻ, trũng thấp, động mưa là bùn đất, chợt nắng là chói chang, xa chợ búa, xa đường giao thông.

Thông cảm với quê nghèo, thầy cùng với người vợ tao khang của mình – bà Lê Thị Thanh (Cơ) vốn cũng là một nhân viên hành chính của nhà trường cấp 3 và 5 người con (4 trai, 1 gái) đã xoay trần đào ao thả cá, lấy đất đắp nền, xe cát đổ thêm trồng rau, trồng quả. Thế rồi công việc nhà tạm ổn, thầy liền tham gia công tác xã hội, làm đẹp cho quê hương.

Với cương vị Chi hội trưởng NCT của làng và Chủ nhiệm Câu lạc bộ NCT làm vườn cây cảnh toàn huyện Thường Tín, Hội trưởng Hội hưu trí CBCNV GV trường cấp 3 Thường Tín, ông và cả bà và nhiều lúc ông bà huy động cả các con, cháu góp nhiều tâm đức tiền của, vật dụng cho việc xây dựng đời sống văn hóa của địa phương, góp phần nhỏ trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo.

Nhờ vậy, làng quê Chương Lộc từ một làng nghèo nay đã trở thành làng văn hoá nổi tiếng với nhà cửa, vườn ngõ khang trang, khiến cho du khách gần xa chỉ một lần đến thăm là đã thấy cảm mến.

Đặc biệt, thầy Lê Điện được dân làng ghi nhận là một trong những người đầu tiên khởi dựng ngôi chùa làng với nhiều tâm sức, công đức, tiền của. Làng Chương Lộc vốn có tên nôm là Chạ Trầm. từ thuở xa xưa tên chữ là Trầm Linh tự tọa lạc trên một gò đất linh địa hình con rùa. Xưa phía trước ngôi chùa là dòng sông Kim Ngưu chảy từ đất Thăng Long xuôi xuống, trên bến dưới thuyền, bốn bề nhộn nhịp. Xế bên ngách chùa xưa là nhịp cầu gỗ cong có trụ lớn bắc qua sông.

Lịch sử biến thiên, trải bao dâu bể, nạn vỡ đê Xâm Thị vào năm 1913 đã cuốn đi tất cả, sông Kim Ngưu bị cát vùi, tượng phật chuông khánh trong chùa cũng đi theo dòng nước lũ.

Thảm họa xóa đi một kiến trúc Phật tự khiến người làng Chạ Trầm từ trước 1945 đã không có ngôi chùa thờ Phật. Rồi tiếp đó là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nền chùa xưa trở nên hoang tàn.

Năm 1992, về nghỉ hưu, công việc đầu tiên của thầy Lê Điện là làm đơn xin phép cho dân làng Chương Lộc khởi dựng lại ngôi chùa. Ngày 19-12-1992, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã và UBND xã Chương Dương đã kí duyệt tờ đơn xin phép do thầy Lê Điện thảo. Lập tức thầy Điện được cử làm Thư kí của Ban kiến thiết chuyên tâm vận động công đức của dân làng và khách thập phương để xây dựng ngôi chùa.

Cho tới năm 1993, ngôi chùa làng Chương Lộc có 3 gian tiền đường, 2 gian thượng điện, 8 pho tượng phật được khánh thành. Làng Chương Lộc lấy ngày 20 tháng hai âm lịch hàng năm làm ngày hội chùa. Riêng thầy Lê Điện cung tiến cho chùa hàng chục chậu cây cảnh, cây thế để cảnh Phật thêm vẻ sum suê.

Khởi dựng ngôi chùa xong, thầy Lê Điện lại có công nhiều năm đi liên hệ với Hội Phật giáo huyện để mời thầy Thích Đàm Hạnh về nhập tự từ ngày 25-10-2006 (tức mồng 4 tháng 9 năm Bính Tuất). Thế là quả phúc tâm linh đã về với làng Chương Lộc. Thầy lại cùng với Hội NCT và dân làng bắt tay vào việc tu sửa ngôi đình ở phía nam của làng.

 Đây là một ngôi đình cổ có kiến trúc thời hậu Lê song đã bị vá víu, lợp ngói ta, ngói tây lẫn lộn. Đình thờ công chúa Tiên Dung thời các vua Hùng, song các sắc phong và thần phả đã bị thất lạc nên chưa làm được hồ sơ để xin ngành văn hóa thành phố xếp hạng di tích lịch sử.

Khác với ngôi chùa là nơi các cụ bà hay đi lễ Phật, thì ngôi đình lại là nơi các cụ ông hay tụ họp để lễ thánh mỗi khi tết đến, xuân về. Với cương vị Chi hội trưởng Hội NCT liên tục từ khi nghỉ hưu, thầy Lê Điện không ngừng việc tu bổ khi thì xây cửa mã, khi thì xây tường, sửa sân, khi thì thay gạch lát nền cho êm thuận hơn.

Vào năm 2008, ở tuổi 76, thầy vẫn hăng hái vận động dân làng và đề ra kế hoạch tu sửa một cách cơ bản, làm đâu được đấy, làm đâu đẹp đấy. Dân làng Chương Lộc đã làm lại mái, thay rui mè và thay ngói ta toàn bộ cho tòa đại bái của ngôi đình. Dịp sau tết Kỷ Sửu (2009), lễ khánh thành việc tôn tạo ngôi đình làng Chương Lộc đã được trang trọng tiến hành.

Một lần nữa, thầy Lê Điện lại được dân làng ghi nhận là người có công đầu chăm lo tu tạo ngôi đình cho dân làng và cho các thế hệ mai sau. Ngoài ra, thầy còn tham gia xây dựng các quy ước làng, nếp sống văn minh việc hiếu, việc tang.

Đặc biệt các bài điếu văn của thầy đưa tiễn người quá cố thấm đẫm tình nghĩa nhân văn, khi vui cùng hưởng, khi buồn cùng sẻ chia. Thầy còn trực tiếp giúp tang chủ lên chương trình, viết đối phúng, được nhân dân tín nhiệm và khách đến dự cảm kích.

Thế là sau 17 năm nghỉ hưu, thầy Lê Điện mặc dù tuổi ngày một cao, vẫn không ngừng tham gia công tác xã hội, làm đẹp cho làng nước, quê hương. Hàng chục năm, gia đình thầy luôn được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu, được nêu danh trong sách “Nóc có vững nhà mới bền” của Cục Văn hóa-thông tin cơ sở xuất bản năm 2007.