Trang chủ Nghiên cứu Phật giáo và Khoa học Thập hạnh Phổ Hiền – Phương pháp tu trì cho cư sỹ...

Thập hạnh Phổ Hiền – Phương pháp tu trì cho cư sỹ Phật giáo hiện đại (P2)

874

Những gợi ý của Phổ Hiền thập hạnh nguyện đối với sự tin ngưỡng và tu trì của cư sĩ Phật Giáo hiện đại

Phổ Hiền thập hạnh không chỉ bao hàm đủ tinh thần và giáo lý căn bản của Phật Giáo Đại Thừa “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” mà còn là hệ thống tu trì hoàn chỉnh để thực tiễn Phật Pháp đến nhân sinh. Thông qua những phân tích những đặc trưng của 10 nguyện hạnh, chúng ta không những có thể thâm nhập nắm vững được nền tảng của chỉnh thể cả quá trình tu học Phật Pháp, mà còn có thể từ đó tìm ra những giải pháp cho những thách thức và vấn đề khế cơ cư sĩ Phật Giáo gặp phải trong khi học Phật và tu trì đã trình bày bên trên.

Người học Phật phải y vào chính giác

Nhiều người hiện nay sở dĩ nhầm lẫn khi tu hành Phật Pháp khiến tín ngưỡng Phật Giáo theo hình thức quỷ thần hóa, phương pháp tu hành bị ngoại đạo hóa, nguyên nhân chủ yếu nhất chính là do không nắm vững được phương hướng cốt lõi của đạo Phật là để “giác ngộ nội tâm” hoặc chính là “tự giác”. Nói đơn giản, Phật tức là người giác ngộ, Phật Pháp tức là phương pháp để khiến con người được tỉnh giác, chứng ngộ chân lý. Châu Quý Hoa trong bài viết “Phật Giáo tín ngưỡng giản luận” có đề xuất hai điểm tối quan trọng trong khi tin ngưỡng Phật Pháp là tin kính Phật và tin kính Pháp, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng tin kính Phật và Pháp phải bình đẳng với nhau. Pháp chính là sự chứng ngộ của đức Phật (chứng pháp) sau đó vì chúng sinh là an lập (giáo pháp) để hướng dẫn chúng sinh tu hành thành Phật; đồng thời bản thân đức Phật cũng là thông qua các pháp để lĩnh ngộ pháp giác ngộ, do đó hai thứ đó bản lai đã không chia rời, không thể nghiêng bỏ đi một bên nào. Nếu chỉ nghiêng về tin kính Phật mà bỏ qua Pháp thì dễ bị ngộ nhận Phật Giáo là thần giáo, rơi vào thuyết thần tạo luận, sùng bái vị giáo chủ cứu thế. Nếu nghiêng về tin kính Pháp mà bỏ qua Phật sẽ dễ rơi vào sùng bái tổ sư và tai hại “Phật tâm tự dụng”. Do đó, nguyên tắc cơ bản là tin kính Phật làm tiền đề, tin kính Pháp làm căn bản. Trên cơ sở đó mới kiến lập sự tin kính đối với Tăng chúng, coi Tăng bảo là người chỉ đường cụ thể trên con đường tu học Phật Pháp. Trong tin kính Tăng thì lấy sự tin kính thánh tăng và thánh chúng làm trung tâm, cùng chú trọng tin kính Phật và tin kính Pháp. Nhưng đối với Tăng chúng thông thường thì không thể tin ngưỡng hoàn toàn và vô điều kiện mà nên có cân nhắc phân biệt, nếu không sẽ rất dễ trở thành tin mù quáng. [11]

Nguyện hạnh đầu tiền trong Phổ Hiền thập nguyện là “lễ kính chư Phật”, tức trong thể vũ trụ mênh mang xác lập sự tồn tại của hai cảnh giới (môi trường) khác nhau giữa thánh và phàm, mà sự tồn tại của cảnh giới của bậc thánh kì thực là do ba loại tồn tại cấu thành gồm: thánh trí vô thượng chí cao (giác), thánh nhân chứng ngộ thánh trí này (người giác ngộ) và cảnh giới mà thánh nhân chứng đắc (Niết Bàn). Giáo sư Lý An Lợi cho rằng sự xác lập của mối quan hệ thánh – phàm này cũng đồng nghĩa với việc nhân loại tự cảm nhận được những thiếu khuyết về cảnh giới của mình và nhận thức sâu sắc về những vấn đề của cảnh giới bên ngoài; tức thừa nhận những điều không hoàn mỹ của bản thân và hướng về một cảnh giới viên mãn. Đó là tinh thần tự giác và tiến thủ rất đáng quý của nhân loại, cũng là nói nhân loại trong thế giới khổ nạn để hướng tới một niềm tin hướng về cảnh giới của thánh nhân. [3]

Ở phương diện khác cũng chính là nói “y Pháp bất y nhân”, lấy Phật và Pháp làm căn bản cho sự tin kính và tu học, không vì người mà thay đổi. Đó cũng là những gợi ý nhất định để ngăn chặn xu hướng thần tượng hóa trong Phật Giáo.

Thiện pháp là pháp cúng dường vô thượng

Trong Phổ Hiền Thập Nguyện Hạnh có trình bày rõ ràng nguyện “quảng tu cúng dường” như sau:

“Trong hết thảy cúng dường thì Pháp cúng dường là thù thắng nhất. Chính là nói: tu hành như pháp để cúng dường, lợi ích chúng sinh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sinh để cúng dường, nguyện chịu khổ thay chúng sinh để cúng dường, chuyên cần tu bồi thiện căn để cúng dường, không xả hạnh Bồ Tát để cúng dường (bảy pháp). Thiện nam tử! Công đức cúng dường đằng trước đó vô lượng như vậy nhưng nếu so với pháp cúng dường thì không bằng một phần trăm, một phần ngàn, cho đến một phần trăm ngàn Câu-chi-na-do-tha, một phần Ca-la, một phần Toán, một phần Số, một phần Dụ, một phần Ưu-bà-ni-sa-đà cũng không bằng. Vì sao vậy? Do chư Như Lai trân trọng Pháp, do như đó tu hành sẽ sinh ra chư Phật. Nếu chư Bồ Tát hành pháp cúng dường tức đắc thành cúng dường Như Lai, như đó tu hành mới là chân cúng dường.” [1]

Những lời trên đã chứng minh công đức của pháp cúng dường lớn như vậy. Như kinh điển ghi chép, cúng dường không chỉ là cúng hương hoa, đèn nến, dụng cụ, thực phẩm, tài bảo thế gian mà cúng dường chân chính chính là phát Bồ Đề tâm là tiền đề để lợi lạc chúng sinh; cúng dường bảy pháp bên trên mới chân thực là cúng dường thành tựu chư Phật Như Lai. Bởi vì cúng dường tài bảo đơn thuần không thể giải quyết tận gốc được vấn đề sinh mệnh, nên không thể so được với công đức của việc y pháp tu hành. Do đó, như pháp cúng dường, dùng thiện pháp để cúng dường thật sự có ý nghĩa rất chính đáng đối với những hiện tượng xảy ra phổ biến hiện nay theo xu hướng “danh lợi hóa”, “hình thức hóa”, thậm chí là “thương nghiệp hóa” Phật Giáo.

Dùng tinh tấn làm hành trang để tu đạo

Phổ Hiền thập nguyện hạnh có một chỉ dẫn rất trọng yếu chính là sự dung thông tương hỗ giữa tín ngưỡng, giáo lý và thực tiễn. Như pháp sư Tế Quần trong bài viết “Nguyên lí quán tu của phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện” có nhắc đến 10 hạnh nguyện Phổ Hiền bao chứa nội hàm việc thực hiện đồng bộ giữa tọa thượng quán tu và tọa hạ thực tu. Ví dụ như nguyện hạnh “lễ kính chư Phật” thì tọa thượng quán tu là lễ kính tận hư không biến pháp giới vi trần sát độ chư Phật Thế Tôn, quán tưởng mỗi một hạt bụi trong pháp giới đều là hiển hiện của Phật thân và Phật đức, chính như nói “nhất hoa nhất thế giới, nhất diệp nhất Như Lai”. Nguyện hạnh “xưng tán Như Lai” cùng các nguyện hạnh khác cũng đồng như vậy, đều là thông qua quán tưởng để điều chỉnh tâm hành. Lấy tọa thượng quán tu làm cơ sở, thông qua quán tưởng không ngừng để đạt được hạnh lực sâu và ổn định, mới có lực để thực tiễn (tọa hạ thực tu). Đồng thời thì tu hành tọa thượng và tọa hạ cũng tương thông dung nhiếp nhau, như nguyện hạnh “quảng tu cúng dường”: cơ sở là vật thực cúng dường, sau thêm vào lực của quán tưởng, đem vật thực hữu hạn chuyển hóa thành vô hạn. Trong sở duyên cảnh vô hạn, quay về tâm hành vô hạn, thành tựu công đức vô hạn. [12]

Phổ Hiền thập nguyện hàm chứa đồng thời cả quán tu và thực tu đã đem lại gợi ý quan trọng đối với người học Phật hiện nay có xu hướng lí luận hóa hoặc học thuật hóa. Chúng ta tu học theo Phật Pháp không phải chỉ là ngồi nói chuyện binh gia trên giấy, nhìn thấy nước mà mong hết khát; mà là cần chúng ta đem Phật Pháp kiến lập trong nội tâm chính mình, sau đó mới có lực của Phật Pháp hướng dẫn hành vi nơi thân hành.

Đồng thời cũng phải hiểu rõ, “Tam kỳ tu phúc huệ, trăm kiếp trồng tướng hảo”, con đường tu hành chẳng phải một sớm một chiều mà có thể viên mãn, tất phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp tinh tấn chẳng ngừng để quảng tu phước tuệ mới có thể thành công. “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm” khi giải thích mỗi nguyện hạnh đều nhấn mạnh phải “niệm niệm tương tục, không có gián đoạn; ba nghiệp thân-khẩu-ý không có mệt mỏi”, đã chứng minh mỗi một hạnh nguyện dù là thân hành, ngôn ngữ hay ý niệm đều phải là nguyện vọng tha thiết chí thành phát từ nội tâm kiên cố thường hằng.

Như lời pháp sư Pháp Huân có đề cập trong bài “Sơ lược về tu hành mười đại hạnh nguyện Phổ Hiền” rằng mỗi một nguyện hạnh trong Phổ Hiền thập nguyện hạnh đều phải phát tâm vô cùng tận; tứ vô tận quán là chỉ: hư không giới vô tận, chúng sinh giới vô tận, chúng sinh nghiệp vô tận, chúng sinh phiền não vô tận. Hư không là do chúng sinh mê vọng mà có hư không, y nơi hư không mà lập thế giới, nên hư không giới vô tận; cái khổ sinh tử của chúng sinh luân hồi không dứt, nên cũng vô tận; chúng sinh mê hoặc tạo nghiệp vô số nên nghiệp vô tận; do mê hoặc vô tận nên phiền não của chúng sinh cũng vô tận. Tứ vô tận quán này vô cùng vô tận nên nguyện vương cũng phải vô cùng vô tận. [13]

Bởi vậy, cư sĩ học Phật hiện nay nếu có thể hoán đổi đồng thời giữa nhận thức lí luận Phật Giáo và thực tiễn, cũng chính là nói dùng tinh thần quảng đại của “tứ vô tận quán” này áp dụng vào thực tu, tinh tấn dũng mãnh thì sẽ không còn tham thú tốc thành, nhanh tu nhanh chứng và sáng tạo thêm bớt các pháp môn, tránh không bị rơi vào đường tà.  

Lấy gương các vị đạo hữu để tu học

Phổ Hiền thập nguyện duyên khởi từ 53 lần tham bái của Thiện Tài Đồng Tử, trong 53 vị thiện tri thức có cả Bồ Tát, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ, Bà-la-môn, ngoại đạo, tiên nhân, thậm chí là cả nhà hàng hải, đầu bếp, thầy giáo, thương nhân, nhà âm nhạc, kĩ nữ, thiên thần, địa thần, dạ thần, nông phu. Họ xuất thân từ nhiều thành phần, nhiều ngành nghề của xã hội, mỗi dạng một cách tu hành khác nhau nhưng truyền tải một đạo lí rằng nhiếp thọ hết thảy các loại chúng sinh căn cơ không giống nhau, sau rốt mới thành Phật. Ở phương diện khác, trong 53 lần tham bái thì trú xứ của các vị thiện tri thức cũng chẳng giống nhau, có nơi cung điện trang nghiêm, có nơi thâm sơn cùng cốc, có nơi đầu ngã tư đường, bên bờ biển, dưới gốc cây, trong thôn làng…đó cũng là vì để nhiếp thọ các loại căn cơ trên đời mà ứng hóa thị hiện. Như nhiều vị thiện tri thức là làm đạo, hoằng pháp ngay trên ngã tư đầu đường, điều đó phản ánh rằng Phổ Hiền thập hạnh nguyện hàm chứa tính nhân gian và tính quần chúng của Đại Thừa Bồ Tát đạo. Hiểu rõ được đặc chất tính nhân gian và tính quần chúng của Đại Thừa Bồ Tát đạo mới có thể đối trị được với hiện tượng xu hướng tu hành “cá thể hóa” như hiện nay.

Đồng thời, Phổ Hiền thập nguyện giản thuật hạnh “tùy hỷ công đức” và “thỉnh Phật trụ thế” cũng truyền tải với chúng ta phải tùy hỷ với hết thảy thiện hạnh công đức của hết thảy các vị thiện tri thức và phải thỉnh mời các vị thiện tri thức trụ thế lâu dài như lời tâm nguyện:

“Cho đến tất cả công đức của mười phương hết thảy thế giới khác, sáu thú bốn sinh, hết thảy chủng loài, dù chỉ nhỏ bằng hạt bụi, hạt cát ta cũng tùy hỷ; cho đến tất cả công đức của mười phương ba đời hết thảy Thanh Văn, Bích Chi Phật, hàng hữu học hay vô học, ta cũng đều tùy hỷ; cho đến công đức quảng đại của hết thảy chư Bồ Tát tu vô lượng sự khổ hạnh khó làm, chí cầu vô thượng chính đẳng Bồ Đề, ta cũng đều tùy hỷ.” [1]

“Mười phương ba đời hết thảy Phật sát cực vi trần số kiếp chư Phật Như Lai, sắp thị hiện muốn nhập Niết Bàn; cho đến chư Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, hữu học hay vô học, cho đến tất cả các vị thiện tri thức, ta đều khuyên thỉnh đừng nhập Niết Bàn.” [1]

Lấy việc lợi tha làm hướng vun bồi công đức

Trong 8 nguyện đầu của 10 hạnh nguyện chú trọng vào việc tự lợi thì 2 nguyện sau cùng là “hằng thuận chúng sinh” và “phổ giai hồi hướng” thấm đẫm tinh thần lợi tha bác ái của Phật Giáo Đại Thừa. Cũng như lời kinh văn thuật:

“Nói phổ giai hồi hướng tức mang tất cả công đức từ lễ kính cho đến hằng thuận, đều hồi hướng hết thảy. Đến tất cả chúng sinh trong tận hư không giới, tận pháp giới, nguyện khiến mọi chúng sinh được thường an lạc, không còn các bệnh khổ. Kẻ muốn làm điều ác đều không thành, hết thảy thiện nghiệp đều được nhanh chóng thành tựu, đóng tất cả các cửa ác, khai thị nẻo chính Niết Bàn nhân thiên. Nếu có chúng sinh do tích tập các ác nghiệp mà cảm hết thảy quả khổ cực nặng, ta xin chịu thay, để những chúng sinh đó đều được giải thoát, cuối cùng thành tựu vô thượng Bồ Đề.” [1]

Do đó, hướng công đức cuối cùng của 10 hạnh nguyện Phổ Hiền chính là để lợi ích vô lượng chúng sinh, khiến hết thảy đều được thường an vui, xa rời các khổ ác, thậm chí chịu khổ thay những chúng sinh đang bị khổ nạn; mà bi tâm lợi tha đó xuất phát chính từ tri kiến “chư Phật Như Lai, lấy tâm Đại Bi làm thể”. Pháp sư Tế Quần trong “Nguyên lí quán tu của phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện” chỉ ra rằng, phẩm chất của chư Phật là đại từ đại bi, mà tâm đại từ đại bi đó không phải sinh ra đã có, mà hình thành tâm từ bi vô hạn đối với chúng sinh trong Ta Bà. Xa rời chúng sinh thì bi tâm không thể thành tựu. Trên thực tế, mỗi người đều có cơ sở tâm hạnh từ bi, tức là lòng bi mẫn; nhưng tâm bi mẫn của con người bình thường còn rất nhỏ, đặc biệt là trong cuộc sống hiện đại, mọi người dần mất đi sự đồng cảm, tương ái; những sự việc liên quan chẳng hiếm gặp trên báo đài, trong thực tế cuộc sống cũng đầy rẫy. [12] Do đó, thông qua 10 hạnh nguyện Phổ Hiền có thể triệt để khắc phục được tự tư tiểu ngã mà còn tiến thêm vun bồi và thăng hoa những phẩm chất nội tại trong cuộc đời của chúng ta.

Lời kết

Phổ Hiền thập nguyện không chỉ là thời khóa bắt buộc hàm chứa hết thảy các pháp môn tu hành của Phật Giáo Hán truyền truyền thống, mà thông qua nhận thức thâm nhập vào nội hàm càng cho thấy được những gợi ý, chỉ dẫn chính đáng, tích cực về việc tin ngưỡng và tu trì của cư sĩ Phật Giáo hiện đại. Người học Phật hiện nay thường phải đối mặt với những thách thức như quỷ thần hóa, đời sau hóa, học thuật hóa, triết lý hóa, và thần tượng hóa Phật Giáo; trong tu trì lại gặp phải những hiện tượng như danh lợi hóa, nhanh chóng hóa, cá thể hóa, ngoại đạo hóa, và sáng tạo thêm bớt…Nhưng chúng ta tin rằng: tin ngưỡng y theo nơi chính pháp, lấy thiện pháp để cúng dường, lấy tinh tấn làm hành trang, lấy bạn đạo làm gương học, lấy hướng tu là để tự lợi lợi tha cùng các giáo pháp khác hàm chứa trong Phổ Hiền thập nguyện hạnh sẽ phát huy được vai trò chỉ đường tích cực trong quá trình tu học Phật để tự lợi lợi tha.

Tư liệu tham khảo:

1.                  《大方廣佛華嚴經入不可思議解脫境界普賢菩薩行願品》,大正藏第十冊,No.293《大方廣佛華嚴經》

2.                  聖嚴法師,普賢菩薩行願贊講錄

3.                  李安利,論普賢十大行願的結構,特征與現代意義

4.                  學誠法師,新浪佛學頻道開通訪談

5.                  濟群法師,談人生佛教在當代的弘揚,《人世間》創刊號

6.                  徐曉光,簡述佛教的神通

7.                  游祥洲,論印順學與佛教全球化

8.                  陳衛星,世俗化、庸俗化與當代中國佛教發展中的問題

9.                  何雄飛,中國新造佛運動,信仰危機的體現?,《新周刊》第408

10.               翟海源,台灣的新興宗教

11.               周貴華,佛教信仰簡論

12.               濟群法師,普賢行願品的觀修原理

13.               法薰法師,普賢十行願修行之探索,華嚴傳宗學院大學部第九屆畢業論文

 

Thích Giải Hiền

Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

Hội trưởng Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Đức

(Dịch từ tham luận của Tiến sĩ Vương Thư Ưu – tổng thư ký tổng hội cư sĩ Malaysia tại Diễn đàn cư sĩ Phật Giáo thế giới lần thứ 4)

Xem lại Phần 1: http://www.phattuvietnam.net/index.php?news=30868