Trang chủ Văn hóa Thành kính tri ân người trao tặng tấm hình Bác Hồ trong...

Thành kính tri ân người trao tặng tấm hình Bác Hồ trong trang phục Phật giáo

579

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19-5, tôi thành kính tri ân và viết về ông Ngô Vĩnh Bao, người đã kỳ công sưu tầm nguồn tài liệu quý giá về Bác trong thời gian hoạt động tại đất nước Thái Lan, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Vô số  tranh ảnh, hiện vật về Bác, có cái chỉ là những vật dụng giản dị nhưng đã trở thành một báu vật thiêng liêng. Từ chiếc phản gỗ, ghế tựa, rìu sắt, đến viên gạch, viên sỏi… tất cả đều đã đọng lại hơi thở và mang linh hồn của Bác.  

Trong thời gian hiến tặng kỷ vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Ngô Vĩnh Bao đã gọi tôi đến và trao cho tôi một kỷ vật quý giá, mà trước đây mỗi khi đến thăm ông tôi đã rất thích chiêm ngưỡng. Đó chính là bức ảnh Bác Hồ trong trang phục của nhà sư đi khất thực, kỷ vật đó ông được bà con Phật tử Việt kiều Thái quý mến trao tặng. Ông trầm ngâm kể cho tôi nghe nguồn gốc của bức ảnh đó:

“Đây là ảnh ghi nhận lại sự kiện  năm 1929, Bác Hồ từ Đức sang Thái Lan. Bác đã vào sống tại ngôi chùa cổ tên Việt là Từ Tế Tự tại Băng Kok. Để tránh sự theo dõi và truy lùng gắt gao của mật thám Pháp, Bác Hồ cạo tóc, mặc áo cà sa trở thành nhà sư, sống trong chùa và được nhà sư Bình Lương ( Sư Ba ) trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ.

Cuối đời, Hòa thượng Thích Bình Lương khi lâm bệnh nặng, Bác đã bố trí đưa về Việt Nam chữa trị, Hòa thượng viên tịch được nhập bảo tháp tại chùa Quảng Bá – Hà Nội”.

Ông Vĩnh Bao ngậm ngùi tâm sự: “tấm ảnh này trong thời gian công tác tại Thái,  tôi đặt trang trọng tại phòng làm việc để ngắm nhìn mỗi ngày. Giờ đây tôi sẽ gửi gắm lại cho người có tâm huyết biết trân trọng giá trị lich sử”. Thật  bất ngờ và vinh dự, tôi là người  được ông  trực tiếp  trao gửi một món quà thiêng liêng vô giá và được biết rõ nguồn gốc của kỷ vật đó. Đây là minh chứng khẳng định được giá trị đạo đức Hồ Chí Minh luôn gắn bó chặt chẽ với tư tưởng Đạo Phật.

Ông Vĩnh Bao là người miệt mài theo dấu chân Người. Xuất phát từ tình cảm yêu mến, kính trọng  đối với Bác Hồ, ông luôn có ý thức gìn giữ những gì liên quan đến Bác. Từ những bài báo, bức ảnh hay cuốn sách về Người, ông đều lưu giữ và xem đó là kỷ vật thiêng liêng của mình.

Gia đình ông là Việt kiều Thái Lan hồi hương, ông cũng như các Việt kiều sinh sống tại Nakhonpha Nom đều rất biết tri ân và tôn trọng ông bà nội tôi, một gia đình thượng lưu có danh tiếng, luôn giúp đỡ cưu mang  những người gặp hoạn nạn, khó khăn.. khi đó  Bác đã đến ở và làm THẦY LANG TÍN, phụ việc  tại nhà  ông bà nội tôi vào thời  gian  hoạt động bí mật tại Thái Lan.

 

Ông Ngô Vĩnh Bao sau chiến tranh, được cử về làm việc tại Bộ Ngoại giao, sau đó sang làm việc trong Tổng lãnh sự Việt Nam tại Thái Lan. Chính nhờ vậy, mỗi khi có thời gian rảnh ông Bao thường tìm đến  các vùng đất nơi Bác đã từng hoạt động, gần gũi chia sẻ và thăm hỏi bà con Việt kiều để sưu tầm những câu chuyện, hiện vật về Người. 

Việc đi tìm kiếm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh nơi đất khách quê người không phải là dễ. Ông Bao tâm sự: “May cho tôi là kiều bào ta rất nhiệt tình giúp đỡ, khi tiếp xúc với họ mới thấy rằng họ luôn giữ trong lòng một tình cảm kính yêu thiêng liêng đối với Bác. Khi biết tôi đi sưu tầm những kỷ vật về Bác Hồ, những người có hiện vật của Bác họ đã trao cho tôi để bày tỏ tấm lòng yêu kính Bác Hồ cũng như gửi về quê hương Việt Nam nỗi niềm thương nhớ”.

Năm 1999, khi ông đang làm việc tại Thái Lan, Ông dựa theo hồi ký của các cán bộ Cách mạng từng hoạt động với Bác Hồ tại Thái Lan, theo dấu lộ trình của Bác trên đất Thái Lan bằng 24 tấm bản đồ và sơ đồ 20 tỉnh ở Thái Lan, tỉnh nào ông cũng đi qua. Ông tìm đến tận nơi gặp  bà con, được Việt kiều trao tặng lại rất nhiều hiện vật về Bác, được gìn giữ như bảo vật thiêng liêng. Ông Ngô Vĩnh Bao cho biết, tại nhà bà con kiều bào ai cũng đều có ảnh Bác Hồ.

Trong suốt 3 năm theo dấu chân Bác, hàng nghìn bức ảnh và những hiện vật do kiều bào tặng đều được ông chuyển về nước. Tình yêu và niềm say mê sưu tập những tư liệu, hiện vật về Bác Hồ được tiếp thêm sức mạnh cho ông, ông coi đó như một phần máu thịt của mình. Khi tuổi cao sức yếu, ông biết không thể lưu giữ bảo quản kho tư liệu được lâu dài, do vậy ông Ngô Vĩnh Bao đã  quyết định đem toàn bộ hiện vật quý giá mà ông đã bỏ mồ hôi, công sức sưu tầm trong hành trình trên đất Thái Lan gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Các vị lãnh đạo cho rằng: Đây là những hiện vật rất quý, ngay cả những cán bộ Bảo tàng đi sưu tầm cũng không thể tìm kiếm được.

Tôi rất tự hào và vô cùng biết ơn Ông đã chọn tôi để trao lại kỷ vật quý giá thiêng liêng này, tôi đã đưa hình ảnh của Bác làm quà tặng thiêng liêng vô giá trong các sự kiện Phật giáo, để lan tỏa cho cộng đồng thấy được tư tưởng, triết lý và sự nghiệp hoạt động Cách mạng của Người đã đồng hành và gắn bó với Phật giáo.

Thiện Tâm