Trang chủ Văn hóa "Thành Phật" bằng Photoshop

"Thành Phật" bằng Photoshop

230

1)    Dẫn vào vấn đề

Bạn đọc gửi thông tin cho tôi về việc có trường hợp tu sĩ và tín đồ Phật giáo, trong đó có trường hợp quá vãng, cũng có trường hợp hiện rất trẻ và đang sống bình thường, nhưng có những bức ảnh, dĩ nhiên qua xử lý photoshop, mặc áo tràng ngồi trên tòa sen, phía sau đầu tỏa hào quang y như Phật. Cũng có trường hợp là ảnh chỉ tỏa hào quang. Khuôn mặt trong những bức ảnh có khi mở to mắt, bình thường, có khi khép mắt nhìn xuống như đang thiền định, trông có vẻ không khác những tượng Phật.

Trên một số trang mạng, có thể tìm thấy ảnh các vị tu sĩ trẻ sau đầu tỏa hào quang, hay ngồi tên tòa hoa dưới tượng Phật.

Bạn đọc đề nghị tôi cho ý kiến về những bức ảnh đóng giả làm Phật ngồi hay đứng trên tòa sen như thế.

2)    Bình luận

Thành Phật, vãng sinh Tịnh độ “Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu”, sinh ra từ hoa sen, đứng hay ngồi trên tòa sen dự Pháp hội, là ước mơ của đại đa số tín đồ, tu sĩ Phật giáo Bắc tông tu Tịnh độ. Vì vậy, chúng ta không làm lạ khi có người thể hiện ước mơ của mình trên ảnh chụp, hay người thân xử lý lại ảnh chụp của người quá vãng theo mong ước như thế để thờ cúng.

Vì vậy, nên có những bức ảnh ngồi hay đứng trên tòa sen, tòa hoa hay trong hoa sen, đầu tỏa hào quan không khác gì ảnh Phật.Với kỹ thuật xử lý ảnh số hiện nay, thì làm gì với hình ảnh cũng đều được cả, kể cả cho đứng trên mây, đứng trên mặt nước giữa hồ sen, hay ngồi dưới gốc bồ đề…

Thực ra, kiểu chụp ảnh này đã có từ lâu, mấy chục năm trước. Nhưng khi đó, tòa sen, hoa sen… không phải dùng kỹ thuật số xử lý như bây giờ, mà là cảnh trí giả, như cảnh trí sân khấu. Có một số tiệm ảnh đón bắt thị hiếu này của một số tăng ni Phật tử, làm tòa sen, hoa sen giả, phông cảnh trí cực lạc phía sau để khách hàng đứng hay ngồi vào chụp hình. Những năm 1970, tôi đã có thấy ảnh chụp một vị tăng chỉ tay hoa sen nở thật to như bánh xe trên tay (tất nhiên là hoa sen giả), có lẽ lấy ý tưởng từ truyện Phong Thần, tiên Phật đưa tay lên hóa hoa sen.

Tôi nghĩ rằng ước mơ thành Phật là một chuyện, còn chụp hình mình trong tư thế đóng giả y như Phật là một chuyện khác.

Chưa thành Phật mà đóng giả như Phật để chụp hình, hay xử lý ảnh để trông vào có vẻ như Phật, đều là việc không nên làm.

Vì sao? Vì đó là đóng giả không phải là thật, nên là việc có tính chất giả dối. Hoa sen, tòa sen, tòa hoa, hào quang… tất cả đều là đồ giả, là xử lý ảnh số.
Hoa sen, tòa sen, tòa hoa, hào quang, cây bồ đề… là những đặc điểm hình thức của chư Phật. Người chưa là Phật thì không nên mượn đến những hình thức đó, dù nhìn vào ảnh thì vẫn biết là đóng giả, là cảnh giả, hay xử lý ảnh.

Vì là đóng giả, cảnh giả, xử lý ảnh nên nhìn vào ảnh thì thấy người trong ảnh như một loại phường hát, đóng trò, chẳng ra làm sao cả. Tòa sen giả, hào quang giả tạo một vẻ mỉa mai, tự châm biếm đối với người trong ảnh, hơn là thể hiện ước mơ thành Phật, tỏa hào quang, ngồi tòa sen.
Vẫn mỉa mai và tự châm biếm cả khi hoa sen, tòa ngồi cắm hoa là thật. Trước đây, có hiện tượng một số tu sĩ và tín đồ về Đồng Tháp chụp ảnh “ngồi” trên một loại sen  có hoa và lá rất to (thường được gọi là sen vua).

Sen là hoa thật, nhưng việc “ngồi” là giả, chỉ cậy vào góc đặt máy sao cho trong ảnh có vẻ là ngồi trên hoa sen. Áo tràng dĩ nhiên là thực, nhưng việc tham thiền chỉ là đóng giả để chụp ảnh.

Cách làm này không khác ảnh của một vị sư ngồi trên tòa có cắm hoa chung quanh ngay trên chính điện, ngay dưới tượng Phật. Ở đây, tuy có thể là ngồi thiền thật, hoa cũng thật, tòa cũng thật (không phải xử lý photoshop), nhưng cái giả là vẫn là cố ý tạo ra để chụp ảnh, có tính chất như một đạo cụ, không phải là tự nhiên như ở trường hợp của Phật.

Làm như thế cũng không khác gì ngày trước thợ ảnh tạo hào quang trên đầu người bằng cách “đánh đèn”. Lúc đó, vầng hào quang hiện ra quanh đầu người trong ảnh chụp như thế vẫn là ánh sáng thực do đèn rọi hay đèn flash có định hướng chớp tạo ra, không phải hào quang xử lý kỹ thuật số như bây giờ. Tuy thực, nhưng vẫn là giả, vì do đèn chiếu vào phông tạo ra, không phải từ Phật phát hào quang như kinh viết.

Hiện nay, cách xử lý để tỏa hào quang quanh đầu có phần khéo léo hơn. Hào quang sáng dịu thường là không gắt, không tương phản như dùng đèn trước đây.
Nhưng hiện nay, cách xử lý hoa sen, tòa sen bằng kỹ thuật số có phần bị lạm dụng nhiều hơn so với thời dùng cảnh trí giả.

Ngày trước, không phải ai cũng chấp nhận y áo lễ bộ leo lên ngồi “thiền” trên tòa sen giả, hay đóng giả động tác chỉ tay hiện hoa sen để chụp hình, nhưng bây giờ thì chỉ cần chọn một bức ảnh thích hợp rồi paste vào đó đủ thứ: phông cảnh tịnh độ y như kinh nói phía sau, tòa sen có nhiều kiểu dáng tùy chọn, “chà chuột” tạo hào quang thậm chí xét ra thành tia cũng nhiều kiểu dáng…

Những bức ảnh như thế dù nói lên ước mơ thành Phật nhưng vẫn là do người phàm trần đóng giả nên cũng chỉ là một kiểu đồ mã.

Phần nào, do đóng giả Phật, dù tòa sen hay hoa sen có thật, nên cũng là những dạng  bắt chước bất kính với Phật. Nó làm ảnh tượng Phật lẫn lộn với ảnh người phàm đóng giả, dù là chỉ để album, mà không thờ cúng.

Nhưng trong thực tế cũng có những ảnh như thế dùng trong thờ cúng (theo cách thờ cúng ảnh người chết, không phải như thờ Phật).

Sẽ có người hỏi, nhưng người ta vẫn cho thuê quần áo cảnh trí để chụp ảnh quay video đóng giả làm vua, hoàng hậu…, ngay trong Đại nội Huế, chính tại phía sau Điện Thái Hòa, có sao đâu?

Đó là một trò vui, một dạng dịch vụ hóa trang. Có lẽ làm vua, hoàng hậu thì được mà làm Phật, làm Bồ tát, thì không nên chút nào hết.

Chưa thành Phật mà thể hiện mình trong những hình thức như hình Phật, tạo sự tương đồng do đóng giả, xen lẫn với hình thức Phật, theo tôi nghĩ, là thiếu tôn trọng Đức Phật.

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.