Trang chủ PGVN Nhân vật Thành kính tưởng niệm giác linh Đại lão Hòa thượng Thích Tâm...

Thành kính tưởng niệm giác linh Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch – Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

133

Ôi! Trăng lạnh phương bào, mây mờ viên đảnh, giờ đây Hòa thượng nơi cõi thượng phẩm thượng sanh, xem sắc không như huyễn hóa, tử sanh nào có sá gì, nhưng chúng con những người còn ở lại, còn trong vòng đối đãi của nhị thừa, còn nặng tình thích tử đồng môn, xin có đôi lời tưởng niệm để gợi kính nhớ cố Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Giáo hội Phật giáo – bậc đống lương Phật pháp đã mãn nguyện Ta bà.


                      


       Kể từ nay!


       Chốn Song lâm mây ẩn bóng Ưu đàm


       Miền Thiếu thất trăng lòng hương Bát nhã


       Mênh mông biển học, thuyền Từ che chở mất đi rồi


       Vẫn biết rằng Pháp thân là diệu trạm, Phật tánh trừng thanh


       Nào có diệt có sanh, nên đến đi vô ngại


       Bể khổ lắm phong ba, đường đời còn nhiều mưa gió


       Tăng Ni còn đó, thiện tín còn đây


       Thế mà giờ đây, Đại lão Hòa thượng đã quảy dép về Tây


       Tùng lâm vắng bóng, Giáo hội mất đi người lãnh đạo song toàn.


            Mới hôm nào, khi tiếp chúng con nơi chốn tổ Tùng Lâm Quán Sứ, Đại lão Hòa thượng đã từng dạy: “Hãy đối mặt với danh và lợi, chớ để lòng vướng bận chuyện trần ai, sẽ có lúc ngoái đầu nhìn lại, vẫn cười vui nhìn vật đổi sao dời”. Đại lão Hòa thượng đã đọc một bài kệ trong kinh Hoa Nghiêm để răn nhắc chúng con trên bước đường phụng sự Đạo pháp và Dân tộc:


 


        “Đức sinh, hữu đức sáng gương trong,


       Đồng huyễn, đồng sinh ý chẳng cùng.


       Đồng ở, đồng tu thành giải thoát,


       Đồng bi, đồng trí hiển linh công.


       Đồng duyên, đồng tưởng duyên thầm hợp,


       Đồng thấy, đồng hay đạo chuyển thông.


       Nếu muốn một đời thành Phật quả,


       Tỳ Lô lầu ấy hướng về trông”.


            Qua lời dạy đó, chúng con mới cảm nhận một đạo niệm tinh chuyên, tín tâm kiên cố của bậc xuất trần thượng sĩ.


            Nơi chốn Tổ Cao Đà tình sâu nghĩa nặng, nhưng với lòng hiếu học của người Tăng trẻ, Đại lão Hòa thượng phải giã biệt nghiệp sư và các pháp hữu đồng phạm hạnh, trở lại đất Thăng Long để ôn tầm bối diệp, tinh sưu nghĩa lý, sáng luật chiều kinh, sáu thời thiền tịnh tinh nghiêm để hoằng dương Phật pháp, đạo nghiệp, kế thừa Tổ ấn và trở thành bậc long tượng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay.


 


            Rồi từ đó, đường giải thoát lâng lâng nhẹ bước, với tâm nguyện tục diệm truyền đăng, phò trì Chánh pháp, ngược trần duyên tế độ hàm linh, Đại hội nhiệm kỳ chẳng vắng năm nào và Văn phòng Hội đồng Chứng minh đâu vắng bóng bậc đạo sư bi trí viên dung.


 


            Với đạo tâm trác thế, bao năm phụng sự cõi trần, thân tứ đại có đôi lần tăng giảm, nhưng Đại lão Hòa thượng đã làm cho dòng thiền tỏa sáng, tông phong vĩnh chấn, đạo pháp xương minh, hậu côn từ đây tiếp bộ. Bao năm trụ tích chốn Ta bà, bằng đức tính khiêm cung độ lượng, từ hòa khả kính, phạm hạnh như núi Thái, Đại lão Hòa thượng được các bậc tôn đức, Tăng Ni, Phật tử đồng tôn kính.


            Qua ân đức phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, hơn 90 năm thiệu long thánh chủng, thân tứ đại theo duyên tăng giảm, không vì thế mà Đại lão Hòa thượng xao nhãng trọng trách được giao phó, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, xiển dương Chánh pháp.


 


         Quả thật!


         Thân Người đã được ý sinh thân,


         Chỉ dạy người đi khắp cõi trần.


         Suối khe tám đức dòng reo chảy,


         Rừng nở trăm hoa rộ sắc xuân.


         Làu làu ảnh hiện soi tâm cảnh,


         Mỗi mỗi tùy nghi chuyển Pháp luân.


         Nhiều kiếp đã làm sư tử hống,


         Đến nay sư tử hiện Tần thân.


            Những tưởng trên bước đường phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, Đại lão Hòa thượng còn thác tích lâu hơn nữa để làm bóng cây đại thụ che chở và hộ trì cho chúng con hoàn thành đạo nghiệp. Nào ngờ đâu, Đại lão Hòa thượng đã xem trần gian là cõi tạm, hiện tướng Niết bàn để lại nơi tâm thức chúng con và những người con ở lại một nỗi niềm thương nhớ.


 


            Sự ra đi của Đại lão Hòa thượng là một mất mát to lớn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, môn đồ pháp phái và chúng con, nhưng những công đức của Ngài còn để lại mãi tỏa sáng lòng các Thích tử thiền gia. Gần một năm trôi qua kể từ ngày Đại lão Hòa thượng xả báo an tường, thu thần viên tịch, những người còn ở lại và chúng con luôn hướng về bậc cao tăng thời đại đã quảy dép về Tây. Hôm nay, chúng con có đôi dòng tưởng niệm, gọi là mãi nương theo công đức và đạo hạnh của Ngài để làm hành trang trên lộ trình giải thoát, phục vụ Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Chúng con, hàng Tăng sĩ trẻ miền Nam nguyện hứa trước Giác linh Đức Pháp chủ: “Nơi nào Đạo pháp cần thì chúng con đến, nơi nào chúng sinh cần thì chúng con đi, không ngại gian lao, không ngại khó nhọc.”


Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.