Trang chủ PGVN Cửa thiền Tháp Cố Đại Đức Hữu Nhem và chùa Cao Dân

Tháp Cố Đại Đức Hữu Nhem và chùa Cao Dân

587

Xưa kia trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước và ngày nay trong công cuộc dựng xây đất nước, nhân dân Cà Mau nói chung, nhân dân Thới Bình nói riêng đã thể hiện tình đoàn kết gắn bó bên nhau giữa cộng đồng các dân tộc Kinh-Khmer-Hoa.


Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng bào Khmer tỉnh Cà Mau có nhiều đóng góp quan trọng. Đã có 160 thương binh, 128 liệt sĩ, 3 Mẹ Việt Nam anh hùng và 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang là người dân tộc Khmer, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, tiêu biểu nhất là Cố Đại đức Hữu Nhem  người từng trụ trì chùa Cao Dân.


Cố Đại đức Hữu Nhem sinh năm 1929, người dân tộc Khmer, là Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào ngày 10 tháng 7 năm 1966 trong trận rải thảm bằng máy bay B52 và nhiều máy bay khác của địch đánh vào chùa Tam Hiệp (xã Trần Hợi huyện Trần Văn Thời), nơi có đông sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer.


Để tôn vinh một nhà sư có công với nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và lòng ngưỡng mộ đối với người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau quyết định xây dựng Tháp cố Đại đức Hữu Nhem.


Tháp cố Đại đức Hữu Nhem được xây dựng tại chùa Cao Dân (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Đây là nơi gắn liền với cuộc đời tu học và hoạt động của ông.


Tại ngôi chùa này, trong thời gian trụ trì Đại đức Hữu Nhem đã góp phần to lớn trong việc kiến thiết xây dựng chùa, xây dựng cơ sở bí mật và vận động cách mạng trong đồng bào dân tộc, thực hiện chính sách binh vận của Đảng, tổ chức biểu tình đấu tranh trực diện tố cáo tội ác chiến tranh do Mỹ-Diệm gây ra. 


Các cuộc đấu tranh đó giành được những thắng lợi quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ phong trào chống Mỹ cứu nước trong đồng bào dân tộc.


Đây là công trình tưởng niệm mang tính truyền thống sâu sắc và bản sắc văn hóa dân tộc… được khánh thành ngày 19 tháng 9 năm 2003.


Đó cũng là sự thể hiện lòng chân thành biết ơn của nhân dân đối với sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và của cố Đại đức Hữu Nhem. Chùa Cao Dân, Tháp cố Đại đức Hữu Nhem là công trình văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, là biểu tượng của lòng yêu nước và tình đoàn kết gắn bó các dân tộc suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng và cũng là một cõi tâm linh cho cộng đồng các dân tộc quanh vùng…



Tháp Hữu Nhem


Chùa Cao Dân


Chính điện



Ghe ngo