Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Thánh Duyên quốc tự

Thánh Duyên quốc tự

125

Ngôi chùa Thánh Duyên, dân gian thường gọi chùa Túy Vân hay Túy Hoa ẩn mình trên ngọn Túy Vân, một nhánh của Hải Vân sơn, ba mặt bao bọc bởi đầm nước lợ Cầu Hai gần cửa biển Tư Hiền (trước gọi Tư Dung) một mặt trông ra biển Đông. Trước đây Thánh Duyên xa xôi cách trở, từ Huế muốn đến phải xuống cửa Thuận An men bãi biển quãng đường hơn 20 cây số; hoặc theo Quốc lộ 1 đến Đá Bạc lên đò máy qua đầm Cầu Hai đến núi Túy Vân mất cả tiếng đồng hồ. Nay đã có hai chiếc cầu bắc qua phá, tuy chưa thuận tiện lắm nhưng ô tô có thể đến tận cổng chùa.

Phật đản năm nay tôi cùng mấy người bạn lên đường viếng Thánh Duyên quốc tự. Một sáng Chủ nhật đẹp trời từ Hội An ra Đà Nẵng theo đường quốc lộ qua bên kia chân đèo Phước Tượng rẽ phải, đi theo con đường quanh co men triền núi. Cảnh quan thiên nhiên thật thơ mộng. Một bên núi có “cỏ cây chen đá lá chen hoa” và bên kia đầm nước lợ mênh mông ngoài cả tầm nhìn. Trên mặt nước rớ chài, sáo, nò giăng mắc kín cả mặt nước lấp lánh ánh mặt trời. Xa xa ngoài kia ghe chài như những chấm nhỏ li ti in hình trên mặt biển mênh mông không bờ bến. “Ồ, khác nào bức tranh sơn thủy hữu tình!”, một người bạn thốt lên! “Đường vô xứ Huế quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh

hoạ đồ!” một bạn khác phụ họa. “Đây là đầm Cầu Hai chứ đâu phải phá Tam Giang và đường ra chứ đâu phải đường vô… mà chú mi “Đường vô xứ Huế…”, anh kia cãi lại! “Thì đâu sông nước hữu tình mà chả như tranh hoạ đồ; Tam Giang hay Cầu Hai cũng thế có chi khác đâu!”, anh bạn cố chống chế làm cả xe được một phen cười ồ xóa đi nỗi vất vả nhọc nhằn vượt sáu bảy chục cây số đường trường lại qua đèo hẹp khúc khuỷu quanh núi, tiếp đến đoạn đường phố chật hẹp nhà cửa hai bên chồm ra sát đường.

Trời nắng gắt mà nhiều lần xe phải dừng lại hỏi đường quay lui trở tới khiến ai nấy mệt nhoài. Cuối cùng rồi cũng đến và mặc dù đã trưa nhưng đứng trước cổng chùa nhìn lên cảnh quan kỳ ảo mọi nhọc mệt đều tiêu tan. Ai nấy cảm thấy khỏe khoắn lấy lại phong độ leo mấy chục bậc cấp cao lên chùa. Một ngôi cổ tự trầm mặc giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ ảo với rừng cây cổ thụ và nhiều tảng đá to hiện trước mắt. Trên một tảng đá lớn dựng một tấm bia tạc ba chữ lớn rõ nét “Thuý Vân Sơn”. Leo lên mười bậc cấp là khoảng sân vuông, lên tiếp nhiều bậc nữa lại một khoảng sân rộng hơn. Cả hai sân này đúng hơn là phần cấp mở rộng để khách nghỉ lấy sức và ngắm cảnh. Bên trái sân kể từ dưới lên che phủ dưới lùm cây là nhà bia đã sụp nát nhưng thân bia còn nguyên vẹn. Đầu bia đề bốn chữ “Vân sơn thắng tích”, lòng bia khắc bài thơ của vua Thiệu Trị.

Đi hết sân là đến tam quan chùa. Tam quan có hai tầng, bức hoành chính trên cửa giữa đắp nổi ba chữ “Thánh Duyên tự”, lạc khoản bên phải tính từ ngoài vào đề “Minh Mạng thất nhất niên cát nhật tạo”, lạc khoản bên trái đề “Bảo Đại thập lục niên đại trùng tu”. Bức hoành trên cửa bên phải đề bốn chữ “Phật nhật tăng huy” và cửa bên trái bốn chữ “Pháp luân thường chuyển”. Ở đây câu đối, bi ký, hoành phi đều ghi bằng chữ Hán. Qua khỏi tam quan đến sân chùa có chưng mấy chậu hoa kiểng. Chánh điện ba gian hai chái, mái lợp ngói ống. Nóc mái hai đầu thiết trí rồng chầu đám mây hóa thành mặt nạ ở giữa. Bốn giao cù hình rồng cách điệu. Mặt tiền ba gian giữa, mỗi gian ba bộ cửa bàn khoa hai lá, hai chái tả hữu là hai khung bông tròn hình chữ thọ cách điệu. Bước vào trong chánh điện, đập vào mắt là hoành phi câu đối, đồ bảng có đề thơ, tất cả như mới được sơn thếp lại bóng loáng. Bức hoành chính giữa điện tạc bốn chữ “Phật Nhật Trùng Quang” Bên trên là bức hoành phi lưỡng long triều nguyệt sơn son thếp vàng nổi bật chữ “Ngự tạo phụng Thánh Duyên tự”… Chùa còn lưu nhiều tượng cổ có giá trị mỹ thuật cao. Cách thiết trí chùa Thánh Duyên đặc thù không giống các chùa ở Huế. Gian chính và hai gian tả hữu đều thiết bàn thờ Tam thế Phật và sát hai vách tả hữu là hai hàng tượng Thập điện Minh vương và Thập bát La hán. Dãy bên trái, từ ngoài vào là năm vị Minh vương, tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma tọa thiền ở giữa và bên trong là chín tượng La hán. Dãy bên mặt từ ngoài vào cũng năm vị Minh vương, tượng Địa Tạng cỡi sư tử xanh ở giữa và tiếp theo là chín tượng La hán.

Chùa quay mặt hướng Tây nam. Bên trái là Tăng xá, tiếp đến là khoảng sân dẫn đến nhà Tổ, phía sau là nhà bếp. Sau chánh điện là nhà ăn, khu vực tiếp giáp phía sau cao lên nhiều bậc cấp là Đại Tự Các có điện thờ Phật. Từ đây đi theo hướng Đông nam chừng ba trăm mét lên cao nhiều bậc cấp là đến Tháp Điều Ngự mà theo Đại Nam nhất thống chí thì tháp này ở độ cao 150 trượng so với mặt nước biển. Đây là một trong hai ngôi tháp thờ Phật nổi tiếng ở kinh đô Thuận Hóa (ngôi tháp kia là Phước Duyên bảo tháp ở chùa Thiên Mụ). Điều Ngự tháp hình khối vuông, cao khoảng 13-14 mét, cấu trúc vững chắc theo phong cách những ngôi tháp ở Yên Tử đời Trần. Tháp có ba tầng, thu nhỏ dần theo tỉ lệ cả về chiều rộng lẫn chiều cao. Mái mỗi tầng kể cả chóp tháp để trơn không tạo giao cù hay hoa văn hình “bẹ” hoặc “mỏ cu” điểm xuyết như các tháp khác. Tháp đặt trên bảy bậc cấp không có lan can, chỉ tầng hai và ba có lan can vây chặn. Tài liệu cho biết, trước kia trên đỉnh tháp có dựng trụ đồng gắn hình Pháp luân treo nhiều phong linh phát âm thanh vi diệu, nay lá Phật kỳ thay thế. Bốn mặt cả ba tầng đều có cửa vòm nhìn ra bốn phía; cửa trước tầng trệt bên trên tạc ba chữ “Điều Ngự tháp”, bên trong còn bệ thờ nhưng không có pháp khí. Xưa có cầu thang dẫn lên tận tầng ba để ngoạn cảnh nhưng hiện chỉ tầng hai còn cầu thang, tầng nhất trơ lại năm bậc cấp. Về hướng Đông trước tháp, vua Minh Mạng cho xây Tiền Sảnh Đình, nơi ngắm cảnh thiên nhiên, nghe tiếng sóng biển ngày đêm vỗ bờ đá rầm rì….

Chùa Thánh Duyên, nơi trời mây non nước giao thoa với gió ngàn vi vu, cây lá hòa tiếng sóng biển ngày đêm rì rầm. Tiền nhân quả tinh tế khi chọn nơi ẩn khuất và không kém hiểm trở như Yên Tử, Túy Vân… để tu hành hoằng hóa độ sinh; qua đó cũng thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, vừa là chốn nghỉ dưỡng thanh tao, đồng thời bậc quân vương biết theo dõi mọi động thái xảy ra trên vùng cửa biển.thanh-duyen-quoc-tu-

Nơi đây một vùng núi biển xa xôi cách trở; đời sống người dân địa phương gặp khó khăn tất nhiên có mặt ảnh hưởng đến sinh hoạt tâm linh. Chùa hiện đang đối mặt trước vấn đề cơ sở vật chất dần xuống cấp, vệ sinh môi trường không được gìn giữ, cảnh quan thiên nhiên bị xâm hại. Nhiều quán xá mua bán, trao đổi thủy hải sản ngay trước cổng chùa án ngự tầm nhìn, ảnh hưởng đến vẻ trang nghiêm ngôi cổ tự. Một người bạn trước đây có dịp đến chùa không khỏi lấy làm ngỡ ngàng; còn chúng tôi lần đầu mới đến, nếu không nhìn kỹ không nghĩ đây là cổng chùa…! Vô thường là điều tất yếu, một công trình xây dựng dù kiên cố đến mấy theo thời gian cũng dần xuống cấp, trên biển tác động nắng gió công trình càng chóng biến đổi. Một ngôi chùa cổ mang tầm vóc lịch sử với một khuôn viên rộng thênh thang… để đảm bảo yêu cầu gìn giữ thắng tích hẳn không đơn giản, nhất là trong khi chỉ một mình thầy trụ trì và mấy chú điệu nhỏ… Bắt đầu từ những hư hỏng nhỏ nhưng không kịp thời sửa chữa tu bổ, lâu dài sẽ trở nên một khó khăn lớn khó bề phục chế. Ngược lại, một sự thay đổi cấu trúc dù nhỏ mà thiếu tính toán không khéo ảnh hưởng đến toàn bộ cảnh quan. Tình trạng ấy không loại trừ ở bất cứ đâu, kể cả nơi đây. Việc bảo tồn, bảo tàng không nhất thiết đòi hỏi kinh phí nhiều mà quan trọng là tấm lòng… và cái nhìn biết trân quí văn hóa truyền thống thể hiện qua cấu trúc công trình, đảm bảo hài hòa trong một không gian cổ kính… Một chậu hoa đẹp, vật trang trí có giá trị thẩm mỹ, thậm chí một báu vật đặt không đúng chỗ đã không phát huy tác dụng, không làm tăng vẻ đẹp, trái lại có thể gây cảm giác khó chịu.

Thánh Duyên là một trong ba ngôi quốc tự đất Thuận Hóa (Thánh Duyên, Thiên Mụ, Diệu Đế), là danh lam thắng tích từng một thời nổi tiếng được sách sử đề cập. Ngày nay Thánh Duyên trở nên đìu hiu vắng vẻ, ít người tham bái. Đường sá không còn là một trở ngại mà cớ sao lòng người ngại núi e sông? Tôi mãi băn khoăn và chợt nghĩ nên chăng có được sự quan tâm hơn nữa của Giáo hội. Phục hồi và phát huy vai trò ngôi quốc tự Thánh Duyên phải chăng là giải pháp không những đáp ứng nhu cầu tham bái, tu học cho Tăng chúng và Phật tử mà khách hành hương trong ngoài nước có cơ duyên tiếp cận sinh hoạt tâm linh chân chính sẽ phát khởi bồ-đề tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tu học của chùa, tu bổ cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đường sá… đời sống người dân được nâng cao sẽ hỗ trợ cho sinh hoạt tâm linh tác động ngược lại đối với đời sống xã hội. Nhiệm vụ nặng nề đang đặt hết lên đôi vai thầy trụ trì trẻ và mấy chú điệu!

Từ cuộc sống hối hả tất bật ngoài kia trong một xã hội đầy biến động… bước vào nơi đây ngôi cổ tự Thánh Duyên, chốn thiền môn xa cảnh phồn hoa đô hội; ai đó ắt sẽ cảm nhận điều gì đó – có lẽ điều mà tôi nghĩ là huyền bí, phải chăng? – như một động lực thúc đẩy con người quay về tức thì có được sự an ổn, thanh thản khi tìm lại được mình. Và với người dân địa phương sinh sống bằng đánh bắt thủy hải sản… giữa vùng núi non quanh năm vây phủ bởi biển nước mênh mông… thường xuyên đối mặt với bất trắc rủi ro từ thiên tai; hơn đâu hết ánh sáng Phật pháp trở nên cần thiết, là chỗ dựa tâm linh không thể thiếu với họ. Từ đó mà thấy vai trò lịch sử và cảnh quan thiên nhiên kỳ thú đặc biệt không mấy nơi có được của ngôi quốc tự Thánh Duyên thật sự có giá trị đặc biệt; việc bảo tồn và phát huy ngôi quốc tự này trở nên có ý nghĩa và quan trọng biết nhường nào!? ■„

Tham khảo:

Những chùa tháp Phật giáo ở Huế – Hà Xuân Liêm.