Tiền thân của phim này mang tên “Phật và Thánh chúng”, cách đây khoảng một năm những thước phim đầu tiên công bố rộng rãi trên mạng đã bị cộng đồng Phật tử phê phán đủ điều.
Đến nay, “Phật và Thánh chúng” được đổi thành “Con đường giác ngộ” đã được chiếu tại chùa Hoằng Pháp sáng thứ bảy ngày 02/11/2013, đối tượng đến xem buổi chiếu này là những “nhà chuyên môn”. Thế nhưng thực tế không có một nghệ sĩ chuyên nghiệp nào, không có nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp nào, không có nhà báo chuyên nghiệp nào.
Hiện diện mấy hàng ghế bên phải là các vị Chư Tăng (Những nhà tu chuyên nghiệp). Phía bên trái là đoàn làm phim, còn lại là các Phật tử (Những người tu nghiệp dư) xem phim, tất cả khoảng vài chục người. Vắng mặt các “nhà chuyên môn” là do đoàn làm phim không mời hay do chùa không mời? Hay các “nhà chuyên môn” vì từ trung tâm thành phố đến chùa Hoằng Pháp cách xa trên 20 km đã không thể đến được?
Theo kế hoạch thì 8 giờ khởi chiếu, nhưng vì đoàn làm phim tới trễ nên 9 giờ mới bắt đầu. Trong lời mở đầu của thầy Chân Tính cho biết: “Thực tế phim làm xong có năm tập, nhưng chùa yêu cầu cắt đi những đoạn huyền sử chỉ nói sự thật về Đức Phật thôi nên còn lại bốn tập, mỗi tập tiếng rưỡi”.
Phòng chiếu là giảng đường của chùa. Vì chiếu ở chùa nên bản thân đoàn làm phim vẫn còn vài người tiếp tục đến sau, Phật tử ra vô thoải mái, có cả con nít bò lê trên sàn la hét. Tiếng điện thoại di động “lảnh lót” đó đây, thỉnh thoảng có người trong đoàn làm phim đứng lên đi lại trong phòng chiếu nói chuyện qua điện thoại.
Người quản lý âm thanh “khoe” chức năng amply “xịn” không điều chỉnh đúng kỹ thuật dùng cho tiếng phim nên bị ù ong ong, đôi chỗ không rõ lời. Buổi sáng chiếu 2 tập, buổi chiều chiếu 2 tập, nhưng buổi chiều một số Phật tử không quay trở lại. Phải chăng các Phật tử bỏ về nhận thấy chất lượng phim “Con đường giác ngộ” thiếu sinh khí?
Thiết nghĩ, nếu đúng là buổi chiếu phim dành cho các “Nhà chuyên môn” thì phim phải được chiếu trong phòng chiếu có tính chuyên nghiệp. Tại phòng chiếu tuyệt đối im lặng, những người không có nghiệp vụ về nghệ thuật phim không được phép vào phòng. Buổi chiếu kết thúc, nhà sản xuất và đoàn làm phim phải ngồi với những “nhà chuyên môn” lắng nghe những đóng góp ý kiến.
Nhưng “Nhà chuyên môn” chỉ nhận được một tờ “Phiếu góp ý” có những ô vuông bằng hạt đậu xanh để đánh dấu về kịch bản, đạo diễn, nghệ thuật, quay phim, dựng phim v v… “Tốt – Trung bình – Kém” một cách chung chung. Không có có tên và chữ ký đơn vị chịu trách nhiệm phát ra tờ “Phiếu góp ý” này nhưng lại yêu cầu người góp ý ghi tên và đơn vị (?) “Nhà chuyên môn” chẳng biết đánh giá thế nào, nhà nghiệp dư thì chẳng biết ra sao mà “góp ý”. Có người cho rằng phim đã công chiếu thế này coi như việc đã rồi “góp ý” gì nữa???.
Ai cũng biết rằng tiền làm phim bỏ ra là tiền thật, còn phim có mang lại nghệ thuật thật xứng đáng với một đống tiền của chùa bỏ ra hay không phải do các “Nhà chuyên môn” đánh giá. Vắng các “Nhà chuyên môn” xem phim thì sẽ dễ dàng qua mặt được đông đảo Phật tử ngộ nhận mà Phật tử thì không phải các “Nhà chuyên môn” nên phát sinh nhiều dấu hỏi đặt ra cho buổi chiếu phim với danh nghĩa dành cho các “Nhà chuyên môn” này không ít thắc mắc.