Chân tháp có quy mô hình gần vuông 9,6m x 9,0m; và nếu theo cách tính của L. Bezacier đã tiến hành với một tháp gạch tại chùa Ninh Phúc (Phật Tích – Bắc Ninh) năm 1940 thì Tháp Nhạn có thể cao tới 20,5m..Với chiều cao này, rất có thể tháp được chia thành nhiều tầng theo kiểu dưới to, trên thu nhỏ dần. Với chiều cao như vậy, Tháp Nhạn sẽ là một công trình kiến trúc Phật giáo to nhất xứ Hoan Châu ngày đó.
Cấu trúc bên trong lòng Tháp Nhạn như sau:
Lòng tháp xây theo kiểu giật cấp, dưới to trên nhỏ hay theo kiểu thượng thu hạ thách. Phía trên chân tháp có kích thước 5,75m x 5,6m thì ở dưới đáy cùng là 3,20m x 3,18m. Như vậy, độ chênh từ trên mặt tháp xuống tới đáy chân tháp là khá lớn từ 2,42m đến 2,55m.
Bên trong lòng tháp diễn biến khá phức tạp. Đầu tiên là một lớp gạch tháp bị đổ lấp kín lòng tháp. Lớp gạch này có độ dày từ 0,60m-0,70m.
Dưới lớp gạch vỡ là một bệ thờ. Bệ thờ cũng được làm bằng gạch, có hình khối hộp chữ nhật dài 0,70m, rộng 0,40m, cao 0,80m. Mặt bệ quay về hướng bắc, có một hốc nhỏ hình chữ nhật.
Dưới bệ thờ là một ụ đất màu nâu lẫn trong đó có cuội sỏi to và gạch vụn. Ụ đất này có hình bầu dục bao quanh chân bệ gạch, kích thước: dài theo trục bắc nam 2,50m, dài theo trục đông tây 1,60m, dày chừng 0,30m.
Trên mặt ụ đất và dưới chân bệ thờ (cách mặt đất hiện tại chừng 1,40m) là một hộp bằng đồng nhỏ; bên trong lòng hộp rỗng khi lắc phát ra tiếng kêu song không rõ là vật gì, vì hộp không mở được. Cạnh đó là vài chục mảnh đồng bị vỡ ra từ nhiều loại hình hiện vật khác nhau. Trong đó có một mảnh lớn, hình tròn trang một vành hoa 4 cánh, xung quanh trổ lỗ thủng. Rất có thể đây là vành hoa văn trang trí sau lưng một pho tượng đồng nào đó?
Dưới ụ đất là lớp đất nâu thuần, dày chừng 0,10m, không thấy có hiện vật. Dưới lớp đất nâu là lớp than tro đen dày. Lớp than này có hình bầu dục dài 1,80m, rộng 0,80m.
Dưới lớp than đen (cách mặt đất hịên tại 1,80m) là một cây gỗ rỗng lòng, chôn theo tư thế thẳng đứng ở chính giữa lòng tháp. Cây gỗ rỗng lòng này được ghép từ hai nửa thân cây sau khi đã đẽo rỗng lòng rồi ghép lại với nhau tạo thành một trụ bằng thân cây, cao 1,37m. Phần thân cây chôn chìm dưới đáy tháp là 1,12m.
Hai mảnh thân cây gỗ ghép lại thành một trụ đứng có cấu trúc khá đặc biệt. Cả hai đều chôn phân gốc ở dưới, phần ngọn lên phía trên. Chiều cạnh của gốc dày 5,5cm, phần ngọn dày 3cm. Dưới gốc để bằng, đầu ngọn để vát. Mảnh gỗ phía tây có nhiều điểm đáng chú ý. Cạnh gốc của mảnh gỗ này có một lỗ thủng nửa hình bầu dục dài 0,48m, rộng 0,26m, vết đẽo nham nhở. Phía đầu mảnh gỗ khoét 2 lỗ nhỏ hình hạnh nhân.
Trong lòng cây gỗ chôn thẳng đứng có chứa nhiều than tro. Đây là loại than củi đen, to và xốp. Lẫn trong đám than tro này là một hộp hình chữ nhật bằng đồng đã bị gỉ sét. Lớp gỉ đồng có màu xanh còn bám chặt lấy lớp than đen, mềm xung quanh. Chiếc hộp bằng đồng được phát hiện trong tình trạng còn khá nguyên vẹn, cách đầu cây gỗ phía trên khoảng 0,48m, và nằm ngay rìa cạnh phía tây của cây gỗ.
Lúc đầu chúng tôi cũng có ý định để nguyên trạng hộp đồng để phục vụ cho công tác trưng bày của Bảo tàng Tổng hợp Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Nghệ An). Song bí mật này không giữ được lâu, chỉ bởi một góc hộp đồng bị vỡ hé lộ ra một hộp kim loại bên trong có màu vàng.
Bên trong lòng hộp bằng đồng là một hộp nhỏ nữa cũng được làm bằng kim loại có màu vàng. Hộp có hình chữ nhật, kích thước dài 8cm, rộng 5cm, cao 5,5cm, được chia thành 2 phần nắp hộp và thân hộp.
Nắp hộp: giống như nắp mui luyện của những ngôi mộ hợp chất, có gờ mái chờm ra xung quanh. Trên đỉnh nắp có trang trí hình hoa 6 cánh, có nhụy nhỏ tròn ở chính giữa, xếp liên tiếp tạo thành một khung trang trí chữ nhật.
Thân hộp: Diềm nắp ăn khít với thân hộp, trên đó trang trí bông hoa 3 cánh, chụm lại dưới một cái cuống với 2 đôi cánh là đối xứng nhau như dạng hoa sen cách điệu. Những bông hoa sen cách điệu này, được trang trí theo dải băng tạo thành một khung hoa văn chữ nhật. Giữa lòng các ô trống là một mặt phẳng, có màu kim loại vàng.
Trong lòng hộp, khi mở ra, chúng tôi thấy khoảng 1/3 đáy hộp là than tro do bị nước thấm vào nên đã quánh lại thành một lớp màu đen rất mềm. Trên bề mặt lớp than tro ấy, có 2 nửa hình tròn màu trắng đục, trong và mỏnh như vỏ trứng. Chắc hẳn hai mảnh vòng tròn này là từ một cục tròn có chất trắng đục bị vỡ ra làm đôi. Bên trong quả cầu trắng đục ấy là gì? Hiện giờ chúng tôi vẫn chưa thể hình dung ra. Song có điều chắc chắn là chúng tôi đã tìm thấy và đào được một hòm xá lị của Đức Phật.
Như vậy trong lòng Tháp Nhạn đã tìm thấy xá lị của Đức Phật. Hộp xá lị Tháp Nhạn có cấu trúc hơi đặc biệt gồm 3 lớp sau:
Lớp 1: là thân cây khóet rỗng và chôn theo phương thẳng đứng ở chính tâm tháp. Bên trong thân cây này có chứa nhiều than tro.
Lớp 2: hộp bằng đồng có kích thước dài 12cm, rộng 8cm, cao 8cm. Lớp hộp đồng này cũng chỉ để vừa hộp kim loại có màu vàng ở bên trong.
Lớp 3: Hộp chữ nhật là từ kim loại có màu vàng. Trong lòng hộp có chứa khoảng 1/3 là than tro và 2 nửa viên tròn rỗng, màu trắng đục lẫn trong. Phải chăng đây là bình pha lê như đã thấy ở Chùa Dâu?
Niên đại của Tháp Nhạn được xây dựng vào thời Đường, nửa đầu thế kỷ VII. Theo các cụ già trong thôn thì vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, có một số học giả Pháp ở Trường Viễn đông Bác cổ đã về đây khảo cứu và mang đi nhiều di vật quý, trong đó có những viên gạch có chữ ghi niên đại năm 627 đời nhà Đường.
Theo: Nguyễn Mạnh Cường
Trích nguồn: Vanhoanghean.vn
——————————————–
Trung tuần tháng 8/2012, trong chuyến đi công tác tại Nghệ An, tác giả đã cùng quý Thầy ở Huế và các nhà khảo cổ đã xuống thăm Tháp Nhạn. Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận được ở Tháp Nhạn: