Mục đích của người viết là tìm kiếm việc nhìn nhận trách nhiệm sự việc một cách đa chiều, phù hợp với thực tế, để từ đó tránh tái diễn sự việc tương tự.
Một cách giải quyết?
Sau khi đọc các bài báo “Báu vật không người trông coi”, “Viết tiếp bài “Chùa trăm gian hủy hoại”: Sự việc đáng kinh ngạc!” (Báo Tuổi Trẻ), bài “Chùa Trăm Gian: “Đập cổ kính xưa” dựng… chùa mới!” (Báo Lao Động, Giác Ngộ Online đăng lại), tôi bị sốc và mất ngủ. Tôi có cảm tưởng vụ tháo dỡ chùa cổ Trăm Gian này là một vụ cháy chùa cổ mới, nhưng lần này lại là do con người gây ra.
Tuy nhiên, điện thoại hỏi thăm một người bạn ở Hà Nội, thì câu trả lời thật bất ngờ “Đó cũng là một cách giải quyết!”. Anh bạn cho biết thêm: “Trước đây tôi có đến chùa Trăm Gian, chùa đã nát lắm rồi mà không được sửa chữa. Chờ kinh phí ngân sách thì biết đến bao giờ. Người dân họ đành phải tự làm thôi!”.
Nghe anh bạn nói thế, tôi đọc kỹ lại những bài báo kể trên và phát hiện không ít vấn đề.
Nhất trí “trùng tu tự phát”?
Điều mà tôi nhận ra sau khi đọc kỹ lại những bài báo chung quanh vụ việc tháo dỡ xây mới di tích chùa Trăm Gian là một sự đồng thuận tuyệt đối. Bài “Chùa Trăm Gian: “Đập cổ kính xưa” dựng… chùa mới!” có đăng ảnh với chú thích “Dân thôn nườm nượp phá chùa cũ”, ngoài ra còn dẫn lại lời chào mời “Các chú lên đi, hôm nay chùa vui lắm. Dỡ toàn bộ nhà tổ và gác khánh, dân đông như hội ấy”. Các bài báo khác cũng có ảnh và nội dung tương tự. Bài “Báu vật không người trông coi” còn nói đến việc bà con “bầu” ra người cất nóc, là một cụ ông 82 tuổi.
Sự đồng thuận còn thể hiện ở kinh phí người dân tự quyên góp để trùng tu, lên đến nhiều tỷ đồng. Bài “Chùa Trăm Gian: “Đập cổ kính xưa” dựng… chùa mới!” trích lời cụ Tuệ làm công việc cất nóc, rằng “Đầu tư tiền to lắm”. Bài báo cũng cho biết “Chủ tịch UBND xã Tiên Phương – Ông Vũ Văn Doãn – kể giọng đầy thán phục: “Người ta sang tận Lào, áp tải gỗ lim to về phục vụ đại công trường”. Cũng bài báo cho biết dường như chỉ 4 cột cho khu gác khánh đã chi 3 tỷ đồng.
Với quy mô trùng tu đòi hỏi kinh phí cao như vậy, chắc chắn rất có nhiều người đồng thuận, nhất trí đóng góp.
“Đại công trình” thi công đến 100 ngày, thì mới bị phát hiện. Lúc đó đã gần xong. Bài báo: “Báu vật không người trông coi” nói cán bộ có trách nhiệm từ xã lên trên đều “không biết, không biết và không biết”. Liệu đây có phải cũng là một kiểu đồng thuận? Bài báo này cũng đặt vấn đề chỉ một cú điện thoại lên Cục Di sản hay Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì mọi việc có thể sẽ được ngăn chặn. Nhưng giả dụ đó không có ai thực hiện. Rõ ràng có một sự nhất trí rất cao, nên không ai đi làm việc đó.
Tại sao?
Phải chăng vì rằng có sự đồng lòng tuyệt đối trong số hàng mấy ngàn người biết việc và tự mình tham gia công việc? Họ coi đây là một cách “giải quyết”, nhất trí làm việc “giải quyết” như thế?
Bài “Báu vật không người trông coi” dẫn lại lời một cán bộ thanh tra trực tiếp về chùa Trăm Gian xử lý vụ việc “Năm 2007 – 2009 dự án trùng tu ở chùa Trăm Gian có được một văn bản thỏa thuận của bộ nhưng vì không có kinh phí, không có gì cả nên dự án không hoạt động. Bây giờ họ tự phá ra làm mới hoàn toàn, không có hồ sơ thủ tục gì”.
“Họ” đây là Phật tử cả làng, “làm mới hoàn toàn” là phải tự bỏ tiền, bỏ công, “không có hồ sơ thủ tục gì” tức là đã sai phạm. Tất nhiên không ai muốn làm thế, nhưng họ đã phải làm thế, vì vế trên của thông tin trên đã nói rõ “không có kinh phí, không có gì cả nên dự án không hoạt động”.
Chùa đã hư nát nên mới phải có “văn bản thỏa thuận”, phải có “dự án”, thế nhưng vì không đi đến đâu cả nên người dân phải tự bỏ tiền bỏ công ra, cả làng làm cái chuyện xé rào vi phạm.
Những người tháo dỡ di tích rõ ràng đã làm sai nhưng cũng cần nên coi lại trách nhiệm của việc tạo ra hoàn cảnh bức bách đó.
Với các di tích chùa cổ khác ở trong tình trạng tương tự, nếu không kịp thời giải quyết, thì rất có thể tái diễn sự việc “trùng tu tự phát”, thiếu khoa học, thiếu tổ chức, dẫn đến tình trạng đáng tiếc như ở chùa trăm gian.
Cụ thể, là nếu có di tích chùa cổ bị hư hỏng, xuống cấp, thì cơ quan chức năng quản lý di sản lập tức phải có trách nhiệm xúc tiến việc trùng tu một cách hợp lý, khoa học ngay, không tạo nên áp lực đối với người dân Phật tử, loại bỏ ngay từ đầu khả năng “trùng tu tự phát”, vô tổ chức, thiếu khoa học, dẫn đến việc hủy hoại di tích.
“Lỗi của Hà Nội”
Đây là một tựa nhỏ trong bài viết “Chùa Trăm Gian bị hủy hoại: loanh quanh trách nhiệm” đăng trên báo Tuổi Trẻ tiếp theo các bài báo đã dẫn trên. Theo bài báo này thì:
“Cùng ngày, trước đó UBND huyện Chương Mỹ cũng gửi công văn đến UBND TP Hà Nội báo cáo về sự việc ở chùa Trăm Gian. Trong công văn do ông Vũ Văn Đông (phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ) ký, huyện Chương Mỹ nhận khuyết điểm với tư cách là cơ quan quản lý địa phương. Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Đông cho biết trách nhiệm về trùng tu, bảo tồn thuộc về TP Hà Nội và Bộ VH-TT&DL.
Ông Đông cũng đưa ra hàng loạt công văn qua lại giữa TP Hà Nội, Sở VH-TT&DL, Sở Kế hoạch – đầu tư về việc phê duyệt dự án trùng tu chùa Trăm Gian với kinh phí lên tới hơn 14 tỉ đồng. “Chúng tôi không được biết thủ tục cuối cùng có được phê duyệt không. Đây là di sản quốc gia thì phải thuộc trách nhiệm của các cơ quan cấp trên. Trong khi di tích gỗ đã bị mối xông, tiêu tâm, không làm lại thì nó đổ. Còn chúng tôi chỉ là địa phương, bảo đâu làm đó chứ không nắm được việc trùng tu này” – ông Đông nói.
Trong khi đó, theo Cục Di sản văn hóa, việc quản lý di sản là trách nhiệm của địa phương mà đứng đầu là chủ tịch UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại Hà Nội phân cấp rất sâu, có di tích do sở quản lý nhưng cũng có những di tích do huyện quản lý, rồi huyện lại phân về cho xã. “Đây là lỗi của Hà Nội vì để di tích xuống cấp nhiều năm mà không đả động gì đến” – đại diện Cục Di sản văn hóa khẳng định.”
MT