Trang chủ Tu học Phổ thông Thập thiện

Thập thiện

156

Thập thiện nói đầy đủ là thập thiện nghiệp, tức hướng tới và đạt được sự thanh tịnh trong mỗi hành vi tạo tác. Thế nào gọi là thiện, thế nào gọi là ác? Khi làm việc gì mà có lợi cho mình cho người, lợi ích hiện tại và tương lai, lợi ích đời này và đời sau, đó là thiện. Hoặc theo tinh thần Bồ Tát tuy có tổn hại mình nhưng lợi người, lợi chúng sanh, trong đời này và đời sau cũng là thiện vì thương chúng sanh, khởi đại bi tâm, có thể hy sinh thân mình.


 


Ngược lại với thiện là ác, phàm làm việc gì hại mình, hại người trong đời này và đời sau hoặc lợi mình nhưng hại người, đó là ác. Còn nghiệp là gì? Nghiệp là sự tạo tác của hành vi, là kết quả của những sự tạo tác có chủ ý. Có mươi nghiệp thiện và mười nghiệp ác thông qua sự tạo tác của thân, miệng và ý. Hành động không phải là chính mà chính là ở nơi tâm mình. Chữ thiện, ác không dễ thấy rõ, ví dụ như người làm cha mẹ đánh con, như vậy đánh con là ác sao? Nói “thương con cho roi cho vọt”, hoặc có thằng nhỏ leo lên cây tiểu xuống, ông quan chẳng những không rầy mà còn cho bánh như vậy ổng ác hay thiện? Quan trọng là tâm của mình chứ không phải hành động.


 


Bất cứ hành động nào cũng xuất phát từ tâm. Ý suy nghĩ, miệng mới nói, tay mới làm, tức là từ nơi ba nghiệp: thân, khẩu và ý nghiệp. Khi xét đoán việc làm nào phải xét từ ba nghiệp mới khẳng định được là thiện hay ác, không thể nói mù mờ được. Hành động của nghiệp thì vô số nhưng phân chia căn bản thì có mười việc lành hoặc dữ.


 


* Thân nghiệp: sát sanh, trộm cắp, tà dâm.


* Khẩu nghiệp: nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói hung ác.


* Ý nghiệp: tham sân si.


 


Đó là mười nghiệp ác nếu làm thì phạm, không làm là thiện; như trong bìa kệ: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”. Nghĩa là các việc ác chớ làm, nếu làm thì phạm; các việc lành nên làm, làm thì không phạm, nếu không làm thì phạm.


 


Chúng ta đừng quan niệm tôi ăn hiền ở lành, không làm việc gì xấu ác với ai là đã tu rồi. Nếu quan niệm như vậy thì chỉ đứng tại chỗ không tiến lên được. Như một hạt lúa mà không gieo trồng, tưới nước bón phân thì nó có lên thành cây lúa, bụi lúa không? Chúng ta có Phật tánh mà không biết lau chùi, không tu tập thì có giải thoát không? Biết mình có Phật tánh thì phải vun bồi phát triển thì mới sáng suốt được.


 


Nếu gặp thời an lạc thì con người tu thiện nhiều, thời ác thì dễ làm ác. Quan trọng nhất là chúng ta còn sống được khoẻ mạnh ngày nào, còn trí tuệ thông minh sáng suốt thì gắng tu vì già chết không hẹn cùng ai, nên cần phải dừng nghỉ các hành động ác. Phải tu hết đời này và nhiều đời nhiều kiếp nữa chứ không phải chỉ một kiếp này thôi. Ba nghiệp đã tạo thì cần phải ăn năn sám hối chừa bỏ.


 


Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp


Giai do vô thỉ tham sân si


Tùng thân ngữ ý chi sở sanh


Nhứt thiết ngã kim giai sám hối.


 


Thấy rõ do ba nghiệp tạo ra tham, sân, si. Chính nó đưa chúng ta đi lên hoặc đi xuống, nên phải tạo cho mình nền móng vững vàng như xây căn nhà vậy. Nó là yếu tố để tu hành và đưa đến kết quả. Một khi đã kết tạo thành nghiệp rồi nó ăn sâu vào chủng tử thì rất khó mà bỏ được như việc hút thuốc hay ăn trầu, đã huân tập nó thành thói quen, thành nghiệp. Khi chúng ta tu thì sẽ chuyển nghiệp được, nếu không chuyển được thì cũng như xì ke mà không cai nghiện thì nó sẽ đưa đến những hậu quả ác nhất như giết người. Nghiệp ác thì phải trừ, nghiệp thiện thì nên tạo, phải thấy được cái nghiệp nào cần thiết để tu sửa. Muốn đi theo con đường lành thì phải cải tạo các hành động việc làm ác ngay từ bây giờ, để cho ba nghiệp được thanh tịnh mới đồng Phật vãng Tây phương. Chúng ta có 84 ngàn pháp môn tu, tu pháp môn nào cũng được miễn sao thuần hóa tâm, thanh tịnh tâm, chữa bịnh tâm. Khi cái chánh tới thì cái tà không còn đất sống, như ánh sáng đến thì bóng tối tự tan đi. Nếu chúng ta làm điều thiện ở chỗ này vùi thì chỗ khác cũng vui, ở nơi nào cũng vui vì thiện nghiệp mình tạo ra thì phải sinh ra an lạc. Khi quí vị đi ra đường thấy người già mình dẫn qua đường tự nhiên cảm thấy có chút niềm vui nho nhỏ. Mỗi ngày cứ tăng thêm việc thiện từ lời nói, hành động, suy nghĩ thiện thì tam an lạc.


Nếu không có tạo nghiệp thì không cần diệt nghiệp. Như cái áo không dơ thì đâu cần giặt. Chuyện kể có vị Phật đi trên một chiếc ghe có 500 vị thương buôn, trong đó có hai tên cướp. Phật biết được ý đồ hai tên cướp muốn giết 500 người này, Phật phải giết hai người kia. Hành động đó là thiện hay ác? Hành động với nội dung tất cả đều do tâm tạo. Phật đã vì tâm từ bi sẵn sàng chịu quả báo cho chúng sanh, có thể làm mọi việc với tâm từ chứ không phải tâm độc ác. Quí vị cứ tin chắc tin sâu vào nhân quả. Cố gắng nhẫn nại làm các việc lành.


 


Nói thập thiện là nói về ba nghiệp, nó là căn bản của thế gian và xuất thế gian. Gieo nhân thì gặt quả, ngay trong đời hiện tại hoặc đời sau, không sai chạy. Nhân nhỏ thì nhỏ quả nhỏ, nhân lớn thì quả lớn, như người ta nói: Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì, tức là cái thiện và cái ác trước sau gì cũng có quả báo, chỉ có chậm hay mau mà thôi. Cũng như trồng cây: có cây hai hoặc ba tháng có trái, có cây một năm, hai năm và có những cây đến 10 năm hoặc 20 năm. Nếu siêng làm tất cả việc thì kết quả sẽ tốt.


 


Muốn được quả làm người thì phải gieo nhân lành là giữ tròn năm giới. Với nhân này ta có quả hiện tại từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội đều quý trọng, nếu tiến xa hơn một bực nữa thì phải tu thập thiện. Hiện tại đã khẳng định rằng mình đã tu nhân làm người rồi nên bây giờ mới được làm người đây. Đã gây được nhân làm người lục căn đầy đủ, được gặp Phật pháp thì phải cố gắng tiến lên thêm nữa là tu thập thiện, từ từ đi lên cao hơn để trở về với Phật quả chứ đừng có hướng xuống. Con người là giai đoạn trung gian để đi lên tứ thánh hoặc trở lại lục phàm. Mình đã khẳng định đã chọn lý tưởng rồi thì phải cố gắng theo đuổi, kiên trì nhẫn nại thì sẽ vượt qua hết tất cả, không nên chán nản. Phải thấy được cái lợi ích để mình vượt qua. Muốn lấy được gỗ quí thì phải dọn những gai góc dọc đường, đi vào sâu trong rừng mới có gỗ quí, phải chịu những nghịch cảnh chướng duyên, cực khổ. Càng lên cao càng nguy hiểm và khó khăn. Phải vượt lên chướng duyên của bản thân và của hoàn cảnh.


 


Chúng ta phải làm sao tự mình giữ cho ba nghiệp được thanh tịnh. Một khi ý nghĩ hay hành động nào muốn làm mình phải suy xét tường tận từ ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp. Mỗi ngày phải tập cho thân không phạm, miệng cũng không phạm, việc nào đáng nói thì nói không thì thôi. Phải tập nói năng như chánh pháp, im lặng như chánh pháp.


 


Chúc quí phật tử giữ gìn và trau dồi tốt thập thiện nghiệp. Tu tiến để được giải thoát.


 


Quảng Tánh. (lược ghi)