Trang chủ Văn hóa Du lịch Thắng cảnh Chùa Am Vãi (Bắc Giang)

Thắng cảnh Chùa Am Vãi (Bắc Giang)

67

Cảnh đẹp ở đây sơn thủy hữu tình và được đánh giá là một điểm linh tụ của trời đất. Chùa có cái thế lưng tựa núi, mặt ngoảnh nhìn ra thung lũng rộng mênh mông, nơi có con sông Lục Nam uốn mình như dải lụa.

 

Chùa nằm cách xa khu dân cư, ẩn mình trong một khu rừng thưa. Để lên được Chùa, du khách có thể đi bằng đường núi từ xã Tân Mộc hay có thể đi bằng đường thủy dọc theo các nhánh của con sông Lục Nam đến bến Nam Dương và tiếp tục leo núi vào chùa. Và một con đường mới được mở mà ô tô có thể lên được đến sân chùa đó là đường từ xã Nam Dương.

 

Theo đường này du khách đi chừng khoảng hơn 4 km trên sườn các dãy núi để đến chùa. Tuy đường lên chùa phải qua nhiều đèo dốc song bù lại phong cảnh ở đây rất nên thơ.

 

Từ trên những đỉnh núi du khách có thể thả hồn ngắm cảnh núi non hùng vĩ của dãy Yên Tử và trải dài tầm mắt ngắm nhìn phía thung lũng, xa xa là những ngôi nhà thấp thoáng trong các đồi vải bạt ngàn, những cách đồng phì nhiêu được dòng sông Lục Nam bồi đắp…  

 

 

Tương truyền Chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý và nằm trong hệ thống các chùa tháp được phát triển ở thời Trần dọc theo sườn Đông dãy Yên Tử khi đạo phật ở vào giai đoạn cực thịnh.

 

Truyền thuyết kể lại rằng: Chùa Am Vãi vốn là một cái am nhỏ, có một vị sư trụ trì. Ở đây có một hang tiền và một hang gạo, mỗi ngày hai hang này chỉ chảy ra một lượng tiền và gạo đủ cho vị sư này dùng mà không bao giờ chảy hơn.

 

Đến một ngày vị sư có khách liền khơi cho hang tiền và gạo chảy ra đủ hai người dùng. Từ đó tiền và gạo ở hai hang này không bao giờ chảy ra nữa…Nơi đây cũng từng là chốn tu thiền nhập định của công chúa nhà Trần.

 

Tương truyền lúc bấy giờ chùa được xây dựng quy mô lớn. Bố cục mặt bằng vào thời Lê theo lối nội công, ngoại quốc gồm các tòa như tiền đường, tam bảo, hành lang, nhà tổ, nhà tăng…

 

Song ngôi chùa này đã bị đổ nát, dấu tích của chùa còn lại đến ngày nay là hai ngôi tháp cổ bên trong có bài vị của một nhà sư thuộc thiền phái Trúc Lâm được tấn phong Tỳ Kheo Như Liên hóa thân vào hàng bồ tát đã nhập cõi niết bàn.

 

Xung quanh chùa hiện vẫn còn lưu lại dấu tích của hang tiền, hang gạo, giếng tiên và dấu hai bàn chân tiên trên hai tảng đá( một ở sân chùa và một ở trên đỉnh núi gần chùa)

 

Theo truyền tích, xa xưa có 2 nàng tiên giáng trần xuống dãy núi chùa Am Vãi đánh cờ. Cảnh vật quyến rũ đã khiến 2 nàng ngỡ đang ở trên trời mà quên không về nhà. Ngọc Hoàng tức giận sai Thiên lôi giội sấm sét phá bàn cờ vỡ làm đôi.

 

Trong lúc hoảng hốt bay về trời, nàng tiên đạp mạnh vào phiến đá, tạo thành dấu tích ngày nay.

 

Đến những năm 90 của thế kỷ 20 chùa được nhân dân và chính quyền địa phương phục dựng lại một tòa tam bảo trên nền đất cũ. Hội chùa cũng được người dân trong vùng mở lại vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm và thu hút được đông đảo khách thập phương về dự.

 

Đến chùa Am Vãi du khách không chỉ thoả lòng thành tâm hướng phật, được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi non hùng vĩ, bản làng thơ mộng…thưởng thức dòng nước ngọt ngào tuôn ra quanh năm từ những khe núi, đắm mình trong thiên nhiên cây cỏ ở khu rừng thưa tĩnh lặng phía sau chùa, tạm lánh xa những sô bồ của cuộc sống hiện đại, thư thái tìm về cõi tâm linh…