Trang chủ Đời sống Tháng bảy, ngày rằm

Tháng bảy, ngày rằm

1.

Có 2 ngày tết trong năm, không hiểu sao, đều khiến tôi phải đem cuốn Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng ra đọc. Ấy là dịp tết Đoan Ngọ và tết này tết tháng bảy, ngày rằm xá tội vong nhân. Năm nào cũng thế, gần đến 2 ngày tết đó là đọc lại những trang viết của Vũ Bằng. Rồi năm nào cũng thấy có lẽ chả cần viết gì thêm nữa vì nhiều năm rồi, không thấy ai viết tài hơn Vũ Bằng về cái ngày lễ Vu lan bồn và xá tội vong nhân.

Tôi không biết bây giờ, vào thời buổi bận rộn này, những người sống ở phương Nam, nhất là những người miền Bắc chuyển vào định cư phương Nam có còn chút băn khoăn để "chịu” Vũ Bằng quá tinh tế khi cho rằng: Vào cái tiết rằm tháng 7, khi nghe những câu Chiêu hồn của Nguyễn Du: Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt/ Toát hơi may, lạnh buốt xương khô/ Não người thay, buổi chiều thu/ Hoa lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng… thì phải nghe trong tiết mưa Ngâu dầm dề của miền Bắc mới thấy được toàn vẹn cái hay của nó.

2.

Vậy mà, dù không muốn, hình như năm nào cuối cùng tôi cũng lại viết một bài gì đó vào dịp rằm tháng 7. Nghĩa là cũng giống như cách ông Vũ Bằng kể rằng năm nào cũng phải nghe người vợ hiền kể câu chuyện Mục Liên tức là sự tích tết Vu lan. Cũng một câu chuyện ấy mà năm nào cũng kể thì dù câu chuyện có hay cũng sinh ra chán ngắt: "Bây giờ ngồi nghĩ lại thì mới thấy tội nghiệp cho vợ mình: cứ mỗi năm đến lễ ấy thì lại kể lại cho chồng nghe sự tích lễ ấy”.

Chuyện rằng:

"Mục Liên là một trong mười đệ tử tiêu biểu của Đức Phật. Tuy nhiên, mẹ ngài là bà Thanh Đề vì khi sống điêu ngoa, gian ác nên bị đày xuống ngục A Tỳ. Mục Liên lặn lội tìm cho tới ngục A Tỳ gặp mẹ. Nơi đây bà mẹ chịu trăm ngàn thứ cực hình, không sao chịu nổi. Thấy con, bà mẹ khóc lóc nhờ con tìm cách cho bà ra khỏi ngục. Mẹ Mục Liên vì đói khát lâu ngày nên giật vội bát cơm Mục Liên dâng lên để ăn. Tay trái bưng bát, tay phải bốc cơm nhưng chưa vào đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa. Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch chuyện với Ðức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật cho Mục Liên biết phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi cho mới được. ÐĐúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện”.

Dựa vào tích ấy, ngày rằm tháng 7 trở thành ngày báo hiếu – tết Vu Lan.

3.

Tôi không muốn gọi rằm tháng 7 là lễ Vu lan, cũng không muốn gọi là ngày xá tội vong nhân, bởi vì gọi cách nào thì cũng là chưa đầy đủ. Lễ Vu lan và lễ cúng xá tội vong nhân là 2 lễ cúng khác nhau. Dân gian tài tình ghép 2 lễ cúng khác nhau trong cùng một ngày. Một bên là để cầu siêu cho cha mẹ và tổ tiên, một bên là để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng. Một lễ báo hiếu, một lễ là để làm phúc.

Về lễ cúng cô hồn, tức là lễ cúng xá tội vong nhân lại có hẳn một tích chuyện khác có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan ÐĐà, với một con quỷ miệng lửa…

Có những ý kiến cho rằng, ngày nay, không ít người nhầm lẫn về ngày rằm tháng 7 khi hiểu Vu lan cũng có nghĩa là xá tội vong nhân. Nhưng lễ gì thì lễ, vẫn phải công nhận rằng 2 lễ cúng trong cùng một ngày rằm là sự tài tình trong quan niệm của dân gian. Bởi vì người Việt mình lập đàn cúng báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên để mong các linh hồn siêu thoát, giả sử lúc sống còn chưa được vẹn toàn thì cũng nhờ con cháu kêu cầu mà không bị sa vào địa ngục. Nhưng vào ngày rằm tháng 7 người Việt còn cúng những cô hồn vất vưởng, phảng phất đâu đó như trong bài Văn tế thập loại chúng sinh của cụ Nguyễn Du. Nghĩa là chỉ riêng tập tục của ngày rằm tháng 7 cũng có thể thấy được cả quan niệm sống của dân gian: Người chết đâu có hết cũng như không chỉ người sống khổ mà người chết cũng khổ. Cho nên phải cúng để người chết đỡ/ hoặc hết khổ.

Từ cách đây đến hơn nửa thế kỉ, khi viết Thương nhớ mười hai, nhà văn Vũ Bằng đã tự tin "kết luận”, với cách người Việt cúng rằm tháng 7, nghĩa là người Việt muốn cả người chết cũng phải được sung sướng thì "đó là cách tuyên truyền hùng hồn nhất để tỏ cho cả trần hoàn này biết là ở Việt Nam, cả người sống và người chết đều sung sướng”.
 
 
Những lời nguyện cầu thành kính trong ngày rằm tháng bảy
 

4.

Nghĩ về ngày tết độc đáo của dân tộc lại không khỏi không phiền lòng về sự suy diễn của thời hiện đại cho ngày rằm tháng 7. Những sự xa xỉ và phô diễn quá mức ngày nay đã dẫn đến sự lãng phí vô cùng. Hàng tấn vàng mã đốt thành tro. Nếu người xưa tri ân, tưởng nhớ ông bà tổ tiên còn nhớ tới cả các cô hồn thì ngày nay, sự lãng phí tiền bạc, vật chất của xã hội của những người giàu liệu có phải là để làm điều tốt đẹp cho người thân của mình không khi mà còn hàng triệu người nghèo cần được giúp đỡ.

Thật hài hước khi nghe nói năm nay, người ta đốt không chỉ nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, ti vi, xe máy… mà còn đốt cả "ô sin” gửi cho người đã mất. Rồi không biết đồ vàng mã sẽ còn phát triển tới mức nào nữa.

Tính thực dụng của đời sống từ lâu đã làm dung tục hóa tín ngưỡng. Cháo hoa, bỏng bộp, chè lam, gạo, muối… những món thức đơn sơ của dân gian chứa đựng cả một nền tảng văn hóa ngàn đời. Đâu phải mâm cao cỗ đầy hay vàng mã đắt tiền mới là người có hiếu.

Hiếu thảo bắt nguồn từ yêu thương, từ tấm lòng thành thực.

5.

Tháng 7, ngày rằm. Hà Nội bắt đầu bảng lảng hương thu. Lại vẫn phải nhớ câu văn Vũ Bằng: "Nếu ngày rằm tháng bảy mà không lễ các cô hồn thì là một cái tội không thể tha thứ được trước những người đã khuất, nhất là những u hồn lang thang khe suối gốc cây, vất vưởng nơi cầu sương điếm cỏ”.

Hiểu như vậy, thì không cần đốt nhiều vàng mã!