Sáng nay, ngày bế mạc, trời Hà Nội có mưa nhẹ, giống như trước ngày khai mạc, trời cũng đổ mưa, còn trong 1 tuần Đại lễ, đất Hà Thành chỉ có những cơn mưa đặc biệt – mưa pháp dạt dào, tuôn trải và thấm đẫm tâm hồn những người con Phật trên mảnh đất lịch sử ngàn năm văn hiến.
Những cơn mưa pháp ấy không chỉ đến từ những hình ảnh không lời như lễ khai mạc, lễ hoa đăng, văn nghệ quần chúng, văn nghệ của thanh thiếu niên Phật tử, triển lãm ảnh, triển lãm mỹ thuật, triển lãm cổ vật, mà còn đến từ những buổi thuyết pháp do Ban Hoằng pháp Trung ương và Ban Tổ chức Đại lễ thực hiện. Chưa bao giờ, Tăng Ni, Phật tử thủ đô lại được ân triêm Pháp màu từ quý chư Tôn đức Giáo phẩm trong Hội đồng Trị sự, Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN với tần suất lớn, địa bàn rộng và chủ đề đa dạng như vậy.
Trong vòng 1 tuần lễ, 10 thời pháp của HT. Thích Trí Quảng với đề tài “GHPGVN trong thời hội nhập”, HT. Thích Thiện Nhơn với đề tài “Phật giáo với nghìn năm Thăng Long – Hà Nội”, HT. Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS với đề tài “Phật giáo Việt Nam với truyền thống hộ quốc an dân”, HT. Thích Quang Nhuận với đề tài “Báo đáp tứ trọng ân”, HT. Thích Thiện Trí với đề tài “Thanh thiếu niên Phật tử với thủ đô 1000 năm”, TT. Thích Bảo Nghiêm với đề tài “Vương triều Lý với Phật giáo” và “Tinh thần tri ân, báo ân của Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, TT. Thích Thanh Giác với đề tài “Phật giáo với thời đại ngày nay”, TT. Thích Chân Tính với đề tài “Ý nghĩa lễ hội hoa đăng”, TT. Thích Minh Hiện với đề tài “Tinh thần hòa bình qua kinh Vũ Thế” đã được ban bố cho gần 4 vạn người nghe tại Hoàng thành Thăng Long, Thiên đường Bảo Sơn, Cung văn hóa Hữu Nghị, Cung thiếu nhi Hà Nội, Nhà văn hóa Hà Đông.
Đây là những chủ đề không chỉ giúp thính chúng thấm nhuần giáo lý nhiệm màu của Đức Thế tôn, mà còn thấy tự hào vì tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp vào lịch sử và văn hiến của Thăng Long – Hà Nội của Phật giáo, qua đó khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng quyết tâm tu tập và dấn thân hoằng dương Phật pháp. Chỉ có như vậy, mạng mạch Phật pháp trên đất Rồng bay mới được tiếp nối, duy trì và xiển dương, đưa Phật giáo Thăng Long trở lại vị thế xứng đáng như các thế hệ tiền nhân thời Lý, Trần đã làm được.
Ngắm nhìn những cụ già lắng lòng nghe pháp, những cái gật đầu tâm đắc của những nhà trí thức, ánh mắt ngời sáng đầy nhiệt huyết của thanh niên Phật tử, sự tò mò của những người còn xa lạ với Phật pháp, rồi những tràng pháo tay rộn rã hay những phút im lặng giao hòa với vũ trụ hư không, chúng ta không khỏi rung động vì tất cả mọi người đều được mưa pháp thấm nhuần theo những cách khác nhau. Rồi đây, hạt giống thiện lành trong mỗi người, nhờ mưa pháp tưới tẩm sẽ đâm chồi, nảy lộc, nở hoa tâm và nở hoa đời, để thủ đô ngàn năm văn hiến sẽ luôn có một trụ cột vững chắc, đó là đạo đức và văn hóa Phật giáo.
Mong rằng từ Đại lễ này, trên đất Thăng Long – Hà Nội nói riêng, tổ quốc Việt Nam nói chung, chính pháp sẽ luôn được tuyên, không chỉ trong những cuộc đại lễ như vậy, và không chỉ được tuyên bởi chư Tăng Ni, không chỉ trong mỗi ngôi chùa, mỗi đạo tràng, mà trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi Phật tử. Để mưa pháp sẽ luôn phổ rộng và lợi lạc đến muôn người, muôn nhà.
Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo quốc tế thuyết giảng tại Hoàng thành với chủ đề "GHPGVN trong thời hội nhập"
Cung nghênh Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự quang lâm đạo tràng tại Hoàng thành Thăng Long
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn giảng pháp với đề tài "Phật giáo với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội"
Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế – Tài chính Trung ương thuyết pháp với đề tài "Phật giáo với truyền thống hộ quốc an dân"
Cung nghênh Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương quang lâm pháp tòa
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm giảng pháp tại Hoàng thành Thăng Long với đề tài "Vương Triều Lý với Phật giáo"
Mỗi buổi thuyết pháp tại Hoàng thành thu hút từ 3000 – 5000 Phật tử tham dự
Tổng số khoảng 40.000 lượt người đến nghe giảng pháp trong Đại lễ lần này
Thượng tọa Thích Thanh Giác – Phó ban Hoằng pháp Trung ương thuyết pháp với đề tài "Phật giáo với thời đại ngày nay"
Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Phó ban Hoằng pháp Trung ương thuyết pháp tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội với đề tài "Báo đáp tứ trọng ân"
Thính chúng tại Cung văn hóa Hữu nghị
Hòa thượng Thích Thiện Trí – Phó ban Hoằng pháp Trung ương thuyết pháp tại Cung thiếu nhi Hà Nội trước gần 1000 thanh niên Phật tử
TT. Thích Minh Thiện – Phó ban Hoằng pháp Trung ương thuyết pháp tại Hoàng thành Thăng Long
Ảnh tổng hợp từ nhiều nguồn